Christian Abbiati: Người hùng cao thượng

Tác giả CG - Thứ Năm 08/07/2021 18:10(GMT+7)

Zalo

Christian Abbiati mang số phận của một kẻ “sinh nhầm thời đại”, từ đội tuyển quốc gia cho tới câu lạc bộ. Nhưng anh vẫn chiến đấu với nó để “khắc tên mình trên đời”.

Christian Abbiati
Ảnh: Getty Images

Khoảnh khắc chúng ta được sinh ra trên đời, đó là một khoảnh khắc của định mệnh. Có những người sinh ra để mang “chân mệnh thiên tử” làm những thứ lớn lao, có những người sinh ra đã có khả năng trong mình để nhưng đành chấp nhận lùi lại với ánh hào quang để làm những điều bình dị. 
 
Chúng ta có mặt trên cuộc đời, ai cũng mang một số phận của riêng mình. Và từ những số phận đó, có những con người tài năng nhưng rồi không được đánh giá đúng mực mà chúng ta vẫn gọi là “kẻ sinh nhầm thời đại”.
 
Trước trận lượt đi Juventus và AC Milan mùa giải 2015/2016 một tuần, người ta nói nhiều đến hai gã Gianluigi. Một người thì thuộc dạng cây đa cây đề, một người lúc đó mầm non. Xét về tuổi, thậm chí họ xứng tuổi bố con của nhau. Họ là Gianluigi Buffon và Gianluigi Donnarumma.
 
Buffon ra mắt Serie A khi 17 tuổi 9 tháng 22 ngày, và trận đấu đó anh giữ sạch lưới trước Milan. Donnarumma được bắt chính lần đầu tiên là ở mùa giải 2015/2016, trong cuộc tiếp đón Sassuolo ở vòng 9. Lúc đó, cậu mới 16 tuổi 8 tháng.
 
Cả hai người đều chào Calcio khi còn rất trẻ, thậm chí chưa qua tuổi vị thành niên. Buffon sau đó thì thăng tiến tột bậc, vượt qua những gương mặt nổi tiếng cùng thời như Gianluca Pagliuca, Angelo Peruzzi hay Francesco Toldo và bây giờ, tên anh đã được trang trọng ghi trong ngôi đền của những huyền thoại.
 
Còn Donnarumma thời điểm ấy là hiện tại và cả tương lai với đội bóng thành Milan. Sau trận thua Juventus, Sinisa Mihajlovic - huấn luyện viên lúc đó của Rossoneri - đã lên tiếng khích lệ rằng cậu có đủ phẩm chất và tài năng để có thể kế thừa Buffon, tất nhiên là cậu chàng phải giữ được đôi chân mình trên mặt đất và tiếp tục nỗ lực cố gắng. Cái bóng và cái tầm của Buffon là rất lớn, và Donnarumma cũng chỉ mới bắt đầu, nhưng lời khen đó tất nhiên không phải vô căn cứ.

Christian Abbiati
Christian Abbiati - người cận vệ đáng tin cậy của Milan. Ảnh: Getty Images
 
Tuy nhiên, quyết định ấy đưa ra không phải chỉ là của riêng Mihajlovic. Trong một phát biểu vào khoảng thời gian khi còn tại vị, cựu huấn luyện viên trưởng của AC Milan cho biết rằng quyết định dùng Donnarumma còn có sự tác động từ phía Christian Abbiati. Khi Diego Lopez sa sút phong độ và chấn thương, Mihajlovic đã hỏi ý kiến của Abbati. Và đội phó của Milan khuyên ông thầy của mình nên cho Donnarumma được bắt chính dù tất nhiên theo logic lúc đó chắc chắn cầu thủ mang áo số 32 sẽ nghiễm nhiên được làm người gác đền số một.
 
Và phần còn lại thì đã nói ở trên. Donnarumma ra mắt Serie A khi mới chỉ 16 tuổi 8 tháng và từ đó trở thành người gác đền số một. Tương lai tươi sáng đang rộng mở ngay trước mắt cậu từ thời điểm đó. Một tương lai được chắp cánh từ sớm nhờ tinh thần cao thượng của người đàn anh/đàn chú Christian Abbiati.
 
Phải tìm một hiện thân cho sự lận đận và bị đánh giá chưa đúng mức trong bóng đá, có lẽ chẳng ví dụ nào hợp lý hơn ngoài Abbiati. Sinh ra tại Abbiategrasso, một thị trấn nhỏ nằm cách Milan 20 cây số về phía Tây, ngay từ bé anh đã được người cha của mình – một Interista – truyền tình yêu và niềm đam mê bóng đá. Thần tượng của Abbiati chính là Walter Zenga, người gác đền huyền thoại của Azzurri và Inter Milan.
 
“Khi còn là một đứa trẻ, Walter Zenga là thần tượng của tôi. Trong phòng của mình tôi dán rất nhiều tấm poster có hình Zenga”, Abbiati cho biết.
 
Nhưng sự nghiệp của thủ thành có cái đầu trọc lốc này lại không được huy hoàng như thần tượng của mình. Trở thành cầu thủ Milan trong một hợp đồng đồng sở hữu với Monza vào tháng 5 năm 1997, hai tháng sau anh chính thức trở thành người của San Siro với chiếc áo số 12. Trong khung gỗ của AC Milan lúc này có ai? 
 
Là huyền thoại Sebastiano Rossi, người gác đền số một của Rossoneri trong suốt hơn một thập niên với kỷ lục 929 phút giữ sạch lưới mà sau đó Gianluigi Buffon phá được; là Jens Lehmann, người gác đền vững chãi của Schalke 04 suốt 10 năm, kẻ chặn đứng giấc mơ vô địch UEFA Cup của Inter Milan với pha cứu thua penalty trước cú dứt điểm của Ivan Zamorano.

Christian Abbiati
Christian Abbiati và Gianluigi Buffon khi còn trẻ. Ảnh: Getty Images
 
Cả tuổi tác, danh lẫn tiếng, họ đều hơn Abbiati. Và anh phải chấp nhận làm người thứ ba. Anh chẳng phàn nàn gì, tất nhiên đó luôn là thái độ của những cầu thủ trẻ. Khi bạn còn trẻ, bạn thường phải chấp nhận làm nền cho những người khác tỏa sáng. Lehmann rời San Siro năm 1998 sau một mùa giải ở Italy, Nelson Dida đến hai năm sau đó trong khi huyền thoại Rossi vẫn còn đây. Nhưng Abbiati vẫn chứng tỏ giá trị của mình. Anh lúc này là số một trong khung gỗ của Rossoneri
 
“Kể từ khi đến đây [AC Milan]  tôi chưa từng thấy một thủ môn nào như vậy. Có thể còn những thứ chưa khám phá hết, nhưng tôi thực sự tin rằng Abbiati thật sự thích hợp để xây dựng đội bóng cho những năm 2000”, cựu chủ tịch AC Milan Silvio Berlusconi nhận xét về Abbiati.
Nhưng như đã nói, nếu phải tìm một hiện thân cho sự lận đận thì có lẽ Abbiati chẳng phải là một ví dụ tồi. Sau bốn mùa giải làm người gác đền số một của Rossoneri, một chấn thương xảy ra với Abbiati và Dida đã biết nắm lấy cơ hội đó để chứng tỏ. Cán cân giữa vị trí thủ môn số một và số hai đã thay đổi quá nhanh.
 
Khi bạn chưa qua tuổi đôi mươi, bạn chấp nhận làm kép phụ để kép chính được tỏa sáng. Nhưng khi đã qua tuổi đôi mươi ấy rồi bạn sẽ phải nhìn nhận nghiêm túc về sự nghiệp của mình. Bạn cần phải đưa ra một quyết định thật sáng suốt, quyết định đó có thể sai hoặc đúng, nhưng cần phải được đưa ra để thoát khỏi những vũng lầy của hiện tại. Đó cũng là điều dễ hiểu, tuổi trẻ ai cũng muốn được khẳng định mình.
 
Christian Abbiati quyết định ra đi. Ra đi là để có ngày trở về. Anh lưu lạc từ thành Turin sang tận thủ đô Madrid của Tây Ban Nha; từ Juventus, Torino cho tới Atletico Madrid. Và mùa giải 2008/2009, anh trở về San Siro sau vài năm lưu lạc. Và chỉ hai năm sau đó, một chức vô địch Serie A đầu tiên chính thức in đậm dấu ấn của Abbiati, một chức vô địch đã phá tan thế độc tôn của Inter Milan.
 
Và cuối mùa giải 2015/2016, anh đã giã từ màu áo đỏ-đen đong đầy kỷ niệm ấy. Ngày chia tay, anh đã khóc, anh dắt tay “cậu bé” Donnarumma chào tất cả khán giả, anh đã có thể yên tâm thực sự lùi lại phía sau để nhìn những “búp măng” thể hiện mình. Abbiati vẫn luôn là như vậy. 

Christian Abbiati
Ở mùa giải cuối cùng, Abbiati quyết định nhường vị trí cho Donnarumma khi thủ thành trẻ thể hiện tài năng to lớn. Ảnh: Getty Images
 
Từ lúc là dự bị cho Rossi, rồi trở thành người gác đền số một, bị Dida cướp mất vị trí, lưu lạc vài nơi rồi trở về Milan lấy lại vị trí từ chính tay Dida, lại trở thành người gác đền số một, rồi bị Diego Lopez lấy mất vị trí và sau đó là Donnarumma. Điểm qua một vòng sự nghiệp của anh, chỉ thấy đa phần là những lần làm người thứ hai.
 
Anh cao thượng và nhường nhịn với một tâm thế chỉ muốn làm những điều tốt nhất cho Milan. Ngày Massimo Ambrosini chuyển tới Fiorentina, Abbiati sẵn sàng nhường vai trò đội trưởng cho Ricardo Montolivo – người mới chỉ đến AC Milan một năm trước đó – và chấp nhận làm đội phó. Ngày Kaka trở về, lại một lần nữa anh sẵn sàng nhường vai trò đội phó thứ nhất cho ngôi sao người Brazil. 
 
Một năm trước khi quyết định giải nghệ đã được đưa ra, anh rút lại quyết định khi đội bóng vẫn còn cần đến mình. Và anh sẵn sàng nhường sân chơi cho một người đáng tuổi con cháu mình tỏa sáng trong khung gỗ. Một tâm hồn cao thượng ẩn sau một dáng vẻ xù xì với đôi mắt luôn đăm chiêu và buồn sâu thẳm. 
 
Abbiati chào tạm biệt Milan, tạm biệt Calcio, tạm biệt những năm tháng lận đận cho đến cuối sự nghiệp vào cuối mùa giải 2015/2016. Dù Milan tuyên bố Abbati sẽ có lần chào sân cuối cùng, nhưng rồi anh vẫn nhường trận đấu đó để Donnarumma bắt chính.
 
Song, lận đận thì có sao, vì mỗi chúng ta ai sinh ra cũng đã mang một số phận. Chọn cách buông xuôi hay chiến đấu với nó là lựa chọn của mỗi người. Abbiati mang số phận của một kẻ “sinh nhầm thời đại”, từ đội tuyển quốc gia cho tới câu lạc bộ. Nhưng anh vẫn chiến đấu với nó để “khắc tên mình trên đời”. Với các Milanista, anh đã là một huyền thoại!
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow