Merseyside, không hiểu vì lí do gì, mà lại là thành phố sản sinh ra những quy luật ngôn ngữ cực độc và lạ, cũng như những con người Merseyside làm người ta cảm thấy "khó hiểu" trong cách họ nói chuyện. Lẽ thường, người nói tiếng Anh dùng giới từ "in" đi đằng trước tên các thành phố để nói về vị trí bên trong thành phố đó; thì riêng người Merseyside ngày xưa thản nhiên dùng "on Merseyside".
Đến khi quy luật này biến mất thì ta lại thấy Michael Owen xuất hiện với hàng tá các câu nói gây phì cười trên sóng truyền hình quốc gia dưới cương vị bình luận viên, từ "Quả bóng đó mà không đi vào cột dọc thì đã có bàn thắng rồi!", cho đến "Bóng đã đập tay Defoe rồi, nhưng theo tôi là bóng chưa chạm tay anh ấy". Dành phần lớn thời gian cuộc đời mình ở thành phố cảng, Kevin Keegan cũng là người thỉnh thoảng có những phát ngôn như thế, chẳng rõ ông hóm hỉnh hay vội miệng.
"Bạn đang không xem một trận đấu ở cấp quốc tế đâu, phải nói nó ở cấp thế giới mới đúng."
"Luis Figo hoàn toàn khác biệt so với David Beckham và ngược lại".
"Anh ấy rất nguy hiểm trong những tình huống đá phạt và các quả phạt góc trong khoảng 1/3 sân cuối cùng."
Khi đã giải nghệ, Keegan chuyển sang nghiệp huấn luyện. Mỗi khi trong phòng họp báo, và nhất là lúc số 7 huyền thoại một thời của The Kop mà đã "máu" lên, lời nói bật ra khỏi môi ông được coi là "nhanh đến mức không thể cản nổi, bật ra theo bản năng và cực kì nguy hiểm". Mà đâu riêng gì lời nói, Keegan cũng đã đi vào ngôi đền của các huyền thoại xứ sương mù theo đúng cái cách như thế. Tốc độ, bản năng và nguy hiểm. Thật trùng hợp.
KẺ RẮC BẠC LÊN PHÒNG TRUYỀN THỐNG
Bill Shankly vội vã di chuyển tới đại bản doanh của Scunthorpe United để gặp một chàng trai 20 tuổi. Ông nói với ban lãnh đạo của đội bóng hạng thấp này một cách rõ ràng: Tôi muốn mua Kevin Keegan. Shankly làm cả BLĐ của và Scunthorpe phải thấy khó hiểu. Ông mến mộ gì ở một gã tiền đạo cao 1m73, không giỏi đánh đầu và chỉ ghi được 18 bàn sau 3 năm với 124 trận đấu hạng dưới? Shankly gạt hết, ông nằng nặc đặt lên bàn đàm phán 35.000 bảng. Dù sao Keegan cũng có gì đặc biệt đâu; và Scunthorpe chấp nhận bán. Họ nghĩ trồng lại một cái cây cỡ Keegan cũng chẳng khó khăn đến thế.
35.000 bảng được sang tay vào đúng ngày 10/8/1971 đó, vượt qua trí tưởng tượng của người mơ mộng nhất, đã mở ra một trong những thời kì thành công nhất của đội bóng thành phố cảng. Đôi chân của Keegan không mê hoặc người xem theo cái cách mà ta phải há hốc miệng ngạc nhiên trước Maradona, nhưng là một đôi chân của kẻ giành cúp. Keegan mất đúng 12 phút để ghi bàn thắng ra mắt Liverpool, trước khi cùng John Toshack rắc bạc lên phòng truyền thống của CLB. 1 năm sau khi có chàng tiền đạo sinh năm 1951, The Kop giải toả cơn khát danh hiệu VĐQG sau 7 năm chờ đợi. Lại tiếp 1 năm sau đó, Keegan và Toshack đóng vai trò làm niềm cảm hứng để mang chiếc cúp UEFA về Anfield. Liverpool thắng Monchengladbach 3-2 với 2 bàn của Keegan; và người ta nói sự ăn ý đến không thể tin nổi của Keegan và Toshack đạt đến tầm thần giao cách cảm, như thể không cần nhìn người này cũng biết người kia đang đứng ở đâu.
|
Kevin Keegan và Toshack : Robin và Batman của sân Anfield |
Năm 1974 là chiếc cúp FA và siêu cúp Anh. Nói về chiếc cúp FA năm 1974, đây có thể coi là danh hiệu ngọt ngào bậc nhất đối với riêng bản thân Keegan mà nói. Ông ghi 2 bàn loại Doncaster Rovers, đội bóng đã ỏng eo chê ông không đủ thể lực thi đấu trước khi đến với Scunthorpe. Ở trận bán kết, ông đánh bại thủ môn huyền thoại Peter Shilton bằng một pha lốp bóng thuộc của hiếm ở thời điểm ấy. Khép lại là cú đúp vào lưới Newcastle trong trận đấu cuối cùng. Từ lúc ấy, Kevin Keegan được người ta nhớ tới như một mẫu tiền đạo hoàn hảo, không có dù chỉ một điểm yếu, từ tốc độ, kỹ thuật đến... đánh đầu. Thực ra đánh đầu không phải sở trường của số 7, nhưng Keegan làm thứ được coi là sở đoản không thua những kẻ coi không chiến là sở trường. Chiều cao không phải là tất cả, bởi Keegan chọn điểm rơi hoàn hảo.
Kể ra những gì mà Keegan đã làm được thì còn nhiều lắm, VĐQG Anh và cúp UEFA năm 1976, giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất nước Anh cùng năm đó, cho tới màn trình diễn chẳng kém cạnh tại Hamburg và Southampton, và vân vân. Kẻ đã chinh phục nước Đức, kẻ sinh đúng ngày Valentine đến giờ này vẫn còn làm mỗi CĐV Hamburg hết lời ca ngợi mỗi khi nhắc đến. Người ta cũng không quên thắc mắc nguyên nhân vì sao Keegan lại rời Merseyside để đến nước Đức ngay khi vừa giành cúp C1 trong màu áo đỏ. Có lẽ ý chí chiến thắng chảy trong huyết quản của Keegan đã tìm thấy sự đồng điệu ở đội bóng quyết tâm lật đổ thế thống trị của Bayern Munich thời ấy. Và cùng nhau, họ đã viết nên chương sáng nhất của Hamburg.
|
Kevin Keegan: gã tiền đạo chỉ cao 1m73 |
VÀ NỖI NHỚ ĐỂ LẠI
Southampton là nơi giúp cho Keegan có danh hiệu Vua phá lưới giải VĐQG Anh duy nhất trong sự nghiệp với 26 bàn trong mùa 1981/82, Newcastle thì lại ghi nhận biết bao nhiêu thăng trầm trong chặng đường cầm quân, trong khi Hamburg là đội bóng nước ngoài mà ở đó Keegan được tri ân nhiều nhất. Thế nhưng, chỉ có Merseyside, chỉ một mình ở Merseyside, Keegan mới được coi là một huyền thoại.
Những anti-Liverpudlian có thể dè bỉu rằng Keegan đã chẳng ghi bàn nào vào lưới Gladbach trong trận chung kết C1 1976/77 dù Liverpool đã thắng. Thế nhưng, không có ông, Liverpool cũng không vào được tới trận cuối cùng, và cũng không có luôn một chim mồi hút người hoàn hảo để McDermott tha hồ phân phối bóng sang những vị trí khác rồi sáng nhất trận đấu đó. Một lần nữa, những ý kiến chống đối lại cho rằng Keegan chưa có cửa để sánh vai với những Ian Callaghan, Kenny Dalglish hay Peter Beardsley trong ngồi đền của những số 7 xuất sắc của The Kop. Tuy vậy, nhìn nhận một cách công bằng hơn, ta thấy Ian Callaghan được thừa nhận vì lòng trung thành nhiều hơn là tài năng, Peter Beardsley chỉ cống hiến cho Liverpool khi đội bóng đã qua thời hoàng kim. Để có được 6 chức VĐQG và 3 cúp C1, Dalglish cần 12 năm, so với 3 chức VĐQG, 1 cúp C1 và 1 cúp UEFA trong 6 năm của Keegan. Nếu như ta nói Dalglish là nhân tố chính trong lúc Liverpool thăng hoa nhất, thì một trong số những người mở ra thời đại ấy, không ai khác, chính là kẻ đã để lại cho ông chiếc áo số 7.
|
Kevin Keegan và chiếc cúp C1 |
Cầu thủ trị giá 35.000 bảng rời Anfield vào một ngày mùa hè năm 1977 và khiến cho nhiều Liverpudlian bật khóc. Chiếc áo số 7 ông để lại từ ngày ấy, tính tới nay, cùng lắm chỉ có Kenny Dalglish và phần nào đó là Luis Suarez mặc vừa. Những Dean Saunders, Nigel Clough, Vladimir Smicer hay Harry Kewell cũng chẳng phải quá thất bại, nhưng để được người ta nhớ tới và tôn thờ như Kevin Keegan, họ hoàn toàn không thể đủ tầm. Dù về sau này, Keegan không mấy thành công trong vai trò của một HLV (đã từng bị Man Utd vượt mặt trong cuộc đua đến ngôi VĐQG cùng Newcastle trong thế hơn 12 điểm), thì với người Liverpool mà nói, một lãng tử Kevin Keegan trên sân bóng với kiểu đá lai lai giữa người dẫn dắt lối chơi và người dứt điểm mới là thứ họ nhớ mãi.
Ngẫm lại, người ta khóc khi Keegan đi có khi không chỉ vì thành tích mà ông để lại. Đến lúc này, vào năm 2016, nhắc đến Kevin Keegan thì vẫn phải cùng lúc đề cập tới Billy Bremmer và màn boxing tay đôi của họ trong trận tranh Charity Shield năm 1974. Sự cá tính vô cùng đã đi theo Keegan lên phòng họp báo về sau này và khiến người Liverpool bớt nhớ ông vì “ít ra thì Kevin vẫn đang sống khoẻ và cãi nhau khoẻ”. Họ thỉnh thoảng lại thấy Keegan cãi nhau với Sir Alex, và bật cười khi nghe ông nói về màn trình diễn của đội nhà theo kiểu “Tôi không thất vọng đâu, tôi chỉ thất vọng thôi”.
Thực ra, Keegan sinh ra ở Doncaster. Nhưng khi cuộc sống của ông đã gắn với bóng đá, và khi đội bóng quê hương coi rẻ ông, Keegan đã coi Liverpool là nhà. Rồi đây, lịch sử sẽ nhớ tới Keegan là sản phẩm thứ hai của thành phố cảng Liverpool sang Hamburg lập nghiệp, sau The Beatles vĩ đại. Chẳng ai còn nhớ tới cái gốc gác Doncaster nữa.
TEDDY (TTVN)
⇒ Theo dõi: Nhận định bóng đá tối nay và bảng xếp hạng việt nam |