Không có gì quyến rũ về ngoại hình của Carlos Tevez. Một cơ thể thấp đậm, cổ thì chằng chịt những vết sẹo (do bị bỏng nước sôi khi còn nhỏ), cũng như sở hữu bộ tóc lòa xòa và luôn bóng nhẫy mồ hôi, khác hẳn mái đầu luôn bóng mượt gel của Cristiano Ronaldo, người đồng đội cũ của anh ở Manchester United.
Nhưng đó lại là hình ảnh chủ đạo trên tấm biển quảng cáo đầy tranh cãi “Chào mừng đến Manchester” (Welcome to Manchester) của Manchester City, như một lời khoe mẽ về chiến lợi phẩm mà họ đã giành được từ người hàng xóm United.
Chúng ta sẽ không bao giờ biết chính xác điều gì đã xảy ra vào mùa hè năm 2009, khi Tevez rời Manchester United để đến với đối thủ truyền kiếp Manchester City. Đó là một mớ hỗn độn về những kẽ hở trong hợp đồng, những khoản phí chuyển nhượng không rõ ràng và tất nhiên, có cả sự tham gia của siêu cò Kia Joorabchian.
Tevez nói rằng United không đưa ra lời đề nghị; United tuyên bố ngược lại. Sau cùng, chính Man City đã “chào mừng“ cầu thủ người Argentina đến với thành phố mà anh đang sống, như những ẩn ý mà tấm áp phích đã đăng. Ở đó, anh đã là một người hùng ngay từ khi khoác lên mình màu áo xanh.
20 năm trước đó, Sir Alex Ferguson chưa bao giờ để ý tới đội chủ sân City of Manchester (nay là Etihad), nơi mà ông gọi là “ngôi đền của sự diệt vong”. Khi Sir Alex nói về các đối thủ của United, đó luôn là Liverpool, Arsenal và Chelsea, thậm chí là Leeds chứ không phải là City. Ngay cả khi mất Tevez vào tay đội bóng hàng xóm, đó cũng không phải là mối bận tâm hàng đầu của HLV người Scotland. “Tôi không nghĩ cậu ta đáng giá 25 triệu bảng,“ ông nói.
Hơn 12 năm đã trôi qua. Hôm nay, ở ngày sinh nhật lần thứ 38 của cầu thủ người Argentina, sau khi anh đã giành một loạt danh hiệu ở Anh, Ý và Trung Quốc, chúng ta có thể kết luận: Sir Alex Ferguson đã sai về Tevez.
“Cartoneros“ (Người thu gom rác), Tevez đáp lại, khi được hỏi mình sẽ làm gì nếu không trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Nhưng ngay cả khi hiểu theo nghĩa khiêm tốn nhất của câu trả lời, nó vẫn chưa thực sự đúng lắm. Một người thu gom rác bình thường làm việc cho nhà nước và được trả lương. Cartoneros không có được sự sang trọng đó. Họ là những người nhặt rác lang thang trên đường phố để tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể bán. Hãy nghĩ đến những chiếc xe ọp ẹp, những móng tay đầy bùn đất và những đốt sống cong vênh do phải cúi nhiều.
Và hãy nghĩ đến nơi bắt đầu công việc này: Fuerte Apache, một khu ổ chuột đúng nghĩa. 100,000 người chen chúc trong 70 tòa nhà chật chội. Ma túy, súng, hiếp dâm, mại dâm và tội phạm là điều thường thấy ở đây. Tevez là tia sáng hiếm hoi của một khu phố tăm tối. Anh rất may mắn khi được gia đình chỉ lối, cũng như được Boca Juniors, CLB thời niên thiếu của anh giúp thoát nghèo.
Cầu thủ có biệt danh gắn liền với quá khứ, El Apache có rất nhiều thời cơ để tách bản thân ra khỏi nguồn gốc của mình. Nhưng thay vào đó, Tevez tận dụng mọi cơ hội để làm nổi bật chúng. Anh nói về nó trong các cuộc phỏng vấn, sử dụng danh tiếng của mình để nhắc đến những khó khăn mà những người ở rìa xã hội phải chịu đựng.
“Thật tệ khi trở nên nghèo khó,” Tevez nói với El Grafico năm 2003. “Với một tâm hồn và dạ dày đau đớn. Thật không công bằng khi một số người có rất nhiều và những người khác lại chẳng có gì. Bất công hơn nữa, những người có cái mình cần lại không lo cho những người túng thiếu.”
Khi chuyển đến Villa Devoto, một khu vực giàu có hơn ở thủ đô Buenos Aires, anh đã đưa 11 người đến sống cùng. Ngay cả khi rời Argentina để đến châu Âu, lòng hảo tâm đối với những người kém may mắn hơn anh vẫn còn đó. “Tôi nhớ vào một dịp Giáng sinh, cậu ấy mang đến 30 chiếc TV cho tất cả nhân viên ở sân tập – từ đầu bếp, người dọn dẹp, nhân viên an ninh, tất cả mọi người,” người đồng đội cũ của anh ở City, Stephen Ireland tiết lộ.
Chính những khía cạnh này, cùng với phong cách chơi bóng máu lửa khiến anh trở thành số một ở Boca. Nếu Juan Roman Riquelme là một “thần tượng không thể chạm tới” ( theo lời của Tevez), thì người anh hùng mới của La Bombonera là trần thế và hữu hình.
Điều đáng nói là anh cũng giành được tình cảm tương tự trong một năm khoác áo Corinthians, một đội bóng xuất phát từ tầng lớp lao động ở Brazil, nơi sẵn sàng mặc áo một cầu thủ Argentina để ủng hộ anh. Nhưng nó không khiến nước Anh yêu quý Tevez, ngay cả khi anh đã giúp West Ham trụ hạng, cũng như đưa hai đội bóng thành Manchester tiến tới ba chức VĐQG.
Carlos Tevez
Có lẽ là do bất đồng ngôn ngữ. Tevez chưa bao giờ bận tâm đến việc học một vài từ tiếng Anh trong gần 7 năm thi đấu ở Anh; điều này dập tắt mọi hy vọng củng cố các mối quan hệ, như cách anh vẫn thường làm ở Nam Mỹ. Anh chỉ có thể thẳng thắn khi nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của mình (Gary Neville, người từng bị anh gọi là “thằng đần liếm ủng“, chắc chắn sẽ đồng tình với điều này).
Ngoài ra, có một cảm giác tạm bợ khó tránh khỏi nếu nói về Tevez. West Ham là một bước đệm, và ngay cả Sir Alex Ferguson cũng có cảm giác người đại diện của Tevez đã nghĩ đến bến đỗ tiếp theo cho thân chủ của mình, ngay từ khi cựu cầu thủ Boca Juniors đặt chân đến Old Trafford. “Tôi chưa bao giờ có cảm giác cầu thủ này thuộc về United,” Ferguson viết trong cuốn tự truyện của mình. “Có vẻ như chúng tôi đang thuê cậu ta, cho đến khi Joorabchian có thể chốt một hợp đồng tốt hơn ở nơi khác.”
Quay trở lại khoác áo Boca Juniors giai đoạn thứ ba từ sau quãng thời gian chơi bóng ở Trung Quốc, Carlos Tevez đã rất vất vả để lấy lại tình cảm của người hâm...
Cách Sir Alex hay những người khác ở Anh miêu tả Tevez như một tên lính đánh thuê, thực ra chỉ là ẩn ý cho những hành vi sai trái của anh. Nhưng chúng ta sẽ lại thấy một sự đối lập đến kì lạ.
Một cầu thủ thường xuyên bất đồng với HLV, thích làm golf thủ như Gareth Bale hay lười biếng khi tập luyện lẽ ra nên chơi thứ bóng đá của Dimitar Berbatov, người được Ferguson chọn để gạt bỏ anh: hai tay chống nạnh, coi việc di chuyển trên sân là một gánh nặng với sự chán nản luôn thường trực trên khuôn mặt.
Thay vào đó, Tevez luôn thi đấu như một con pitbull uống phải nước tăng lực. Anh chơi bóng như thể mỗi trận bóng là lần cuối cùng được ra sân, chạy như một con bò rừng bị bỏ đói, với tiếng thở hổn hển có thể được nghe thấy qua camera truyền hình.
Điều khiến anh thi đấu như một kẻ du mục (với 7 đội bóng khác nhau trong cả sự nghiệp) có lẽ là bởi trừ Boca, anh chưa bao giờ có ý muốn ổn định tại một CLB. Anh cảm thấy bị coi thường ở Manchester United, nhưng thay vì ở lại để chứng minh quan điểm của mình, anh chuyển đến khoác áo đối thủ cùng thành phố của họ. Sau đó, anh không hề tỏ ra miễn cưỡng khi rời Etihad, dù đã có những mùa giải xuất sắc ở đây.
Carlos Tevez và Sir Alex Ferguson
Nói là trừ Boca, bởi Tevez lớn lên với một ước mơ gắn bó với đội bóng này, đến mức khoác áo Boca đến ba lần trong sự nghiệp, cũng như cảm thấy đã đạt được mọi thứ mình muốn ngay từ năm 2003.
“Tôi không còn tham vọng gì nữa,” anh nói với El Grafico. "Tôi đã gặp Diego Maradona, tôi rất vui khi được chơi cùng Riquelme, tôi biết cảm giác ghi bàn cho Boca trên sân Bombonera chật chội, tôi đã vô địch Copa Libertadores với đội bóng mà tôi ủng hộ. Tôi có thể yêu cầu gì hơn?“
“Tôi chơi bóng vì niềm vui và để được mọi người yêu mến. Khi tôi đi bộ xuống phố và một cậu bé gọi tên tôi, ngực tôi như vỡ òa vì tự hào. Điều đó thật tuyệt. Nhưng tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ phải ra đi để đảm bảo tương lai của gia đình mình, và điều đó có nghĩa là sẽ phải đến châu Âu.“
Nhờ Joorabchian, anh đã được lần đầu xuất ngoại và trở nên giàu có. Có lẽ vì thế mà Tevez thường để người đại diện của mình làm những điều anh ta muốn, mặc dù điều đó khiến anh hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích. Khi có lí do để quan tâm, Tevez sẽ chiến đấu. Còn nếu không, anh chấp nhận sang cả Trung Quốc xa xôi, nhận mức lương lên tới 615,000 bảng/tuần rồi ra đi sau đó 7 tháng và nói rằng nó giống như “một kì nghỉ“.
Tuy nhiên, bạn sẽ khó để nhìn vào CV của Tevez mà không thừa nhận rằng thời gian của cầu thủ sinh năm 1984 ở châu Âu là một thành công vang dội. Carlos Tevez với tài năng thiên bẩm và tinh thần thi đấu rực lửa là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mà Argentina từng sản sinh.
Không đáng giá 25 triệu bảng như lời Sir Alex Ferguson nói ư? Hãy cho Carlos Tevez một lý do để chơi bóng vì bạn, và anh ta sẽ trở nên vô giá!
Bài viết sử dụng tư liệu từ:
"Welcome to Manchester – the real Carlos Tevez story" của Daniel Taylor, Oliver Kay, Sam Lee, Adam Crafton & Andy Mitten (The Athletic)
"The Premier League 60: No 58, Carlos Tevez" của Jack Lang (The Athletic)
"Carlos Tevez: A priceless striker who even proved Fergie wrong" của Benedict O’Neill (Planet Football)
"Where does Carlos Tevez, from the insane to the incredible, rank amongst his generation's best strikers" của Evan Morgan Grahame (thesefootballtimes)
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.