Bojan Krkic: “Nỗi cô đơn bám lấy mọi trải nghiệm của tôi”

Tác giả CG - Thứ Ba 01/08/2023 11:15(GMT+7)

Zalo

Từng là một cầu thủ giàu tiềm năng, tuy nhiên hành trình sự nghiệp của Bojan Krkic gặp không ít trắc trở, một phần vì chứng rối loạn lo âu từ khi còn trẻ.

Bojan Krkic “Nỗi cô đơn bám lấy mọi trải nghiệm của tôi” 1
 

1. Những cầu thủ giải nghệ thường không còn giống như những ngày tháng còn chơi bóng họ nữa. Nhưng đây không phải trường hợp của Bojan Krkic. Bojan đến cuộc phỏng vấn với The Athletic vẫn giống như cách anh xuất hiện trong mùa giải 2007/2008 khi được ra mắt đội một.

Anh không có một nếp nhăn nào, cơ thể vẫn cân đối. Dù đã bước vào độ tuổi U40, Bojan vẫn giữ tinh thần của một cậu bé hay cười từng chiếm trọn trái tim của khán giả sân Camp Nou khi được ra mắt đội một vài tuần sau sinh nhật tuổi 17. Tại sao anh lại quyết định giải nghệ khi mới 32 tuổi, độ tuổi còn rất trẻ như vậy?

“Khởi đầu và kết thúc của một giai đoạn không phải vấn đề của tuổi tác mà là những trải nghiệm, nhận thức cách lựa chọn. Đặc biệt, ở Mỹ và Nhật Bản trong 3 năm qua, những trải nghiệm của tôi không hề có người bạn đồng hành nào. Tôi phải trải qua một mình. Nỗi cô đơn bám lấy mọi trải nghiệm mà tôi có. Trên phương diện cá nhân lẫn công việc, tôi cảm thấy đã trọn vẹn. Tôi đã đạt được nhiều thứ hơn bản thân tưởng tượng khi mới bắt đầu. Đây là quyết định rất chân thành”,

Bojan chia sẻ với The Athletic.

Cựu cầu thủ người Tây Ban Nha càng chia sẻ, bạn càng dễ thấu hiểu con người anh. Bojan tự nhận mình là người nhạy cảm, và có thời điểm chính sự nhạy cảm đó khiến anh trở thành một trong những cầu thủ ở cấp độ cao nhất của bóng đá thừa nhận mình mắc chứng lo âu. Thời điểm đó, nhìn chung sức khỏe tinh thần vẫn là chủ đề chưa được chú trọng, và trong bóng đá thì nó càng ít được nhắc tới hơn.

Hiện tại, sau khi đã treo giày, Bojan có thể chia sẻ về tác động của nó lên sự nghiệp của anh. Vấn đề về sức khỏe tinh thần của Bojan trở nên tồi tệ vào giữa mùa giải đầu tiên của anh với đội một Barcelona.

Bojan Krkic “Nỗi cô đơn bám lấy mọi trải nghiệm của tôi” 2
 

Anh chia sẻ: “Những cảm xúc đó bắt đầu lấn át tôi. Tôi cảm thấy mình bắt đầu mất kiểm soát và cơ thể phản ứng bằng cơn chóng mặt. Suốt 24 giờ tôi thấy xây xẩm mặt mày và mức độ còn phụ thuộc vào những gì đang xảy ra nữa. Khi bình tĩnh lại, thậm chí tôi còn cảm thấy chóng mặt hơn nữa. Tôi có cảm giác như mình không thể kiểm soát được những gì bản thân trải qua.

Chúng là những trải nghiệm mới và tôi không mong muốn chúng xuất hiện. Tôi muốn chơi bóng nhưng không muốn nổi tiếng. Tôi chưa bao giờ thích những gì thái quá và điều đó vượt quá giới hạn. Chúng khiến tôi hiểu cuộc sống của tôi không còn đi theo con đường tôi mong muốn nữa. Tôi chỉ muốn chơi bóng mà thôi”.

Cảm xúc đó lớn dần theo thời gian và đến một thời điểm, anh đưa ra quyết định quan trọng: Từ chối tham dự Euro 2008. Tháng 2/2008, trận giao hữu giữa Tây Ban Nha và Pháp được tổ chức ở Malaga. Đó là lần đầu tiên Bojan được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, nhưng cuối cùng khi trận đấu diễn ra, anh không thể ra sân. Thông cáo cho biết Bojan bị đau dạ dày, nhưng sự thật là anh bị rối loạn lo âu. Và tình trạng này kéo dài rất lâu sau đó.

“Tôi đã đưa ra một quyết định rất mang tính nhân bản là không tham dự Euro và truyền thông bắt đầu gây áp lực nặng nề. Báo chí không hiểu tại sao một cậu nhóc Catalunya 17 tuổi lại nói lời từ chối cơ hội như vậy. Câu chuyện không liên quan gì đến chính trị hết. Khi đó tôi cần không gian và thời gian để hiểu những gì đang xảy ra. Quyết định từ chối không phải là lỗi của ai cả.

Tôi cảm thấy mình phải nói lên sự thật, nhưng sự thật không được nói ra khi tôi bỏ lỡ trận ra mắt đội tuyển quốc gia. Họ nói rằng tôi bị đau dạ dày. Đó không phải lời tôi mà là lời của Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha. Ngay từ đầu họ đã không nói thật. Một cậu bé 17 tuổi không có đủ sức mạnh hay tiếng nói để đứng lên và lên tiếng”, Bojan bày tỏ. Cuối cùng, Bojan chỉ có duy nhất 1 lần ra sân cho đội tuyển quốc gia - 25 phút thi đấu sau khi vào sân từ ghế dự bị trong cuộc chạm trán Armenia vào tháng 9/2008.

Bojan Krkic “Nỗi cô đơn bám lấy mọi trải nghiệm của tôi” 3
 

2. Cựu tiền đạo sinh năm 1990 đã phải gặp chuyên gia tâm lý từ khi còn nhỏ. Họ có vai trò quan trọng trong việc anh quyết định giải nghệ, khi anh rời Barcelona để tới Anh vào năm 2014 cũng như từ chối đội tuyển quốc gia vì vấn đề sức khỏe tinh thần ở thời điểm đó không phải vấn đề được bàn luận phổ biến.

Anh nói thêm: “Cơ thể lẫn tâm trí tôi không thể chịu đựng thêm nữa. Tôi cần một giải pháp. Ở khía cạnh cảm xúc, đó thực sự là gánh nặng rất lớn. Không ít lần mọi người không biết cách nói ‘đủ rồi’. Họ có quá nhiều tham vọng hay quá nhiều yêu cầu. Nhưng bạn phải hiểu giới hạn của bản thân và những công cụ bạn có ở thời điểm đó để xử lý tình huống. Ở tuổi 17, tôi còn ít kinh nghiệm nhưng tôi phải đưa ra quyết định ấy. Để tiếp tục phát triển và sống với ước mơ chơi bóng, cái giá tôi phải trả là không tham dự vòng chung kết Euro”.

Bojan quyết định không kể cho bất cứ ai trong thế giới bóng đá, không phải HLV trưởng Frank Rijkaard của Barca khi đó hay bất cứ đồng đội nào. “Nếu bạn giải thích việc rách cơ cho một người chưa từng trải qua, họ sẽ không thể nào hiểu được nỗi đau đớn của điều đó. Vì thế, dù bạn có giải thích sự lo âu của bản thân thế nào đi chăng nữa, mọi người cũng không hiểu được. Thật khó mà đồng cảm, thứ nhất vì tôi không thể hiện ra bên ngoài. Hơn nữa, tôi cũng không bỏ buổi tập nào và vẫn thi đấu. Làm sao mọi người có thể hiểu?”, cựu tiền đạo người Tây Ban Nha nói thêm.

Đó chính là chướng ngại làm cản trở quá trình phát triển của Bojan Krkic. Anh đến Barcelona từ năm 9 tuổi và thăng tiến nhanh ở học viện. Bước sang tuổi 16, anh có màn ra mắt đội Barcelona B và kết thúc mùa giải 2006/2007, anh được thi đấu cho đội một, dù đó chỉ là một trận giao hữu. Đến nay, Bojan vẫn là chân sút xuất sắc nhất lịch sử cấp độ trẻ Barcelona với 423 bàn thắng chính thức.

Bojan Krkic “Nỗi cô đơn bám lấy mọi trải nghiệm của tôi” 4
 

“Trước đây tôi chưa từng đặt mục tiêu là cầu thủ đội một của Barcelona. Tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ khi chơi bóng và chỉ muốn tận hưởng niềm vui mà thôi. Tôi muốn ghi nhiều bàn thắng và thực sự tôi đã làm được.

Barcelona B thì khó nhằn hơn đội trẻ. Ở đó có những cầu thủ gấp đôi tuổi tôi nhưng không có lúc nào tôi thấy mình phải thi đấu tốt để lên đội một hết. Tôi suy nghĩ rằng mình phải thi đấu tốt vì đó là trách nhiệm và vì tôi đã có những trải nghiệm quý báu giúp tôi phát triển nhanh khi còn rất trẻ”, Bojan tâm sự.

Mùa giải 2006/2007, dù Barcelona B bị xuống hạng nhưng Bojan vẫn có dấu ấn của riêng mình khi là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất đội dù khi ấy anh mới 16 tuổi. Điều đó khiến anh gặp một chút vấn đề với các đồng đội lớn tuổi hơn.

“Trong phòng thay đồ luôn có rất nhiều sự cạnh tranh. Tôi tiến bộ rất nhanh và điều đó khiến một số người ghen tỵ. Dù được đôn lên cấp độ nào thì tôi vẫn tiếp tục ghi bàn thôi. Tuy nhiên, mùa giải khoác áo Barcelona B là mùa giải khá phức tạp. Tôi đến đội khi mùa giải đang diễn ra. Khi đó, các cầu thủ bị chỉ trích nhiều, bỗng nhiên lại có một cậu trai trẻ đến và bắt đầu ghi bàn. Điều đó khiến họ không vui, kể cả đồng đội lẫn đối thủ. Họ thấy rằng tôi có những thứ khiến tôi có thể được trao cơ hội”, cựu tiền đạo sinh năm 1990 chia sẻ.

Và rồi, anh nhận được lời triệu tập lên đội một tập luyện từ Rijkaard. Bojan nhớ lại: “Ngày hôm đó tôi khát muốn chết. Trước buổi tập tôi ngồi trong phòng thay đồ và thấy một vài chai nước dành cho các cầu thủ nhưng không dám đứng lên lấy một chai. Tôi đến trước buổi tập 1 tiếng và rồi tôi ngồi đó cả tiếng đồng hồ mà không nhúc nhích. Tôi đứng dậy đi tập, quay trở lại phòng, đi tắm và về nhà. Thậm chí tôi còn không đến phòng gym.

Tôi đứng lặng lẽ quan sát. Nói thế này có thể hơi quá nhưng nó thể hiện sự tôn trọng của bạn khi bước lên một nấc thang mới. Tôi cảm thấy mình phải cố gắng để có được mọi thứ, kể cả một chai nước”.

Bojan Krkic “Nỗi cô đơn bám lấy mọi trải nghiệm của tôi” 5
 

3. Bojan bắt đầu từ giai đoạn tiền mùa giải, sau đó tham dự U17 World Cup ở Hàn Quốc, ghi 5 bàn và nhận danh hiệu Quả bóng đồng của giải đấu. Bojan trở về Barca và có trận chính thức đầu tiên ở La Liga ở tuổi 17 trong cuộc chạm trán Osasuna ngày 16/9. Vài ngày sau, anh có lần đầu tiên ra sân ở Champions League trong cuộc đối đầu Lyon khi vào thay Lionel Messi.

“Tôi không có thời gian mà suy nghĩ nữa. Tôi được trao cơ hội và có những kết quả, sau đó mọi thứ cứ tiếp diễn như thế. Frank (Rijkaard) có vai trò rất quan trọng. Ông ấy là người giúp tôi bước chân vào thế giới chuyên nghiệp và hỗ trợ một cầu thủ cần được phát triển. Vai trò của HLV rất quan trọng, đó là người trao cho bạn sự tự tin, đứng ra bảo vệ bạn, hiểu bạn và biết cách giúp bạn phát huy hết năng lực. Frank làm tất cả điều đó cho một cậu nhóc 17 tuổi.

Chỉ cần một cái ôm, tôi có thể cảm nhận được ông ấy đang bảo vệ tôi bất kể tình huống nào. Trước mỗi trận đấu, dù ông ấy xếp tôi ngồi dự bị, hoặc trong một buổi tập, nếu ông ấy thấy một tình huống nóng giữa các cựu binh và cầu thủ trẻ, ông ấy sẽ đến và nói chuyện với tôi. Tôi là người giàu cảm xúc và Frank cũng vậy”, Bojan chia sẻ về người thầy cũ.

Sau đó, vào mùa hè 2008, Pep Guardiola kế nhiệm huyền thoại người Hà Lan trên băng ghế huấn luyện. Lúc này, Bojan sớm nhận ra cuộc cạnh tranh vị trí ở Barcelona mới chỉ bắt đầu mà thôi. Anh nói: “Tôi nhớ cái ngày khi tôi biết mình sẽ được tập luyện trước mùa giải với đội một. Tôi nói với chuyên gia tâm lý của mình rằng tôi thực sự muốn bước lên nấc thang đó, bỏ lại sau lưng những sự ghen ghét và đố kỵ. Cô ấy nhìn tôi, mỉm cười và chẳng nói gì. Những sự khó khăn nhanh chóng xuất hiện. Tôi ngày càng ít được ra sân, sự cạnh tranh lẫn trách nhiệm cũng ngày càng tăng lên”.

Bojan gần như không thể giải quyết được những vấn đề của mình, song người hâm mộ Barcelona thì đặt rất nhiều sự kỳ vọng vào anh. Họ gọi anh là “Messi mới”. Bojan bày tỏ: “Tôi không hiểu sao mọi người gán cho tôi cái mác đó. Tôi không hề muốn như vậy, tôi muốn là chính mình. Tôi học cách tách biệt mục tiêu của người khác với mục tiêu của mình. Chuyện đó đã xảy ra và sẽ luôn xảy ra. Chúng ta luôn tìm kiếm ‘Messi mới’, ‘Ronaldinho mới’. Nhưng những người mà bạn gọi là ‘Messi mới’ cũng là những người bạn gọi là kẻ thất bại.

Tôi hiểu đó là một phần của bóng đá nhưng nó có ảnh hưởng tới tôi. Họ không để tôi được là chính mình. Tôi biết mình là mẫu cầu thủ gì, tôi đã làm được gì và điều đó khiến tôi rất tự hào”.

Anh tiếp tục: “Về mặt thể chất, tôi đã sẵn sàng để cạnh tranh. Nhưng về mặt cảm xúc thì chưa. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà xã hội muốn những kết quả tức thì, những điều mới mẻ thú vị… Chúng ta quên mất rằng đằng sau đó là một con người và anh ta còn rất trẻ.

Mọi người đều có các giai đoạn thành công để trải qua. Dù giai đoạn thành công của tôi chỉ thoáng qua nhưng tôi cũng đã được nếm trải nó. Nhưng Ansu Fati hay Lamine Yamal, các cầu thủ đã được đôn lên đội một Barcelona những năm gần đây, thì chưa. Họ đã bỏ qua giai đoạn nền tảng của sự phát triển nghề nghiệp lẫn con người. Đây là điều các CLB phải kiểm soát và ngăn nó xảy ra.

Điều đó rất quan trọng vì các cầu thủ cần được phát triển ở cấp độ nền tảng. Dù bạn có là cầu thủ giỏi thế nào, không có gì đảm bảo bạn sẽ được thi đấu ở đội một. Mallorca từng cho Luka Romero ra mắt đội một năm 15 tuổi và sau đó cậu ấy cũng rời đi. Điều đó khiến tôi tự hỏi tại sao họ lại làm như vậy. Phải chăng đó là tấm huy chương cho các CLB?

Thật vô lý khi bạn đặt cược vào một cầu thủ 15-16 tuổi ở cấp độ chuyên nghiệp, nếu bạn thực sự muốn làm điều ấy thì đó không phải là bạn đang trao cơ hội cho họ đâu. Đó là vì bạn thấy ở họ những thứ không cầu thủ nào khác lớn tuổi hơn có. Điều đó không giống như thi đấu ở đội trẻ với những đứa trẻ bằng hoặc lớn hơn 1 tuổi. Thi đấu ở đội dự bị với những cầu thủ gấp đôi tuổi, ở chung phòng thay đồ, có mức độ cạnh tranh nhất định và ở trình độ bán chuyên là nền tảng cho sự phát triển nghề nghiệp và cá nhân vì bạn phải chứng minh rằng mình đã sẵn sàng.

Chúng ta đang thiếu công bằng với các cầu thủ trẻ. Sau đó, chúng ta lại phàn nàn về thái độ của họ. Đó đâu phải lỗi của họ mà là lỗi của chúng ta. Chúng ta dạy họ rằng để lên thi đấu ở đội một rất dễ và ở đội dự bị hay đội trẻ thì không có giá trị gì cả. Chính chúng ta đang hủy hoại nền tảng cơ bản cho sự phát triển”.

Nếu cần tìm một ai hiểu La Masia, người đó là Bojan. Đó là lý do có những tin đồn anh sẽ trở về đây để tham gia công tác quản lý. Cựu tiền đạo người Tây Ban Nha không ngại thừa nhận đó là điều anh mong muốn. Anh đã dành 1 năm rưỡi để học lấy bằng quản lý thể thao ở Viện Johan Cruyff tại Barcelona và hiện tại muốn bắt đầu học lấy bằng huấn luyện.

Bojan thừa nhận, khoảng thời gian sau khi giải nghệ giúp anh hồi tưởng và nhìn nhận lại sự nghiệp của mình. Anh cho biết khi nói lời tạm biệt Barcelona lần thứ 2 vào 9 năm trước, anh chưa từng nghĩ đến việc quay lại.

337181405_127030873527842_4932738577391040225_n
 

“Chúng ta thường phạm sai lầm khi so sánh, chúng ta hay tự hỏi liệu mình có thể làm tốt hơn không mà quên mất đã làm được những gì. Nếu chúng ta tập trung vào điều đó, chúng ta sẽ cảm thấy mọi thứ trọn vẹn hơn. Chúng ta nên nhìn nhận những gì đã làm được có rất nhiều giá trị. Đó là điều tôi đang cố gắng làm. Cậu bé 4 tuổi đuổi theo trái bóng năm nào đã có thể chơi bóng chuyên nghiệp suốt 16 năm. Không lúc nào tôi ngừng làm một con người nhạy cảm và đó là điều tôi tự hào mình vẫn giữ được”, Bojan Krkic tâm sự.

Theo Laia Cervelló Herrero | The Athletic

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow