Vì sao Real Madrid luôn ưu tiên ngôi sao hơn chiến thuật?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Hai 21/07/2025 08:20(GMT+7)

Zalo

Khi nhắc đến Real Madrid, người ta thường ca ngợi các cầu thủ hơn là các HLV. Đây là đội bóng mà sự toả sáng cá nhân được đề cao hơn những ý tưởng chiến thuật được mài giũa trên sân tập.

skysports-carlo-ancelotti-everton_5401965
 

Đó là một truyền thống đã “ăn sâu bén rễ” từ lâu. Nó bắt đầu từ những năm 1950, khi chủ tịch Real Madrid lúc bấy giờ, Santiago Bernabeu bắt đầu chính sách chiêu mộ những tài năng xuất sắc nhất thế giới như Alfredo Di Stefano, Ferenc Puskas hay Raymond Kopa. Chính sách này đã khai sinh ra kỷ nguyên vàng đầu tiên của CLB, với chuỗi 5 chức vô địch cúp C1 liên tiếp từ năm 1956 đến 1960.

Từ đó đến nay, tinh thần này vẫn luôn hiện hữu và kéo dài tới tận thời Florentino Perez, người nhiều lần công khai khẳng định rằng ông đang tiếp bước di sản mà Bernabeu để lại.

Tuy nhiên, mọi chuyện không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy. Đôi lúc, vòng quay lịch sử đưa Real đến với những HLV đi ngược xu thế. Việc bổ nhiệm Xabi Alonso thay thế Carlo Ancelotti là một minh chứng mới nhất. Ngay tại Club World Cup, Alonso đã cho thấy cách tiếp cận khác biệt, dù đội bóng phải dừng bước ở bán kết sau thất bại 0-4 trước PSG.

Vì sao Real Madrid thường đặt niềm tin vào các ngôi sao sân cỏ, thay vì trao quyền cho những bộ óc huấn luyện? Và điều đó sẽ có ý nghĩa thế nào với Alonso, trong hành trình định hình một Real Madrid mới mẻ của riêng ông?

Vì sao Real Madrid luôn ưu tiên ngôi sao hơn chiến thuật 1
 

Có lẽ ví dụ rõ nét nhất cho lối tư duy “trọng ngôi sao hơn chiến thuật” của Real Madrid chính là khi nhìn vào những HLV thành công nhất của họ.

“7 danh hiệu Champions League gần nhất của Real Madrid là nhờ công của Vicente del Bosque, Zinedine Zidane và Carlo Ancelotti, những HLV không quá thiên về chiến thuật,” Jorge Valdano, cựu danh thủ người Argentina và cũng từng là tổng giám đốc CLB chia sẻ với The Athletic.

“Tôi còn nhớ một lần, có người trong nội bộ hỏi Zidane thích chơi hàng thủ ba hay bốn người. Ông ấy trả lời rằng chuyện đó không quan trọng. Với Zidane, mối quan hệ giữa các ngôi sao mới là điều cốt lõi. Trên hết là làm sao tạo được bầu không khí hòa hợp trong đội, để từ đó khơi dậy tinh thần cạnh tranh, điều mà mọi HLV đều khao khát. Với ông, phương pháp huấn luyện luôn phải nhường chỗ cho tài năng cầu thủ.”

Từ lâu, ban lãnh đạo Madrid, đặc biệt là các đời chủ tịch luôn đóng vai trò trung tâm trong các quyết định chuyên môn. Họ cho rằng HLV có thể đến rồi đi, nhưng lãnh đạo CLB mới là những người có thể mang lại một dự án dài hơi.

Hệ quả là các HLV ở Bernabeu thường có ít quyền tự quyết hơn so với nơi khác. Vì thế, tiêu chí hàng đầu để ngồi vào ghế nóng của Real lại không phải là tư duy chiến thuật đột phá, mà là khả năng ứng xử khéo léo và giữ hòa khí trong phòng thay đồ. Tất cả điều đó phản ánh rõ trong lối chơi của Real Madrid. Nó hiếm khi mang dấu ấn cá nhân của một HLV cụ thể, mà luôn xoay quanh phẩm chất của những ngôi sao trên sân.

Trong nhiệm kỳ thứ hai tại CLB (2021-2025), Carlo Ancelotti và các cộng sự nhiều lần nhấn mạnh rằng cầu thủ của Real sẽ trở nên giỏi hơn nhờ thi đấu cùng nhau. Tập thể ấy được xây dựng để mỗi cá nhân đều có cơ hội toả sáng trong một hệ thống linh hoạt, không gò bó bởi khuôn mẫu chiến thuật.

Vì sao Real Madrid luôn ưu tiên ngôi sao hơn chiến thuật 2
 

Không phải lúc nào cách tiếp cận đề cao cầu thủ cũng mang lại thành công. Đôi lúc, chính ban lãnh đạo Real Madrid đã phải ôm hận vì đã trao quá nhiều quyền lực cho các ngôi sao.

Sau khi Florentino Perez từ chức vào năm 2006 (trước khi quay lại vào năm 2009), ông từng thừa nhận trên trang Marca rằng mình đã “nuôi dạy các Galacticos quá tệ”. Đó là mùa giải thứ hai liên tiếp Real Madrid trắng tay, dù trong đội hình có những cái tên đình đám như David Beckham, Zinedine Zidane hay Ronaldo.

Fabio Capello trở lại dẫn dắt Real Madrid mùa đó, sau quãng thời gian thành công ở AC Milan, AS Roma và Juventus. “Lúc đó, tôi thấy đội bóng cần một phong cách thi đấu khác,” cựu HLV tuyển Anh kể lại về mùa giải 2006-07. “Tôi nghiên cứu rất nhiều về mặt chiến thuật. Tôi hiểu rằng cả đội phải di chuyển đồng bộ, cả khi tấn công cũng như lúc phòng ngự để tạo ra sự cân bằng. Đó không phải là thứ bóng đá phòng ngự tiêu cực.”

“Bây giờ ai cũng nói về việc pressing, về hỗ trợ lẫn nhau... nhưng đó chính là điều tôi đã làm khi ấy. Rất đơn giản thôi. Tôi quyết định bán Ronaldo, bởi lúc đó cậu ta đã chấn thương hơn 2 tháng.

“Tôi cố gắng biến đội bóng thành một khối tập thể thay vì chỉ dựa vào các cá nhân. Cả hai lần tôi đến Real Madrid đều là khi đội đang sa sút, không có danh hiệu. Điều quan trọng nhất là làm sao để tất cả phải trở thành một tập thể thống nhất.”

Phong cách “kỷ luật sắt” của Capello giúp Real Madrid giành La Liga lần đầu tiên sau 4 năm. Dù vậy, đội bóng bị loại sớm ở cả Champions League và Copa del Rey ngay từ vòng 1/8. Và chỉ 11 ngày sau khi vô địch giải quốc nội, Capello bị sa thải. Lý do được GĐTT khi đó, Predrag Mijatovic đưa ra rất đáng chú ý: “Chúng tôi luôn tìm kiếm những người mang đến nhiều thứ hơn là kết quả đơn thuần.”

Vì sao Real Madrid luôn ưu tiên ngôi sao hơn chiến thuật 3
Fabio Capello và Ronaldo

Từ khi tiếp quản đội bóng trước kỳ Club World Cup, Xabi Alonso đã chọn một hướng đi rất khác. Trong cuộc phỏng vấn với DAZN sau trận thắng Juventus ở vòng 1/8, Alonso tiết lộ ông từng lắng nghe Ancelotti chia sẻ về bài toán cân bằng khi sử dụng cùng lúc cả 4 ngôi sao trên hàng công, gồm có Kylian Mbappe, Vinicius Junior, Rodrygo và Jude Bellingham.

Alonso nhấn mạnh với các học trò rằng ai cũng phải tham gia phòng ngự, ai cũng phải có trách nhiệm như nhau khi đội không có bóng. Một nguồn tin thân cận với một cầu thủ trong đội cho biết có người trong nội bộ đặt dấu hỏi: Liệu cường độ tập luyện và những yêu cầu cụ thể như vậy có duy trì nổi về lâu dài? Và liệu những ngôi sao đã thành danh có đủ khiêm tốn để tiếp nhận toàn bộ ý tưởng của Alonso?

Một phần nào đó, điều này từng xảy ra trong mùa 2012-13, năm cuối cùng của Jose Mourinho tại Bernabeu và cũng là thời điểm Alonso còn đang thi đấu. Mourinho từng biến Real Madrid thành đội bóng mang đậm dấu ấn cá nhân của mình: Áp sát quyết liệt, chơi trực diện đến cực đoan và kiểm soát tuyệt đối phòng thay đồ. Dưới tay ông, Real Madrid giành chức vô địch La Liga với số điểm kỷ lục 100 và ghi tới 121 bàn.

Nhưng rồi sự khắt khe quá mức và phong cách lãnh đạo cứng rắn đã khiến nội bộ Real Madrid rạn nứt. Sergio Ramos, Pepe, Cristiano Ronaldo và thủ môn Iker Casillas từng không đồng tình với phương pháp huấn luyện của Mourinho và dần giữ khoảng cách với ông thầy người Bồ Đào Nha. Điều đó thể hiện rất rõ trong trận chung kết Copa del Rey mà Real Madrid để thua Atletico Madrid của Diego Simeone. Đó cũng là trận đấu cuối cùng của Mourinho trên ghế huấn luyện Real Madrid, nơi ông bị truất quyền chỉ đạo ở phút 75. Từ thời điểm đó, các cầu thủ trên ghế dự bị dường như tự chỉ đạo lẫn nhau, như thể đội bóng không còn cần đến HLV trưởng.

Một ví dụ khác cũng cho thấy “vận đen” của các HLV mang dấu ấn chiến thuật tại Bernabeu chính là Rafa Benitez, người lên nắm quyền hai năm sau khi Mourinho ra đi. Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất gắn với Benitez là việc báo chí Tây Ban Nha khi ấy đưa tin ông đã chỉ trích Luka Modric vì thường xuyên chạm bóng bằng mu bàn chân, với lý do đó không phải là cách chuyền hiệu quả.

Năm 2023, Benitez đã phủ nhận điều này trong một cuộc phỏng vấn với đài Cadena Ser: “Tôi chỉ nói với Modric rằng trong các pha chuyền cự ly ngắn tầm 3 mét, cậu ấy không cần dùng má ngoài vì bóng sẽ xoáy và khó kiểm soát. Còn ở những đường chuyền 15, 20 hay 30 mét thì cậu ấy làm rất tốt.”

Vì sao Real Madrid luôn ưu tiên ngôi sao hơn chiến thuật 4
 

Tuy nhiên, Benitez không trụ được lâu và nhanh chóng bị thay thế vào năm 2016 bởi Zinedine Zidane, người khi đó đang dẫn dắt đội Castilla. Vậy các cầu thủ Real phản ứng thế nào với cách làm việc của Xabi Alonso?

Trong mùa trước, Mbappe và Vinicius Jr là hai cái tên gặp nhiều khó khăn nhất trong các tình huống phòng ngự không bóng. Dù vậy, cả hai đã thể hiện một số dấu hiệu tích cực trong giải đấu tại Mỹ vừa qua.

Với ban lãnh đạo CLB, sự xuất hiện của Alonso được mô tả là một “cuộc chuyển giao thế hệ thực sự”. Còn Alonso thì ghi điểm ngay từ buổi họp báo ra mắt, khi tuyên bố rằng đội bóng của ông sẽ “truyền tải năng lượng và cảm xúc”, đúng như những gì các Madridista luôn muốn nghe.

“Bóng đá hiện đại ngày càng mang tính chiến thuật cao, và Xabi Alonso đến Real với tư cách một HLV có triết lý rất rõ ràng. Không thể phủ nhận cậu ấy chịu ảnh hưởng bởi thời gian chơi cho Bayern Munich dưới thời Pep Guardiola,” Jorge Valdano nhận xét.

“Các đội bóng hàng đầu gần đây khi vươn tầm châu lục đều có điểm chung: Vai trò của HLV được đề cao hơn cả các ngôi sao trên sân. Xabi sẽ phải cạnh tranh không chỉ với đối thủ, mà còn với những cái tôi lớn như Mbappe, Vinicius... Nhưng việc bổ nhiệm Xabi cũng có nghĩa là Real đang đặt cược vào một lối chơi tập thể nhiều hơn.”

Thực tế, mọi thứ có vẻ rất hứa hẹn trước trận thua sốc ở bán kết trước PSG. Và Real rất cần dự án này thành công, sau khi trải qua mùa giải đầu tiên trắng tay kể từ năm 2020. Nhưng liệu Alonso có thể gia nhập hàng ngũ những chiến lược gia vĩ đại từng thành công tại Bernabeu như Zidane hay Ancelotti? Hay ông sẽ rơi vào vết xe đổ của Mourinho và Benitez?

Câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.

Theo New York Times

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Olympic Lyon xuống hạng và cú ngã của kẻ ảo tưởng

Chỉ mới 5 ngày trước, John Textor vẫn còn ăn mừng cuồng nhiệt trong hành lang sân Rose Bowl ở Pasadena. “Victoire, victoire (Chiến thắng, chiến thắng - ND)”, ông hét lớn sau khi đội bóng ông sở hữu, Botafogo khiến PSG phải nhận thất bại tại Club World Cup. Nhưng vào thứ Ba, giấc mơ ấy bị đưa thẳng xuống mặt đất sau khi cơ quan giám sát tài chính bóng đá Pháp (DNCG) xác nhận Lyon, một đội bóng khác do ông sở hữu sẽ bị giáng xuống hạng Ligue 2.

X
top-arrow