Bài dự thi: Hình ảnh cổ động viên Anh – một "vết nhơ" khó quên

Không phải đến thời điểm sau trận chung kết giữa Anh và Italy tại EURO 2020, người hâm mộ mới biết đến những hành vi “đáng xấu hổ” của nhiều cổ động viên bóng đá Anh. Từ nhiều thập niên trở lại đây, CĐV Anh đã nổi danh với những “hooligan” vốn gây ra sự ngán ngẩm và lo lắng đối với bất kỳ ban tổ chức nào. Tại EURO 2020, hình ảnh của CĐV Anh lại càng mất điểm hơn trong mắt người hâm mộ bóng đá thế giới với nhiều hành vi được cho là “xấu xí”.

Fan nhí tuyển Đức bị CĐV Anh chế giễu


Hai bàn thắng của Raheem Sterling (75’) và Harry Kane (86’) đã giúp đội tuyển Anh đánh bại Đức với tỉ số 2-0 tại Wembley, giành vé vào tứ kết EURO 2020. Đây là lần đầu tiên họ thắng Đức ở vòng knock-out sau 55 năm, kể từ chiến thắng ở trận chung kết World Cup 1966. Chiến thắng này cực kỳ ý nghĩa với người Anh, chính vì thế mà các cổ động viên Anh đã phấn khích hơi quá đà dẫn đến hành vi “xấu xí” của họ đối với một fan girl nhí của tuyển Đức.
 
Ở phút 90+2, máy quay hướng lên khu vực khán đài của CĐV Đức và ghi lại khoảnh khắc một bé gái đang òa khóc trong vòng tay bố khi chứng kiến thầy trò HLV Joachim Löw đối diện thất bại. Hình ảnh ấy nhanh chóng lọt vào ống kính của máy quay và xuất hiện trên màn hình lớn của sân Wembley. Ngay sau đó, tiếng reo hò của các cổ động viên Anh trên khán đài sân Wembley vang lên rần rần ngày một lớn. Một bé gái chỉ mới 7 tuổi đã phải chịu sự chế giễu của gần 40.000 người quả là một cảnh tượng không mấy gì đẹp đẽ tại Wembley.
Fan nhí tuyển Đức bị CĐV Anh chế giễu

Fan nhí tuyển Đức bị CĐV Anh chế giễu

Nhưng những gì diễn ra trên mạng xã hội Twitter còn khủng khiếp hơn thế. Ngay sau chiến thắng đáng nhớ của “Tam Sư” trước “cỗ xe tăng” Đức tại vòng 1/8 EURO 2020, nhiều người hâm mộ quá khích của đội tuyển Anh đăng tải các bài viết thể hiện sự chế nhạo trước hình ảnh cô bé cổ động viên tuyển Đức khóc nức trên khán đài. Nhiều bài viết thậm chí còn chứa ngôn từ thô tục, chửi bới nhắm vào cổ động viên nhí cũng như người hâm mộ Đức: “Những giọt nước mắt của nhóc người Đức đó làm cho buổi tối của tôi thật tuyệt vời”, “Khóc đi, khóc nữa đi cô bé” là những bài đăng khiến nhiều người phẫn nộ.
 

“La ó” khi Đan Mạch hát Quốc ca, chiếu laser vào mắt thủ môn Kasper Schmeichel

 
Chiến thắng 2-1 của Đội tuyển Anh trước “những chú lính chì” đưa Anh đến vòng của bốn đội mạnh nhất EURO 2020. Nhưng giá mà chiến thắng ấy không bị những hành vi xấu xí như “la ó” trong khi Quốc ca đội bạn được cất lên, chiếu laser vào mặt thủ môn Kasper Schmeichel trong thời khắc cực kỳ quan trọng có thể ảnh hưởng đến kết quả của trận đấu, đốt pháo sáng trên khán đài tại sân Wembley,… thì sẽ hoàn hảo hơn biết nhường nào.
 
Cổ động viên Tam Sư đã la ó, gây rối khi Quốc ca Đan Mạch vang lên. Khốn khổ đến nỗi, các nhân vật nổi tiếng của bóng đá Anh, từ bình luận viên Gary Neville, Gary Lineker đến cựu danh thủ Alan Shearer còn phải lên tiếng “cầu xin” người hâm mộ Anh đừng la ó khi Quốc ca Italia được cất lên ở trận chung kết. Đó chưa phải là hành động xấu xí duy nhất của fan ĐT Anh bên trong sân Wembley.
 
Thủ thành Schmeichel bị chiếu tia laser vào mắt khi chuẩn bị bắt phạt đền

Thủ thành Schmeichel bị chiếu tia laser vào mắt khi chuẩn bị bắt phạt đền

Một cổ động viên của tuyển Anh đã có hành động chiếu đèn laser vào mặt thủ môn Kasper Schmeichel (Đan Mạch) trước thời điểm Harry Kane thực hiện quả phạt đền ấn định thắng lợi 2-1 cho tuyển Anh. Theo tiết lộ của thủ môn Kasper Schmeichel, anh không chỉ bị chiếu đèn một lần, mà đã báo với trọng tài là anh bị chiếu đèn từ trong hiệp 2, thế nhưng hành động này vẫn lặp lại ở hiệp phụ.
 
Khoản phạt 30 000 EURO mà FA (Football Association) phải gánh chịu trước UEFA do cổ động viên của mình gây ra chắc chắn không thể rửa sạch được ấn tượng không tốt về những hành động thô lỗ, thiếu tôn trọng và thiếu đẳng cấp của “hooligan” Anh.
 

Fan Đan Mạch bị hành hung 

 
Bên ngoài sân, người Anh cũng xử sự thật thiếu văn minh. Tờ London Evening Standard tiết lộ, một gia đình người Đan Mạch – gia đình nhà Greene đã bị các fan Anh quá khích tấn công trên đường họ di chuyển về nhà sau khi trận bán kết giữa Anh và Đan Mạch kết thúc. Cụ thể, khoảng 40 tên côn đồ nhắm vào gia đình bà Eva Greene (43 tuổi) cùng chồng Lane và con trai Henry (9 tuổi). Ông Lane bị đánh liên tục vào bụng và đầu, bà cùng với cậu con trai đã phải chạy lên phía trên đầu xe bus để mong mỏi sự giúp đỡ của những người có mặt trên xe. Theo chia sẻ của bà Eva, lý do mà gia đình bà bị hành hung là vì đám đông kia phát hiện họ mặc những chiếc áo cổ vũ ĐT Đan Mạch nên đã lao đến xe bus yêu cầu tài xế dừng xe rồi lao lên hành hung ông Lane chồng bà. 
 
Jeanette – một fan nữ của tuyển Đan Mạch chia sẻ trên tờ The Guardian: “Một nhóm gồm 6 hoặc 7 hooligan ở độ tuổi từ 20 đến 40 bắt đầu cố gắng giằng lấy quốc kỳ Đan Mạch trên vai tôi. Tôi quát lên và thế là chúng lao vào hành hung, giật tóc. Tôi không tin nổi điều gì đang xảy ra. Nó thật đáng sợ”. Nhóm quá khích trên còn quay sang tấn công những người anh em họ của cô gái này. Chắc hẳn, đó quả thực là một trải nghiệm kinh hoàng với người hâm mộ bóng đá Đan Mạch.
 

Ăn mừng điên cuồng, quậy phá, đánh nhau như “cao thủ MMA”

 
Theo tường thuật của báo chí Anh, sau khi “Tam Sư” lần đầu tiên trong lịch sử góp mặt ở chung kết một kỳ EURO, cảnh tượng hỗn loạn đã nổ ra ở khắp thành phố London, những người hâm mộ xứ sở sương mù “quậy phá” tưng bừng, họ còn đánh nhau với những chiêu thức y hệt “cao thủ MMA” (Mixed Martial Arts). Họ leo lên đầu một chiếc xe buýt màu đỏ hai tầng để phất cờ, nhảy múa, leo lên cột đèn giao thông và ngồi trên các hộp điện thoại. Thậm chí, một đám động thanh niên người Anh đã tiến đến gây gổ với các cảnh sát giữ gìn trật tự trên đường. 
 

“Khủng bố” tuyển Italy trước trận chung kết

 
Trước khi bước vào trận chung kết lịch sử, thầy trò HLV Roberto Mancini đã phải chịu sức ép lớn từ các cổ động viên quá khích của nước chủ nhà. Theo Daily Mail, một nhóm cổ động viên quá khích Anh đã tới khách sạn nơi tuyển Italy nghỉ ngơi tại London để “khủng bố” bằng pháo sáng nhằm gây áp lực tâm lý cho Azzurri trước khi đối đầu với Anh tại Wembley.
 

Ẩu đả dữ dội vì không có vé xem trận chung kết

 
Tình trạng xô xát, bạo lực, một khung cảnh hỗn loạn tại Wembley đã xảy ra trước trận đấu do dòng người đi xem trận chung kết EURO quá lớn, BTC không đủ vé cho tất cả, ước tính có hàng trăm nghìn CĐV đổ về Wembley. Một cổ động viên nam còn bị thương nặng ở mũi sau màn chen chúc đó. 
 
Mặc dù các nhân viên an ninh đã lập hàng rào, chốt chặn tại các điểm vòng ngoài Wembley để ngăn chặn hiện tượng trốn vé nhưng những người ủng hộ tuyển Anh vẫn tiếp tục chen lấn vượt các chướng ngại vật trong khi cảnh sát cố gắng ngăn chặn một cách tuyệt vọng. Nhiều fan không vé vẫn vào được, chiếm chỗ của những người có vé và ngồi đầy cả ở các bậc thang. 
 
Trong sân, trận chung kết giữa Anh và Italy cũng bị ngắt quãng một lúc bởi tình huống một cổ động viên cởi trần bỗng nhiên lao xuống sân và chạy phăm phăm không hiểu định làm gì. Sự việc kéo dài đến gần một phút thì “kẻ xâm nhập” đó mới bị nhân viên an ninh bắt lại.
Cảnh sát được bố trí giữ lại đám đông sau khi rào cản bị phá vỡ
Cảnh sát được bố trí giữ lại đám đông sau khi rào cản bị phá vỡ

Hành hung CĐV Italia sau thất bại của ĐT Anh

 
Kể từ sau World Cup 1966 đến nay, Anh vẫn chưa lên ngôi vô địch tại bất cứ giải đấu lớn nào, giấc mơ có được một danh hiệu sau 55 năm chờ đợi một lần nữa lại sụp đổ trước Italy khiến cơn thất vọng lên đến cùng cực. Chính vì thế, một số fan quá khích Anh trút giận lên các cổ động viên mặc áo đội tuyển Italy bằng cách chửi bới, loạn đả, vây đánh hội đồng. Nhiều clip và hình ảnh còn cho thấy cờ nước Italy bị giẫm đạp không thương tiếc. Một CĐV Italy tháo chạy thục mạng bị ngáng chân té, ngay lập tức anh phải nhận đòn thù của các “hooligan” chủ nhà quá khích.

Một London “hỗn loạn”

 
Hàng nghìn cổ động viên quá khích Anh tràn xuống đường gây mất an ninh trật tự sau thất bại của HLV Gareth Southgate cùng các học trò. Cảnh sát chống bạo động có mặt dọc các đường phố London khi đám đông cố gắng tràn vào khu vực dành cho người hâm mộ ở Quảng trường Trafalgar mà không cần vé. Hàng trăm người Anh đứng phía trước Phòng trưng bày Quốc gia, một cổ động viên trèo lên cột, rác thải tràn ngập trên phố gần St Martin-in the-Fields ở Quảng trường Trafalgar. Ở những nơi khác như Quảng trường Leicester và giao lộ Piccadilly Circus, fan bóng đá leo lên đèn đường và đốt pháo sáng.
 

Nạn phân biệt chủng tộc sau trận chung kết

 
Các hành vi bạo lực nhằm vào người da màu và các nhóm thiểu số khác gia tăng nhanh chóng sau khi tuyển Anh để thua Italy trong trận chung kết EURO 2020. Nạn nhân của các nhóm hooligan chuyển sang các nhóm thiểu số, nhập cư và người da màu. Một video được quay tại sân ga gần sân Wembley đã ghi lại cảnh các CĐV da trắng đánh đập dã man một người được cho là nhập cư. Xung quanh có rất đông người nhưng một số sau khi phát hiện vụ việc thậm chí còn lao vào hùa theo, đánh đập người đàn ông vô tội. Động cơ của hành động này được cho là vì đã có 3 cầu thủ da màu đá hỏng trong loạt sút luân lưu dẫn đến thất bại của tuyển Anh. Bộ ba Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka đều không thành công trong loạt sút luân lưu 11m trước Italy. Hy vọng giành chức vô địch trên sân nhà Wembley của Anh đã chấm dứt. 
Trên mạng xã hội không lâu sau đó còn xuất hiện những lời lẽ xúc phạm, phân biệt chủng tộc nhằm nhắm đến bộ ba này, đặc biệt là Bukayo Saka, người đã sút hỏng quả luân lưu quyết định. Cầu thủ trẻ 19 tuổi Bukayo Saka đã phải nhận những lời lẽ sỉ nhục đầy cay nghiệt, bị miệt thị nặng nề khi bỏ lỡ quả penalty thứ 5 quyết định. Nhiều tài khoản tràn vào Instagram của anh bình luận với nội dung phân biệt chủng tộc. Trong một bài đăng, cầu thủ trẻ Arsenal bị cổ động viên quá khích đuổi khỏi Anh: “Hãy ra khỏi đất nước chúng tôi”, “Biến về Nigeria đi!”.
 
Với hàng loạt hành động tồi tệ kể trên, cổ động viên Anh trở thành “vết nhơ” của vòng chung kết EURO 2020 mà lẽ ra đây được đánh giá là trận cầu hấp dẫn bậc nhất lịch sử. Hình ảnh giải Ngoại hạng Anh xây dựng về một nền bóng đá văn minh và hấp dẫn bao năm nay, Đội tuyển Anh lần đầu tiên tiến đến trận chung kết một kỳ EURO, tất cả công sức đó có lẽ đổ sông đổ biển chỉ sau một tháng ở EURO 2020 chỉ vì những hành vi “gây rối” của các CĐV khiến hình tượng của họ ngày càng xấu đi trong mắt các fan trung lập, làm méo mó đi thành tích tuyệt vời của tuyển Anh đã đạt được, ảnh hưởng đến uy tín của nền bóng đá Anh. Ngoài ra, cơ hội đăng cai của tuyển Anh ở vòng chung kết World Cup 2030 chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những gì xảy ra tại sân Wembley. 
 
Tác giả dự thi: Anh Thư 
                                           
Bài dự thi nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Cảm xúc Euro 2020" do Bongda24h.vn tổ chức với nhiều phần thưởng hấp dẫn. Bạn đọc gửi bài tham dự về email: . Chi tiết thể lệ cuộc thi xem TẠI ĐÂY!

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Trong một tập san học thuật vào năm 1986 của trường đại học British Columbia, Canada, Ian Franks và Gary Miller đã kiểm tra các huấn luyện viên mới vào nghề về khả năng nhớ lại những khoảnh khắc quan trọng trong một hiệp đấu của một trận bóng đá quốc tế. Trung bình, chỉ có 42% đối tượng được test ghi nhớ chính xác chúng. Các nghiên cứu tiếp theo đã càng củng cố cho phát hiện này.

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho Làn gió đổi thay Tây Ban Nha - De La Fuente

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho "Làn gió đổi thay" Tây Ban Nha - De La Fuente

Tây Ban Nha đã vô địch Euro 2024, trở thành đội đầu tiên 4 lần đăng quang châu Âu. Tiền vệ Rodri nhận giải Quả bóng Vàng VCK - một sự thừa nhận quan trọng đối với 1 trong những tiền vệ trung tâm giỏi nhất của thời đại này. Sao mai 17 tuổi Lamine Yamal tất nhiên cũng hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất.

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Euro 2024 là sân khấu trình diễn tài năng của Lamine Yamal và Nico Williams – những màn trình diễn rực sáng của hai chàng trai có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ này tại đây sẽ thay đổi cuộc đời họ mãi mãi. Là lời tái khẳng định đẳng cấp của Rodri, một ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua Quả Bóng Vàng. Nhưng trên hết, đây là thành tựu của đội bóng toàn diện nhất cuộc chơi.