Chủ Nhật, 29/12/2024

Tại sao Việt Nam thất bại ?

Thứ Tư 31/01/2007 00:38(GMT+7)

(Bongda24h) – Đội tuyển của chúng ta lại một lần nữa phải ra về với bàn tay trắng. Những “giấc mơ vàng” sao quá xa vời. Phải chăng chúng ta, những người hâm mộ, đã quá ảo tưởng vào một cái sức mạnh không có thật của đội tuyển Việt Nam hay đó là những gì mà chúng ta đáng phải nhận ?  



Lạ là mỗi lần chúng ta tham dự một giải đấu ở khu vực, người hâm mộ lúc nào cũng ấp ủ một niềm tin rằng chúng ta sẽ vô địch, sẽ thắng Thái Lan, sẽ làm những điều mà bấy lâu nay chúng ta không thể làm được, thế nhưng đó là con tim nói, còn lý trí thì lại ước rằng chúng ta đừng phải đối mặt với Thái, vì cứ gặp người Thái thì chúng ta sẽ thua, hãy chỉ gặp Thái ở trong trận Chung kết rồi cầm hòa và thắng ở loạt luân lưu vì đó là cơ hội duy nhất của chúng ta.

 

Chúng ta không sợ Singapore, không sợ Indonesia, không sợ Malaysia hay Myanmar nhưng lại sợ Thái. Và thực tế chúng ta đã thua, không chỉ thua Thái mà cũng chẳng thể thắng hay đá trên chân Singapore hay Indonesia, những trận hòa mà cũng như thua vì nó không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ. Vậy tại sao?


 

Chiến thuật

 

Trước trận đấu gặp đội tuyển Việt Nam trên SVĐ Mỹ Đình, HLV Chanvit của Thái đã tự tin nói rằng ông đã biết hết “miếng” của ông Riedl. Và quả thực ông này đã nói đúng, những “bài vở” của vị HLV người Áo này dù hay nhưng đã dùng quá lâu ở Việt Nam, đã thi thố quá nhiều ở các giải tranh tài cấp khu vực, nhiều đến nỗi mà đến ngay cả những người hâm mộ chịu khó theo dõi bước chân của đội tuyển cũng có thể nói ra “miếng” của ông nói gì các con cáo già ở Đông Nam Á như HLV Avramovic của Singapore. Peter Withe của Indonesia hay Chanvit của Thái Lan.

 

Không biết có phải vì ở Việt Nam lâu quá rồi hay không mà ông HLV thủ cựu này cũng bắt đầu nhiễm cái “bệnh thành tích” của những người điều hành bóng đá Việt. Những lựa chọn trước mỗi trận đấu của ông bao giờ cũng ưu tiên sự chắc chắn, và vì thủ cựu nên ông kiên tâm bảo vệ ý kiến ấy.

 

Ở AFF Cup này, thay vì đánh liều chọn cầu thủ có xu hướng tấn công nhưng Hữu Thắng thì ông Riedl lại đưa vào một Hồng Minh phòng thủ mạnh mẽ những lại yếu trong tổ chức tấn công và kết quả là ngoài 9 bàn vào lưới 1 đội tuyển Lào non kém thì chúng ta không ghi được một bàn thắng nào vào lưới đối phương (bàn thắng duy nhất còn lại do hậu vệ Indonesia tự ghi vào lưới nhà). Trận lượt về vừa rồi ở Bangkok là minh chứng rõ ràng, hiệp 1, khi quyết định sử dụng Hữu Thắng thay Hồng Minh, rõ ràng những pha tấn công của Việt Nam đa dạng hơn hẳn những trận trước đó, và đến hiệp 2 khi 2 tiền vệ thiên về công là Bảo Khanh và Hữu Thắng ra sân thì cũng là lúc thế trận trở nên nhàm chán với một Thái Lan muốn giữ sức cho trận CK còn những đợt tấn công của Việt Nam như “kim cùn đâm vào gối”.

 

Đã ở Việt Nam quá lâu, cũng khá am hiểu bóng đá Việt Nam, cũng đã có công không ít trong việc tạo dựng lối chơi 4-4-2 cho bóng đá Việt Nam, nhưng có lẽ đã đến lúc ông Riedl nên chia tay nơi này và nhường chỗ cho một nhân tố mới mẻ hơn, một con người có thể lèo lái đội tuyển theo những hướng đi khác khi mà những miếng đánh của ông đã không còn tác dụng.


 


Lực lượng

 

Cũng không thể trách hoàn toàn HLV Riedl khi mà quân số ông có trong tay không phải là những cầu thủ tốt nhất. Những con người ấy đang tụ tập nhau ở Tp. Hồ Chí Minh trong một phiên tòa mà chẳng người hâm mộ nào muốn có vào cái lúc mà các đồng đội cũ của họ đang thi đấu ở cái sân chơi lớn nhất Đông Nam Á.

 

Đến Singapore với lực lượng tiền vệ giỏi quá mỏng, ông Riedl cũng không có được nhiều lựa chọn, những người ông cần là Tài Em mắc chấn thương ngay trước giải đấu, còn Quốc Vượng, Văn Chương hay Quốc Anh lại đang ở tòa.

 

Hàng tiền vệ là trái tim của mỗi đội bóng và khi trái tim này yếu thì đương nhiên là cả cơ thể cũng chẳng thể nào mạnh được nên thất bại là đương nhiên. Thiếu mạch lạc trong tổ chức tấn công và luống cuống trong thu về phòng thủ là những gì có thể thấy rõ ở đội tuyển chúng ta khi tham dự các Cup gần đây.

 

Và nguy hiểm hơn nữa chúng ta còn thiếu một thủ lĩnh, một Zidane hay Canavaro để có thể dẫn dắt được lối chơi của toàn đội chứ không phải là một Minh Phương khá mờ nhạt và chưa đủ tầm. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến một đội bóng thiếu ổn định.

 


Thể lực

 

Đây là bài toán muôn thủa của bóng đá Việt Nam và ở đội tuyển tham dự AFF Cup lần này cũng vậy. Chưa có một hiệp 2 nào chúng ta thi đấu tốt, nhiều phần cũng vì do thể lực đã giảm sút quá nhanh trừ trận đấu gặp Lào hầu như không mất sức.

 

Cứ mỗi lần khi kim đồng hồ chỉ vào khoảng phút 50-60 của trận đấu thì người hâm mộ có thể nhận thấy quá rõ sự xuống sức của các cầu thủ Việt Nam với những pha dẫn bóng chậm chạp, những pha vào bóng thiếu bình tĩnh, những bước chạy mệt mỏi hay những đường chuyền sai địa chỉ. Và y như rằng kể từ những phút đó đến cuối trận các cầu thủ của chúng ta chỉ còn thi đấu theo kiểu “cầm cự” chờ cho đến hết trận đấu.

 

Đây là điều không thể chấp nhận được khi mà một đội bóng chuyên nghiệp không đủ thể lực để có thể thi đấu hoàn hảo trong 90 phút. Đã đến lúc công tác đào tạo thể lực cần phải được quan tâm chú ý đến nhiều hơn nữa ngay từ khi phát triển bóng đá trẻ.


 

Tinh thần

 

Thật lạ đội tuyển Việt Nam đã thi đấu ở Bangkok với tinh thần tốt hơn hẳn khi được thi đấu trên sân nhà với sự cổ động của 4 vạn khán giả xem trực tiếp và hàng triệu khán giả xem qua máy thu hình. Tựu chung cũng vì cái tâm lý “sợ Thái” .

 

Cái “dớp” thua Thái Lan chả hiểu vì sao cứ truyền trong các cầu thủ quốc gia Việt Nam từ thế hệ này qua thế hệ kia mặc dù đáng ra đội tuyển lần này phải không còn cái tâm lý đó nữa khi mà đến phân nửa đội hình của Thái đang thi đấu ở V-League, là những cầu thủ mà chúng ta vẫn đối mặt hàng ngày hoặch cùng thi đấu với họ. Thế nhưng chúng ta vẫn sợ, vẫn “cóng” khi đối mặt với họ, chúng ta để cái sức ép của một trận đấu lớn đè nặng và chúng ta phòng thủ , và thế là chúng ta thua.

 

Chỉ đến khi không còn gì để mất thì cái tâm lý ấy mới được cởi bỏ trên đất Thái và chúng ta đã có một hiệp đấu ngang cơ. Chỉ đến lúc ấy mới có người nói, giá mà cái tinh thần này có ở sân Mỹ Đình …..

 

 

….. Và cả do quản lý

 

Rõ ràng những thất bại của chúng ta cũng có lỗi không nhỏ do cách quản lý của những người làm bóng đá Việt Nam.

 

Ông Riedl hoàn toàn có lý khi nói rằng một đất nước có hơn 8 triệu dân với một tình yêu bóng đá cuồng nhiệt lại chỉ có dăm chục CLB bóng đá chuyên nghiệp, trong số đó những CLB có công tác đào tạo trẻ lại chỉ hơn con số 10. Chẳng phải ngẫu nhiên mà chúng ta thiếu quân, thiếu thể lực, thiếu cả các kỹ thuật cơ bản. Nhìn các cầu thủ chuyền bóng cho nhau trên sân mà sao cứ lo lo trong khi kỹ thuật chuyền bóng lại là một trong những kỹ thuật phải học đầu tiên. Và cả các kỹ thuật dứt điểm cũng vậy, trong khi ở nước ngoài thì đây đã trở thành một bản năng với quá trình đào tạo khoa học và lâu dài thì ở chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức “nắm bắt kỹ thuật” ???

 

Học viện bóng đá Arsenal – HAGL sắp được khởi công ở Việt Nam là một tín hiệu mừng nhưng liệu một học viện có là đủ cho một nền bóng đá như ở Việt Nam ? Mong lắm thay sẽ có nhiều nhiều các học viện như vậy trên khắp cả nước. Muốn được như vậy những nhà làm quản lý bóng đá Việt Nam cần phải có một tầm nhìn xa và một chiến lược dài hạn và cụ thể. Chỉ khi có một cái nền vững thì mới mong đỉnh tháp vươn cao được. Và điều này chỉ do cách làm bóng đá mà nên.

 

Trong năm nay, bóng đá Việt Nam sẽ còn tham gia 2 sân chơi lớn nữa là Asian Cup và Sea Games, nhưng để có được những kết quả tốt ở những sân chơi đó thì bóng đá Việt Nam sẽ còn phải thay đổi khá nhiều so với những gì chúng ta vừa mới được chứng kiến.

 

Các bạn hãy cho ý kiến về thành tích thi đấu của đội tuyển vừa qua, những ưu nhược điểm, những phân tích hay hiến kế để bóng đá Việt Nam đạt được “Giấc mơ vàng”. Bài viết của các bạn có thể được gửi ngay dưới đây, xin vui lòng đánh bằng tiếng Việt có dấu để ý kiến của các bạn được đăng tải nhanh nhất.

 

  • Thanh Vân

Có thể bạn quan tâm

Angel - Blind: Thiên thần dẫn lối Hiệp sĩ mù giúp Quỷ đỏ thăng hoa

Hà Đông - Công Phượng và sự cay nghiệt của người Việt

Di Maria: Còn hơn cả một bộ động cơ

Man Utd: Hai năm, ba HLV và cảm xúc lẫn lộn

Từ Mata đến Lukaku: Cái lí của Mourinho

Iniesta: Phù thủy của thế kỷ 21…

Real Madrid: Đẹp, mong manh, và dễ vỡ

Gia nhập Manchester United: Nên hay không?

Theo Walcott vẫn rất cần cho Arsenal

Sanchez về Arsenal: Tương lai nào cho Walcott?

X