Thứ cho phép Raiola có thể thực hiện những cuộc gọi như vậy, chính là việc gã luôn thích trực tiếp làm việc với các khách hàng. Trong khi Mendes thường dựa vào một mạng lưới trinh sát rộng lớn và các cố vấn trên toàn cầu, thì Raiola thích tự làm tất cả mọi việc một mình.
Phần 1:
Phần 2:
Vào năm 2015, gã đã gặp Romelu Lukaku và cha của anh tại Brussels. Khi đó, Lukaku chỉ vừa mới chuyển đến thi đấu cho Everton, một câu lạc bộ mà Raiola đã khẳng định là anh sẽ không cần phải lãng phí thời gian tại đó nếu bọn họ gặp nhau sớm hơn. Sau đó, gã bắt đầu đánh giá tiền đạo người Bỉ. “Raiola đã nói với tôi những điều mà chưa ai từng nói trước đây,” Lukaku kể lại với tờ The Guardian. “Ý của tôi là ông ta đã phán những câu kiểu như : ‘Mày chơi bóng như một thằng đàn bàn ấy, thằng mặc váy. Có thật mày là một cầu thủ không vậy ? Mày quá phế vật.’ Tiếp theo, ông ta sẽ nêu ra các ví dụ về Zlatan Ibrahimovic và Dennis Bergkamp, hoặc những tên tuổi khác, và nói : ‘Mày muốn nhắm đến vị trí đỉnh cao ? Well, tao đ** thấy là mày đang thi đấu như một thằng cầu thủ hàng đầu đâu.’
|
Mino Raiola: Một siêu cò hay một người đàn ông tận tâm với công việc? |
“Tôi mến Mino, mến luôn cái tính cách của ông ta. Ông ta không phải là một gã to mồm, mà giống một người bạn, một người anh em hơn. Chúng tôi hiếm khi nói về bóng đá với nhau, và điều đó thật tuyệt, nhưng khi tôi thi đấu không tốt, ông ta sẽ gọi điện thoại cho tôi ngay lập tức …”
Thứ cho phép Raiola có thể thực hiện những cuộc gọi như vậy, chính là việc gã luôn thích trực tiếp làm việc với các khách hàng. Trong khi Mendes thường dựa vào một mạng lưới trinh sát rộng lớn và các cố vấn trên toàn cầu, thì Raiola thích tự làm tất cả mọi việc một mình. Trong suốt các cuộc phỏng vấn, Raiola thường xuyên ngắt lời các nhà báo để trả lời điện thoại. Một số cầu thủ gọi cho gã 2 lần/ tháng, một số khác lại gọi 2 lần/ ngày.
Nguyên nhân gọi thì có rất nhiều; một số gọi vì cần có sự khích lệ, một số thì muốn được tâm sự, tìm kiếm sự đồng cảm. Một số muốn nhận được lời tư vấn về trận đấu của họ, một số muốn bàn về công việc đầu tư hoặc các vấn đề cá nhân. “Đối với ông ấy, họ giống như một gia đình,” Slegers đưa ra lời nhận xét với tờ The Guardian. “Và đó chính là lý do vì sao ông ấy là một người đàm phán hoàn hảo, bởi vì ai lại chẳng muốn mang đến những điều tốt nhất cho gia đình của mình.
Raiola là một người rất có khiếu hài hước, mặc dù thích khiêu khích người khác, nhưng ông ấy luôn làm điều đó một cách hài hước nhất. Một số người cho rằng ông ấy quá tự phụ, và nếu bạn không biết gì về ông ấy, hoặc chỉ đọc qua những phát ngôn của ông ấy, bạn sẽ nghĩ ông ấy bị điên. Nhưng không phải vậy. Ông ấy chỉ chiến đấu hết sức có thể vì các cầu thủ của mình.”
Các cầu thủ luôn đồng tình, và hoàn toàn đặt niềm tin vào Raiola, đơn giản là vì gã rất quan tâm đến họ. Raiola sẽ ra tòa, chửi bới và sẵn sàng đánh bại bất cứ ai – cho dù là huấn luyện viên, các giám đốc, hay đám nhà báo – nếu điều đó có ích cho các khách hàng của mình. Gã dường như không biết sợ là gì hay kiêng nể ai cả. Khi Zlatan bắt đầu cuộc trò chuyện về việc gia hạn hợp đồng với Juventus, Raiola bước vào văn phòng của Moggi, ngồi xuống ghế và thản nhiên gác chân lên bàn. Sau đó, Moggi đi vào, với điếu xì gà trên môi.
“Ơ cái thằng này, mày dám ngồi vào chỗ của tao như thế à ?” Moggi phàn nàn.
“Ngồi đâu chả được, bắt đầu đi vào vấn đề chính được chưa,”
Có một người chưa bao giờ ưa thích Raiola, hay có thể nói là ghét cay ghét đắng gã, chính là Sir Alex Ferguson. Khi Raiola bắt đầu làm việc với Paul Pogba, một cầu thủ trẻ thuộc biến chế Manchester United, gã đã gièm pha rằng, anh ta đang bị câu lạc bộ này trả lương quá thấp. Raiola và Pogba đã gặp mặt Ferguson để tuyên bố rằng, cầu thủ người Pháp sẽ không ký vào bảng hợp đồng mới, trừ khi anh ta được tăng lương.
“Đến cả con Chihuahua của tôi cũng không thèm ký vào cái hợp đồng này đâu,” Raiola khẳng định trước mặt Sir Alex.
Raiola đã mang Pogba ra khỏi Manchester United, đưa anh ta đến Juventus và bán anh trở lại United 4 năm sau đó với giá 105 triệu Euro, cùng với đó là tận 27 triệu Euro được chuyển thẳng vào túi riêng của gã. Nhiều năm sau, Ferguson đã viết trong cuốn tự truyện của mình rằng, ông đã cảm thấy Raiola là một gã không đáng tin tưởng “ngay từ lần đầu gặp mặt”. Về phần Raiola, gã đã nhìn nhận sự căm ghét mà Sir Alex giành cho gã theo một cách vô cùng tích cực. “Nghe ngon lành đấy chứ,” Gã nói với tờ GQ Italia. “Nếu bạn không có kẻ thù nào, thì có nghĩa là bạn đã không hoàn thành tốt công việc của mình.”
Có tin đồn cho rằng Raiola luôn được nhận 10% cho mỗi cuộc chuyển nhượng liên quan đến các cầu thủ của mình, nhưng gã đã tiết lộ với 11 Freunde rằng, con số đó có thể thay đổi tùy theo từng trường hợp. Đôi khi, gã có thể nhận đến 50%, hoặc không gì cả. Khi Raiola thúc đẩy một thỏa thuận, đó thường là vì một lý do mang tính chiến lược. Cầu thủ đó có thể đang bị undervalued (Paul Pogba), hoặc có thể anh ta đang muốn gia nhập một câu lạc bộ lớn hơn (Zlatan Ibrahimovic). Hoặc, cũng có khi là vì chính Raiola đã dự đoán rằng câu lạc bộ kia sắp “ngập trong sh**”. Ví dụ như năm 2017, khi gã lên tiếng cảnh báo Donnarumma không được gia hạn hợp đồng với AC Milan, bởi vì ban lãnh đạo của đội bóng này “không đáng tin tưởng.”
Những dự đoán kiểu đó của Raiola, đôi khi đã khiến một vài cầu thủ buộc phải thay đổi câu lạc bộ, mặc dù anh ta không hề muốn làm như vậy. Năm 2012, Raiola đã sắp xếp cho Zlatan rời Milan. Cầu thủ người Thụy Điển muốn gắn bó lâu dài với Rossoneri, nhưng Raiola đã nhận thấy trước rằng, nền kinh tế của bóng đá Italia sớm muộn cũng sẽ lâm vào tình trạng suy thoái và Milan sẽ không còn có thể trả nổi lương cho anh nữa. Mặt khác, PSG đã được mua lại bởi người Qatar. Những yêu sách về lương bổng mà Zlatan đưa ra cho PSG là rất lớn, lớn đến nổi chính bản thân anh cũng không nghĩ rằng họ sẽ chấp nhận. Thế nhưng, họ đã đưa ra câu trả lời chỉ trong 20 phút. Zlatan rời khỏi Italia và kiếm được một gia tài khủng lồ. Còn Milan, họ đã hoàn toàn bị loại ra khỏi cuộc đua Scudetto kể từ khi ngôi sao người Thụy Điển ra đi.
Thế nhưng, không phải lúc nào Raiola cũng thuyết phục, điều khiển được các cầu thủ của mình. Khi Pogba rời United, Raiola đã cố gắng ngăn cản anh đến Juventus, vì gã cảm thấy họ hiếm khi trọng dụng những cầu thủ trẻ. Tuy vậy, Pogba đã nhất quyết muốn gia nhập câu lạc bộ này, vì anh muốn được đối đầu với những thử thách lớn nhất. Balotelli là một trường hợp khác, Raiola thường là người đưa ra quyết định về đội bóng tiếp theo mà anh sẽ gia nhập, nhưng không phải lúc nào gã cũng có thể khiến anh ở yên tại câu lạc bộ đó.
Chính Raiola đã thừa nhận rằng, sai lầm lớn nhất mà gã từng mắc phải trong sự nghiệp, chính là để cho Balotelli rời Manchester City vào năm 2013. “Mario không được hạnh phúc,” Raiola nói với tờ The Daily Mail. “Đáng lẽ ra tôi nên nói với nó rằng: ‘Mày đang cảm thấy cái đ** gì cơ? Mày không thích công việc hiện tại à? Cứng rắn lên; đến bao giờ mày mới chịu trưởng thành đây hả? Tiếp tục làm việc của mình đi! Tôi cần phải thật tàn nhẫn, thật nghiêm khắc để giúp cậu ta đi đúng hướng, thế nhưng tôi đã quá mềm mỏng.”
Đó không phải là lần cuối cùng Balotelli làm trái ý Raiola. Khi cầu thủ người Italia muốn đến Nice vào năm 2016, anh và Raiola đã sắp xếp một cuộc gặp mặt với chủ tịch của câu lạc bộ này, Jean-Pierre Rivere. Nhưng Balotelli đã đến trễ, và chính vì vậy, gã đã bắt đầu giải thích cho Rivere những lý do vì sao ông … không nên ký hợp đồng với gã tiền đạo “lắm tài nhiều tật kia.” Khi Balotelli đến nơi, Raiola đã nói với anh: “Tất cả những chuyện tồi tệ nhất về mày mà tao nên nói ra, tao đều đã kể hết với ông ấy.” Nhưng dù sao đi nữa, thì Nice cũng đã quyết định ký hợp đồng với anh.
Balotelli đã không thể đạt được thành công như Raiola kì vọng, Lukaku cũng tương tự. Thế nhưng, gã đang bắt đầu thu nạp những tài năng mới. Gã đã trở thành người đại diện của một số cầu thủ trẻ người Hà Lan, một trong số đó là Justin Kluivert. Tuy nhiên, viên ngọc sáng nhất trên chiếc vương miện của gã vẫn là Zlatan Ibrahimovic. Chính Raiola đã từng thừa nhận, gã rất sợ hãi cái ngày Zlatan tuyên bố treo giày. Vào năm 2016, khi xuất hiện những tin đồn nói rằng tiền đạo người Thụy Điển sắp giải nghệ, Raiola đã tuyên bố với đài phát thanh Monte Carlo rằng, gã sẽ nhốt Zlatan trong một phòng giam cho đến khi anh đổi ý. “Nếu cậu ta nghỉ hưu,” Raiola nói. “Thì điều đó sẽ chẳng khác gì việc có ai đó đã đánh cắp bức tranh Mona Lisa vậy.”
Khi Raiola gặp Zlatan lần đầu tại khách sạn Okura, gã đã sử dụng Nedved làm điểm tham chiếu để bắt anh học hỏi theo. Còn khi Raiola gặp các cầu thủ trẻ của hiện tại, gã sẽ sử dụng Zlatan để làm tấm gương cho họ. Hai năm trước, Raiola đã nói với SportExpressen rằng, mối quan hệ giữa gã và Zlatan thậm chí còn vượt xa cả sự nghiệp thi đấu của tiền đạo này, ngay cả khi nó đã gặp rất nhiều sóng gió. “Chúng tôi thường xuyên gây gổ với nhau,” Raiola khẳng định. “Nhưng nếu chúng tôi không còn gây gổ với nhau nữa, chúng tôi cũng sẽ không còn là bạn.”
“Rõ ràng, tôi đã tạo nên sự nghiệp cho nó,” Raiola tiếp tục. “Tôi sẵn sàng nói to lên để nó có thể nghe thấy dù cho đang ở tận Thụy Điển. Đương nhiên, nó sẽ nói ngược lại là chính nó mới là người đã tạo dựng nên sự nghiệp của tôi. Có lẽ sự thực là, chúng tôi đã tạo dựng sự nghiệp cho nhau.”
“Vậy, đâu là lời khuyên lớn nhất mà ông từng nói với Zlatan?” người nhà báo hỏi.
“Phải biết nghe lời tôi.” Raiola trả lời.
Lược dịch từ bài viết “Just like family”, của tác giả Thore Haustad, đăng tải trên Time on the ball.
Nam Khánh (TTVN)