TTCN mùa đông đã chính thức mở cửa trở lại vào ngày 2/1 vừa qua và sẽ kéo dài trong vòng 1 tháng. Đây được coi là dịp để các đội bóng ở Châu Âu bổ sung, thanh lọc lực lượng để chuẩn bị cho giai đoạn lượt về của mùa giải.
Thế nhưng hơn 2 tuần đã trôi qua và mọi thứ vẫn hết sức ảm đạm, ngay cả tại Premier League – giải đấu luôn được đánh giá là bạo chi nhất trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu Châu Âu. Vậy đâu là nguyên nhân và liệu có hay không một “mùa đông không lạnh” ?
“Man Utd sẵn sàng phá két vì Jadon Sancho ”, “Liverpool quyết chi đậm để vá hàng thủ”, “Arsenal vẫn theo sát thương vụ Julian Brandt”,và còn rất nhiều tin tức nữa đã và đang được cập nhật trên các phương tiện truyền thông từng phút, từng giờ.
Nhưng chẳng có bất cứ đội bóng nào lên tiếng xác nhận những nguồn tin này. Chỉ biết rằng nó vẫn cứ ngày ngày xuất hiện trên các trang mạng điện tử và trở thành chủ đề nóng với các tín đồ túc cầu giáo. Người trong ngành gọi đó là “Vapour Transfer”.
Đó là thuật ngữ tiếng Anh tạm dịch là “chuyển nhượng hơi nước”, tức là những tin đồn chuyển nhượng không có tính xác thực, không rõ căn cứ và đa phần là do con người tự tạo nên để phục vụ cho những mục đích khác nhau. Nói chính xác hơn, đó chẳng khác gì lời bịa đặt được viết ra. Có chăng chỉ khác một điều là chẳng ai “đánh thuế” cũng như chịu hậu quả vì điều đó bởi lẽ tự do ngôn luận là quyền của mỗi người và nhất là của báo chí.
Khi đọc được những tin kiểu vậy, các nhiều CĐV vừa mừng vừa lo. Mừng vì có thể đội bóng họ yêu thích sắp có thêm cầu thủ chất lượng. Buồn vì viễn cảnh chia tay trụ cột đang sắp đến gần. Những câu chuyện bàn tán, những cảm xúc trái chiều đang dần xuất hiện, chiếm sóng, để mở đường cho kỳ chuyển nhượng mùa đông 2021. Không ai biết điều gì sẽ xảy đến trong ngày mai, có lẽ vì thế mà nó trở nên thú vị. Tuy nhiên cũng phải nhớ rằng tháng 1 chưa bao giờ là thời điểm ưa thích khiến những ông lớn ở Châu Âu bạo chi bổ sung lực lượng.
Chẳng nói đâu xa, mới năm ngoái thôi, sự ảm đạm trên TTCN mùa đông là điều mà chúng ta có thể thấy rõ. Chỉ có tổng cộng 230 triệu bảng được chi ra tại Premier League, mà trong đó thương vụ Bruno Fernandes chuyển từ Sporting Lisbon đến Manchester United với mức giá 55 triệu bảng chính là bản hợp đồng giá trị nhất trong cả kỳ chuyển nhượng. Đứng phía sau là hai tân binh Steven Bergwijn của Tottenham (27 triệu bảng) và Sander Berge của Sheffield United (20 triệu bảng). Không hề có sự bổ sung bom tấn đáng kể nào đến từ các thành viên còn lại của nhóm “Big Six” như Liverpool cùng Arsenal, hay đại gia Manchester City. Tất nhiên Chelsea không có tên trong danh sách này bởi lẽ The Blues khi ấy còn đang chịu án cấm chuyển nhượng của FIFA.
Ngược dòng lịch sử một chút, trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngoại trừ mùa đông 2018, các đội bóng xứ sở sương mù khi ấy bạo chi tổng cộng 430 triệu bảng để đón tân binh, thì trong khoảng thời gian còn lại, không nhiều các thương vụ bom tấn được nhắc đến. Theo số liệu từ công ty kiểm toán Deloitte cung cấp, trung bình chỉ khoảng 190 triệu bảng được đổ vào TTCN mùa đông mỗi mùa, trong khi mức chi tiêu ở TTCN mùa hè lên đến 890 triệu bảng/mỗi mùa.
Số liệu chuyển nhượng tại Premier League qua các năm do công ty kiểm toán Deloitte cung cấp.
Rất nhiều tin đồn chuyển nhượng được báo chí và truyền thông liệt kê ra nhưng chỉ cực ít trong số ấy trở thành hiện thực. Một ví dụ điển hình nhất, Arsenal tầm này năm ngoái còn đang loay hoay với mớ bòng bong mà Unai Emery để lại. Mikel Arteta khi ấy mới lên tiếp quản Pháo thủ và cũng được đồn đoán sẽ đưa về một vài cái tên chất lượng trong tháng 1/2020 như Adrien Rabiot, Dries Mertens hay Kevin Volland. Tuy nhiên chẳng có bất cứ cái tên nào kể trên cập bến Emirates cả. Tân binh duy nhất mà vị thuyền trưởng trẻ tuổi người Tây Ban Nha mang về chỉ là hậu vệ Cedric Soares, nhưng cũng chỉ đến theo dạng cho mượn từ Southampton. Rõ ràng chẳng quá khó để giải thích về vấn đề tưởng chừng đã cũ nhưng lại mới với không ít người này.
Thứ nhất, báo chí và truyền thông đã tận dụng lòng háo hức của người hâm mộ để câu kéo sự quan tâm như một cách “làm giàu” nguồn tin cho chính họ. Chẳng có luật nào quy định rằng việc báo chí thể thao đưa tin sai sự thật phải chịu trách nhiệm cả bởi mấy ai là người đủ sức xác minh những gì đã, đang và sắp xảy đến. Hơn nữa, việc dự đoán trong bóng đá là điều mà chúng ta vẫn làm thường ngày.
Thứ hai, khi đi sâu vào phân tích vấn đề, chẳng khó để nhận ra khó khăn mà TTCN mùa đông đem lại từ cả 2 phía: từ cầu thủ đến đội bóng. Với đa phần các ngôi sao, họ đủ thông minh để phân tích được tình hình. Nhiều người sẽ mang suy nghĩ là quá mạo hiểm khi chuyển tới một CLB mới mà mình chưa có thời gian thích nghi, làm quen với môi trường văn hóa, rào cản ngôn ngữ và quan trọng nhất là lối chơi, chiến thuật của đội bóng mới. Nhất là khi kỳ Euro 2021 cũng sắp sửa đến gần. Bài học nhãn tiền trong quá khứ về Fernando Torres và Alexis Sanchez hãy còn đấy. Do vậy thay vì mạo hiểm, cả đôi bên đều tính đến những lựa chọn an toàn như việc chờ đến khi mùa giải kết thúc để đưa ra quyết định một cách hợp lý hơn.
Ở chiều ngược lại, các CLB cũng luôn tỏ ra dè chừng với TTCN mùa đông. Ngay cả với một chuyên gia săn tìm tài năng kinh nghiệm như HLV Arsene Wenger cũng đã từng nói: “Chuyển nhượng mùa đông là con dao hai lưỡi,vì bạn không thể biết được cầu thủ mình muốn mua có thích nghi được với đội bóng mới không.Nếu như mùa hè,các cầu thủ có thời gian từ 1,2 tháng để làm quen, thì điều đó hoàn toàn không có ở mùa đông”.
Chẳng nói đâu xa, trường hợp của các bom tấn của Chelsea như Kai Havertz lẫn Timo Werner còn đang chật vật để thích nghi với việc thay đổi môi trường chơi bóng từ Bundesliga sang Premier League, dù họ có tố chất ngôi sao và chuyển đến đây từ mùa hè. Rõ ràng, bất cứ cầu thủ nào cũng cần thời gian để thích nghi với đội bóng mới. Trường hợp của Bruno Fernandes tại Manchester United được xem là “của hiếm”, vượt xa mọi quy tắc thông thường.
Thứ ba, TTCN mùa đông thường chỉ được biết đến với những cầu thủ trẻ cần được cho đi “tu nghiệp”, hay các ngôi sao bị thất sủng, không được trọng dụng, hoặc sắp hết hạn hợp đồng với CLB chủ quản. Thay vì mất trắng, đa phần các CLB sẽ tìm cách đẩy cầu thủ đi để cố gắng thu hồi vốn, nhằm tái đầu tư cho một thương vụ mới.
Những thương vụ bom tấn như Bruno Fernandes khó lòng tái hiện ở TTCN mùa đông 2021.
Thứ tư, đây cũng là lý do quan trọng và mang tính thời sự nhất. Đại dịch Covid -19 kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn doanh thu của tất cả các đội bóng, đặc biệt là ở Châu Âu. Nghiên cứu của Hiệp hội Câu lạc bộ châu Âu (ECA) cho biết, tổng doanh thu của các CLB đã giảm từ mức 22 tỷ euro xuống còn 20,4 tỷ trong mùa 2019/2020, và sẽ giảm từ 23,1 tỷ euro xuống còn 20,7 tỷ vào năm 2020/21. Những con số này không bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng cầu thủ.
Vào tháng 3/2020, bóng đá châu Âu đã dừng thi đấu hoàn toàn do bối cảnh dịch bệnh leo thang. Mặc dù nhiều giải đấu đã khởi động lại sau đó, tuy nhiên với việc những sân vận động không có khán giả, đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của từng đội bóng. Nên nhớ, tiền thu từ việc bán vé và các dịch vụ đi kèm luôn mang lại khoản doanh thu đáng kể trên báo cáo tài chính.
Những trận đấu không khán giả đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của tất cả các CLB.
Điều này dẫn đến việc các CLB phải cắt giảm chi tiêu để phần nào bù đắp cho các khoản lỗ tài chính. Từ việc giảm lương nhân sự cho đến hạn chế tham gia vào TTCN. Thay vì chi tiêu quá đà, các ông lớn tại Châu Âu buộc phải đẩy bớt một số cầu thủ hưởng mức đại ngộ cao mà không đóng góp nhiều vào lối chơi của toàn đội. Thương vụ Real Madrid giải phóng hợp đồng với James Rodriguez và để tiền vệ này chuyển đến Everton theo dạng CNTD là một ví dụ điển hình nhất. Trong quá khứ, đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha từng bỏ ra 65 triệu bảng để có thể chiêu mộ nhạc trưởng người Colombia từ AS Monaco. Tại Premier League có trường hợp của Alexis Sanchez (Man Utd), Henrikh Mkhitaryan và Mesut Ozil (Arsenal) đều được giải phóng hợp đồng. Họ không mang lại bất cứ khoản tiền chuyển nhượng nào, tuy nhiên CLB chủ quản cũng đỡ đi gánh nặng quỹ lương trong mùa dịch.
Arsenal để cả Mkhitaryan lẫn Mesut Ozil ra đi theo dạng CNTD để giải phóng bớt quỹ lương.
Do vậy, cũng dễ hiểu khi TTCN mùa đông 2021 đối với các đội bóng tại Premier League mang ý nghĩa giải phóng bớt quỹ lương từ các cầu thủ không còn quan trọng nhiều hơn là bổ sung lực lượng. Có thể kể ra một loạt cái tên như Sokratis (Arsenal), Danny Drinkwater (Chelsea), Marcos Rojo (Man Utd) đều đã và đang chờ được thanh lý. Ở chiều ngược lại, Liverpool dù khủng hoảng nặng nề ở vị trí trung vệ, thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Jurgen Klopp cùng các đồng sự cũng chưa có bất kỳ động thái nào rằng sẽ bổ sung người trong tháng 1 này.
Còn gần 2 tuần nữa, TTCN mùa đông tại Premier League mới đóng cửa, tuy nhiên có thể khẳng định, rất khó để những thương vụ bom tấn được nổ ra, trừ khi sẽ có một cú hích domino chuyển nhượng giống mùa đông 2018 xảy đến.
Kỳ chuyển nhượng mùa Đông đang đến gần, nhưng chúng ta biết được bao nhiêu về những người đứng sau hậu trường, những người chịu trách nhiệm biến các thương vụ trở thành hiện thực?
Chấn thương hiếm khi là yếu tố duy nhất quyết định phong độ của một đội bóng. Nhưng chúng ảnh hưởng đến đội hình mà các HLV có thể lựa chọn, qua đó tác động đến chiến thuật mà họ định áp dụng.
Premier League từng nổi tiếng với những pha sút phạt thành bàn mang tính thương hiệu của giải đấu. Thế nhưng thứ đặc sản ấy đang dần biến mất. Bài viết dưới đây sẽ giúp chung ta hiểu được nguyên nhân của sự thay đổi này.
Đối với mô hình hoạt động của các đội bóng tại Châu Âu, hầu hết doanh thu đến từ 5 nguồn tài chính. Đó chính là doanh thu ngày thi đấu, phát sóng, thương mại, tiền thưởng và chuyển nhượng cầu thủ. Trong số này, doanh thu ngày thi đấu là kiểu kiếm tiền truyền thống nhất, nhưng ngày càng có xu hướng thay đổi theo thời gian.