Bài dự thi: Mùa Euro năm ấy

Lại một mùa Euro nữa lại đến – cho dù muộn hơn thông lệ. Một sự trùng lặp đó lại là mùa mưa bão. Vừa xem xong trận Việt Nam – Malaysia, tôi nằm nán lại trên võng chờ trận khai mạc Euro 2000.

 
Bên ngoài mưa bắt đầu rơi rỉ rả, tiếng ếch nhái bên ngoài tự nhiên vang lên như tiếng kèn thắng trận của đội Việt Nam đứng trước cơ hội làm nên lịch sử. Chợt ngước lên bàn thờ, hình ảnh người cha như chăm chăm nhìn vào chiếc tivi LED 40 inch lòng tôi như thắt lại. Phải chi cha còn sống giờ chắc cũng đang cùng tôi chờ trận khai mạc và cùng nhau bình luận rôm rả.

Cha tôi vốn là một cầu thủ nghiệp dư trước đây từng đá cho đội bóng của xã nên rất hâm mộ bóng đá. Ông rất thích các đội bóng châu Âu nên xem Euro là dịp thuận lợi để  “coi giò” đầy đủ các danh thủ mình hâm mộ. Thật ra, nếu ai là tín đồ của túc cầu giáo đều tán đồng quan điểm này. Ngày thường các giải vô địch quốc gia châu Âu luôn thu hút sự theo dõi người hâm mộ hơn là ở những châu lục khác. Cha thường nói: “Xem một trận bóng đá mà biết nhiều tên tuổi của danh thủ mình yêu thích thường hấp dẫn dẫn hơn”. 

Ngay từ nhỏ, cha đã chỉ cho tôi biết thế nào là phạm lỗi 12, việt vị ra sao? Tại sao phải phạt đền… rồi những thủ thuật trong khi dẫn bóng tôi cũng được biết qua. Ngày ấy xã tôi không có những sân bóng mini với cỏ xanh mượt như bây giờ. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa xong, ruộng ai chưa sạ liền trở thành sân vận động để mỗi chiều anh em tôi và nhóm trẻ trong xóm tha hồ đá bóng thỏa thích. Cứ coi trên tivi biết tên danh thủ nào là chiều hôm đó, đám trẻ con chúng tôi có tên đó. Chẳng hạn như thằng Minh tự nhận mình là Platini, thằng Tài có cái chân phải khéo léo, sút chéo hay thì gọi nó là Tài Van Basten, còn thằng Hùng chụp bóng giỏi thì gọi  nó là Dasayev… Cứ thế, “đội tuyển của châu Âu” chiều nào cũng xuất hiện từ những mảnh ruộng này.

Có hôm hai anh em mê đá bóng mà quên luôn cơm chiều, về nhà trễ, làm cho mẹ tôi và chị hai luôn miệng cằn nhằn. Không giống như những danh thủ trong nước thường không thích con cái mình đi theo nghiệp “quần đùi, áo số”, cha tôi khuyến khích con cái đá bóng. “Nếu không làm cầu thủ thì cũng rèn luyện sức khỏe, tính nhanh nhẹn thậm chí cả nhân cách con người chứ có mất mát gì đâu!” – ông thường nói như thế. Ngày một lớn lên, tôi càng thấu hiểu thêm câu hỏi đầy ý nghĩ ấy. Bóng đá cũng giống như cuộc đời, một cuộc đời của những đam mê, một đời của những cố gắng đến phút cuối cùng. Và những gì tốt đẹp nhất luôn đến với những ai dám ước mơ và nỗ lực với nó đến tận cùng. 
 
Ngày trước nhà tôi nghèo lắm chỉ với 2 công ruộng nhưng nuôi 6 miệng ăn. Ngoài thời gian làm ruộng, cha tôi tranh thủ đi làm thợ hồ để có thêm tiền cho 4 anh em tôi ăn học. Mỗi kỳ Euro đến, cha, tôi và thằng Lâm - em tôi sang nhà Bác Sáu coi tivi ké.  Bác Sáu cũng là người mê bóng đá, vui tính nên không riêng gì ba cha con tôi mà rất đông đảo “cầu thủ” trong xóm có mặt để vừa xem, vừa bình luận bóng đá. Không khí xem Euro trong xóm lúc đó thật xôm tụ. Thông thường mỗi khi xem, cha tôi thường phân tích những pha bóng hay, lý giải những trường hợp mà nhóm thanh niên trong xóm tranh cãi về việc phạm lỗi trong vòng cấm, chỉ ra các pha vào bóng ác ý… làm ai cũng gật gù, phục lăn. Kể từ Euro 2000, bà Tám – mẹ Bác Sáu – lâm bệnh nặng nên ai cũng ngại, không đến nhà Bác Sáu xem nữa. Cha tôi buồn lắm, ít nói hẳn, cứ ước ao sắm được cái tivi để được coi thỏa thích. Anh em chúng tôi chỉ biết nghe tụi bạn học kể lại những trận bóng hấp dẫn trên tivi mà chúng xem.
 
Đến Euro 2004, điều ước trở thành hiện thực sau hơn một năm tăng ca bốc vác ở nhà máy xay xát. Ngày cha ôm chiếc tivi 21 inch về mấy chị em tôi mừng rơi nước mắt. Tôi biết đó chính là kết quả của những giọt mồ hôi của cha sau bao đêm thức trắng để cho chị em tôi được ngủ ngon, được học hành đến nơi đến chốn và để không mặc cảm với bạn bè. Mùa Euro năm đó, ba cha con hào hứng biết chừng nào. Những đêm thức khuya, xem đá bóng, hò hét thật là thích. Niềm vui sau của những đêm xem Euro làm cho ba cha con không bao giờ cảm giác mỏi mệt sau một đêm gần như thức trắng. Chỉ tội mẹ, chị hai và con út, những người không mê đá bóng bao giờ, phải chịu cái cảnh mỗi tối “ồn ào” quá lố của ba cha con. 
Các cầu thủ Tây Ban Nha ăn mừng chức vô địch Euro 2008 tại Madrid
Các cầu thủ Tây Ban Nha ăn mừng chức vô địch Euro 2008 tại Madrid

Mùa giải 2008 là kỳ Euro cuối cùng anh em tôi được xem bóng đá cùng cha. Tôi còn nhớ: khi còn hơn 2 giờ nữa tới trận chung kết, trời đổ mưa. Cha tôi giật mình: “Chết rồi, mới sạ lúa mưa này ngập hết. Thôi hai đứa tranh thủ ngủ chờ tới trận chung kết rồi xem, để cha ra ngoài ruộng mở miệng cống”. Tôi đứng lên ngăn lại vì mấy hôm nay cha bị cảm nhưng ông đã nhanh hơn mặc vội chiếc áo mưa và cầm chiếc nón lá bước ra cửa. Chợt ông ngoái lại dặn tôi “Thằng Ba ráng học bài kỹ để còn thi đại học nữa đó”.

Trận chung kết qua được 15 phút, cha tôi bỗng xuất hiện ngay trước cửa, mình sủng nước nhưng hỏi ngay: “Có tỉ số chưa mấy đứa?”. Chưa kịp đợi câu trả lời của anh em tôi, ông vội vào nhà tắm thay quần áo kèm theo những tiếng ho khô khốc. Ngồi xem suốt trận chung kết mà tâm trạng tôi hôm ấy luôn có cảm thấy lo lo khi nhìn cha nay gầy gò lâu lâu lại ho vài tiếng, vầng trán cao, rộng, tròn giờ xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn trước. Vậy mà đôi mắt vẫn sáng lên khi trên màn hình xuất hiện bàn thắng của Torres hay những pha đi bóng đẹp của Iniesta sau đó. Khi Tây Ban Nha vô địch cha tôi mừng ra mặt. Ông nói: “Trước nay người ta thường ví Tây Ban Nha là vua vòng loại nhưng cuối cùng cũng vô địch xứng đáng. Đây là thành quả của biết bao năm khổ luyện. Giống như trong cuộc sống vậy, nếu có ước mơ, có quyết tâm cùng sự cần cù, siêng chắc chắn thành công sẽ đến. Con thi kỳ này nếu không đạt thì phải học như Tây Ban Nha vậy”. Sau cái đêm hôm đó cha tôi lâm trọng bệnh vài tháng sau thì mất mà theo lời các bác sĩ do sức đề kháng cơ thể yếu, lại kiệt sức. 
 
Hôm nay, ngồi trước màn hình chờ trọng tài thổi còi khai cuộc, chợt nhớ tới cha, tôi đốt nén hương trước bàn thờ thầm khấn “Mời cha về xem một kỳ Euro rất đặc biệt cùng chúng con”.
 
Tác giả dự thi: LÊ QUANG HUY
(Giáo viên Trường THCS Trừ Văn Thố, thị xã Cai Lậy, TIỀN GIANG)
                                          
Bài dự thi nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Cảm xúc Euro 2020" do Bongda24h.vn tổ chức với rất nhiều phần thưởng hấp dẫn. Bạn đọc gửi bài tham dự về email: . Chi tiết thể lệ cuộc thi xem TẠI ĐÂY!

Bài dự thi: Liều thuốc của sự hồi sinhBài dự thi: Liều thuốc của sự hồi sinh
Như vậy là trái bóng Uniforia đã lăn và đôi chân của linh vật Skillzy đã nhịp bước trên sân vận động Stadio Olimpico ở thủ đô Rome, chính thức đánh dấu cho một...

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Những xu hướng chiến thuật nào đã thịnh hành tại EURO 2024?

Trong một tập san học thuật vào năm 1986 của trường đại học British Columbia, Canada, Ian Franks và Gary Miller đã kiểm tra các huấn luyện viên mới vào nghề về khả năng nhớ lại những khoảnh khắc quan trọng trong một hiệp đấu của một trận bóng đá quốc tế. Trung bình, chỉ có 42% đối tượng được test ghi nhớ chính xác chúng. Các nghiên cứu tiếp theo đã càng củng cố cho phát hiện này.

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho Làn gió đổi thay Tây Ban Nha - De La Fuente

Fabian Ruiz: Đại diện tiêu biểu cho "Làn gió đổi thay" Tây Ban Nha - De La Fuente

Tây Ban Nha đã vô địch Euro 2024, trở thành đội đầu tiên 4 lần đăng quang châu Âu. Tiền vệ Rodri nhận giải Quả bóng Vàng VCK - một sự thừa nhận quan trọng đối với 1 trong những tiền vệ trung tâm giỏi nhất của thời đại này. Sao mai 17 tuổi Lamine Yamal tất nhiên cũng hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất.

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Câu chuyện toàn cảnh phía sau hành trình vô địch Euro 2024 của Tây Ban Nha

Euro 2024 là sân khấu trình diễn tài năng của Lamine Yamal và Nico Williams – những màn trình diễn rực sáng của hai chàng trai có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ này tại đây sẽ thay đổi cuộc đời họ mãi mãi. Là lời tái khẳng định đẳng cấp của Rodri, một ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua Quả Bóng Vàng. Nhưng trên hết, đây là thành tựu của đội bóng toàn diện nhất cuộc chơi.