Hà Lan: Khi ngọn lốc tan biến...

Tác giả Phương GP - Thứ Hai 16/10/2017 16:38(GMT+7)

Zalo
Cơn lốc da cam rốt cuộc đã không thể đến Nga. Tập thể rệu rã cuối cùng cũng đã phải khuỵ gối. Mười năm cho tất cả những vẻ vang, những nước mắt, những cảm xúc đã đến hồi kết với nốt trầm lặng buồn. Chỉ còn lại đong đầy những ký ức tạm gọi là mãnh liệt.
Ha Lan: Khi ngon loc tan bien1
Hà Lan: Khi ngọn lốc tan biến
Buồn. Buồn lắm chứ. Ai yêu bóng đá mà không có một chút thiện cảm với những gì Hà Lan từng làm. Nhưng có bất ngờ, có sửng sờ không. Thì không biết nên có cảm xúc thế nào cho đúng với câu trả lời là “không” đây.
 
Cách đây mười lăm năm, Hà Lan cũng từng bị cho ra rìa ở ngày hội bóng đá trên đất Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngày ấy, so với hiện tại cũng không khác gì nhau, khi trước lúc chín mươi phút cho lượt trận cuối cùng vòng loại diễn ra, thì niềm tin “vượt vũ môn” chỉ còn là con số vẽ. Không hề có cái gọi là cơ may thực tế.
 
Nhưng ngày ấy, ít ra người hâm mộ còn ngỡ ngàng, còn bàng hoàng. Còn lần này, tất cả đã rõ, mọi người đã chờ đợi hồi kết từ khi những nguy cơ chỉ mới gọi là manh nha. Tuy nhiên, chỉ nhiêu đó là quá đủ để người ta tin vào một kết cục không thể khác được. Thế hệ này đã trải qua một cơ số năm tháng quá dài rồi, và đã đến lúc họ phải dừng lại. Chỉ là cái điểm dừng này, quá là bẽ bàng với những gì đẹp đẽ mà họ đã từng thể hiện.
 
Khởi đầu có thể tính từ Euro 2008, khi mà những Robben, Van der Vaart, hay Sneijder bắt đầu trở thành đầu tàu. Thật ra, những cái tên này đã có cơ hội ngồi dự bị từ Euro 2004, nhưng phải đợi đến kỳ bóng đá bốn năm sau ở Áo và Thuỵ Sỹ thì tài năng của họ mới có cơ hội để bộc lộ.
 
Hình ảnh của Hà Lan lúc bấy giờ ở những giải đấu quốc tế đã xuống rất thấp. Cú trượt chân ở World Cup 2002 như cây kim lòi ra sau khi nằm trong bọc lâu ngày, bày tỏ không biết bao nhiêu những chuyện hậu trường chẳng mấy tốt đẹp. Những quan hệ phức tạp và mớ bòng bong mâu thuẫn. Cùng với đó trận cầu đầy bạo lực ở World Cup 2006 với Bồ Đào Nha, khiến Hà Lan khoác lên chiếc áo xấu xí vô cùng.
 
Thế nhưng, những gì mà thế hệ ấy làm được đã cứu lấy hình ảnh Hà Lan một cách đầy ngoạn mục. Sự bùng lên của lớp tài năng trẻ mà ta có thể kể thêm vài cái tên như Dirk Kuyt, Van Persie, De Jong. Cùng với những cựu thần dày dặn kinh nghiệm như Van der Sar, trung phong Van Nistelrooy, hay hậu vệ Giovanni van Bronckhorst. Họ đã biến bảng đấu tử thần trở thành sàn diễn riêng cho một lối chơi đầy oi khói.
 
Chiến thắng ngoạn mục cả ba trận đấu, đặc biệt là những màn hành hạ hai đội đương kim vô địch và á quân World Cup 2006 là Pháp và Ý. Một đội hình 4-5-1 hợp thời, cộng với lối đá tấn công bản sắc, những thứ gia vị hoà quyện lại tạo thành món ăn khiến người hâm mộ sướng tê người. Nhưng đáng tiếc, những gì càng rực rỡ thì càng dễ lặn ngụp. Thất bại trước Nga đã chấm dứt mùa hè của Hà Lan trong nước mắt. Thế nhưng, đó là khi niềm tin về Cơn lốc đã trở lại thật mãnh liệt.
 
Và họ đã trở lại không thể xuất sắc hơn vào hai năm sau, những cựu thần giờ đã gần như chia tay hết ở màu áo tuyển. Những cái tên mới đã chứng tỏ được tên tuổi sau những tháng năm rong ruổi chinh chiến khắp châu lục. Kỳ World Cup 2010, Hà Lan không còn là Cơn cuồng phong như hai năm trước nữa, mà họ đã trở thành một tảng đá lầm lũi, vững chắc và lạnh lùng tiến từ từ vào trận chung kết thế giới.
Arjen Robben: Nguoi linh gia ganh tren vai binh doan reu ra2
 
Thế nhưng, cũng như biết bao thế hệ trong quá khứ, cái duyên trong những trận chung kết chưa bao giờ đến với màu da cam. Một trận cầu xuất sắc, khiến cho một đội bóng không thể tìm ra điểm yếu lúc ấy như Tây Ban Nha phải toát mồ hôi hột bao phen. Nhưng thần may mắn đã quay lưng đi mấy bận. Và trong một trận cầu lớn, một khi bạn bỏ lỡ cơ may thì cũng là lúc nhận nắm đấm đau đớn. Bàn thắng của Iniesta một lần nữa khiến người hâm mộ màu da cam chỉ biết thở dài tiếc nuối.
 
Kỳ Euro 2012 là một thất bại nặng nề nhưng Hà Lan đã trở lại mạnh mẽ ở World Cup 2014. Dưới bàn tay của Van Gaal, tập thể ấy biến thành một đội bóng đầy ngỗ ngáo. Đội hình 3-5-2 với một lối đá thú vị một lần nữa khiến những con tim người hâm mộ cảm thấy bay bổng. Năm ấy, những cái tên trẻ trung của ngày xưa đã chạm ngõ 30. Nhưng những gì mà các cầu thủ thể hiện cứ như thứ rượu ngon được trữ lâu ngày.
 
Van Persie với cú đánh đầu ngoạn mục trở thành biểu tượng “người Hà Lan bay” không thể quên. Và Robben với cú bức tốc kỷ lục đã hạ sát đương kim vô địch Tây Ban Nha, kẻ đã hạ gục họ ở World Cup năm nào. Hà Lan năm ấy, với cú bắt tay của Van Persie và Van Gaal, với những đường chuyền vượt tuyến của Daley Blind tưởng chừng như là một khởi đầu mới như kỳ Euro 2008. Nhưng đáng tiếc, đó lại là khúc ngân cao cuối cùng trước khi rơi vào thời kỳ đen tối.
 
Những dấu hiệu đi xuống của cả một nền bóng đá đã manh nha từ trước đó. Sneijder và Dirk Kuyt đã phải dạt sang thi đấu ở giải Thổ Nhĩ Kỳ, De Jong chơi cho AC Milan mà từ lâu vẫn đang trong thời đoạn cực khó khăn. Van Persie sau một mùa giải tái hợp người thầy của mình cũng đã khăn gói khỏi Manchester United. Nhìn đi nhìn lại, cả một thế hệ máu lửa chỉ còn đúng mỗi Robben là chơi cho một đội bóng hàng đầu như Bayern Munich.
 
Các cầu thủ trẻ của năm ấy đã được Van Gaal cho thử lửa, một vài cái tên gây được chú ý đã được đem ra biển lớn. Nhưng ngoại trừ Daley Blind hiện tại còn trụ lại Man United hay Cillesen dự bị ở Barca hoặc Wijnaldum ở thi đấu cho Liverpool, còn tất cả dường như đều bật bãi khỏi những tên tuổi hàng đầu.
Ajax Amsterdam va Ha Lan: Chua the ki vong vao cuoc hoi sinh thuc su1
Ajax Amsterdam và Hà Lan: Chưa thể kì vọng vào cuộc hồi sinh thực sự
Thành công của Ajax Amsterdam năm ngoái ở đấu trường Europa League chỉ là một nét chấm phá nào đó trong giai đoạn khủng hoảng. Mặc dù vậy, nếu nhìn lại đội hình, thì trong đó hết một nửa là cầu thủ nước ngoài. Trong năm cái tên Hà Lan góp mặt trong trận chung kết Europa League thì đã có hai hậu vệ. Quả là sự khác biệt nếu so với những gì đội bóng này đã làm ở thập niên 1990.
 
Đó là về nhân sự, còn về niềm tin cũng đã dần cạn khi một loạt các danh thủ của Hà Lan những thế hệ trước đưa ra những phát ngôn đầy bi quan về nền bóng đá nước nhà. Đáng lưu ý nhất là câu chuyện về bộ máy thượng tầng mà huyền thoại Ruud Gullit đã chia sẻ, câu chuyện đã phần nào phơi bày ra những lỗ hỏng từ các cấp lãnh đạo. Và kết quả hôm nay là tất yếu cho những gì đang xảy ra ở bóng đá Hà Lan.
 
“Thắng Thuỵ Điển với tỷ số 7-0 là điều không tưởng.” Robben đã phát biểu như thế trước trận đấu cuối cùng. Ngôi sao sáng nhất, người luôn cháy hết mình trên sân cỏ đã phải nói lên hiện trạng bất lực. Thế nhưng, chúng ta vẫn thấy anh cống hiến hết mình, là đầu tàu mang về chiến thắng cho đội nhà. Anh đã ăn mừng những bàn thắng của mình với một cảm xúc mãnh liệt chứ không phải tư thế cúi đầu. Để rồi cuối cùng anh nói lời chia tay màu áo tuyển ngay sau đó.
 
Nhìn anh, người viết có cảm tưởng giống như hình ảnh của người đàn ông trong bài hát Comfortably numb của Pink Floyd. Người vì muốn rũ bỏ những nỗi đau xung quanh đã tìm cách sống với niềm vui của bản thân. Một niềm vui nhói lòng.
 
Còn đối với thế hệ của anh thì xin được gửi lời cảm ơn những gì các anh đã cống hiến. Các anh đã từng là niềm cảm hứng của người xem. Tựa như những khúc ca bỏng cháy nghe hoài không chán. Hy vọng rằng sớm thôi, một lứa măng non mới sẽ lớn lên để tiếp bước những gì mà các anh đã làm được.
 
Phương GP (TTVN)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow