Lại một lần nữa, Lionel Messi đứng trước một trận chung kết. Những trận chung kết vốn không còn xa lạ gì với Messi, nhưng chắc chắn cảm xúc cho lần này thì vẫn đong đầy.
Ảnh: Getty Images
Không giống nhiều siêu sao hay huyền thoại khác, Lionel Messi không phải một người thú vị với những người lạ.
“Thỉnh thoảng bạn có thể nghe thấy tiếng sủa từ chú chó của Messi có tên là Hulk, một chú chó thuộc giống ngao Pháp. Nhưng bạn không bao giờ thấy Messi. Vị trí ngôi nhà của Messi cho bạn cảm giác gần gũi, thân quen. Song, nó là một ảo ảnh. Ngay cả với những người sống xung quanh ngôi nhà, Messi cũng là một bóng ma.
LeBron James từng mua bánh cho cả khu phố ở Ohio để xin lỗi vì những chiếc xe truyền hình và người hâm mộ đứng xếp hàng dài cả dãy phố. Nhưng với Messi - vốn đã ít khi xuất hiện - thì mọi người chỉ thấy anh vẫy tay chào những người sống ở đó. Có điều, Messi không bao giờ vẫy tay chào trước”, cây bút Sam Borden viết trên ESPN vào năm 2018.
Messi không thích nói nhiều, không dùng những ngôn từ thậm xưng, không lên tiếng về vấn đề xã hội, ít khi trả lời phỏng vấn độc quyền. Càng nổi tiếng, dường như anh càng thu mình lại, cuộc sống chỉ gói gọn trong ngôi nhà sang trọng tại ngôi làng Castelldefels ở ngoại ô Barcelona, những mối quan hệ bạn bè, đồng đội. Anh để hành động của mình trên sân cỏ nói thay tất cả.
Cũng chính vì tính cách trầm lặng của Messi mà một người sôi nổi như Diego Maradona từng nói La Pulga không phù hợp với vai trò đội trưởng. Huyền thoại Tostao của Brazil thì cho rằng Messi "thiếu sự cuồng nộ mà Pele và các siêu sao khác có trong những trận đấu lớn hoặc trong những tình thế khó khăn nhất". Không ít người đồng tình với El Diego và Tostao về điều đó. World Cup 2018, ống kính truyền hình ghi lại trực tiếp hình ảnh Messi bóp trán, mắt nhắm nghiền trong lúc cả đội đang hát quốc ca, như thể anh đang mệt mỏi trước quá nhiều áp lực.
Chúng ta ít khi thấy Lionel Messi có những hành động hay lời nói gì quá “đao to búa lớn”. Tất nhiên, nói “ít khi” là bởi vẫn có những lúc mà siêu sao người Argentina không kiềm chế được cảm xúc trong một trận đấu, thường là khi anh bị đối phương phạm lỗi quá nhiều. Điều này bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên YouTube. Nhưng nhìn chung, Messi không phải một mẫu cầu thủ thích gây gổ với đối phương hay hò hét với đồng đội. Khi thắng Messi cười tươi, chạy tới ôm các đồng đội; khi thất bại, anh đứng im lặng, cúi đầu trầm ngâm rồi lầm lũi tiến vào phòng thay đồ.
Còn ở Copa America năm nay, chúng ta đã thấy Messi nổi giận. Trong loạt đấu luân lưu ở trận bán kết giữa Argentina và Colombia, cú sút của trung vệ Yerry Mina bên phía Colombia đã bị thủ thành Emiliano Martinez cản phá. Mina quay lại và truyền hình lập tức hướng ống kính về phía Messi khi đội trưởng Argentina hô lên: “Baila ahora, baila ahora”, có nghĩa là “Nhảy đi, nhảy nữa đi”, ám chỉ thói quen nhún nhảy mỗi khi ghi bàn của Mina.
Lionel Messi bật cả máu khi thi đấu, nhưng sự quyết tâm của anh thì không thể nào mất đi. Ảnh: Getty Images
Đó là một Messi khác với thường lệ: máu lửa hơn, “hung hăng” hơn. Nhưng cái sự “hung hăng” ấy lại khớp với những gì mà các cổ động viên kỳ vọng ở anh trong vị thế một đội trưởng, như một mảnh ghép tính cách mà người ta vẫn cho là còn thiếu ở một thiên tài như Messi, dù về chuyên môn của anh thì chẳng còn gì phải bàn cãi nữa.
Hoặc đó cũng là cách mà La Pulga trút bỏ mọi dồn nén đã tích tụ suốt 90 phút của trận đấu. Anh là đối tượng trong những pha phạm lỗi của các cầu thủ Colombia, thậm chí đã bật cả máu ở mắt cá. Messi đứng dậy sau mỗi cú ngã với chiếc tất nhuốm máu, người ta nhận ra những pha rê dắt của anh đã “lỏng chân” hơn, nhưng anh vẫn thi đấu đến tận khi tiếng còi chung cuộc vang lên. Không gì có thể lay chuyển quyết tâm của La Pulga, vì một trò chơi đuổi bắt mà đến giờ anh vẫn chưa thể là người chiến thắng.
Năm 2018, HLV Jorge Sampaoli của đội tuyển Argentina nói World Cup giống như một khẩu súng gí vào đầu Messi. Vì thế, thứ bóng đá của anh dù mang lại niềm vui cho người khác nhưng chính bản thân anh lại không thể tận hưởng niềm vui ở giải đấu năm ấy.
Nhìn rộng ra, chẳng riêng gì chiếc cúp vàng World Cup mà khát khao giành một danh hiệu cùng đội tuyển quốc gia gần như đã trở thành một nỗi ám ảnh của anh và cả những khán giả yêu mến anh, là một “bóng ma” như cách mà cây bút Rory Smith miêu tả. 3 năm liền từ 2014 đến 2016 thất bại ở các trận chung kết trong màu áo Albiceleste, Messi chán nản tuyên bố từ giã đội tuyển quốc gia: “Đủ rồi. Nơi này không dành cho tôi. Chúng tôi lại thua một trận chung kết nữa”.
Sự vĩ đại của Messi là không cần phải tranh luận. Bộ sưu tập danh hiệu, những kỷ lục hay đơn giản chỉ là thứ bóng đá ma thuật của anh đã nói lên tất cả. Nhưng chính sự thiên tài của Messi khiến anh có một gánh nặng phải đoạt được một danh hiệu nào đó cùng đội tuyển quốc gia. Là một nền bóng đá lớn nhưng từ năm 1993 đến nay, việc đội tuyển quốc gia Argentina không giành được danh hiệu chính thức nào càng khiến sự kỳ vọng đặt lên vai Messi lớn hơn bao giờ hết.
Những danh hiệu cùng đội tuyển quốc gia vẫn lẩn tránh Messi suốt nhiều năm qua. Ảnh: Getty Images
Messi đã 34 tuổi, và phải thừa nhận sẽ có một lúc nào đó anh sẽ treo giày. Dù có là người thắng hay không, sớm muộn Messi cũng phải dừng lại ở trò chơi đuổi bắt này. Và anh đang dốc cạn lực để chơi bằng một phong độ tuyệt hảo và thái độ tập trung nhất. Messi đang có một kỳ Copa America tuyệt vời, anh bắt đầu giải đấu bằng một cú đá phạt xuất sắc, sau đó là thêm 3 bàn thắng và 5 kiến tạo để kéo Argentina vào tới trận chung kết. Những trận chung kết vốn không còn xa lạ gì với Messi, nhưng chắc chắn cảm xúc cho lần này thì vẫn đong đầy.
Nhiều năm về trước, Messi chia sẻ trên tờ World Soccer về thất bại trong loạt luân lưu trước đội tuyển Đức ở World Cup 2006 như thế này: “Bạn luôn hối tiếc mỗi khi thua một trận đấu, nhưng với tôi, bức tranh lớn hơn là tôi thi đấu ở vòng chung kết World Cup đầu tiên ở tuổi 18 và ghi 1 bàn thắng. Và phải ra về trước một đối thủ là chủ nhà không phải điều đáng xấu hổ. Tôi tin chúng tôi có thể đánh bại Italy ở bán kết nếu có mặt ở đó, nhưng điều này đã không xảy ra. Lần tới, có lẽ vậy!”.
Nhưng đó là Messi của tuổi 18 đang cần một sự định danh. Còn Messi ở tuổi 34 thì khác, đã có quá nhiều cái “lần tới” đến mức nó trở thành một nỗi ám ảnh. Trận đấu ngày mai trước Brazil là một cơ hội để nỗi ám ảnh tan biến, một lần và mãi mãi.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.