Liệu đó là một bàn thắng nằm ngoài mọi dự đoán hay là một khoảnh khắc đi cùng với cảm giác nó là điều tất yếu sẽ đến?
Dù thế nào đi nữa, pha lập công ở phút 96 của giúp Atletico Madrid giành chiến thắng 2-1 trước Barcelona vào đêm thứ 7 chính là bàn thắng quan trọng nhất trên khắp cõi bóng đá châu Âu cho đến thời điểm này của mùa giải. Barca, đội từng chiếm lĩnh vị trí đầu bảng của La Liga trong một thời gian dài của mùa này, giờ đây đã tụt hạng và bị Atleti vượt mặt. Vào dịp Giáng Sinh này, của chính là đội bóng số 1 của bóng đá Tây Ban Nha.
Câu hỏi đặt ra ở đầu bài xuất phát từ “bản chất” màn trình diễn của Atleti trước Barca và “bản chất” mùa giải này của họ. Vào tối thứ 7, trong suốt một thời gian dài, họ đã bị đối thủ dẫn trước tỷ số. Barcelona đã có một sự khởi đầu tuyệt vời, họ ghi bàn mở tỷ số bằng một siêu phẩm của Pedri và hoàn toàn có thể nhân đôi cách biệt nếu tận dụng cơ hội tốt hơn hoặc may mắn hơn. Sang hiệp hai, Raphinha đã có một cú lốp bóng chạm xà ngang và Robert Lewandowski có một pha sút hụt bóng khi nhận được cơ hội ngon ăn nhất trận đấu (mặc dù cũng có khả năng VAR sẽ từ chối bàn thắng vì lỗi việt vị nếu tiền đạo người Ba Lan dứt điểm thành công).
Trong suốt một thời gian dài, đoàn quân của Simeone chỉ đơn thuần là gồng mình chống đỡ sức ép dồn dập từ Barca. Sau đó, Rodrigo De Paul bất ngờ ghi bàn gỡ hòa với một cú sút uy lực sau một pha phản công, và rồi khi trận đấu bước sâu vào những phút bù giờ, Sorloth đã trở thành người hùng mang về cho Simeone chiến thắng đầu tiên trước Barcelona khi đá trên sân khách.
Pha ghi bàn ấy của Sorloth đến từ điều đơn giản nhất trong bóng đá – một pha chạy chỗ không bóng chẳng có ai theo kèm.
Thực chất thì khoảnh khắc này chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Cầu thủ phải mang tiếng “tội đồ” là Alejandro Balde, người đảm nhận vai trò hậu vệ trái kiêm tiền đạo cánh trái trong hệ thống của Barca, và đối thủ mà anh ta đã “thả rông” là Nahuel Molina. Balde đã phải chơi 90 phút của trận đấu, còn Molina thì mới chỉ chơi 30 phút.
Khi De Paul nhận bóng bên sân nhà Atleti, vào thời điểm chỉ còn 30 giây nữa là trận đấu kết thúc, anh đã không còn đủ sức để tự mình đưa quả bóng lên phía trước.
Nhưng Molina thì có đủ thể lực, tốc độ - và sự quyết tâm – để vượt qua Balde và mang tới cho De Paul phương án chuyền bóng ra phía sau hàng thủ đối phương.
Sau đó Molina thực hiện một pha căng ngang cho Sorloth, một người đồng đội khác cũng vào sân từ băng ghế dự bị…
…và anh ta sút tung lưới đối thủ.
Tất nhiên, “những đôi chân khỏe khoắn, sung sức” vào sân từ băng ghế dự bị không phải là một khái niệm mới mẻ gì cả, nhưng khái niệm các đội bóng có 5 quyền thay người thì đúng là vậy, và cách các nhà cầm quân tiếp cận sự thay đổi lớn lao này của môn thể thao vua rất đa dạng.
Trên khắp 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, hầu như mọi vị HLV đều tận dụng 2 quyền thay người mới được “bổ sung” – chỉ có duy nhất Sean Dyche của Everton là có khuynh hướng sử dụng ít hơn 3 cầu thủ dự bị trong các trận đấu ở mùa giải này – nhưng chẳng có ai thay người như Simeone cả.
Gần như trận nào chiến lược gia người Argentina cũng tận dụng tối đa 5 quyền thay người – ông thay người trung bình 4,89 lần mỗi trận – và ông sử dụng chúng sớm hơn bất kỳ nhà cầm quân nào khác. Trung bình, các cầu thủ vào sân thay người của ông được chơi 27 phút mỗi trận.
Sorloth là phương án thay người được Simeone sử dụng nhiều nhất ở mùa giải này, với 11 lần. Tuy ban đầu bước vào mùa giải với tư cách một cầu thủ đá chính, nhưng giờ đây anh đang chứng tỏ mình là một “siêu dự bị” cực kỳ nguy hiểm.
Trong 7 trận đấu gần nhất của Atletico Madrid ở La Liga anh đều vào sân từ băng ghế dự bị và ghi bàn trong 5/7 trận đó, 3 trong số này là những pha lập công mang chiến thắng về cho đội. Trong 2 trận đấu với Las Palmas và Alaves, anh đã đón lấy 2 đường chọc khe từ De Paul và dứt điểm cực kỳ tự tin cả 2 lần. Cũng trong tháng trước, anh là người ấn định chiến thắng 5-0 của Atleti trước Valladolid bằng một pha đệm bóng cận thành sau một đường chuyền đầy tính đồng đội từ Angel Correa. Anh đã có một pha đánh đầu tuyệt đẹp để ghi bàn thắng duy nhất của Atleti trong chiến thắng 1-0 trước Getafe sau đường chuyền kiến tạo từ cầu thủ vào sân thay người Molina, trước khi lặp lại “công thức” này trong trận đấu với Barca.
“Một đội bóng đích thực là phải thế: Sau khi một cầu thủ rời sân, một cầu thủ khác vào thay thế và ‘phản hồi’ một cách tuyệt vời với nhiệm vụ mà mình được giao phó.
“Chúng tôi đã rút (Antoine) Griezmann ra khỏi sân sớm, đây là một quyết định hết sức khó khăn đối với tôi, nhưng tôi biết Sorloth có khả năng giúp chúng tôi thoát khỏi trạng thái quanh quẩn phòng ngự lùi sâu, cậu ấy rất giỏi giữ bóng. Tôi nghĩ rằng các cầu thủ vào sân thay người đã tăng cường sức mạnh cho chúng tôi; chúng tôi đã tạo ra được một số pha phản công nguy hiểm, và một tình huống di chuyển tinh tế, một cú dứt điểm tuyệt vời của Sorloth đã giúp chúng tôi giành chiến thắng trong một trận đấu hết sức khó khăn.”
Đúng như Simeone đã nói, Sorloth rất giỏi trong việc giữ bóng để chờ đợi các đồng đội dâng lên phối hợp / hỗ trợ, nhưng anh cũng có thể “du hành” cùng quả bóng, thường xuyên có những tình huống cầm bóng vượt qua đối thủ theo phong cách “máy ủi” với thể hình và sức mạnh của mình. Tiền đạo người Na Uy đang chứng tỏ bản thân chính là kế hoạch B tuyệt vời nhất, một phần là do vị HLV trưởng của anh thường đưa anh – và các đồng đội khác – vào sân từ rất sớm.
Thật vậy, khả năng liên tục tuỳ cơ ứng biến của Simeone đồng nghĩa với việc ông thường xuyên điều chỉnh hệ thống và nhân sự trên sân đấu của mình. Vào hôm thứ 7, ông đã bắt đầu trận đấu với một hệ thống 4-4-2 co cụm.
Còn vào đầu hiệp hai, Simeone đã đưa Conor Gallagher vào vị trí tiền vệ số 10 từ cánh phải, tạo thành một khối đội hình kim cương ở trung tuyến.
Sau khi thực hiện những sự điều chỉnh nhân sự ở cánh phải, nhà cầm quân người Argentina đã chuyển sang dùng đội hình 5-3-2 vào giữa hiệp hai.
Cuối cùng, ông kéo Julian Alvarez từ vị trí trung phong xuống làm tiền vệ cánh trái, tạo thành đội hình 5-4-1. Những lần biến đổi đội hình thi đấu không phải lúc nào cũng trùng khớp với các quyết định thay người của Simeone, nhưng có lẽ ông sẽ không triển khai hệ thống cuối cùng kia nếu không thể trông cậy vào Molina, một wingback thực thụ, hoặc Sorloth, một cầu thủ có thể đảm nhận vai trò trung phong độc nhất một cách thoải mái.
Liệu những thay đổi chiến thuật trên có thực sự hiệu quả hay không? Đây vẫn là một câu hỏi khó lòng trả lời, dù cho chiến thắng đã thuộc về đoàn quân của Simeone. Atletico đã bị áp đảo, bị lấn lướt trong gần như toàn bộ trận đấu, và hầu hết những sự điều chỉnh mà Simeone đưa ra chỉ chú trọng vào việc chống cự, cố không để cho đội bóng của ông bị vỡ trận và nỗ lực hạn chế những khoảng trống dành cho Barca ở khu vực 1/3 cuối sân. Giả sử không nhiều lần nhận được nụ cười của vị thần may mắn, Atletico có lẽ sẽ bị đánh bại một cách tâm phục khẩu phục trong thế trận này. “Cho tới khi chúng tôi tìm được bàn thắng, họ đã chơi vượt trội hơn chúng tôi rất nhiều,” Simeone thừa nhận.
Nhưng Simeone cũng biết rằng Barcelona đã tỏ ra mệt mỏi rõ rệt trong những tuần gần đây. Ông biết rằng họ đã đánh rơi 2 điểm trước Celta Vigo vì những bàn thua muộn và cũng đã để tình trạng này xảy ra trước Betis hồi đầu tháng. Ông biết rằng Atletico đang là đội có thành tích ghi bàn trong 15 phút cuối của các trận đấu cao nhất ở La Liga. Ông biết rằng mình có 5 cơ hội để xoay chuyển trận đấu.
Phút 95 trận đấu với Real Madrid, Correa ghi bàn gỡ hoà sau khi vào sân từ băng ghế dự bị. Phút 96 trước Barcelona, Sorloth ghi bàn mang về chiến thắng cho Atleti sau khi được tung vào sân thay người. Vào cuối mùa giải, những điểm số này có thể sẽ càng trở nên cực kỳ, cực kỳ quan trọng đối với tham vọng vô địch mà đoàn quân của Simeone đang ấp ủ.
Atletico Madrid vừa có 11 trận thắng liên tiếp – 6 trong số đó là ở La Liga – và đây chính là chuỗi trận tốt nhất của họ kể từ mùa thu năm 2012.
Rạng sáng 22/12 (giờ Hà Nội), trên sân nhà, Barcelona để thua ngược Atletico Madrid 1-2, qua đó chính thức mất ngôi đầu La Liga.