Ở giai đoạn hoàng kim đầu thiên niên kỷ mới, Valencia từng là một thế lực khiến cả châu Âu phải kiêng nể với hai lần liên tiếp lọt vào chung kết Champions League (2000,2001). Tuy nhiên, sau khoảng thời gian đó, lần lượt những cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng đã nhanh chóng đẩy đội bóng chủ sân Mestalla rơi vào tình trạng kiệt quệ đến nỗi phải “bán máu” để sinh tồn.
Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã phần nào bước qua giai đoạn đen tối nhất, thế nhưng tiềm lực và vị thế của Los Che rõ ràng cũng không còn được như xưa. Dẫu vậy thì những người hâm mộ Bầy Dơi vẫn không bao giờ đánh mất đi niềm tin của mình, với hy vọng về một ngày đẹp trời nào đó được chứng kiến Valencia hồi sinh mạnh mẽ, để rồi những ngọn lửa Las Fallas lại tiếp tục bùng cháy khắp châu Âu…
KỶ NGUYÊN CHÂU ÂU: HỖN HỢP CỦA NHỮNG ĐAM MÊ VÀ NUỐI TIẾC
Mùa Hè năm 1999, HLV Hector Cuper đặt chân đến Mestalla để thay thế người tiền nhiệm Claudio Ranieri-vị chiến lược gia từng giúp Los Che giải “cơn khát” danh hiệu sau 19 năm bằng chức vô địch UEFA Intertoto Cup (1998) và Cúp Nhà vua (1999). Rất nhanh chóng, nhà cầm quân người Argentina đã gây ấn tượng bằng cách giúp đội bóng mới đăng quang Siêu cúp Tây Ban Nha, trước khi cùng Valencia đánh dấu một kỷ nguyên châu Âu rực rỡ. Mùa giải 1999/2000, Bầy Dơi đã chơi hết sức thăng hoa ở đấu trường Champions League. Trải qua hai vòng đấu bảng (khi ấy vẫn được tổ chức theo thể thức đấu bảng hai lần, từ 8 bảng xuống còn 4 bảng trong giai đoạn hai), Valencia giành quyền lọt vào tứ kết hoàn toàn thuyết phục. Sở hữu một đội hình cực kỳ chất lượng vào thời điểm bấy giờ, với những hảo thủ lừng danh như Angulo, Claudio Lopez, Kily Gonzalez, Canizares, Gerard Lopez, Carboni hay Pellegrino, Javier Farinos… và đương nhiên, cũng không thể thiếu thủ lĩnh Gaizka Mendieta, thầy trò Cuper đã lần lượt đè bẹp cả Lazio lẫn Barca tại tứ kết và bán kết.
|
Thủ lĩnh Mendieta của Valencia |
Chắc hẳn những người hâm mộ Los Che vẫn chưa thể nào quên được cú hat-trick đầy cảm hứng của tiền vệ Gerard Lopez vào lưới Lazio, góp phần giúp Valencia giành chiến thắng 5-2 ở trận lượt về trên sân Mestalla (thắng chung cuộc 5-3). Bước vào bán kết, đến lượt tiền đạo Angulo và đội trưởng Mendieta trở thành những người hùng bên phía Bầy Dơi. Trong chuyến làm khách đến Nou Camp, Mendieta đã thực hiện một bàn thắng kinh điển với tình huống xử lý đầy tinh tế loại bỏ hậu vệ đối phương trước khi cứa lòng chân trái tuyệt đẹp vào góc xa khung thành. Cần phải nhấn mạnh rằng, CLB xứ Catalonia vào thời điểm này vẫn còn trong đội hình rất nhiều tên tuổi lẫy lừng, như Rivaldo, Figo, Patrick Kluivert, Ronald de Boer, Phillip Cocu hay thủ quân Pep Guardiola. Do đó, chiến quả của thầy trò HLV Cuper (thắng chung cuộc 5-3) càng trở nên vinh quang và đáng tự hào hơn bao giờ hết. Mặc dù vậy, ngay trong lần đầu tiên có cơ hội tham dự một trận chung kết cúp châu Âu chính thức, CLB chủ sân Mestalla đã không thể vượt qua đối thủ truyền kiếp Real Madrid. Liên tiếp những bàn thắng của Morientes, McManaman và Raul cuối cùng đã chấm dứt hành trình kỳ diệu của Los Che ở mùa giải 1999/2000.
Trên thực tế, thất bại nặng nề 0-3 trước Los Blancos cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến danh tiếng của Valencia nhưng điều đáng buồn là Los Che sau đó đã phải đối mặt với một cuộc tháo chạy nhân sự hàng loạt. Trong giai đoạn chuyển nhượng mùa Hè năm 2000, ban lãnh đạo đội bóng phải nỗ lực tăng cường thêm Ruben Baraja, Roberto Ayala, Vicente Rodriguez cũng như đón chân sút cao kều người Na Uy, John Carew về sân Mestalla, nhằm gia cố lại bộ khung đội hình đồng thời thay thế cho những cầu thủ quyết định ra đi là Claudio Lopez, Gerard Lopez và Farinos. Hệ quả, thầy trò HLV Cuper đã chơi không thực sự tốt ở giải quốc nội. Mùa bóng 2000/2001, Valencia chỉ xếp thứ 5 tại La Liga. Tuy nhiên, điều đáng mừng là Bầy Dơi vẫn thể hiện được phong độ hết sức ấn tượng trên mặt trận châu lục. Cần phải nhấn mạnh thêm rằng, trong “phiên chợ đông” hồi tháng Giêng năm 2001, Valencia cũng chiêu mộ thành công một bản hợp đồng cực kỳ đáng giá là tiền vệ sáng tạo Pablo Aimar. Chính sự góp mặt của ngôi sao người Argentina khi ấy đã giúp cho lối chơi của Los Che trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn rất nhiều.
|
Pablo Aimar và David Villa |
Tại tứ kết Champions League, mặc dù gặp không ít khó khăn trước Arsenal nhưng thầy trò HLV Cuper vẫn giành quyền đi tiếp nhờ vào luật bàn thắng sân khách (hòa 2-2 sau 2 lượt trận). Ở bán kết, đội bóng chủ sân Mestalla tiếp tục đánh bại một đại diện khác đến từ Anh quốc, “hiện tượng” Leeds United, với tổng tỷ số chung cuộc 3-0, qua đó lần thứ hai lọt vào chung kết trong vòng hai mùa giải liên tiếp. Thế nhưng, số phận dường như đã không mỉm cười với thế hệ của những Mendieta, Kily Gonzalez, Canizares hay Pellegrino. Lần này, mọi thứ còn cay đắng hơn nữa khi mà Valencia phải chịu thất bại sau loạt sút luân lưu định mệnh trước Bayern Munich. Cuối mùa giải năm ấy, lần lượt cả HLV Hector Cuper lẫn thủ lĩnh Mendieta đều quyết định chia tay đội bóng, để rồi Los Che phải bước vào một giai đoạn mới dưới triều đại Rafa Benitez.
Dựa trên những nền tảng mà người tiền nhiệm Hector Cuper để lại, Benitez vẫn duy trì một lối chơi tương đối chắc chắn cho đội bóng chủ sân Mestalla. Tuy nhiên, triết lý huấn luyện của vị chiến lược gia người Tây Ban Nha có phần thực dụng hơn rất nhiều, đặc biệt là việc chuyển sang sử dụng sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 thay thế cho hệ thống 4-4-2 kim cương hơi cũ kỹ và lỗi thời. Liên tiếp trong vòng 3 năm sau đó, Valencia đã giành được những danh hiệu quan trọng, bao gồm 1 chức vô địch La Liga ở mùa 2001/2002 (lần đầu tiên sau 31 năm) và cú đúp UEFA Cup-La Liga trong mùa giải “thần thánh” 2003/2004. Mặc dù vậy, đối với nhiều người hâm mộ Bầy Dơi, dường như những ký ức đẹp đẽ nhất về Los Che vẫn luôn nằm lại ở hai trận chung kết Champions League năm 2000 và 2001, một giai đoạn mà kỷ nguyên châu Âu của thầy trò HLV Cuper được xen lẫn giữa những niềm đam mê bất tận và cả sự nuối tiếc vô bờ…
GIẤC MƠ TỪ NGỌN LỬA LAS FALLAS
Nằm bên bờ Địa Trung Hải, thành phố Valencia không chỉ nối tiếng với những công trình kiến trúc đa dạng về mặt văn hóa (hòa hợp giữa phong cách Roman, Gothic, Baroque, Moor…) mà còn đặc biệt sôi động bởi các lễ hội địa phương dàn trải quanh năm. Ấn tượng hơn cả trong số này, chính là dịp lễ Las Fallas diễn ra vào giữa tháng Ba, khi cả miền đất trở nên tưng bừng nhờ những bữa tiệc âm nhạc, múa hát, biểu diễn thời trang, đấu bò tót, tiệc tùng… vô cùng hoành tráng để chia tay mùa Đông và chào đón mùa Xuân mới. Cho đến đêm hội cuối cùng, sẽ là thời điểm mà người dân Valencia đốt toàn bộ những hình nộm lớn đã trưng bày trên khắp các nẻo đường thành phố, hòa theo tiếng pháo hoa rợp trời, qua đó tạo nên một khung cảnh cực kỳ sống động, tràn ngập niềm hạnh phúc.
Sự vui vẻ cũng chính là yếu tố nền tảng trong lối sống của những con người xứ Valencia, một mảnh đất xinh đẹp và duyên dáng bậc nhất Tây Ban Nha. Đương nhiên, tại một nơi như vậy, cũng trở thành thứ “tôn giáo” hết sức đặc biệt. Không chỉ là một thú vui mang tính giải trí đơn thuần, đối với người Valencia, bóng đá là một phần cuộc sống. Trong suốt gần một thập kỷ trở lại đây, bất chấp hàng loạt rắc rối về mặt tài chính đã nhiều lần đẩy Los Che đến cận kề bờ vực phá sản, thế nhưng các CĐV sân Mestalla vẫn nguyện một lòng trung thành đứng bên cạnh đội nhà.
|
Valencia - Nơi xuất khẩu cầu thủ hàng đầu cho cả châu Âu |
Từ một CLB giàu tiếng tăm ở Champions League, Valencia đã chấp nhận trở thành nơi xuất khẩu cầu thủ hàng đầu cho cả châu Âu. Lần lượt những thương vụ David Villa, Juan Mata, David Silva, Raul Abiol, Jordi Alba, Jeremy Mathieu hay Juan Bernat… diễn ra như một hệ quả tất yếu để giúp Bầy Dơi tiếp tục được “sống” tại La Liga. Không còn sở hữu những tên tuổi hàng đầu, cộng thêm việc liên tục bị “mất máu” vì phải bán cầu thủ, Valencia trong vài năm trở lại đây cũng không thể cạnh tranh sòng phẳng với Atletico Madrid hay Sevilla. Mùa Hè năm 2014, dù rằng tỷ phú người Singapore, Peter Lim đã xuất hiện và phần nào cứu cánh CLB thoát khỏi tình trạng nợ nần triền miên, tuy nhiên Los Che vẫn chưa thể nào tìm lại được những ngày tháng hoàng kim giống như trong kỷ nguyên châu Âu cách đây gần hai thập kỷ.
Dẫu vậy thì người Valencia dường như đã quá quen với những khó khăn và nghịch cảnh rồi. Trải qua biết bao nhiêu cơn thăng trầm cùng đội bóng, có lẽ cũng chẳng còn điều gì có thể khiến cho các CĐV sân Mestalla sợ hãi nữa. Để rồi, một ngọn lửa Las Fallas mãnh liệt nào đó, dù là vô hình hay hữu hình, tượng trưng cho niềm tin của những người hâm mộ Bầy Dơi, vẫn luôn bùng cháy hệt như những ngày giữa tháng Ba, để thắp sáng cho một niềm hy vọng rằng Valencia sẽ trở lại.
Cái giấc mơ hồi sinh ấy, cũng giống như những gì mà anh Estudio Gonzalez, một CĐV trung thành của Los Che từng chia sẻ: “Mọi thứ dù rất khó khăn nhưng chúng tôi sẽ luôn đứng bên cạnh đội bóng đến cùng”, có thể vẫn còn đang xa xôi lắm. Nhưng biết thế nào được, bởi vì ở nơi này, tại mảnh đất Valencia nhiều nắng gió Địa Trung Hải, người ta vẫn cứ thích gửi gắm ước mộng của mình qua những ngọn lửa điên rồ…
OLE (TTVN)