Robert Enke: Để những nỗi đau không còn kéo dài

Tác giả Fussballgott - Thứ Ba 09/08/2016 16:53(GMT+7)

Zalo
Ronald Reng là cây viết thể thao nổi tiếng của Đức và đã theo dõi Robert Enke từ khi thủ thành này ở những bước đầu sự nghiệp tại Monchengladbach và Benfica. Nhưng phải đến khi cả hai cùng đến Barcelona vào năm 2002 thì tình bạn giữa họ mới nảy nở.
Robert Enke De nhung noi dau khong con keo dai hinh anh
 
Enke đặc biệt ngưỡng mộ Reng từ sau cuốn sách “Người canh giữ giấc mơ” (The Keeper of Dreams) nói về sự nghiệp của thủ môn đồng hương Lars Leese trên đất Anh. Những chi tiết liên quan đến việc bị sốc văn hoá của người đàn anh đặc biệt gây ấn tượng với Enke và anh coi Reng là người có đồng cảm sâu sắc với khó khăn tâm lý với vị trí thủ môn.
 
Năm 2009, tức 7 năm kể từ ngày quen nhau ở Barcelona, cả hai quyết định cho ra đời một quyển sách về chính sự nghiệp của Robert Enke, người giờ đây đã là đội trưởng của Hannover 96 và là lựa chọn số một của tuyển Đức tại World Cup 2010. Thứ ba ngày 10 tháng 11 năm 2009, Enke, như thường lệ, rời khỏi nhà đến sân tập và nói với vợ anh, chị Teresa, rằng sẽ về nhà vào lúc sáu giờ rưỡi tối. Mười hai giờ rưỡi, Reng điện thoại cho Enke. Có hai đề nghị dành cho thủ môn người Đức, một phóng viên -  bạn của Reng muốn phỏng vấn Enke trong khi Thư Viện Thể Thao Olympic Đức muốn mời Enke đến tham dự buổi diễn thuyết.
 
Reng tự thấy mình như người thư ký của Enke và lấy làm vui vì điều đó. Anh thông báo tin vui đó cho Enke qua điện thoại nhưng đổi lại, thủ thành Hannover trả lời thô lỗ rằng sẽ gọi lại cho anh vào buổi tối rồi dập máy vội vã. Đó là những gì sau cùng người ta biết về Enke. 
 
Buổi tối hôm đó cả nước Đức bàng hoàng khi thủ thành số một của họ lao đầu vào đoàn tàu đang chạy ở Eilvese, ngoại ô Hannover. Cảnh sát khẳng định rằng Enke đã tự sát chứ không phải vì bất kì nguyên nhân nào khác. Sự ra đi đột ngột của Enke phủ bóng u ám lên toàn nước Đức.
comment left Đó là khoảnh khắc Kennedy của nước Đức
Reng
comment right
Trận giao hữu Đức và Chi Lê sắp diễn ra phải hoãn lại, toàn bộ những người có liên quan đến bóng đá Đức đều hướng về Hannover với lòng tiếc thương vô hạn dành cho Enke và gia đình. Nguyên nhân được hé lộ: Enke vốn là nạn nhân của bệnh trầm cảm từ những tháng ngày đầy căng thẳng và áp lực trong màu áo Barcelona. Enke đã dũng cảm tìm đến bệnh viện tâm thần để chữa trị nhưng bệnh lại tái phát khi cô con gái đầu tiên của anh qua đời khi mới 2 tuổi. Sự kiệt quệ về tinh thần còn diễn ra khi anh thường xuyên cùng Hannover phải chiến đấu chống rớt hạng và ở tuyển Đức, anh chìm trong cái bóng của hai thủ thành Jens Lehmann và Oliver Kahn. Khi cả hai đã đi vào đoạn cuối sự nghiệp thì Enke mới trở thành thủ môn số một, nhưng anh lại vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ vô số tài năng trẻ đang lên.
Robert Enke De nhung noi dau khong con keo dai hinh anh 2
Robert Enke trong màu áo Die Mannschaft
Bệnh tình của Enke lẽ ra đã có thể được điều trị tốt hơn nếu anh thổ lộ điều đó ra và chấp nhận những trị liệu. Nhưng chỉ gia đình anh biết được tình trạng của Enke, anh lo sợ việc nói ra sẽ khiến anh tiêu tan sự nghiệp, đặc biệt là phải bị cách li khỏi người con gái nuôi Leila.
comment left Robert đã không dám nghĩ đến cảnh đứng trong khung thành, sợ mỗi cú sút về phía mình, sợ đi đến sân tập. Nó không còn chút niềm tin nào về bản thân, mắc kẹt trong hoài bão của bản thân mình
Dirk Enke, cha của thủ thành người Đức
comment right
Nhìn bên ngoài, Enke gần như có mọi thứ mà chúng ta mơ ước, nhưng trong anh chỉ tồn tại duy nhất một nỗi lo sợ rằng sẽ mất đi mọi thứ. Trong cuộc chiến với nỗi sợ hãi của chính mình, Enke đã thất bại và điều đó là tiền đề đẩy anh lún sâu vào căn bệnh trầm cảm và cái chết với anh giống như sự giải thoát duy nhất.
Robert Enke De nhung noi dau khong con keo dai hinh anh 3
Đồng đội ở Hannover bày tỏ sự mất mát khi Enke ra đi
NHỮNG NẠN NHÂN KHÁC
 
Chỉ vài ngày sau khi cái chết của Enke được hé lộ, Andreas Bierman, một cầu thủ St Pauli ở 2.Bundesliga thừa nhận mình cũng bị trầm cảm và tìm cách tự sát chỉ một tháng trước sự ra đi của Enke, nhưng không thành. Năm 2014, Bierman lại tự tử một lần nữa và mãi mãi ra đi ở tuổi 34.
Một trường hợp khác ở Đức là Sebastian Deisler, cựu cầu thủ của Hertha BSC và . Mắc bệnh trầm cảm gần như cùng thời điểm với Enke, Deisler đi đến quyết định giã từ sự nghiệp ở tuổi 27, dù khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối nhưng cái chết của Enke về sau cho thấy sự dũng cảm của Deisler ở thời điểm đó.
 
Cây viết Uli Hesse trong một bài viết của mình liệt kê ra vô số những cái tên nổi tiếng vướng vào căn bệnh này, nhưng chỉ một số ít trong đó có cái kết như Deisler. Guido Erhard, cựu cầu thủ của Mainz và là đồng đội của Jurgen Klopp, cũng lao mình vào đoàn tàu đang chạy vào một ngày giá rét năm 2002. Cũng như Enke, Erhard đang dự định cho ra đời một quyển sách nhằm truyền niềm tin và hy vọng cho người khác “Sự thật được kể lại – Cuộc sống bên bờ vực”. Bi kịch của Erhard, đặc biệt là cách ông kết liễu bản thân có nhiều điểm rất giống với Robert Enke, nhưng Erhard chỉ là một cầu thủ của Mainz ở giải hạng dưới, vốn ít áp lực hơn trường hợp của Enke rất nhiều.
Robert Enke De nhung noi dau khong con keo dai hinh anh 4
Deisler đã chiến thắng được căn bệnh trầm cảm
Không có mẫu số chung nào cho những cái tên rơi vào vùng xoáy khủng hoảng tâm lí cả. Reinhard Libuda, huyền thoại Borussia Dortmund và Schalke,  cũng mất niềm tin nghiêm trọng vào bản thân dù có một sự nghiệp đáng tự hào. Werner Kohlmeyer, nhà vô địch World Cup 1954, có một tính cách thất thường, nạn nhân chứng rối loạn lưỡng cực qua đời chỉ 20 năm sau ngày bước lên đỉnh vinh quang trong túng quẫn, nghiện rượu và cô độc. Một trường hợp nổi tiếng khác là Ottmar Walters, em trai của huyền thoại bóng đá Đức, ông may mắn được cứu sống sau khi cắt mạch máu tay của mình năm 1969.
 
Bên ngoài biên giới nước Đức là trường hợp cựu cầu thủ Bolton và HLV xứ Wales Gary Speed được phát hiện treo cổ tại nhà riêng. Stan Collymore, cựu cầu thủ Aston Villa và Liverpool cũng là một nạn nhân khác của bệnh trầm cảm. Nước Anh còn có một nạn nhân nổi tiếng khác là Justin Fashanu, cầu thủ đầu tiên công khai mình là người đồng tính, bị kì thị và phải kết liễu cuộc đời năm 1999. 
 
NHIỀU NGUYÊN NHÂN - MỘT KẾT CỤC
Một số tờ báo khai thác về vấn đề cho rằng nguyên nhân dẫn đến những thảm kịch nằm ở sức ép khổng lồ từ nền bóng đá thương mại ngày nay, nhưng cách lí giải không thực sự thuyết phục. Danh sách nạn nhân của trầm cảm đã chứng minh rằng nó không chừa bất kì ai và thực chất đã có từ rất lâu nhưng không được sự quan tâm đúng mức. 
 
Trầm cảm thực ra được xem là một bệnh tâm lí có nguyên nhân từ những căng thẳng kéo dài mà không thể chia sẻ cùng ai. Vì vậy nó có thể xảy ra với bất kì ai và bất kì lúc nào. Đặc biệt là với môi trường thể thao khi luôn có những đội bóng, những cầu thủ đóng vai kẻ bại trận. Mặt khác họ cũng là những con người và có những hoàn cảnh bất hạnh bất ngờ như mất người thân, đổ vỡ gia đình hoặc bị chỉ trích. Điều đáng lo ngại là họ không thể thổ lộ cho ai về bệnh tình vì điều đó có thể dẫn đến việc bị loại khỏi môi trường đỉnh cao.
 
Trong trường hợp của Enke, anh mắc bệnh trầm cảm khi đóng vai trò dự bị ở Barcelona. Bệnh tình tạm lắng xuống thì con gái của anh qua đời, cộng với áp lực của cuộc chiến trụ hạng tại Bundesliga và việc cạnh tranh vị trí ở tuyển Đức khiến anh căng thẳng kéo dài. Dù cảm thấy bản thân có những suy nghĩ bất thường về cái chết nhưng Enke không thể thổ lộ để tìm sự chia sẻ bên ngoài, vì khi đó anh đang ở cương vị đội trưởng Hannover và có cơ hội bắt chính tại World Cup 2010, điều đó sẽ làm tiêu tan hoặc ít nhất là gián đoạn sự nghiệp của anh. Ở tuổi 32, Enke đứng trước những áp lực khủng khiếp nhưng đồng thời phải đóng vai trò người hùng mỗi tuần trong khung gỗ Hannover. Sự mất cân bằng này dần dần đẩy Enke đến gần với việc kết liễu bản thân.
Robert Enke De nhung noi dau khong con keo dai hinh anh 5
Robert Enke trong màu áo Barcelona
***
Hai năm sau ngày Enke mất, Reng xuất bản quyển sách về người bạn thân của mình, hé lộ nhiều chi tiết về những căng thẳng, khó khăn mà Enke phải chịu đựng. Quyển sách có tên: “Robert Enke: Một cuộc đời quá ngắn”, nhận được sự đồng cảm sâu sắc từ người đọc và đoạt giải thưởng danh giá William Hill năm 2011 dành cho sách viết về thể thao.
 
Điều đáng nói là ngay khi vừa hoàn thành quyển sách, bóng đá thế giới lại rúng động với vụ tự tử của HLV xứ Wales Gary Speed. Speed chọn kết liễu mình chỉ cách ngày giỗ của Enke đúng 17 ngày. Ngay sau ngày Speed mất, các bệnh viện tâm thần lại nhận được hàng loạt cuộc gọi cần tư vấn từ những đồng nghiệp của Enke và Speed. Nhưng Andreas Bierman, người đã tự tử vào năm 2014 do căn bệnh trầm cảm là bằng chứng hùng hồn nhất cho việc chúng ta hay cụ thể ở đây là thế giới bóng đá vẫn chưa quan tâm đúng mức đến sự nguy hại của nó để khiến nỗi đau bi kịch ấy không còn kéo dài…

LUKASZ (TTVN)
 
⇒ Xem bóng đá trực tuyến và xem bóng đá việt nam.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow