World Cup 2006 - Tuyển Pháp và cuộc hành trình lạ kỳ (P2)

Tác giả Phương GP - Thứ Ba 03/07/2018 09:19(GMT+7)

Zalo
Trong một đêm oi bức ở Cologne, tuyển Pháp đã đảm bảo được chiếc vé thứ hai của bảng G sau Thuỵ Sĩ. Vieira mở tỷ số, và người đồng đội của anh ở Arsenal là Henry đã ấn định chiến thắng. Họ đã thở dốc và mệt mỏi nhưng quan trọng là tuyển Pháp đã vào vòng 16 đội, và đối đầu với đối thủ cứng cựa hơn rất nhiều – Tây Ban Nha.
World Cup 2006 - Tuyen Phap va cuoc hanh trinh la ky 2
World Cup 2006 - Tuyển Pháp và cuộc hành trình lạ kỳ
Những bất đồng về tư duy chiến thuật giữa huấn luyện viên và cầu thủ bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm ấy, sự xuất hiện của Zidane, Thuram, Vieira và Henry giúp phe cầu thủ chiếm thế thượng phong. “Chúng tôi cứ mãi dùng dằng như thế, chúng tôi cần dẹp chúng đi,” Domenech phát biểu sau trận đấu với Hàn Quốc. “Chúng tôi cần phá vỡ những xiềng xích khiến chúng tôi không được thoải mái.”
 
Zidane muốn David Trezeguet được cặp cùng Henry trên hàng công, thay vì tiền đạo của Barcelona phải đơn thương độc mã. Và Domenech, không hề che giấu, phản đối ý kiến của đội trưởng: “Suy nghĩ của Zidane về lối chơi một tiền đạo có lẽ không giống tôi. Đối với tôi, bất kể ai có thể tự tìm kiếm không gian trong vòng cấm đều là mũi nhọn tấn công. Điều gì cũng có thể xảy ra. Hệ thống không quan trọng bằng con người.”
 
Và cuộc đối đầu ở vòng loại trực tiếp diễn ra. Domenech đã dự đoán trước được việc đối đầu với Tây Ban Nha, ông đã tính toán rằng Pháp sẽ đứng đầu bảng đấu của mình và Tây Ban Nha xếp ở vị trí thứ hai ở bảng đấu của họ. Thực tế diễn ra hơi trái ngược một chút, đoàn quân Tây Ban Nha đã chiếm luôn vị trí đầu bảng H với ba trận toàn thắng.
 
Lại một buổi tối nóng bức khác ở Hanover, đội tuyển Pháp ra sân từ đường hầm với trang phục trắng toát từ trên xuống dưới. Trước 43.000 khán giả trên các khán đài, họ bị bao quanh bởi những tiếng la ó và huýt sáo. Khi bản quốc ca vừa chấm dứt, camera quay thẳng đến mặt của người đội trưởng. Anh nhìn thẳng những người đồng đội như muốn ra hiệu rằng đây mới là thời khắc thực sự mà chiến dịch của họ bắt đầu.
 
Zidane toa sang, giup Phap de bep TBN o World Cup 2006
Zidane tỏa sáng, giúp Pháp đè bẹp TBN ở World Cup 2006
Vào phút thứ 28, Villa đưa Tây Ban Nha vượt lên dẫn trước sau quả phạt đền thành công. Sau bàn thua, Pháp tràn lên và năm phút trước giờ nghỉ giữa hai hiệp, Vieira có đường chọc khe tuyệt vời giúp Ribery, chàng trai mà Xavier Rivoire từng bảo không có cơ hội để có tên trong đội hình xuất phát, phá bẫy việt vị đưa trận đấu về vạch xuất phát.
 
Vào hiệp hai, thế trận không có gì thay đổi và khi mọi người nghĩ đến hiệp phụ, thì Vieira có bàn thắng thứ hai cho tuyển Pháp. Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất vẫn chưa xảy ra. Phút 90+2, Zidane dắt bóng lừa qua Puyol và sau đó dứt điểm vào góc gần khi đã lừa được Iker Casillas vẫn đang chưng hửng vì đổ người sang hướng góc đối diện.
 
Đoàn quân của Domenech bây giờ mới thực sự lộ diện. Chiến thắng 3-1 đưa Pháp tiến thẳng vào vòng tứ kết gặp Brazil, trận đấu sẽ diễn ra vào tối thứ bảy ở Frankfurt. Thế nhưng, không phải ai cũng cảm thấy vui.
 
Hai ngày sau chiến thắng, một kẻ thù cũ nhúng mũi vào cuộc vui. Ngày ấy, nước chủ nhà Đức dự tính thông qua World Cup, họ sẽ xoá đi những ký ức đau thương và bóng ma ám ảnh về chủ nghĩa phát xít. Đội tuyển Pháp, với lực lượng phần lớn là dân nhập cư, là một biểu tượng cho một châu Âu mới, hài hoà hơn. 
 
Tuy nhiên đối với Jean-Marie Le Pen (lãnh đạo của đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, người có khuynh hướng chống đối vấn đề nhập cư), việc đội tuyển có đến 16 trong 23 cầu thủ không phải người da trắng khiến ông không thể mừng vui với chiến tích mà họ đạt được.
 
Le Pen nói rằng đội tuyển không phải là bộ mặt thật của quốc gia, ông cho rằng “nước Pháp không thể tự nhận ra chính mình khi nhìn vào đội tuyển, có lẽ huấn luyện viên đã quá phóng khoáng trong việc lựa chọn đa sắc tộc và ông nên cẩn thận một chút với quyết định của mình.” Tuy nhiên, chiến thắng trước Tây Ban Nha đã mang đến sự đoàn kết, đội bóng không bị ảnh hưởng đáng kể từ lời nói ấy.
 
Đương nhiên trước những việc như thế, phải có người đứng ra lên tiếng. Và Thuram, người con trai nổi tiếng của vùng Guadeloupe, người từng khiến cánh báo chí điên đảo và, không cần phải nghi ngờ, một lãnh đạo đúng nghĩa đã lên tiếng: “Tôi có thể nói gì với nghị sĩ Le Pen đây? Rõ ràng ông ta chẳng hề biết gì hết, rằng người Pháp cũng có người da đen, người da trắng hay người da nâu. Tôi nghĩ thật tội nghiệp cho một người đang ra sức tranh cử chức tổng thống nước Pháp mà chẳng biết gì hết về lịch sử cũng như xã hội nước Pháp.
 
“Cái này tôi nghiêm túc đấy. Rằng ông ta hẳn là kiểu người hàng ngày bật TV lên và xem bóng rổ ở nước Mỹ rồi tự hỏi, ‘Ủa? Có mấy thằng da màu chơi cho tuyển Mỹ hả ta? Chuyện gì đang diễn ra thế này?’
 
“Khi chúng tôi bước ra sân, chúng tôi đều là người Pháp. Tất cả chúng tôi. Khi mọi người ăn mừng chiến thắng, họ ăn mừng vì chúng tôi là người Pháp, chẳng có đen trắng gì đây cả. Chúng tôi có da màu hay không không quan trọng, bởi vị chúng tôi là người Pháp. Tôi chỉ có một điều muốn nói với Jean-Marie Le Pen: những thành viên trong tuyển Pháp đều rất tự hào là người Pháp. Nếu ông muốn gây rắc rối với chúng tôi thì tuỳ ông nhưng chúng tôi tự hào vì được đại diện cho đất nước này. Chúng tôi ngợi ca nước Pháp nhưng là một nước Pháp đúng nghĩa. Chứ không phải là thứ nước Pháp mà ông muốn.”
 
Trong khi Le Pen tìm lời đáp lại, thì Zidane, Thuram, Barthez, Henry, Makelele và các đồng đội tập trung chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Brazil. Niềm vui sau khi vượt qua Tây Ban Nha để tiến vào vòng 8 đội mạnh nhất dường như bị cuộc đối đầu với nhà đương kim vô địch làm cho tan biến. Có lẽ chỉ có Makelele là người vững tinh thần nhất khi anh nói: “Có là Brazil hay không...Tôi cũng chả quan tâm gì sất.”
 
Rồi Pháp cũng đã chuẩn bị xong. Những gì diễn ra sau đó là sự ngỡ ngàng của đám đông, niềm tin vào trận đấu cuối cùng, và thứ bóng đá mà Zidane đem lại.
 
Những pha xoay compa, những pha ảo thuật của Zidane được mang ra trình diễn hết ở Frankfurt. Với một màu trắng tiếp tục khoác lên người những tuyển thủ pháp, trận đấu được định đoạt vào phút thứ 57 khi đường bóng từ pha đá phạt của Zidane hướng đến sát cột gôn góc xa. Và Henry, xuất hiện như một bóng ma, đệm bóng vào lưới. Những gì diễn ra thật quá sức so với mong đợi cách đó hai tuần: tuyển Pháp tiến đến trận bán kết, và đánh tan những nghi ngờ về những xung đột đang diễn ra.
 
Vậy là đoàn quân nước Pháp – với tập hợp những ông già mệt mỏi và những chàng tân binh ti toe – đã khiến mọi nhận định trước thềm giải đấu lâm vào bẫy việt vị. Ribery như là nguồn năng lượng bùng nổ, trong khi Eric Abidal và Willy Sagnol vững chãi nơi hàng phòng ngự kề bên Thuram và Willian Gallas. Vieira, không còn “gà mờ” như cách anh nói hồi ở Hàn Quốc cách đây bốn năm nữa, kề vai cùng tiền vệ xuất sắc bậc nhất là Makelele. Một tân binh khác, Florent Malouda, có tốc độ và thường tạo ra những khoảnh khắc tuyệt vời, còn Zidane đơn giản vẫn là Zidane.
 
Pháp tiến đến giấc mơ chung kết sau khi đánh bại Bồ Đào Nha bằng quả phạt đền của Zidane vào phút 33, ở Munich vào ngày 5 tháng 7. Trước đó một ngày, đội tuyển Ý đã chứng tỏ năng lực của mình khi vượt qua đội quân Đức trẻ trung. Trận chung kết tại Berlin là nơi chứng kiến cuộc đối đầu giữa đội tuyển từng lên ngôi ba lần với Pháp, một lực lượng từng bị cho là quá già và quá rời rạc để đến được ngày hôm nay.
 
 
(NGUỒN:
GARETH BLAND. France’s Unlikely Journey To The 2006 World Cup Final. These Football Times.)
 
- Phương GP -
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow