Hidetoshi Nataka: Biểu tượng của triết lý chơi bóng vì niềm vui

Tác giả Elflaco - Thứ Tư 31/01/2018 14:01(GMT+7)

Zalo
Những năm gần đây, số lượng cầu thủ Nhật Bản thi đấu tại nước ngoài và trở thành những trụ cột ở các đội bóng thuộc 5 giải VĐQ hàng đầu châu Âu ngày càng nhiều. Không khó để kể tên những ngôi sao người Nhật như thế, từ Shinji Okazaki (Leicester), Maya Yoshida (Southampton), Shinji Kagawa (Dortmund) đến Genki Haraguchi (Hertha) hay Yuto Nagatomo (Inter).
Hidetoshi Nataka: Bieu tuong cua triet ly choi bong vi niem vui1
 
Nhưng ngược dòng thời gian về thời điểm cuối thập niên 90 của thế kỉ trước, chuyện cầu thủ gốc Nhật chơi bóng ở châu Âu vốn dĩ rất hiếm chứ chưa nói đến chuyện vươn lên hàng ngũ những ngôi sao của giải đấu mà họ góp mặt. Thế nên việc CLB Serie A – Perugia mua một tiền vệ mới 21 tuổi người Nhật vào mùa hè 1998 với giá 4 triệu USD thực sự là một sự kiện gây chấn động đối trong dòng chảy bóng và tất nhiên gợi nên rất nhiều tò mò ở các tifosi.
 
Hidetoshi Nakata chính là chàng tiền vệ 21 tuổi, ở thời điểm anh chạm ngõ Serie A trong màu áo Perugia vào những ngày hè 1998 ấy. Trước Nakata, từng có 1 cầu thủ người Nhật chơi bóng ở Serie A là Kazu Miura. Huyền thoại sắp bước sang tuổi 51 và vẫn đang thi đấu trong màu áo đội FC Yokohama này từng ghi 1 bàn ở Serie A trong màu áo Genoa ở mùa giải 1994/95. Nhưng khi ấy, Miura đá cho Genoa theo hợp đồng mượn từ Verdy Kawaskia chứ ông không phải là một thương vụ chuyển nhượng có phí như Nakata.
 
Khác với Miura – thần tượng bóng đá đời đầu và cho đến thời điểm hiện tại luôn được coi là huyền thoại không tuổi của bóng đá xứ Phù Tang, Nakata trở thành hình mẫu chuyên nghiệp với mọi cầu thủ người Nhật muốn vươn tới đỉnh cao trên tầm quốc tế, nhờ chất lượng bóng đá thực sự mà anh thể hiện trong những năm tháng thi đấu ở Serie A. Dù quãng thời gian chơi bóng chuyên nghiệp của Nakata, vỏn vẹn có 12 năm, chưa bằng phân nửa Miura.
 
Trong sự nghiệp cầu thủ, Nakata không gắn bó ở CLB nào quá 3 năm. Đội bóng đầu tiên, Bellmare, Nakata chơi 3 mùa giải trước khi gia nhập Perugia. Tại CLB nước ngoài đầu tiên, Nakata chơi 1 mùa rưỡi rồi gia nhập AS Roma. Nakata cũng chỉ ở lại Roma hơn 1 năm trước khi kí hợp đồng với Parma trong một thương vụ chuyển nhượng có giá kỉ lục đối với 1 cầu thủ châu Á hè 2001. Sau 3 năm với Parma, trong đó có nửa mùa đá cho Bologna theo HĐ mượn, Nakata tới Fiorentina hè 2004. CLB cuối cùng của Nakata là Bolton, mùa giải 2005/06, khi đó đang chơi ở Premier League. Nakata chính thức treo giày vào mùa hè 2006, khi anh không thể giúp đội tuyển Nhật Bản vượt qua vòng bảng VCK World Cup tại Đức.
 
Khi chính thức nói lời chia tay nghiệp cầu thủ, Nakata mới 29 tuổi, cái tuổi mà anh hoàn toàn có thể công hiến nhiều hơn nữa cho bóng đá đỉnh cao. Đấy thực sự là cú sốc lớn đối với người Nhật nói riêng và giới hâm mộ túc cầu nói chung. Nhưng với Nakata, đấy là một quyết định mà anh đã lên kế hoạch cho nó từ nhiều tháng trước chứ không phải là chuyện bộc phát sau những giọt nước mắt rơi xuống thảm cỏ xanh Westfalen trong trận đấu cuối cùng của Nhật tại VCK World Cup 2006.
 
Nakta quyết định dừng lại, đơn giản là vì anh đã không còn tìm thấy niềm vui đích thực với bóng đá nữa. Một quyết định để lại rất nhiều tiếc nuối cho bóng đá nhưng nó thêm một lần nữa đặc tả con người của Nakata. Một người luôn sống với đam mê của mình, theo cách bản năng nhất và mạnh mẽ nhất. Những lời Nakata nói trong cuộc họp báo công bố quyết định treo giày gần 12 năm về trước, hẳn các fan của anh vẫn chưa quên. Nakata nói: “Tôi cảm thấy bóng đá ngày nay chỉ thi đấu vì tiền, thay vì tạo ra niềm vui. Với tôi, một đội bóng thực sự phải như một gia đình. Nhưng giờ thì không còn như vậy nữa, thế nên tôi quyết định giải nghệ”.
 
Francesco Totti, người sát cánh cùng Nakata trong mùa giải vinh quang 2000/01 mà AS Roma giành Scudetto phải tới hè năm ngoái mới chính thức treo giày. Totti chỉ nhiều hơn Nakata 4 tháng tuổi nhưng anh phải chờ tới 11 năm kể từ sau thời điểm Nakata nói lời giã biệt với bóng đá, mới đưa ra quyết định khó khăn bậc nhất trong đời mình. Trong một cuộc phỏng vấn với SkyItalia hồi đầu năm 2015, Nakata có nói về lý do anh rời Roma (sang Parma) ngay sau khi cùng đội bóng này đăng quang Scudetto 2001. Lý do đó là Totti và mối quan hề không-hề-ổn giữa họ. Chính Nakata là người chủ động đề nghị BLĐ Roma điền tên anh vào danh sách chuyển nhượng hè 2001. 
 
Với Nakata, bóng đá trước hết phải là niềm vui nên việc rời Roma thời điểm ấy là cách tốt nhất để anh tiếp tục vui cùng trái bóng thay vì luẩn quẩn với cuộc chiến ngầm cùng “Hoàng tử” thành Rome. Hệt như khi anh nói lời chia tay với bóng đá, ngay ở đỉnh cao của sự nghiệp – điều mà rất hiếm cầu thủ nào trước và sau anh “dám” làm. Nakata là vậy đấy. Triết lý sống của anh rất rõ ràng và anh không hè e ngại bất kì điều gì để giữ vững nó: “Tiền bạc không nên là cái quan trọng nhất, mà là ý tưởng và sự đam mê. Đây là triết lý sống theo tôi suốt cuộc đời. Tôi chơi bóng đá không phải vì theo đuổi danh tiếng hay tiền bạc mà vì tình yêu. Những gì tôi làm đều xuất phát từ tình yêu. Tôi không quan tâm người khác nói gì hay nghĩ gì bởi vì cuộc sống của tôi là của tôi".
 
22/1, Nakata chính thức bước sang tuổi 41. Và dĩ nhiên sau ngần ấy năm không bóng đá, người đàn ông tuổi tứ thập sinh ra tại Kofu này hẳn đang rất bận rộn với những niềm đam mê khác. Sau khi treo giày 2006, Nakata vui thú với rất nhiều loại hình công việc khác nhau như người mẫu thời trang, viết sách, tham gia các hoạt động từ thiện và thậm chí, từ 2 năm qua anh đang tập trung vào việc phát triển thương hiệu rượu Sake Nhật Bản mang tên Nakata tới các thị trường quốc tế.
 
Nakata, với chỉ khoảng 400 trận ở mọi cấp độ CLB cũng như đội tuyển và cỡ 60 bàn thắng trong toàn bộ sự nghiệp, có lẽ chính là một trong những tiền vệ đặc biệt bậc nhất mà bóng đá từng sản sinh ra. Nakata không cần phải chơi quá nhiều trận, giành hàng loạt danh hiệu lớn hay ghi cả tá những bàn thắng đẹp để trở thành một trong những cầu thủ đáng yêu và đáng nhớ bậc nhất thế hệ của mình bởi chính tình yêu và niềm đam mê của anh, trong những năm tháng chơi bóng, mới là thứ biểu tượng bất diệt.
 
Elflaco (Trên Đường Pitch)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow