Athletic Bilbao và câu chuyện đằng sau cánh cổng khóa chặt xứ Basque (Phần 2)

Tác giả Ole - Thứ Bảy 17/06/2017 08:32(GMT+7)

Zalo
Phần 1:

Phần 2:

NỖI ÁM ẢNH CỦA… KẺ PHẢN BỘI
Trong tiếng Tây Ban Nha, từ Vicente có nghĩa là chinh phục. Tương tự trong tiếng Pháp là Vincent, còn tiếng Basque là Bixente. Thời điểm mà Bixente Lizarazu chào đời, một nhân viên hành chính ở thị trấn Saint Jean de Luz đã từ chối đăng ký tên tiếng Basque cho anh, thay vào đó là cái tên Vincent dựa theo tiếng Pháp. Phải đến năm 1996, Lizarazu mới được phép sử dụng tên tiếng Basque của mình. Đó cũng chính là năm mà Bordeaux lọt vào đến trận chung kết UEFA Cup để chạm trán Bayern Munich. Đeo trên vai chiếc băng thủ quân, Bixente đã chơi trận đấu cuối cùng trong màu áo đội bóng nước Pháp. Khi ấy, những ngôi sao mới nổi, như Christophe Dugarry hay “nhạc trưởng” Zinedine Zidane đều là đồng đội của Lizarazu. Kết quả chung cuộc, Hùm xám giành chiến thắng 3-1 còn Lizarazu phải rời sân bằng cáng sau một pha va chạm cực mạnh. Tất cả các CĐV Bordeaux đã đứng dậy, vỗ tay tôn vinh anh một cách nồng nhiệt, nhưng Lizarazu chẳng hề ngờ rằng, những năm tiếp theo của cuộc đời mình lại trải qua nhiều sóng gió đến thế.
Athletic Bilbao va cau chuyen dang sau canh cong khoa chat xu Basque (Phan 2) hinh anh
 
Xuất thân từ phía đông vịnh Biscay, một mảnh đất mang đậm nền văn hóa Pháp - Basque, ngay từ nhỏ Lizarazu đã thích lướt ván trên những bãi biển đẹp tuyệt vời ở vùng Tây Nam nước Pháp. Sau những màn trình diễn ấn tượng cùng Bordeaux, lẽ ra Lizarazu đã có nhiều lựa chọn thực sự hấp dẫn cho tương lai của mình. Arsenal thậm chí đã đưa ra một bản hợp đồng đề nghị nghiêm túc. Tuy nhiên, một người từng lớn lên ở xứ Basque như anh lại có vẻ chẳng hề hứng thú với London hay Paris.
 
“Tôi nghĩ mình sẽ cảm thấy ngạt thở khi chuyển đến những thành phố đông đúc. Nếu chuyện này xảy ra, tôi sẽ rất nhớ xứ Basque, giống như một tay chăn cừu nhớ ngọn núi của mình vậy”, Lizarazu chia sẻ trong cuộc phỏng vấn. Cuối cùng, hậu vệ người Pháp đã lựa chọn Athletic Bilbao, nơi chỉ cách nhà anh, thị trấn Hendaye, đúng một giờ đồng hồ lái xe về phía bên kia con sông Bidasoa xinh đẹp. Đây cũng chính là một thương vụ lịch sử và Bixente Lizarazu trở thành cầu thủ nước ngoài đầu tiên (vẫn là người Basque) thi đấu cho đội bóng chủ sân San Mames.
 
“Đội bóng luôn duy trì được bản sắc của xứ Basque với những cầu thủ địa phương. Mặc dù là người Basque phương Bắc đầu tiên đến chơi bóng ở đây nhưng tôi tin rằng mình sẽ không bị coi như một người nước ngoài”, cựu ngôi sao Bordeaux hy vọng.
 
Cuộc hành trình của Lizarazu bắt đầu khá suôn sẻ. Anh cảm thấy hài lòng và người hâm mộ Bilbao cũng vậy. Thậm chí, cầu thủ người Pháp còn hát được bằng tiếng Euskara trong một dịp lễ Giáng sinh đặc biệt do Euskal Telebista (hội CĐV Bilbao) tổ chức. Mọi thứ chỉ thực sự thay đổi khi Lizarazu dính vào cuộc xung đột với tân HLV Luis Fernandez, người chuyển đến từ PSG. Được mệnh danh là một trong những “viên kim cương ma thuật”, cựu tiền vệ từng gây ảnh hưởng mạnh mẽ với nền bóng đá châu Âu ở giai đoạn thập niên 80 giữ vai trò hết sức quan trọng tại Bilbao vào thời điểm ấy. Cộng thêm với chấn thương háng dai dẳng đã khiến cho Lizarazu chỉ được chơi vỏn vẹn 16 trận trong suốt mùa giải. Để rồi, ngay sau đó anh đã quyết định chuyển đến gia nhập Bayern Munich.
 
Xứ Basque luôn yêu thương những đứa con trai của mình, nhưng họ sẽ không bao giờ chấp nhận tha thứ cho kẻ phản bội. Nguyện vọng muốn chuyển sang khoác áo Hùm xám của Lizarazu ngay lập tức làm dấy lên một làn sóng chủ nghĩa dân tộc địa phương mạnh mẽ. Rất nhanh chóng, trong mắt những người dân Basque, cái tên Lizarazu chỉ còn mang danh nghĩa của một tên lính đánh thuê không biết tôn trọng bản sắc dân tộc, không hơn không kém.
 
Về phần bản thân, Lizarazu hoàn toàn bối rối. Xuất thân từ một gia đình người xứ Basque, thấm nhuần thứ tư tưởng văn hóa có phần cực đoan và truyền thống địa phương Euskadi. Thậm chí, anh còn đặt cho con trai mình một cái tên theo đúng chất Basque, Tximista, có nghĩa là “sấm sét”. Giống như bất kỳ ai xung quanh, Lizarazu cũng giống với một người Basque thực thụ. Nhưng đổi lại, người ta chỉ coi anh là một kẻ phản bội đáng ghét.
Athletic Bilbao va cau chuyen dang sau canh cong khoa chat xu Basque (Phan 2) hinh anh 2
 
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải cú sốc thực sự. Vào ngày 12/12/2000, một phong bì đã được gửi đến Hendaye, khi Lizarazu còn đang bận ăn mừng sinh nhật cùng bạn gái tại Paris. Bức thư được nhận bởi cha mẹ anh, chẳng có chữ ký nào nhưng lại được đóng dấu bên ngoài, với hình ảnh một con rắn quấn quanh cây rìu, biểu tượng của tổ chức ly khai xứ Basque (ETA), là tập hợp những phần tử khủng bố cực đoan nổi tiếng. Cá nhân Lizarazu hiểu rõ điều gì đang diễn ra với mình. Chính bức thư này đã thay đổi cuộc đời anh, từ thời điểm ấy và mãi mãi về sau.
 
Nhiều năm trôi qua, cuối cùng thì Lizarazu cũng dám tiết lộ nội dung bức thư trong cuốn tự truyện của mình. “Chúng tôi vô cùng tức giận và muốn cảnh báo anh vì hành động bảo vệ màu cờ sắc áo cho một quốc gia thù địch. Anh được trả một cục tiền chỉ để mặc chiếc áo phục vụ cho đất nước đã dám đàn áp và ăn cắp từ những người Basque. ETA viết thư này bởi chúng tôi cần sự hỗ trợ để tiếp tục cuộc chiến với chống lại nhà nước, trong khi anh lại nhận tiền từ kẻ thù. Nếu anh không sẵn sàng hồi đáp một cách tích cực, chúng tôi sẽ không thể đảm bảo sự an toàn cho anh và gia đình”.
 
Chức vô địch World Cup năm 1998 chính là đỉnh cao trong sự nghiệp cầu thủ của Bixente Lizarazu. Lựa chọn thi đấu đồng thời giành được những thành công vang dội cùng ĐT Pháp, vốn bị coi là một quốc gia có hành động đàn áp đối với xứ Basque, khiến ngôi sao sinh năm 1969 này trở thành mục tiêu khủng bố của ETA. Hệ quả, cho dù ở Pháp hay Đức đi chăng nữa thì gia đình Lizarazu đều được các mật vụ đưa vào diện bảo vệ tuyệt đối.
 
“Tôi từng đến sân tập của Bayern Munich mỗi ngày bằng một chiếc xe bọc thép cùng với hai tay súng ngồi bên cạnh. Khi trở về xứ Basque, người ta phải kiểm tra xe của tôi vào mỗi buổi sáng sớm để xem dưới gầm xe có bị đặt bom hay không. Tại các sân bay, tôi chỉ được bước vào bằng lối đi bí mật, vốn dành riêng cho nguyên thủ quốc gia”, Lizarazu bồi hồi nhớ lại.
 
Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao mà Lizarazu không bao giờ được xem như một hình tượng tiêu biểu cho truyền thống bóng đá xứ Basque. Để rồi, 15 năm sau, lịch sử lặp lại…

XỨ BASQUE KHÔNG PHẢI LÀ TÂY BAN NHA
 
Casco Viejo là một khu phố có từ thời Trung cổ ở Bilbao, nổi tiếng với những cửa hàng và quán rượu nhiều màu sắc. Mặc dù vậy, thị trấn cổ vốn từng êm đềm và khiêm nhường ấy lại phải chứng kiến điều bất thường vào một đêm Chủ nhật sau khi Real Betis đánh bại Athletic Bilbao với tỷ số chung cuộc 5-3 ngay tại sân San Mames. Đó là ngày 19/8/2012. Một trong những cửa hàng đại diện chính thức của CLB xứ Basque đã bị phá hoại và ai đó cũng vẽ lên kính cửa sổ một thông điệp: “Llorente muerete espanol, Llorente bastardo muerete”, (nghĩa là Llorente, chết đi, đồ Tây Ban Nha và Llorente, chết đi, đồ khốn nạn).
 
Trước đó vài tháng, không ai có thể tin rằng điều này sẽ xảy ra. Fernando Llorente, một người được các CĐV Bilbao yêu mến tới mức đặt cho biệt danh “El King Rey Leon” (Vua sư tử), từng sinh ra và lớn lên ở vùng Navarre, khu vực tiếp giáp với xứ Basque. Cần phải nói thêm rằng, biệt danh của Bilbao chính là Los Leones (nghĩa là Bầy sư tử) và Llorente đã vinh hạnh được mang trong mình niềm tôn quý cao nhất đối với đội bóng chủ sân San Mames, một thứ tài sản vô giá mà những người hâm mộ xứ Basque chỉ muốn dành riêng cho cầu thủ hay nhất của mình.
 
Gia nhập học viện trẻ Bilbao từ năm 1996 khi mới 11 tuổi, Llorente đã không ngừng tiến bộ để trở thành một vị thánh bảo hộ của đội bóng cũng như đại diện cho nền văn hóa truyền thống xứ Basque. Mùa giải trước đó (2011/12), anh ghi tới 29 bàn thắng đồng thời giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong chiến dịch đưa Bilbao tìm lại vị thế ở đấu trường châu Âu, sau khi vượt qua gã khổng lồ nước Anh, Manchester United với tổng tỷ số chung cuộc 5-3 tại vòng 1/16 Europa League. Khi ấy, Marcelo Bielsa là người dẫn dắt đội bóng. Chỉ trong vòng một giai đoạn ngắn ngủi từ năm 2011 đến 2013, nhà cầm quân có biệt danh là “Gã điên” này đã mang đến sân San Mames một thứ bóng đá pressing bùng nổ và cuồng nhiệt, đưa CLB xứ Basque lọt vào đến trận chung kết Copa del Rey (thua Barca) và chung kết Europa League (thua Atletico Madrid). Đội hình trẻ măng của Athletic Bilbao thậm chí đã hành hạ M.U ngay tại Old Trafford, bắt David de Gea phải làm việc không ngừng nghỉ, còn vị chiến lược gia huyền thoại Sir Alex Ferguson thì hoàn toàn bất lực trong sự giận dữ không thể nào kiềm chế nổi.
 
Ở trận lượt về, Llorente đã lập công từ một cú volley sấm sét bằng chân phải, trong bầu không khí điên cuồng đến nghẹt thở và những tiếng la hét như thể sắp phá sập các góc khán đài sân San Mames. Đám đông hân hoan chào đón “đứa con cưng” đang dang rộng cánh tay và chạy về phía góc sân để ăn mừng bàn thắng. Nhưng rồi, chỉ trong vòng vài tháng sau đó, dường như cả thế giới (xứ Basque) đã quay lưng lại với Vua sư tử.
 
Tại xứ Basque, những hoài bão cá nhân luôn phải chấp nhận nhường chỗ cho tinh thần dân tộc địa phương. Giữa nền văn hóa theo kiểu “trung thành tuyệt đối” của mảnh đất phía Bắc Tây Ban Nha cùng với khát vọng được đầu quân cho một đội bóng lớn hơn, chàng trai có đôi mắt xanh Llorente có lẽ đã mắc kẹt. Cuối mùa giải 2011/12, Llorente từ chối gia hạn thêm hợp đồng. Người hâm mộ Bilbao muốn nhìn thấy sự hy sinh của anh như một biểu tượng điển hình cho tinh thần Basque. Tuy nhiên, Llorente đã không chấp nhận nhượng bộ và nhanh chóng trở thành một kẻ bị ruồng bỏ ở sân San Mames. Cũng giống như người đồng đội Javi Martinez, một cầu thủ từng chơi rất hay dưới màu áo Bilbao trong mùa giải 2011/12, đã mang danh “tội đồ” chỉ vì chuyển sang khoác áo Bayern Munich.
Athletic Bilbao va cau chuyen dang sau canh cong khoa chat xu Basque (Phan 2) hinh anh 3
 
Một ngày trước trận gặp Betis (8/2012), khi Llorente đang tập luyện tại trung tâm Lezama, hàng trăm CĐV bắt đầu la hét và nhục mạ anh. Họ mang theo một tấm băng-rôn trắng khổng lồ với dòng chữ màu đỏ tươi: “Bọn lính đánh thuê hãy cút đi”. Từ một người anh hùng từng được ngưỡng mộ tại “thánh đường” San Mames mới chỉ cách đó vài tháng, giờ đây Llorente không hơn một… kẻ đánh thuê. Mối quan hệ giữa anh và những người hâm mộ Bilbao nóng tính, cũng như Chủ tịch Josu Urrutia ngày càng trở nên tệ hơn. Và cuối cùng, Llorente đành phải chấp nhận ra đi vào mùa Hè 2013 như một hệ quả tất yếu, với điểm đến tiếp theo là Juventus.
 
Đặt trong bối cảnh ETA vẫn đang hoạt động rất mạnh ở xứ Basque, sự cứng nhắc của Athletic Bilbao đối với chính sách Cantera là điều hoàn toàn dễ hiểu. Xét trên một khía cạnh nào đó, những hành động đe dọa cuộc sống của các cầu thủ như Llorente hay Lizarazu thậm chí còn được xem là hành vi đại diện cho chủ nghĩa yêu nước mang tính địa phương. Tất nhiên, việc duy trì một thứ tinh thần bài ngoại như vậy cũng chẳng có gì là hay ho, nhưng xứ Basque là thế, một mảnh đất mà người ta luôn sẵn sàng hy sinh mọi thứ để khẳng định giá trị truyền thống của mình.
 
Thời điểm ĐT Tây Ban Nha giành ngôi vô địch World Cup 2010, chẳng một người dân Euskadi nào thèm ăn mừng. Cần phải nói thêm rằng, chiến thắng của La Roja đã đến đúng vào lúc đất nước Tây Ban Nha đang rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Danh hiệu vô địch thế giới phần nào giúp cho các vùng tự trị trên khắp quốc gia này trở nên đoàn kết hơn, nhưng lại không hề trọn vẹn. Người ta đã tổ chức lễ hội ăn mừng ở nhiều nơi, từ Galacia đến Catalonia. Tuy nhiên, tại xứ Basque thì không.
Athletic Bilbao va cau chuyen dang sau canh cong khoa chat xu Basque (Phan 2) hinh anh 4
 
Bên cạnh đó, nòng cốt đội hình Tây Ban Nha bước lên đỉnh thế giới vào năm 2010 chủ yếu là các cầu thủ đến từ Catalonia. Do đó, việc người dân những xứ khác tỏ ra thờ ơ cũng khá dễ hiểu. Trên thực tế, hầu hết người Bilbao không ghét Tây Ban Nha, chỉ có điều là họ quá yêu quê hương mình. Sau khi Tây Ban Nha đoạt chức vô địch World Cup, đã xuất hiện một cuộc diễu hành của khoảng 2000 người với quốc kỳ đất nước tại xứ Basque. Dẫy vậy, quan điểm về cái thứ gọi là “Espana” của người dân nơi đây thì vẫn không hề thay đổi.
 
Trước đêm chung kết, một quán bar địa phương đã treo băng-rôn với khẩu hiệu: “Ở đây chúng tôi chỉ cổ vũ Hà Lan. Không có người Tây Ban Nha, cám ơn”. Thậm chí, một số người cực đoan hơn còn không chấp nhận các cầu thủ xứ Basque mặc áo ĐTQG, muốn họ từ chối lên tuyển. Trong khi đó, Euskal Selekzioa (ĐT xứ Basque) mặc dù không được FIFA hay UEFA công nhận nhưng vẫn tiếp tục tồn tại, thông qua lịch thi đấu giao hữu đều đặn với các đội là thành viên của FIFA... (Còn nữa)

Lược dịch từ: http://www.goaldentimes.org/athletic-bilbao-basque-football/> OLE (TTVN)
 
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow