Con đường vòng của tiền vệ người Bồ Đào Nha để trở thành ngôi sao của Manchester United cho thấy sự thiếu hiệu quả của hệ thống tuyển trạch khiến những tài năng vẫn bị bỏ sót.
Điều khiến Martelinho hứng thú mỗi khi xem Bruno Fernandes thi đấu chính là anh không thay đổi quá nhiều. Fernandes hiện tại có thể là cầu thủ xuất sắc nhất trong đội hình CLB đạt phong độ cao nhất của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, tuy nhiên với Martelinho, anh không khác là bao so với thời niên thiếu khi còn ở cấp độ trẻ ở Bồ Đào Nha cách đây 1 thập kỷ.
“Cách thi đấu của cậu ấy hiện tại vẫn giống như xưa”, Martelinho nhớ lại quãng thời gian 2 năm huấn luyện Fernandes ở học viện Boavista. “Cậu ấy luôn thi đấu với khát khao cháy bỏng, luôn vượt trội, không bao giờ chuyền về phía sau, luôn cố gắng xâm nhập vòng cấm địa. Lúc đó cậu ấy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng mọi thứ chúng ta thấy hiện tại đã xuất hiện từ thời điểm đó”.
Tất nhiên, tiểu sử ấy của Fernandes cũng giống hầu hết những đồng nghiệp xuất sắc nhất thế giới của anh. Những cầu thủ với tài năng to lớn sẽ được chú ý từ khi còn trẻ, họ chơi cho những “công xưởng sản xuất tài năng” hàng đầu thế giới, trải qua một hoặc hai mùa giải với đội một rồi chuyển tới Anh hoặc Tây Ban Nha với số tiền chuyển nhượng béo bở.
Dù xuất phát điểm của Fernandes cho thấy anh phù hợp với con đường ấy, song thực tế lại không phải như vậy. Thay vào đó, anh đi một con đường vòng vèo hơn, trải qua một mùa giải ở hạng hai của Italy và vài năm ở Serie A sau đó là những năm tháng trở lại quê hương mà Martelinho cho rằng về cơ bản là “vô danh” cho đến khoảng 25 tuổi.
Câu chuyện của Fernandes có thể xem là bài học về sự chăm chỉ, tận hiến và kiên trì đã được đền đáp xứng đáng. Hoặc nó cũng có thể coi là bài học cảnh báo về sự kém hiệu quả có gốc rễ sâu xa trong cách giới bóng đá khi tìm kiếm tài năng và định mệnh đôi khi dựa vào một chiếc xe buýt.
CANH BẠC CÓ TÍNH TOÁN
Là tuyển trạch viên trưởng của Navara, ông Cristiano Giaretta đã quen với những cuộc gọi bất ngờ từ những người đại diện có ý định mời chào chuyển nhượng các cầu thủ. Khi một người đại diện Bồ Đào Nha có tên Miguel Pinho liên lạc với Giaretta vào năm 2012 để tiến cử một tiền vệ trẻ ở Boavista, lúc đó Giaretta đã có thể bỏ qua một cách dễ dàng. Công việc của ông liên quan tới việc theo dõi hàng trăm cầu thủ trên khắp châu Âu. Ông chưa bao giờ biết đến Pinho và cũng chưa bao giờ nghe thấy cái tên Bruno Fernandes.
Nhưng ông đã không làm vậy.
Dù về danh nghĩa là đội bóng lớn thứ hai của thành phố Porto nhưng thời điểm đó những bất ổn về tài chính khiến Boavista gặp nhiều khó khăn ở giải hạng ba. Họ có một hệ thống đào tạo trẻ tốt, tuy nhiên với đại chúng thì nguồn cấp tài năng trẻ Bồ Đào Nha tập trung ở ba học viện của ba CLB lớn là Benfica, Sporting CP và F.C Porto.
Fernandes đã từng có cơ hội được ký hợp đồng với ít nhất một trong ba cái tên này. Sinh ra ở Maia, cách Porto không xa, anh được cả Boavista và Porto phát hiện ra khi đang thi đấu ở một giải trẻ. Cả hai đề nghị anh gia nhập học viện của họ. Cuối cùng anh chọn Boavista vì họ tình nguyện cử một chiếc xe buýt nhỏ đến đưa anh đến sân tập vì cả bố mẹ anh đều không thể lái xe.
Phiên bản của câu chuyện này là điều mà HLV Martelinho cảm thấy tranh cãi. “Tôi nghĩ cậu ấy tin mình có thể lên đội một dễ hơn nếu ở Boavista. Tôi đã từng đưa ra lựa chọn tương tự khi còn trẻ với lý do như vậy. Đó là CLB nhỏ hơn nên cũng dễ được thi đấu hơn”, ông bày tỏ quan điểm.
Nhưng dù câu chuyện thực tế như thế nào thì nó cũng đã xác định nên con đường của Fernandes. Các trận đấu của đội trẻ Porto thu hút rất nhiều tuyển trạch viên từ khắp nơi ở châu Âu còn Boavista thì không.
Nếu gia nhập Porto, Fernandes có thể đã đi theo con đường quen thuộc hơn đến với danh vọng và tiền bạc. Tuy nhiên ở Boavista, anh sống trong bóng tối. “Cậu ấy chưa bao giờ được gọi lên các cấp đội tuyển quốc gia khi còn ở đây. Tôi không hiểu tại sao dù vẫn biết thế hệ của cậu ấy có rất nhiều cầu thủ tài năng. Tất nhiên, phần lớn bọn họ xuất hiện với sự hào nhoáng khi chơi bóng cho những gã khổng lồ của Bồ Đào Nha”, Martelinho khẳng định.
Chính sự bỏ sót đó đã tạo cơ hội cho Giaretta và dẫn Fernandes đi con đường khác. Trên điện thoại, Pinho có vẻ là người “nghiêm túc”, như nhận xét của Giaretta. Tuyển trạch viên của Novara quyết định đến miền bắc Bồ Đào Nha để “xem giò” Fernandes 17 tuổi trong một trận đấu ở học viện.
Giaretta chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên của tôi khá tốt nhưng không có gì đặc biệt. Bạn có thể thấy khả năng kỹ thuật của cậu ấy. Khả năng đưa ra quyết định của cậu ấy tốt hơn mức trung bình. Đôi chân cậu ấy nhanh nhẹn và uyển chuyển. Bạn có thể thấy cậu ấy khá trưởng thành. Tuy nhiên, cậu ấy không phải cầu thủ hay nhất trên sân”. Đó là ấn tượng đầu tiên của tuyển trạch viên của Novara.
Dù vậy, ông quyết định đề xuất với CLB hãy chiêu mộ tài năng trẻ người Bồ Đào Nha.
Giaretta không biết liệu Boavista có định giữ Fernandes lại để đào tạo hay tình trạng tài chính không ổn định sẽ khiến họ phải đồng ý với lời đề nghị, cuối cùng Novara trả số tiền chưa đến 50.000 USD để có chàng tiền vệ trẻ.
“Mọi thương vụ chuyển nhượng đều có rủi ro. Nhưng đúng, đây là một canh bạc có tính toán. Nếu lỗ vài nghìn euro sẽ ảnh hưởng lớn đến CLB”, Giaretta khẳng định.
Novara quyết định chi số tiền đó cho Fernandes, một cầu thủ 17 tuổi không tiếng tăm và dường như không được ai đánh giá quá cao đến từ một CLB ở hạng ba Bồ Đào Nha. Tám năm sau, Fernandes khiến Manchester United phải chi ra số tiền tương đương 97 triệu USD.
BÀI HỌC VỀ CON ĐƯỜNG VÒNG
Francesco Guidolin rất thích thú. Là HLV của Udinese, ông đã quen với việc gặp gỡ, làm việc với những tài năng trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Họ là những thiếu niên triển vọng nhưng lại bị loại khỏi tầm ngắm của các tuyển trạch viên có các mạng lưới khổng lồ.
Quãng thời gian Fernandes ở Novara rất ngắn ngủi: chỉ vỏn vẹn một năm. Nhưng thực tế anh đã chiếm được vị trí ở đội một CLB, ghi bốn bàn sau 23 trận và được đặt biệt danh là “Maradona của Novara” trước khi được bán cho Udinese tại Serie A và mang về lợi nhuận khổng lồ. Giaretta vẫn là trung tâm của thương vụ này. Ông đã rời Novara và tới Udinese vào năm 2013 sau đó đề cử Fernandes với đội ngũ kỹ thuật CLB.
Guidolin không xem Fernandes thi đấu ở Novara nhiều. Khi tiền vệ Bồ Đào Nha tới Udinese, chiến lược gia người Italy khá “tò mò” muốn xem cậu thiếu niên với con đường sự nghiệp khác thường này thi đấu ra sao.
“Chúng tôi bước vào trại tập luyện trước thềm mùa giải mới. Thi đấu ở Serie B so với Serie A là hai chuyện khác biệt, nhưng ngay lập tức bạn có thể thấy cậu ấy đã sẵn sàng”, Guidolin khẳng định.
Quả thực như vậy, Guidolin cảm thấy có lẽ Fernandes sẽ sớm thể hiện thứ bóng đá đỉnh cao - ngay cả ở hạng đấu thấp hơn. “Một năm ở Serie B là một trải nghiệm trọn vẹn hơn thay vì đi thẳng từ đội trẻ lên. Bạn có thể thấy cậu ấy quyết đoán, có tinh thần trách nhiệm hơn đa số những cầu thủ cùng lứa”, cựu HLV Udinese nhấn mạnh.
Nhìn vào quỹ đạo sự nghiệp của anh từ thời điểm đó, có lẽ chúng ta có thể tự hỏi liệu đi một con đường vòng vèo và dài hơn có lợi cho Fernandes hay không. Đối với những người đã từng làm việc với anh từ ngày đầu, điều nổi bật của tiền vệ người Bồ Đào Nha thời điểm hiện tại chính là anh sẵn sàng nhận trách nhiệm dẫn dắt: gánh đội bóng trên lưng, dù đó là Manchester United đi chăng nữa.
Có lẽ anh hiểu rằng những năm tháng trước, anh đã sống dưới lớp ánh sáng mờ: một năm ở Novara, ba năm ở Udinese, một năm ở Sampdoria. Mùa hè năm 2017 khi trở lại Bồ Đào Nha - bản hợp đồng đắt giá thứ hai lịch sử Sporting - thời điểm đó anh vẫn chưa được gọi lên đội tuyển quốc gia (dù đã là đội trưởng đội U21). Không quá nhiều người nghĩ sự xuất hiện của anh lại mang đến nhiều tác động to lớn. “Đa số các đội bóng lớn thời điểm ấy chưa xem cậu ấy thi đấu”, Martelinho khẳng định.
Nhưng chỉ sau vài tháng, bóng đá Bồ Đào Nha biết trước đó họ đã bỏ lỡ điều gì. “Giải vô địch Bồ Đào Nha không mạnh như giải của Anh, Tây Ban Nha hay Đức. Tuy nhiên có lẽ nó cũng xếp thứ năm hoặc thứ 6 ở châu Âu. Giải đấu không hề dễ dàng nhưng Bruno đã làm cho nó trở nên thật đơn giản”, HLV Martelinho nhấn mạnh.
Và sau đó, tầm ảnh hưởng của Fernandes thể hiện ở nước Anh cũng nhanh không kém. Chưa đầy 12 tháng kể từ khi gia nhập đội bóng chủ sân Old Trafford nhưng anh đã được bầu vào đội hình tiêu biểu cả mùa của Premier League. Và khi Manchester United đang nổi lên như ứng cử viên vô địch thì anh cũng là một ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải này.
Fernandes hiện tại đang phát triển rực rỡ. Nhưng anh đã phải chờ thời điểm này từ lâu. Đó không phải lỗi của anh mà do lỗ hổng trong cấu trúc bóng đá vì chúng ta không tìm kiếm tài năng ở những nơi ít được kỳ vọng. Fernandes vẫn luôn như vậy. Anh chỉ cần một trận đấu để được chú ý, và có thể tất cả là vì nhiều năm về trước có một nơi sẵn sàng cử tài xế lái một chiếc xe buýt đến đón anh.
Dịch từ bài viết “Bruno Fernandes and the Long Game” của tác giả Rory Smith trên New York Times.
Sau những tháng ngày vỡ mộng tại kinh đô thời trang Milan hoa lệ, cuối cùng thì Charles De Ketelaere đã có thể tìm lại chính mình ở Atalanta, một đội bóng dù nhỏ nhưng lại đang mơ những giấc mơ lớn nhất trên hành trình chinh phục bóng đá Ý và châu Âu.
Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.
Luis Diaz sẽ kỷ niệm ba năm khoác áo Liverpool vào tháng tới và màn trình diễn của tiền đạo người Colombia vào cuối tuần qua là lời nhắc nhở kịp thời rằng, anh LUÔN là nhân tố quan trọng đối với The Kop.
Trước khi nhập tịch thành công và khoác áo ĐTQG, Nguyễn Xuân Son nhận phản ứng trái chiều của người hâm mộ; song, anh đang nỗ lực hết mình để giành được cảm tình của những người từng không ủng hộ mình.