Bukayo Saka: Áp lực làm nên kim cương

Tác giả Đức Thịnh - Chủ Nhật 24/09/2023 11:48(GMT+7)

Zalo

“Trên đường tiến tới chấm phạt đền, tôi tưởng như đó là hành trình dài vô tận. Và màn đêm trở nên tối hơn bao giờ hết. Rồi tôi bắt đầu lo lắng về những gì có thể xảy ra, toàn những điều tồi tệ. Vậy là tôi đã sút hỏng. Tôi đã kết thúc giấc mơ của cả đất nước và khiến mọi ngươi thất vọng”, HLV Gareth Southgate từng nói về trải nghiệm đau đớn khi sút hỏng quả phạt đền trong loạt luân lưu trận bán kết Euro 1996.

383292511_1401074897107745_3116420272829549003_n
 

Khi nào người Anh mới chấm dứt được những cơn ác mộng về những loạt đấu penalty? Đó dường như là câu hỏi chưa bao giờ có hồi kết. Trong quá khứ, đã 6 lần những chiến binh Tam Sư gục ngã trong các cuộc đấu trí trên chấm 11m. Và nỗi ám ảnh đó tiếp tục tái hiện tại kỳ Euro 2020. Đau đớn hơn đó là trận chung kết được diễn ra trên sân nhà, cơ hội vàng để họ viết nên lịch sử đất nước kể từ sau World Cup 1966. Càng tàn nhẫn hơn, khi số mệnh của nền bóng đá xứ sương mù đặt trọn lên đôi chân của một cầu thủ mới 19 tuổi.

Bukayo Saka Áp lực làm nên kim cương 1
Bukayo Saka từng đối mặt với áp lực khủng khiếp sau khi thất bại trên chấm 11m tại Euro 2020.

 

“Cút đi thằng mọi đen”, “Biến khỏi đất nước của bọn tao. Cút về Nigeria của mày đi”, đó chỉ là hai trong số hàng nghìn lời lẽ xúc phạm mà người hâm mộ bóng đá Anh nhắm vào Bukayo Saka, chỉ vài giờ sau khi sao mai thuộc biên chế Arsenal sút hỏng quả penalty quyết định, khiến ĐT Anh đánh mất cơ hội đăng quang EURO 2020 trước người Italia. Chưa dừng lại ở đó, nhiều người còn vào các tài khoản mạng xã hội của Saka để buông lời sỉ nhục, đe dọa đến mạng sống của cậu và gia đình.

Căng thẳng đến nỗi Liên đoàn bóng đá Anh phải ra mặt bảo vệ Saka trước những làn sóng kích động từ các CĐV quá khích với phát biểu: “Thật kinh khủng! Bất kỳ ai đứng sau những hành vi kinh tờm đó đều không xứng đáng là cổ động viên ĐT Anh. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ các cầu thủ bị ảnh hưởng. FA sẽ thúc giục các cơ quan chức năng đưa ra hình phạt nghiêm khắc nhất có thể với những kẻ phân biệt chủng tộc”. 

Ngay đến cựu thủ tướng Anh, Boris Johnson cũng phản ứng gay gắt: “ĐT Anh năm nay cần được xem là những người hùng chứ không phải nạn nhân của những lời lẽ phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội. Những ai có phát ngôn không đúng mực nên tự cảm thấy nhục nhã với bản thân họ”.

Phải nói sao nhỉ? Một cậu nhóc khi ấy mới 19 tuổi, trong lần đầu tiên có vinh dự tham gia một giải đấu lớn ở cấp độ ĐTQG, đã chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, nhưng lại nhận về những lời lẽ phân biệt chủng tộc cay nghiệt nhất từ chính những người chỉ ít ngày trước đó còn hát vang tên cậu trên khắp các khán đài. Đó chắc chắn là trải nghiệm ám ảnh Saka đến mãi sau này! 

Trong cái đêm định mệnh tại Wembley ngày hôm ấy, không chỉ Saka là người duy nhất sút trượt penalty, bởi trước đó cả Marcus Rashford lẫn Jadon Sancho cũng đều không thực hiện thành công. Nhưng sau tất cả, chỉ có Saka là người hứng chịu cơn thịnh nộ từ người hâm mộ nặng nề nhất. 

Bóng đá là vậy! Việc các cầu thủ bị khủng bố tinh thần sau một trận thua là điều chẳng hiếm gặp, ngay cả với những ngôi sao từng được coi là biểu tượng. Còn nhớ tại World Cup 1998, David Beckham bị cả nước Anh quay lưng sau tấm thẻ đỏ trong trận đấu vòng 1/8 trước Argentina. Hay trước trường hợp của Mesut Ozil tại ĐT Đức, người khiến chúng ta mãi ám ảnh với câu nói: “Khi chiến thắng, tôi là người Đức. Khi thất bại, tôi chỉ là kẻ nhập cư”. Và đó chính là góc khuất phía sau ánh đèn sân cỏ.

Trở lại với trường hợp của Saka, ít ai biết rằng đằng sau quyết định để Saka thực hiện loạt đá cuối cùng của HLV Gareth Southgate lại là một câu chuyện buồn của bóng đá Anh. Thực tế, ngoại trừ đội trưởng Harry Kane là người thường xuyên được giao trọng trách sút penalty tại CLB, đa phần các cầu thủ còn lại trong danh sách thi đấu hiệp phụ ngày hôm đó đều không phải là chuyên gia trên chấm 11m. Thậm chí Jordan Pickford, John Stones, Harry Maguire, Kalvin Phillips và cả Saka, còn chưa từng thực hiện một quả penalty nào trong các trận đấu chính thức kể từ khi thi đấu cho đội một. Vậy những người khác thì sao?

Jack Grealish – từng đảm nhận trọng trách đó 1 lần duy nhất tại Aston Villa (trong trận đấu với Sheffield United tháng 12/2019) và sút trượt. 

Raheem Sterling – từng lập kỷ lục khi sút hỏng 3 quả penalty liên tiếp hồi đầu năm 2021 tại Premier League. Nếu có ai đó không nên đứng ra thực hiện trọng trách sút penalty thì đó nên là Sterling. 

Luke Shaw – từng trải qua loạt luân lưu giữa Manchester United và Villareal trong trận chung kết Europa League 2021. Luke Shaw đã sút thành công nhưng không phải 1 trong 5 cái tên đầu tiên được chỉ định thực hiện. Và một khi phải bước vào loạt đấu súng cân não – đứng giữa làn ranh người hùng và tội đồ – vinh quang và thất bại, áp lực tâm lý đè nặng lên các cầu thủ cũng là điều dễ hiểu. 

Rashford từng thành công 12/14 lần đá penalty trước đó cũng đã đá hỏng. Hay như Sancho với tỉ lệ thành công trước đó lên đến 100% sau 3 lần sút penalty cũng nốt gót người đàn anh. 

Nếu cần thêm một ví dụ nữa thì hãy nhớ đến Jorginho, một chuyên gia thực thụ nhưng cũng là 1 trong 2 cái tên sút trượt bên phía ĐT Italia. Để rồi chúng ta chợt nhận ra, sút penalty chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng.

Nhưng sự nóng giận khi ĐT Anh thất bại đã khiến nhiều người mất tỉnh táo, đi chĩa mũi dùi dư luận vào một cậu thanh niên mới lớn. Điều này có thể đã hủy hoại sự nghiệp chơi bóng vừa mới chớm nở của Saka. Nếu không có sự động viên kịp thời từ gia đình, HLV Mikel Arteta và các cầu thủ tại Arsenal, không biết rồi mọi chuyện sẽ trôi về đâu.

Bukayo Saka Áp lực làm nên kim cương 2
HLV Mikel Arteta luôn là người động viên và thúc đẩy tài năng của Saka.

 

Tuy vậy như người ta vẫn nói rằng áp lực tạo nên kim cương. Bỏ lại nỗi buồn ở phía sau, mùa giải 2021/2022 chúng ta bắt đầu chứng kiến một Saka bùng nổ trong màu áo Arsenal. Chàng trai trưởng thành từ lò đào tạo Hale End đóng góp 11 bàn thắng và 7 pha kiến tạo sau 38 trận tại Premier League. Đặc biệt hơn, Saka đã “nổ súng” vào lưới 4/5 đối thủ của Arsenal trong nhóm Big Six, bao gồm hai đội bóng thành Manchester, Chelsea và Tottenham. Tuy không thể giúp Pháo thủ thành London giành vé dự Champions League, thế nhưng màn trình diễn cá nhân xuất sắc của Saka đã được tương thưởng bằng danh hiệu Cầu thủ người Anh xuất sắc nhất mùa giải 2021/2022 do người hâm mộ cả nước bình chọn. Để chinh phục giải thưởng này, Saka đã vượt qua cả Declan Rice và Harry Kane.

Cùng với Emile Smith Rowe, cả hai đi vào lịch sử giải đấu khi trở thành bộ đôi U21 có trên 20 bàn thắng trong một mùa giải (tối thiểu mỗi người 10 bàn thắng), giống như những gì bậc tiền bối Harry Kewell - Michael Bridges làm được ở mùa giải 1999/2000 và Wayne Rooney - Cristiano Ronaldo ở mùa giải 2006/2007. Cả hai là điểm sáng hiếm hoi trên hàng công, trong mùa giải mà những trụ cột một thời như Pierre-Emerick Aubameyang và Alexandre Lacazette đều gây thất vọng.

Bukayo Saka Áp lực làm nên kim cương 3
Bộ đôi Saka - Smith Rowe đi vào lịch sử Premier League ở mùa giải 2021/2022.

 

Mặt khác, khi mà Lacazette phải ngồi ngoài vì những vấn đề về phong độ, chính Saka là người được HLV Mikel Arteta tin tưởng chỉ định thực hiện những pha sút penalty cho Arsenal. Không phụ lòng ông thầy người Tây Ban Nha, Saka đã ghi cả 2 bàn thắng trên chấm 11m sau 2 lần được trao cơ hội. Đó như một lời khẳng định của tiền vệ người Anh rằng “ngã từ đâu, sẽ đứng lên từ đó”.

Các Gooners vẫn luôn mong chờ “Star boy” của họ rũ bùn đứng dậy. Và ước nguyện của họ đã thành hiện thực. Mùa giải 2022/2023 tiếp tục chứng kiến một Saka rực cháy với 14 bàn thắng và 11 pha kiến tạo tại Premier League. Những bước chạy xé gió, những pha ban bật và qua người nhanh đến thuần thục, trước khi Saka khiến cả cầu trường khấn khích với các pha dứt điểm làm tung lưới đối thủ. Nhìn cách Saka thi đấu với sự chững chạc, ít ai nghĩ rằng chàng trai ấy khi đó mới 21 tuổi. Cùng với Gabriel Martinelli, Martin Odegaard và Gabriel Jesus, mối liên kết đáng sợ của bộ tứ này trên hàng công từng bước được hình thành. Bốn cái tên kể trên đã đóng góp 55 bàn thắng cho Arsenal trong cuộc đua vô địch với Man City, chiếm 62,5% tổng số bàn thắng mà toàn đội ghi được. Con số 88 bàn thắng ở mùa giải 2022/2023 cũng chính là thành tích ghi bàn tốt nhất trong lịch sử Arsenal. 

Và một lần nữa, Saka tiếp tục nhận danh hiệu Cầu thủ người Anh xuất sắc nhất mùa giải 2022/2023. Song song với đó, Saka vinh dự được xướng tên trong lễ trao giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Premier League 2022/2023, đồng thời lọt vào đội hình tiêu biểu của năm do PFA bình chọn. Để tương thưởng cho thành tích này, BLĐ Arsenal đã ngay lập tức giữ chân “Star boy” của mình bằng một bản hợp đồng có thời hạn đến năm 2027 với mức lương 200.000 bảng/tuần (chưa tính lương thưởng thành tích).

b4
Đối diện với áp lực, Saka đáp trả mạnh mẽ bằng phong độ ấn tượng của mình.

 

Cho đến thời điểm hiện tại, quyết định đó là hoàn toàn đúng đắn. Saka giúp Arsenal khởi đầu mùa giải 2023/2024 thuận lợi bằng cứa lòng mẫu mực bên ngoài vòng cấm trong chiến thắng 2-1 trước Nottingham Forest tại vòng 1 Premier League. Mới đây, Saka cũng chính là người “mở tài khoản” ở chiến thắng 4-0 trước PSV Eindhoven trong ngày Pháo thủ trở lại Champions League sau 7 năm. Cũng chính “thần đồng” này đã kiến tạo để Leandro Trossard ghi bàn thắng gỡ hòa trước Man City ở trận tranh Siêu cúp nước Anh hồi đầu tháng 8. Tính ra, sau 7 lần ra sân, Saka đã đóng góp 3 bàn thắng và 4 pha kiến tạo. Đó đang là thành tích tốt nhất của một cầu thủ Arsenal trong mùa giải mới.

Được hưởng “hào quang rực rỡ” là vậy, tuy nhiên so với nhiều đồng nghiệp khác, lối sống bên ngoài sân cỏ của Saka lại tương đối bình dị. Không sưu tầm siêu xe, không góp mặt ở những bữa tiệc tùng thâu đêm như người bạn thân Jack Grealish, Saka lựa chọn lối sống bình dị và lành mạnh. Khoản tiền lớn nhất mà Saka từng chi cho bản thân là việc cậu bỏ tiền mua căn biệt thự trị giá 2,3 triệu bảng tại Hertfordshire (cách trung tâm tập luyện London Colney 15km), để đón bố mẹ chuyển đến cùng sinh sống. Truyền thông bản địa rất nhiều lần chụp được hình ảnh Saka đến nhà thờ để cầu nguyện. Đồng đội tại ĐT Anh cũng tiết lộ rằng sao trẻ này thường xuyên đọc Kinh thánh vào mỗi buổi tối. Trong một bài phỏng vấn với Arsenal Media, Saka cũng chia sẻ rằng bản thân muốn học lên Đại học. Nên biết rằng, thành tích học tập của Saka thời trung học là rất tốt. 

Đây rõ ràng là một hình mẫu tuyệt vời trong thế giới bóng đá ngày càng lắm các cầu thủ dính scandal và lùm xùm bên ngoài sân cỏ.

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow