Nhật ký Seagame 28 ngày hôm nay (10/6): Cơn mưa vàng trên đất Singapore

(Bongda24h.vn) - Kể từ khi SEA Games 28 khởi tranh, hôm nay là ngày đại thành công của Đoàn TTVN với cơn mưa Vàng khi có tới 15 chiếc HCV ở các bộ môn TDDC, Bơi, Điền kinh, Boxing và Pencak Silat. Nhờ vậy, đoàn Thể thao Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trên bảng tổng sắp huy chương Sea Games 28.




Tổng hợp thành tích của đoàn thể thao Việt Nam ngày 10/6
- Huy chương vàng
1. Lê Thanh Tùng - Nhảy chống đơn nam (TDDC)
2. Nguyễn Thị Yến - Hạng cân dưới 51kg nữ (Boxing)
3. Lê Thị Bằng - Hạng cân dưới 54kg nữ (Boxing)
4. Đinh Phương Thành - Xà kép nam (TDDC)
5. Phan Thị Hà Thanh - Cầu thăng bằng nữ (TDDC)
6. Đinh Phương Thành - Xà đơn nam (TDDC)
7. Nguyễn Thị Huyền - Chạy 400m rào nữ (Điền kinh)
8. Nguyễn Văn Huệ - 10 môn phối hợp (Điền kinh)
9. Đỗ Thị Thảo - Chạy 800m nữ (Điền kinh)
10. Dương Văn Thái - Chạy 800m nam (Điền kinh)
11. Trương Đình Hoàng - Hạng cân 74kg nam (Boxing)
12. Lê Trọng Hinh - Chạy 200m nam (Điền kinh)
13. Hoàng Quang Trung - Biểu diễn Pencak Silat
14. Lâm Quang Nhật - 1500m tự do nam (Bơi lội)
15. Nguyễn Thị Ánh Viên - 400m tự do nữ (Bơi lội)
- Huy chương bạc
1. Hoàng Cường - Nhảy chống đơn nam (TDDC)
2. Đỗ Thị Vân Anh - Cầu thăng bằng nữ (TDDC)
3. Quách Công Lịch - Chạy 400m rào nam (Điền kinh)
4. Nguyễn Văn Hải - Hạng cân dưới 60kg nam (Boxing)
5. Bùi Thị Thu Thảo - Nhảy xa nữ (ĐIền kinh)
6. Bùi Thị Xuân - Ném lao nữ (Điền kinh)
- Huy chương đồng
1. Nguyễn Thanh Bình và Phạm Hoài Nam - Billiard Anh đôi nam
2. Phạm Phước Hưng - Xà kép nam (TDDC)
3. Phan Thị Hà Thanh - Thể dục tự do (TDDC)
4. Nguyễn Thị Oanh - Chạy 200m nữ (Điền kinh)

 
Đoàn TTVN thực sự đã có ngày thi đấu đại thành công khi tạo ra một cơn mưa vàng trên đất Singapore nhờ vào sự tỏa sáng của các VĐV ở nhiều môn thể thao cơ bản của Olympic. Điền kinh là điểm sáng của Thể thao Việt Nam trong ngày 10/6 khi đem về 5 HCV.  Đỗ Thị Thảo đã bảo vệ thành công chiếc HCV cự ly chạy 800m mà cô giành được ở SEA Games 2013. Như Đỗ Thị Thảo, Dương Văn Thái cũng giữ được tấm HCV trên đường chạy 800m nam khi anh chỉ về đích trong gang tấc trước sự bám đuổi sít sao của Guarte Mervin của Philippines (chỉ chậm hơn 0,04 giây)

Ở nội dung 10 môn phối hợp, Nguyễn Văn Huệ đạt tổng cộng 7232 điểm sau 2 ngày thi để giành HCV.  Hai HCV điền kinh còn lại của Thể thao Việt Nam trong ngày hôm nay thuộc về Lê Trọng Hinh và Nguyễn Thị Huyền. VĐV trẻ Lê Trọng Hinh đã lập nên kỳ tích ở Seagame lần này bởi trong lịch sử, chưa bao giờ chúng ta có được HCV ở các nội dung chạy cự ly ngắn dành cho nam. trong khi Nguyễn Thị Huyền đã giành HCV và phá kỉ lục SEA Games ở cự li 400m vượt rào nữ đã tồn tại suốt hai thập kỷ. 

Trong ngày thi đấu cuối cùng tại Seagame 28, đội Thể dục dụng cụ cũng đã giành tới 4 HCV cho Thể thao Việt Nam với sự xuất sắc của Đinh Phương Thành. Anh giành 2 HCV ở các nội dung xà kép và xà đơn nam. HCV Thể dục dụng cụ còn lại của Thể thao Việt Nam hôm nay thuộc về Lê Thanh Tùng (nhảy chống nam) và Nữ hoàng TDDC Phan Thị Hà Thanh (cầu thăng bằng nữ). Đội Boxing là một bất ngờ của Thể thao Việt Nam hôm nay khi chúng ta giành đến 3 HCV của Trương Đình Hoàng (hạng cân 75 kg), Lê Thị Bằng (hạng cân 54 kg) và Nguyễn Thị Yến (51 kg).

Với sự xuất sắc của Nguyễn Thị Ánh Viên và Lâm Quang Nhật, bơi lội Việt Nam cũng giành được 2 HCV chiều nay. Ánh Viên đã đoạt HCV và phá kỉ lục SEA ở cự li 400m tự do nữ. Thành tích của Ánh Viên ở đợt thi chung kết là 4 phút 08,66 giây, phá sâu kỉ lục 4 phút 10,75 giây do VĐV Khoo Cai Lin (Malaysia) lập tại Lào vào năm 2009. Trước đó, kình ngư Lâm Quang Nhật đã đoạt HCV và phá kỉ lục SEA Games ở cự li 1500m với thời gian 15 phút 31,03 giây. Kỉ lục cũ là 15 phút 37,73 giây do VĐV Philippines Ryan Arabejo lập tại Lào vào năm 2009. HCV còn lại mà Thể thao Việt Nam giành được thuộc về môn Pencak Silat khi võ sĩ Hoàng Quang Trung đoạt HCV nội dung Tunggal cá nhân biểu diễn với số điểm 464.

- Kết thúc ngày thi đấu hôm nay (10/6), đoàn thể thao VN đã có 48 HCV, 22 HCB và 44 HCĐ, qua đó vươn lên vị trí thứ 2 toàn đoàn sau chủ nhà Singapore và hơn Thái Lan 3 HCV.

- Đội Điền kinh Việt Nam có thêm một tấm HCB đến từ nội dung Ném lao nữ của VĐV Bùi Thị Xuân với thành tích 49,16m, kém khá xa so với VĐV đoạt HCV người Thái Lan (54m38).

- 19h40: Trần Duy Khôi bước vào chung kết 200m hỗn hợp nam nhưng kình ngư sinh năm 1997 không thể làm nên chuyện và về đích với vị trí thứ 5 bằng thành tích 2 phút 04 giây 07. VĐV đoạt HCV nội dung này không ai khác ngòai Schooling của Singapore và lại một kỷ lục Seagames nữa bị phá. Như vậy, Schooling và Ánh Viên đang trở thành hai VĐV xuất sắc nhất Seagame 28 lần này khi đoạt hàng loạt HCV và phá vỡ một loạt kỷ lục Seagames.

- 19h00: "Nữ hoàng đường đua xanh" Ánh Viên bước vào chung kết 400m tự do nữ là sở trường của cô. Quả thật, không có gì ngạc nhiên khi siêu kình ngư của Việt Nam dễ dàng thể hiện đẳng cấp hoàn tòan vượt trội khi dẫn đầu ngay sau những mét đầu tiên để rồi băng băng về đích với thành tích 4 phút 08 giây 66. Chẳng những cô gái vàng của Việt Nam đem về tấm HCV Seagame 28 thứ 7 mà Ánh Viên tiếp tục phá nát một kỷ lục Seagame nữa thuộc về VĐV Khoo Cai Lin của Malaysia lập được ở Seagames 2009 (4 phút 10 giây 75).



- 18h40: Lâm Quang Nhật bước vào chung kết nội dung 1500m tự do nam môn bơi lội mà anh đang là nhà ĐKVĐ Seagames. Chỉ sau khoảng 500m đầu, anh đã thể hiện đẳng cấp của mình khi dẫn đầu, dần bỏ cách các đối thủ phía sau. Lâm Quan Nhật còn rất trẻ, sinh năm 1997 và anh vẫn còn thừa thời gian để vươn tới những đẳng cấp cao hơn. Quang Nhật giữ nguyên vị trí dẫn đầu cho đến khi về đích và bảo vệ thành công tấm HCV. Không những vậy, anh còn xuất sắc phá sâu kỷ lục Seagames nội dung này với thành tích 15 phút 31 giây 03 (kỷ lục cũ là 15 phút 37 giây 73 do VĐV Philippines thiết lập ở Sea Games 2009).

 



- Đến lượt đội Pencak Silat lập công. Tại nôi dung biểu diễn đơn cá nhân nam, võ sỹ Hoàng Quang Trung đã biểu diễn xuất sắc giành số điểm 464 ngang bằng với một VĐV của Indonesia, quốc gia khai sinh ra môn võ Pencak Silat tuy nhiên các trọng tài đã cho anh vị trí cao nhất. Đây là HCV thứ 13 trong ngày hôm nay của đoàn TTVN. Một cơn mưa vàng thật sự trên đất Singapore.

- 18h00: Hoàng Quý Phước bước vào chung kết nội dung 50m bơi bướm. Anh đạt thành tích kém nhất vòng loại và rốt cục, kình ngư Đà Nẵng cũng chẳng thể làm nên điều gì đặc biệt khi về đích thứ 6 chung cuộc. VĐV đoạt HCV ở nội dung này là cái tên quá quen thuộc Schooling của Singapore và kình ngư này lại phá tiếp một kỷ lục Seagames.

- 17h55: Lê Trọng Hinh bước vào chung kết 200m nam, nội dung thi đấu cuối cùng của môn điền kinh trong ngày thi đấu hôm nay. Anh cũng chính là VĐV đạt thành tích tốt nhất vòng loại và đến chung kết, bằng những bước nước rút thần tốc, VĐV trẻ sinh năm 1996 đã vượt qua hai đối thủ người Thái Lan để cán đích đầu tiên với thành tích 20 giây 89. Đây là tấm HCV cực kỳ quý giá của đội điền kinh bởi xuất hiện ở các nội dung chạy cự ly ngắn, lại của nam vốn không phải thế mạnh của chúng ta. Như vậy, điền kinh Việt Nam đã có 7 HCV Seagame 28 tính đến thời điểm này.

- 17h40: Niềm hy vọng vàng Quách Thị Lan bước vào chung kết 200m nữ cùng đồng đội Nguyễn Thị Oanh mà hôm qua đã thất bại ở nội dung chạy 100m. Dù Quách Thị Lan đã đạt thành tích tốt nhất của chính cô từ trước đến nay (23 giây 98) nhưng chừng đó là chưa đủ để có mặt trong Top 3, không nói gì đến giành HCV (thuộc về VĐV nhập tịch Veronica của Singapore với thành tích 23 giây 60). Dẫu sao chúng ta có được niềm an ủi nhỏ khi Nguyễn Thị Oanh chơi xuất sắc và đạt thành tích 23 giây 92, về đích thứ 3 đồng nghĩa đoạt HCĐ.

- Tại chung kết môn Boxing hạng cân 74kg nam, võ sỹ Trương Đình Hoàng đã thi đấu cực kỳ xuất sắc, chủ động tấn công áp đảo từ đầu đến cuối trước đối thủ Aphisit người Thái Lan để rồi giành thắng lợi thuyết phục. Có lúc, máu đã đổ trên khuôn mặt của anh song bằng quyết tâm chiến đấu đến cùng, Đình Hoàng vẫn không ngừng ra đòn khiến đối thủ không có cửa bật lại. Anh đã đoạt tấm HCV hoàn toàn xứng đáng.

- 17h20: Đến lượt Dương Văn Thái bước vào chung kết 800m nam mà anh đang là ĐKVĐ. VĐV sinh năm 1992 đã thi đấu đúng phong độ và nỗ lực về đích đầu tiên trước sự bám đuổi sít sao của đối thủ người Philippines. Phải nhờ đến sự xác định của trọng tài và máy móc thì Dương Văn Thái mới được xác định bảo vệ thành công tấm HCV Seagames với thành tích 1 phút 51 giây 43.



- 17h10: Vũ Thị Ly và Đỗ Thị Thảo bước vào chung kết chạy 800m nữ. Đỗ Thị Thảo đang là nhà ĐKVĐ Seagames nội dung này và cô đã dễ dàng thể hiện đẳng cấp, trình độ của mình để băng băng về đích mà không gặp phải bất cứ sự ganh đua nào quá lớn từ các đối thủ. Thành tích của Thảo là 2 phút 05 giây 22, hơn VĐV về nhì người Myanmar gần 5 giây. Đồng đội của Thảo, Vũ Thị Ly đoạt HCĐ. Vậy là, chúng ta tiếp tục duy trì vị trí số 1 khu vực ở nội dung chạy 800m nữ trong hơn một thập kỷ gần đây.


- Điền kinh Việt Nam chưa thể có thêm tấm HCV thứ 3 trong ngày thi đấu chủ chốt hôm nay. Tại nội dung nhảy xa nữ, niềm hy vọng Bùi Thị Thu Thảo chỉ đạt thành tích 6m65, kém đúng 5cm so với VĐV Maria Londa của Indonesia nên chỉ đoạt HCB.

- Quả thực, đến môn cuối cùng (chạy 1500m), Nguyễn Văn Huệ vẫn duy trì được phong độ cao để cán đích thứ 2, một vị trí đủ để anh đăng quang ở nội dung vất vả, khủng khiếp nhất môn điền kinh gồm 10 môn khác nhau, được thi trong vòng có hai ngày (mỗi ngày 5 môn) đòi hỏi một thể lực phi thường. Chung cuộc, Nguyễn Văn Huệ đạt 7232 điểm, hơn VĐV về nhì Jesson của Philippines (chính là người về nhất nội dung cuối cùng) gần 200 điểm.

 



- Chuyển sang nội dung 10 môn phối hợp của điền kinh. VĐV Nguyễn Văn Huệ tiếp tục về nhất môn thứ 9 (ném lao) sau khi đã đứng đầu môn thứ 7 (ném đĩa) và thứ 8 (nhảy sào). Nhờ vậy, anh đã vươn lên dẫn đầu với 6609 điểm, tạo khoảng cách an tòan với VĐV cạnh tranh người Philippines (6431). Như vậy, tấm HCV đã nằm trong tầm tay của VĐV sinh năm 1989 này được xem là người kế tục cho đàn anh Vũ Văn Huyện từng 3 lần liên tiếp đoạt HCV Seagames 10 môn phối hợp.

- Boxing Việt Nam không thể có thêm HCV thứ 3 tại Seagame 28 khi Nguyễn Văn Hải thất bại trong trận chung kết hạng cân dưới 60kg nam trước Cantancio rất mạnh của Philippines mà từng đoạt HCB Seagame 27.

- Nguyễn Văn Lai bước vào chung kết nội dung chạy 10.000 mà anh đang là nhà ĐKVĐ Seagames. Hôm qua, VĐV 31 tuổi này đã bảo vệ được tấm HCV ở cự ly 5000m nam, thậm chí còn phá kỷ lục Seagames. Tuy nhiên, hôm nay, anh đã bất ngờ gặp vấn đề về mặt thể lực nên không thể hiện được phong độ tốt nhất. Cuối cùng, anh chỉ về đích thứ 6/9 còn đồng đội Đỗ Quốc Luật về thứ 4. Tấm HCV nội dung này thuộc về Agus Praỵogo của Indonesia, bại tướng của Nguyễn Văn Lai ở cự ly 5000m hôm qua.

- 15h25: Quách Công Lịch và Đào Xuân Cường bước vào chung kết nội dung 400m rào nam. Dù đã rất nỗ lực và có thời điểm vươn lên dẫn đầu nhưng vào những mét cuối, niềm hy vọng lớn Quách Công Lịch đã bị VĐV Philippines, Eric Cray bứt phá vượt qua để về đích đầu tiên. Cần lưu ý rằng, Cray là một VĐV gốc Mỹ nhập tịch Philippines và trước đó, đã đoạt HCV Seagame 28 ở cự ly "nữ hoàng" môn điền kinh: chạy 100m. Do đó, thất bại của Công Lịch xem ra là điều có thể thông cảm được, nhất là khi anh đã vượt qua được chính mình (50 giây 29). Lưu ý rằng, Eric Cray còn phá được kỷ lục Seagames ở nội dung này tồn tại từ Seagame 1995.

 


- 15h10: Ngay ở nội dung chung kết đầu tiên môn điền kinh trong chiều nay, TTVN đã có niềm vui cực lớn. VĐV Nguyễn Thị Huyền thi đấu cực kỳ xuất sắc ở đường chạy 400m rào nữ. Chẳng những VĐV trẻ sinh năm 1993 này dễ dàng bỏ xa các đối thủ để về đích đầu tiên với thành tích 56 giây 15 mà cô còn phá kỷ lục Seagames ở nội dung này tồn tại từ tận năm 1995 của một VĐV Thái Lan (56 giây 78). Đó thực sự là một kỳ tích của Nguyễn Thị Huyền.

 



- Nếu như thành công của Hà Thanh ở Seagame 28 này với 3 HCV chẳng phải chuyện gì quá sốc vì cô quá đẳng cấp ở khu vực thì lần này, TDDC Việt Nam đã giới thiệu một gương mặt mới: Đinh Phương Thành. VĐV sinh năm 1995 đã có một kỳ Seagame 28 quá xuất sắc khi mình anh thâu tóm đến 4 HCV. Vinh quang cuối cùng đến ở nội dung xà đơn nam khi Thành đoạt điểm số cao nhất 14,233, hơn sít sao VĐV Malaysia (14,133). Thành công của Phương Thành càng khẳng định sự tiếp nối thế hệ hoàn hảo của làng TDDC Việt Nam và với cái đà này, vị thế số 1 khu vực của Việt Nam trong môn thể thao Olympic sẽ chưa thể suy giảm trong những năm tới.

- "Nữ hoàng TDDC" Hà Thanh đã không thể kết thúc Seagame 28 với cú poker (4) HCV. Tại nội dung cuối cùng (Thể dục tự do), cô chỉ có được số điểm 13,433 xếp thứ 3 chung cuộc và đoạt HCĐ. VĐV nhập tịch của Malaysia, Farah Ann mà đã thua Hà Thanh trong vài nội dung ở Seagames này đã có HCV với số điểm 13,733.

- Gần như ngay tức thì, đội TDDC Việt Nam giành thêm một HCV nữa. Tại nội dung xà kép nam, VĐV Đinh Phương Thành trước đó đã đoạt HCV toàn năng nam thực hiện bài thi hoàn hảo và giành số điểm rất cao (15,833) để lập cú đúp HCV. VĐV đoạt HCB của Thái Lan chỉ có được 14,800 điểm. Người anh cả của đội TDDC nam, Phạm Phước Hưng đoạt HCĐ.

 



- Tại nhà thi đấu môn TDDC, "Nữ hoàng" Phan Thị Hà Thanh - VĐV TDDC số 1 Việt Nam và khu vực - đã giành tấm HCV thứ 3 của riêng mình ở Seagame 28 này sau bài thi hoàn hảo ở nội dung cầu thăng bằng và đạt điểm số cao nhất 13,966. Thật ra, đây là kết quả nằm trong dự đoán bởi trình độ của cô gái Hải Phòng đã đạt đến tầm thế giới khi nhiều lần đoạt HCV ở các giải cúp thế giới. Sự thống trị tuyệt đối của TDDC Việt Nam trong khu vực lại được khẳng định khi mà VĐV đoạt HCB nội dung cầu thăng bằng là Đỗ Thị Vân Anh với điểm số 13,333.

- Đội Boxing Việt Nam có tấm HCV thứ hai nhờ công của võ sỹ Lê Thị Bằng. Ở chung kết hạng cân dưới 54kg, cô đã đánh bại một VĐV khác của Philippines, Nesthy bằng tỷ số 2-1. Đây mới là kỳ Seagames đầu tiên của cô gái 23 tuổi này và Lê Thị Bằng đã tỏa sáng như kỳ vọng của ban huấn luyện. Trước khi SEA Games 28 diễn ra, Lê Thị Bằng là niềm hy vọng số một của boxing. Cô từng giành HC đồng tại ASIAD 17.

- Tin vui nối tiếp tin vui. Tại sàn đấu Boxing (Đấm bốc), nữ võ sỹ Nguyễn Thị Yến đã xuất sắc đánh bại đối thủ người Philippines ở chung kết hạng cân dưới 51kg dành cho nữ với tỷ số 2-1 để mang vinh quang về cho tổ quốc. Chỉ trong mấy chục phút ngắn ngủi đầu giờ chiều, TTVN liên tiếp đoạt 2 HCV, một điềm báo tốt lành cho một buổi thi bùng nổ trên nhiều môn thế mạnh. Vậy là Boxing Việt Nam có HCV đầu tiên và chúng ta còn 3 trận chung kết nữa vào chiều nay.
Tuong thuat truc tiep Ban tin, Nhat ky Seagame 28 ngay hom nay (106) hinh anh
Nữ võ sỹ Nguyễn Thị Yến đoạt HCV Boxing hạng cân dưới 51kg


- Ngay đầu giờ chiều, đoàn Thể Thao Viêt Nam đã nhận được tin vui từ đội TDDC nam. Tại chung kết đơn môn nhảy chống nam, VĐV Lê Thanh Tùng đã đạt điểm số cao nhất (15,000) để đem về HCV. VĐV đoạt HCB chính là đồng đội của anh ở đội TDDC, Hoàng Cường (14,866). Như vậy, TDDC Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế số 1 khu vực khi đã có tổng cộng 6 HCV từ đầu Seagame 28.

 



- Ở nội dung súng trường 50m đơn nam, xạ thủ Tạ Ngọc Long chỉ đứng thứ 6 trong số 8 VĐV tham gia lượt bắn chung kết nên không có được tấm huy chương nào.

- Tại bán kết Billiard Anh đôi nam, hai VĐV Nguyễn Thanh Bình và Phạm Hoài Nam đã thua cặp VĐV Thái Lan 0-3 nên chỉ có được tấm HCĐ. Đây là tấm huy chương đầu tiên của đoàn TTVN trong ngày hôm nay. Như vậy đội Billiards & Snooker Việt Nam khép lại Seagame 28 với chỉ một tấm HCV duy nhất ở nội dung thế mạnh carom 1 băng.

- Quả thực, không nằm ngoài chờ đợi ở môn thứ 8 (nhảy sào) của nội dung 10 môn phối hợp, Nguyễn Văn Huệ tiếp tục giành thành tích tốt nhất, qua đó nâng tổng điểm sau 8 môn lên 5877 chỉ còn kém vài chục điểm so với VĐV đứng đầu người Philippines (5907).

- Đến môn thứ 7 của nội dung 10 môn phối hợp (ném đĩa), đến lượt Nguyễn Văn Huệ thể hiện tốt để giành thành tích cao nhất qua đó nâng điểm tổng lên 5028, chỉ còn kém 2 điểm so với đồng đội Huy Thái (chỉ đứng thứ 6 môn ném đĩa). Kết thúc môn này, VĐV Philippines Ramil lại tạm vượt lên trên Suttisak của Thái Lan với khoảng cách sít sao (5205 so với 5190). Nếu chơi tốt 3 môn còn lại thì chưa biết chừng, hai VĐV của chúng ta vẫn có thể tranh chấp HCV hoặc HCB.

- Tại nội dung 10 môn phối hợp nam môn điền kinh, tiếp nối thành công vào cuối buổi chiều qua, VĐV Nguyễn Huy Thái tiếp tục chơi tốt ở bài chạy 110m vượt rào và đạt thành tích tốt thứ 2, qua đó vươn lên xếp thứ 3 trong BXH tổng (4558 điểm), thu hẹp đáng kể với VĐV dẫn đầu người Thái Lan (4672) còn Nguyễn Văn Huệ vẫn chỉ xếp thứ 5.

- Tại vòng loại chạy 200m nam môn điền kinh, VĐV Việt Nam Lê Trọng Hinh về nhất ở lượt thi đầu tiên nội dung 200m nam, với thời gian 21 giây 14 và có mặt ở chung kết. Anh cũng là VĐV đạt chỉ số tốt nhất vòng loại chạy 200m nam. Tiếp đến, niềm hy vọng vàng Quách Thị Lan bước vào vòng loại chạy 200m nữ và cô đạt thành tích 24 giây 03, tốt thứ 3 vòng loại và có mặt ở chung kết. Ngoài ra, một VĐV khác của Việt Nam, Nguyễn Thị Oanh cũng lọt vào chung kết 200m nữ với thành tích 24 giây 06.

 


- 8h55: Trần Duy Khôi và Phan Gia Mẫn tham dự vòng loại 200m hỗn hợp nam gồm rất nhiều đối thủ mạnh như Schooling, Quah Zing Wen của Singapore hay Siquid của Indonesia. Bởi thế, dù rất nỗ lực, thành tích của cả hai rất khiêm tốn và một mình Duy Khôi lọt vào chung kết nhưng xếp kém nhất trong 8 VĐV còn Gia Mẫn bị loại.

- 8h40: Cô gái vàng Ánh Viên bước vào vòng loại 400m bơi tự do cũng là thế mạnh của cô. Bởi thế, không quá ngạc nhiên khi siêu kình ngư của Việt Nam, ngôi sao sáng trên đường đua xanh Seagame 28 lần này với 6 HCV dễ dàng dẫn đầu trong phần lớn quãng đường 400m để rồi cán đích đầu tiên với thành tích 4 phút 24 giây 83 nhưng đó chỉ là thành tích tốt thứ 2 vòng loại sau một VĐV của chủ nhà Singapore.

- 08h00: Các kình ngư Việt Nam bắt đầu bước vào vòng loại các nôi dung môn bơi lội. Đầu tiên là cự ly 50m bướm nam với sự tham gia của Hoàng Quý Phước và VĐV của Đà Nẵng đã về đích thứ 3 lượt bơi đầu tiên. Chung cuộc, Quý Phước lọt vào lượt bơi chung kết với thành tích tốt thứ 5 vòng loại (25 giây 25).

Chuyên trang Bóng đá 24h cập nhật liên tục thông tin , , đầy đủ và chính xác nhất!

Bangdayoweb.com
 

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

SEA Games 32: Những điểm nhấn quan trọng của thể thao Việt Nam 

Như vậy là kỳ SEA Games 32 tại Campuchia cũng đã chính thức khép lại sau buổi lễ bế mạc diễn ra tối qua, 17/5. Và đây cũng là một kỳ đại hội đáng nhớ với thể thao Việt Nam trên nhiều phương diện. 

Hưng Nguyên mở hàng HCV SEA Games 32 cho bơi lội Việt Nam

Chiều 6/5, Trần Hưng Nguyên thể hiện đẳng cấp khi giành HCV ở nội dung 200 m hỗn hợp nam tại SEA Games 32.

Nữ tuyển thủ Việt Nam đặt mục tiêu cao ở trận gặp Myanmar

Chia sẻ trước màn thư hùng với đội nữ Myanmar vào lúc 16h00 chiều nay (6/5), tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thuỳ đã đặt quyết tâm giành 3 điểm trước Myanmar.

Nữ VĐV Indonesia ngất xỉu sau khi giành HCV SEA Games 32

Nữ VĐV marathon Odekta Elvina Naibaho người Indonesia đã phải nhờ tới sự trợ giúp y tế sau khi về nhất ở nội dung marathon nữ ở SEA Games 32. 

Quách Thị Lan dính doping vì dùng loại thuốc mới 

Chia sẻ với giới truyền thông liên quan tới việc bị tước HCV SEA Games 31 vì sử dụng doping, nữ VĐV Quách Thị Lan cho biết mình đã sử dụng một loại thuốc mới tung ra thị trường.

Lào giành tấm huy chương vàng đầu tiên tại SEA Games 32

Thể thao Lào vừa gây bất ngờ khi chinh phục thành công tấm huy chương vàng đầu tiên tại SEA Games 32 ở môn võ Kun Bokator vào ngày hôm qua.

Nam thần Quản Trọng Nghĩa bất lực ở trận thua của ĐT bóng chuyền Việt Nam

Quản Trọng Nghĩa cùng đồng đội tại ĐT bóng chuyền nam Việt Nam không thể có chiến thắng thứ hai ở SEA Games 32 khi để thua Thái Lan 1-3.

Tổng kết thành tích của Đoàn TTVN tại SEA Games 32

Bảng tổng kết thành tích của Đoàn TTVN tại SEA Games 32. Danh sách chi tiết toàn bộ các VĐV Việt Nam giành được huy chương tại SEA Games 2023.

Tổng kết thành tích của Đoàn TTVN tại SEA Games 31

Tổng kết thành tích của Đoàn TTVN tại SEA Games 31. Danh sách các VĐV Việt Nam giành được huy chương tại SEA Games 2022.

Kết quả SEA Games 31 ngày cuối cùng 22/5: TTVN khép lại đại hội với số HCV kỷ lục

Thể thao Việt Nam đang trải qua những ngày rực rỡ cả trên sân đấu lẫn trên khán đài. Và SEA Games 31 sẽ càng trọn vẹn hơn khi thầy trò HLV Park Hang-seo bảo vệ thành công tấm HCV trong trận chung kết với U23 Thái Lan tối nay.