Khi các cầu thủ cho mượn từng "xát muối" vào nỗi đau của CLB chủ quản

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Tư 09/04/2025 14:33(GMT+7)

Zalo

Ở đầu mùa giải năm nay, Marco Asensio hẳn đã rất mong chờ cơ hội được thi đấu trên sân Parc des Princes tại vòng knock-out Champions League. Điều đó sẽ xảy ra trong tuần này. Chỉ có điều, anh sẽ khoác áo Aston Villa để chạm trán với PSG chứ không phải thi đấu cho đội bóng Pháp, sau khi gia nhập đại diện nước Anh theo dạng cho mượn hồi tháng 1.

Khi các cầu thủ cho mượn từng xát muối vào nỗi đau của CLB chủ quản 1
 

sẽ trở thành cầu thủ mới nhất rơi vào tình huống trớ trêu, khi ra sân cho một đội bóng dưới dạng cho mượn để đối đầu với chính CLB chủ quản. Đây là một tình huống có thể khiến cả cầu thủ lẫn đội bóng cho mượn cảm thấy khó xử.

Nhưng đây không phải là tình huống hiếm gặp ở các cúp châu Âu. Từ thời Fernando Morientes ghi bàn vào lưới Real Madrid trong màu áo Monaco năm 2004, cho đến Philippe Coutinho "xát muối" vào nỗi đau của Barcelona khi lập công trong trận thua kinh hoàng 2-8 trước Bayern Munich năm 2020 – những cầu thủ được đem cho mượn đã không ít lần khiến chính đội bóng chủ quản của mình phải bẽ mặt.

Tình huống trớ trêu này không chỉ được phép diễn ra tại Champions League, mà thậm chí UEFA còn có quy định rõ ràng chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn điều đó. Cụ thể, luật của UEFA nêu rõ: một CLB không được “trực tiếp hay gián tiếp can thiệp vào việc điều hành, quản lý hay ảnh hưởng tới thành tích thể thao của bất kỳ CLB nào khác tham dự các giải đấu cấp CLB của UEFA”. Điều này đồng nghĩa với việc các đội bóng không được phép cài điều khoản ngăn cầu thủ thi đấu khi gặp lại đội bóng chủ quản, cũng như không được đưa ra bất kỳ hình thức thưởng-phạt nào liên quan đến việc đó.

Một ví dụ điển hình từng làm dậy sóng dư luận xảy ra vào năm 2014, khi Chelsea cho Atletico Madrid mượn thủ thành Thibaut Courtois, để rồi hai đội lại chạm trán nhau ở bán kết Champions League.

Khi các cầu thủ cho mượn từng xát muối vào nỗi đau của CLB chủ quản 2
 

khi đó đã lường trước kịch bản này và khéo léo cài một điều khoản trong hợp đồng mượn, buộc phải trả 2,5 triệu bảng (khoảng 4,2 triệu USD thời điểm đó) cho mỗi trận Courtois ra sân đối đầu với đội bóng chủ quản. Tuy nhiên, UEFA đã nhanh chóng ra phán quyết rằng điều khoản này là “vô hiệu, không có giá trị pháp lý và không được thực thi”. Kết quả, Chelsea chẳng những bị loại khi Courtois giữ sạch lưới ở lượt đi, mà còn không thu được đồng nào để “xoa dịu” thất bại cay đắng.

Trái ngược với châu Âu, tại Anh, luật lại nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Các cầu thủ được đem cho mượn hoàn toàn bị cấm ra sân đối đầu với đội bóng chủ quản tại Premier League, một quy định đã được áp dụng gần hai thập kỷ và xuất phát từ một nguồn cảm hứng khá bất ngờ.

Lomana LuaLua bật cười khi The Athletic hỏi liệu anh có biết rằng mình sẽ đối đầu với đội bóng chủ quản ở mùa giải đó, khi gia nhập Portsmouth theo dạng cho mượn từ Newcastle vào tháng 2/2004. “Tôi không ký vào tờ giấy họ muốn tôi ký, để xác nhận rằng tôi không thể thi đấu chống lại họ. Tôi thực sự muốn đối đầu với Newcastle.”

Mùa đó, LuaLua gần như không được thi đấu cho Newcastle và tỏ ra mất kiên nhẫn. Sau khi trở về từ AFCON cùng ĐT Congo, anh muốn thay đổi tình hình. Hơn nữa, anh muốn chứng minh điều gì đó. “Tôi chỉ muốn được thi đấu, dù HLV Bobby Robson giống như một người cha, hay thậm chí là một người ông của tôi. Nhưng đôi khi, một đứa trẻ không phải lúc nào cũng đồng tình với quyết định của cha mình.

Khi các cầu thủ cho mượn từng xát muối vào nỗi đau của CLB chủ quản 3
 

“Tôi có những điều hối tiếc, nhưng điều đó cần phải xảy ra. Tôi phải tự khẳng định bản thân. Khi còn trẻ, bạn còn ngây thơ, không hiểu hết điều HLV đang cố dạy mình. Nhưng lúc đó, tôi chỉ nghĩ: ‘Tôi muốn chứng minh cho họ thấy’. Mục tiêu chính của tôi khi ra đi theo dạng cho mượn là để thể hiện bản thân.”

Đã có những sự xôn xao khi mọi người nhận ra LuaLua được phép ra sân để đối đầu với Newcastle. “Tôi nhớ các cầu thủ Newcastle như Gary Speed đã phát cáu. Họ nói: ‘Sao lại để cậu ấy đối mặt với chúng ta?’. Họ không thể tin nổi khi thấy tên tôi trong danh sách thi đấu.”

Trong trận đấu tại sân Fratton Park, Newcastle đang dẫn trước 1-0, một kết quả đủ để duy trì vị trí dự Champions League thì LuaLua bất ngờ ghi bàn gỡ hòa ở phút 89. Trong lúc bị các CĐV Newcastle chế nhạo, anh đã ăn mừng bằng những cú nhào lộn quen thuộc khiến không khí càng trở nên căng thẳng.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Cuối tháng 4, Portsmouth đã chính thức trụ hạng thành công, một phần nhờ vào 4 bàn thắng trong 10 trận của LuaLua. Khi ấy Newcastle, CLB đang gặp khủng hoảng lực lượng vì chấn thương đã cố gắng gọi anh trở lại để hỗ trợ trong cuộc đua giành vé dự Champions League, cũng như trận bán kết UEFA Cup gặp Marseille.

“Lẽ ra tôi phải gặp họ, nhưng tôi không đến” LuaLua kể lại. “Chủ tịch CLB đã phát điên. Ông ấy đã để lại một tin nhắn nói đủ thứ chuyện. Đến tận bây giờ, tôi vẫn hối hận.”

Mùa hè năm đó, LuaLua cũng không tham dự chuyến tập huấn trước mùa giải cùng Newcastle, trước khi ký hợp đồng chuyển hẳn sang Portsmouth. Nhưng anh không thể quên được vụ việc ấy khi hai đội gặp lại nhau tại St James’ Park vào tháng 12 năm đó. “Chúa ơi,” anh nói khi nhớ lại những tiếng la ó từ trên khán đài. “Mỗi lần chạm bóng, chân tôi run lên bần bật.”

Newcastle phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra sự cố này. Nhưng công bằng mà nói, họ không phải đội duy nhất có thái độ “thoải mái” với các cầu thủ cho mượn. Trước năm 2003, các thương vụ cho mượn giữa các CLB Premier League bị cấm hoàn toàn. Khi lệnh cấm được dỡ bỏ, hàng loạt thương vụ mượn cầu thủ diễn ra và trong khi một số CLB cẩn trọng không để cầu thủ gặp lại đồng đội cũ dưới màu áo mới, những CLB khác không làm thế. Ví dụ, Arsenal đã cho mượn ba cầu thủ mùa đó và cả ba đều thi đấu chống lại họ.

Tuy nhiên, sau sự cố của LuaLua, Premier League đã thay đổi luật để ngăn chặn điều này xảy ra lần nữa. Lý do rất rõ ràng: Một cầu thủ thuộc biên chế đội A được cho đội B mượn và sau đó thi đấu chống lại đội A có thể đặt ra vấn đề về tính cạnh tranh công bằng. Có thể cầu thủ đó sẽ không thi đấu hết mình như khi gặp đội khác. Hoặc nếu họ phạm sai lầm nghiêm trọng dẫn đến bàn thua hay bị truất quyền thi đấu, sẽ có rất nhiều dấu hỏi được đặt ra.

Nhưng có thể động cơ thực sự của quy định này là vì các CLB không muốn trở nên ngớ ngẩn. Điều gì có thể khiến họ mất mặt hơn việc một cầu thủ, người mà họ từng cho là không đủ giỏi quay lại chứng minh điều ngược lại ngay trước mắt họ?

Tuy nhiên, điều này lại không phải là vấn đề ở phần lớn các quốc gia. UEFA không cấm và ở các giải VĐQG tại Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan và Bỉ cũng vậy. Quốc gia còn lại trong top 10 giải đấu châu Âu có lệnh cấm như Anh là Bồ Đào Nha.

Nhiều trường hợp vẫn xuất hiện thỏa thuận đơn lẻ, bằng cách chèn điều khoản không được thi đấu vào hợp đồng cho mượn. Thực tế, điều này thường là một phần trong quá trình đàm phán. Ví dụ, một CLB có thể cân nhắc xem nên ưu tiên điều khoản cấm thi đấu hay chấp nhận mức phí cho mượn cao hơn.

Tại Tây Ban Nha, điều khoản này được gọi là la cláusula del miedo, nghĩa là “điều khoản sợ hãi”. Việc không cài điều khoản này từng phản tác dụng nghiêm trọng, khi Atletico Madrid cho Barcelona mượn Joao Felix mùa trước.

Khi các cầu thủ cho mượn từng xát muối vào nỗi đau của CLB chủ quản 4
 

“Thật phi lý khi một cầu thủ của bạn lại được phép thi đấu chống lại chính đội bóng của bạn,” HLV Xavi của Barca chia sẻ, sau khi tiền đạo người Bồ Đào Nha ghi bàn vào lưới Atletico trong cả hai lượt trận ở La Liga. “Chính cầu thủ của họ đã khiến họ trả giá.”

Và còn rất nhiều ví dụ khác. Mùa trước, Josip Stanisic ghi bàn vào lưới Bayern Munich khi đang được cho mượn tại Bayer Leverkusen (đội bóng sau đó đã đánh bại Bayern để giành chức vô địch Bundesliga), khiến HLV Thomas Tuchel của Bayern không khỏi thất vọng. “Ở Anh có một quy định hay, đó là khi bạn cho mượn cầu thủ, họ không được phép đối đầu với đội bóng của bạn,” ông nói với truyền thông. “Theo tôi, điều đó hợp lý hơn.”

Roma đã cho AC Milan mượn Tammy Abraham vào đầu mùa giải năm nay, và anh đã nhanh chóng loại đội bóng chủ quản khỏi Coppa Italia bằng cách ghi 2 bàn trong chiến thắng 3-1 của Milan. “Tôi nghĩ họ tưởng tôi ăn mừng, nhưng tôi không ăn mừng đâu. Tôi chỉ đang cảm ơn Chúa,” Abraham khẳng định.

Khi các cầu thủ cho mượn từng xát muối vào nỗi đau của CLB chủ quản 5
 

Một ví dụ ấn tượng khác xảy ra vào tháng 10/2009 tại giải hạng nhất Anh (Championship). Hậu vệ người Hà Lan của Plymouth, Marcel Seip có mâu thuẫn với HLV Paul Sturrock, vì thế anh được cho Blackpool mượn. Bạn có thể đoán được trận ra mắt đầu tiên của anh là gặp đội nào.

Đúng như kịch bản, Seip ghi bàn mở tỉ số trong chiến thắng 2-0 của Blackpool và chẳng hề tỏ ra thông cảm với CLB chủ quản. “Tôi rất vui vì đã ghi bàn,” anh chia sẻ đầy hả hê với báo chí vì đã trả đũa Sturrock thành công. “Tôi phải tập luyện một mình ở Plymouth. Tôi sẽ không bao giờ thi đấu cho ông ta nữa và ông ta cũng sẽ không bao giờ chọn tôi.”

Vụ việc còn phức tạp hơn một chút khi Seip đã kết hôn đầu năm đó với Lucy, con gái của chủ tịch CLB Plymouth, Paul Stapleton. Có lẽ bữa tối Giáng sinh năm đó khá lạnh lẽo…

Khi các cầu thủ cho mượn từng xát muối vào nỗi đau của CLB chủ quản 6
 

Fernando Morientes sẽ luôn là trường hợp nổi bật nhất về một CLB bị loại bởi chính cầu thủ của mình.

Morientes bắt đầu mâu thuẫn với Real Madrid kể từ khi họ ký hợp đồng với Ronaldo Nazario vào năm 2002, khiến anh thường xuyên phải ngồi ngoài sau 5 năm ghi bàn ổn định. Khi anh bị loại khỏi trận tranh Siêu cúp châu Âu 2002, người bạn thân Raul đã mặc áo của Morientes bên trong áo đấu của mình như một biểu hiện của sự đoàn kết.

Sau một mùa hè dài thương thảo, cuối cùng Morientes rời Real Madrid năm 2003 để đến Monaco theo dạng cho mượn vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng. Khi đó, luật cho phép cài điều khoản “không được thi đấu chống lại CLB chủ quản” vào hợp đồng cho mượn.

Nhưng Real đã không làm thế. Và theo GĐTT khi đó, Jorge Valdano, điều này là do thương vụ diễn ra quá gấp gáp. “Chúng tôi thường có điều khoản ‘sợ hãi’ trong các hợp đồng cho mượn,” Valdano chia sẻ. “Nhưng đó là thời điểm rất nhạy cảm. Chúng tôi cần tìm chỗ cho Morientes và có lẽ những hệ quả của hợp đồng đã không được xem xét kỹ. Cũng khó để tưởng tượng rằng chúng tôi có thể bị Monaco loại.”

“Điều khoản đó chủ yếu áp dụng cho các cầu thủ được cho mượn ở Tây Ban Nha. Nhưng đây là một trường hợp mang tính biểu tượng, bởi ‘El Moro’ đã ghi bàn vào phút cuối tại Bernabeu và làm thay đổi cục diện cả hai lượt trận.”

Bàn thắng phút cuối đó diễn ra ở tứ kết Champions League. Ngay cả khi không có điều khoản cấm, cũng chưa chắc Morientes đã ra sân. Ban đầu, chính Real Madrid đã gửi đơn lên UEFA để ngăn anh thi đấu, nhưng bị từ chối. Còn bản thân Morientes cũng lưỡng lự.


Từ một người hùng chưa bao giờ được thừa nhận tại Madrid và khao khát chứng tỏ bản thân mãnh liệt đến tột cùng, Fernando Morientes trong mùa giải thần kỳ duy nhất với AS Monaco đã quay trở lại sân Bernabeu để tiễn Los Blancos rời khỏi Champions League. Đối với những người hâm mộ của đội bóng áo trắng, điều này chắc hẳn sẽ mãi là một nỗi ám ảnh khó pha về cơn ác mộng mang tên người cũ.

“Vài tháng trước, tôi không thể tưởng tượng Monaco lại có thể đi sâu như vậy tại Champions League,” anh chia sẻ với trang UEFA lúc đó. “Tôi từng nói với HLV rằng nếu gặp Real Madrid, tôi không muốn thi đấu.”

“Nhưng khi thời điểm đó đến, tình thế đã khác. Tôi nghĩ mình phải ra sân vì người hâm mộ Monaco, vì chủ tịch và vì HLV Didier Deschamps. Họ đã đặt nhiều niềm tin vào tôi và tôi muốn cảm ơn họ.”

Morientes đã ghi bàn ở cả hai lượt trận. Anh không ăn mừng tại Real Madrid khi Real thắng 4-2, nhưng đã ăn mừng hết mình ở trận lượt về tại Stade Louis II khi Monaco lội ngược dòng và loại đội bóng chủ quản của anh.

Khi đó, sai lầm của Real Madrid bị xem là một hành động ngạo mạn. Nhưng như Valdano lý giải, đây là một trường hợp đặc biệt và không phản ánh chính sách thông thường của họ. Ví dụ, khi họ cho Club Brugge mượn tài năng trẻ Javier Portillo sau đó vài mùa giải, họ đã cẩn thận đảm bảo mọi điều khoản cần thiết được đưa vào.

Kể từ đó, Champions League đã chứng kiến nhiều kịch bản tương tự. Ở tứ kết mùa 15/16, Bayern Munich đang bị Juventus dẫn 2-0. Họ tung Kingsley Coman, cầu thủ đang được mượn từ Juve vào sân. Như định mệnh đã sắp đặt, Coman kiến tạo bàn gỡ hòa phút 91 cho Thomas Müller, rồi chính anh ghi bàn trong hiệp phụ giúp Bayern thắng 4-2.

Tương tự, ở bán kết hai năm sau, James Rodriguez, cầu thủ Real Madrid cho Bayern mượn đã ghi bàn gỡ hòa trước chính đội bóng chủ quản, dù lần đó Bayern không thể đi tiếp.

GettyImages-1266341798-2048x1266
 

Và cuối cùng là trường hợp nổi tiếng của Philippe Coutinho, người mà Barcelona đã bỏ ra đến 142 triệu bảng để mua, rồi chỉ 18 tháng sau đó lại cho Bayern Munich mượn. Anh đã góp công trong trận thắng 8-2 lịch sử của Bayern trước… chính Barca.

Anh đã ghi 2 bàn và kiến tạo 1 bàn khi Bayern hủy diệt Barcelona 8-2 ở bán kết Champions League năm 2020. “Tôi khi đó đang thi đấu cho Bayern và bạn chỉ có thể cư xử một cách chuyên nghiệp,” Coutinho chia sẻ với tạp chí World Soccer sau đó.

Những ví dụ như vậy chắc chắn đang xuất hiện trong tiềm thức của cả tập thể PSG tuần này, khi Marco Asensio chuẩn bị ra sân đối đầu với chính họ. Một trận thua thì đã tệ. Nhưng một trận thua đi kèm sự muối mặt thì còn tồi tệ hơn nhiều.

Theo New York Times

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tam tấu Raphinha - Lewandowski - Yamal: Cỗ máy phản công bá đạo của Barcelona

Bao lâu nay Barcelona luôn được xem là một CLB tôn sùng lối chơi kiểm soát bóng, tìm cách “hạ s.át” đối thủ bằng hàng nghìn đường chuyền, tuy nhiên lần gần nhất họ giành được vé vào chơi ở vòng bán kết Champions League cách đây 6 năm lại chủ yếu là nhờ một phong cách “xù xì”, thực dụng hơn, được điểm xuyến bằng những khoảnh khắc thiên tài của Lionel Messi trong các trận đấu thuộc giai đoạn knock-out.

Morgan Gibbs-White thay Kevin De Bruyne tại Man City: Tại sao không?

Không giống như quyết định áp thuế quan với các nước rồi lại tạm ngưng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc Kevin De Bruyne rời Man City rất khó đảo ngược. Vì thế, với Man Xanh lúc này, điều nên làm là sớm tìm người thay thế nhạc trưởng của mình. Và Morgan Gibbs-White đang nổi lên như một ứng viên sáng giá.

Những bộ ba tấn công hay nhất trong lịch sử Champions League: Từ MSN, BBC đến bộ ba R

Hôm thứ Tư, Robert Lewandowski, Raphinha và Lamine Yamal đã trình diễn một màn tấn công thượng hạng trong chiến thắng 4-0 của Barcelona trước Borussia Dortmund. Kỹ thuật, tốc độ và sự lạnh lùng trong dứt điểm của họ khiến người ta liên tưởng tới những bộ ba xuất sắc nhất từng tung hoành tại châu Âu trong kỷ nguyên hiện đại.

Fernando Gago: Điệu tango buồn ở Bernabeu

Vẻ đẹp lãng tử, hào hoa cùng phong cách chơi bóng điệu đà, tinh tế đã không thể biến Gago trở thành “truyền nhân” xứng đáng của Redondo tại Real Madrid khi mà những chấn thương dai dẳng cứ liên tục hành hạ tiền vệ người Argentina.

Robert Lewandowski: Vẫn tiến hóa ở tuổi 36!

Sự nghiệp cầu thủ của Robert Lewandowski được định nghĩa bằng sự nhất quán. Robert Lewandowski đã ghi hơn 700 bàn thắng và đang trên đường giành chức Vô địch Quốc gia thứ 13 trong sự nghiệp.

X
top-arrow