Eric Cantona: Bóng đá và cuộc sống là gì nếu không phải sự tự do?

Tác giả CG - Thứ Tư 17/10/2018 17:09(GMT+7)

Zalo

Đây là gia đình, là câu chuyện của tôi. Đây là linh hồn tôi. Tôi đã sống ở khắp nơi trên thế giới. Thực tế là mới năm ngoái thôi, tôi đã mua một mảnh đất nông nghiệp ở Sardinia để kết nối lại với lịch sử gia đình. Tuy nhiên, tôi sẽ luôn yêu Marseille với tất cả trái tim vì những ký ức ở đây đã làm nên tôi. Đó luôn là thành phố của tôi.

Bóng đá khiến cuộc đời bạn có ý nghĩa. Tôi thực sự tin như thế. Nhưng cuộc đời, tiểu sử, tính cách của bạn cũng giúp bóng đá trở nên ý nghĩa. Sau đây tôi sẽ nói về những điều mà tôi gần như chưa bao giờ đề cập tới. Tôi cần kể cho bạn câu chuyện đã định hình nên mọi thứ của tôi. Nó xảy ra từ trước khi tôi ra đời.
 
Image result for eric cantona

Hãy cùng quay trở lại năm 1939 khi cuộc Nội chiến Tây Ban Nha đang diễn ra. Ông ngoại tôi tới từ Barcelona và ông chiến đấu chống lại nhà độc tài Franco. Khi cuộc chiến ngã ngũ, ông bị truy nã và chỉ có vài phút để chạy trốn khỏi những người lính phe Quốc gia trước khi họ ập vào thành phố. Ông phải chạy bộ băng qua dãy núi Pyrénées tới Pháp và không có thời gian nói một lời giã từ trọn vẹn. Đó đã là thời khắc ngàn cân treo sợi tóc rồi, sống hoặc là chết.
 
Nhưng trước khi rời đi, ông tới tìm bạn gái mình và hỏi: “Em có sẵn sàng đi theo anh không?”
 
Khi đó ông 28 tuổi còn bạn gái 18. Và cô gái đó đã bỏ lại gia đình, bạn bè, mọi thứ lại phía sau. Cô nói: “Vâng, tất nhiên rồi.”
 
Người đó chính là bà ngoại tôi. Họ bay tới trại tị nạn ở Argelès-sur-Mer nằm ở duyên hải nước Pháp. Có hơn 100.000 người tị nạn Tây Ban Nha đã tới đây. Bạn có tưởng tượng nếu như người Pháp đuổi toàn bộ bọn họ đi không? Nhưng không, nước Pháp đã thể hiện lòng trắc ẩn, lòng nhân đạo với những người hoạn nạn. Ông bà tôi tới đây với hai bàn tay trắng, họ phải bắt đầu cuộc sống từ con số 0. Nhưng sau đó những người tị nạn được trao cơ hội làm công việc xây dựng một con đập ở Saint-Étienne Cantalès. Đây là cuộc sống của người nhập cư. Bạn đến những nơi mình phải đến, làm những công việc bắt buộc phải làm. 
 
Mẹ tôi ra đời vài năm sau đó và gia đình quyết định chuyển tới Marseille.
 
Image result for eric cantona marseille

Đây chính là câu chuyện về dòng máu chảy trong người tôi. Nó định hình nên hình hài con người tôi. Nhưng điều đó sống trong suy nghĩ của tôi như một giấc mơ vậy. Chẳng hề có một bức ảnh nào về những khó khăn mà họ đã trải qua, hoàn toàn chỉ là những câu chuyện kể. Chẳng có gì từ khoảng thời gian đó để được sờ, được thấy.

Nhưng rồi năm 2007, những tấm ảnh về người tị nạn trong bộ “Mexican Suitcase” nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Robert Capa được tìm thấy trong một ngôi nhà ở thành phố Mexico. Bên trong những chiếc hộp cũ kỹ là 4.500 tấm phim âm bản từ cuộc Nội chiến Tây Ban Nha đã bị thất lạc hơn 60 năm. Chúng đã tới Mexico bằng cách nào? Không ai biết.
 
Tôi rất tò mò nên khi họ tổ chức triển lãm về những tấm ảnh này tại New York, tôi cùng vợ đã tới. Hầu hết ảnh chỉ là những tấm phim âm bản nhỏ, hàng nghìn tấm như thế. Bạn phải dùng kính lúp mới có thể nhìn được. Nhưng một vài tấm ở trung tâm cuộc triển lãm thì rất lớn, hầu hết là cao 3m. Kích thước của người trong bức ảnh lớn như người thật, tạo cảm giác như thể bạn có thể sờ và chạm vào họ vậy.
 
Image result for eric cantona common goal

Và đó là khi tôi nhìn thấy ông ngoại. Liệu có nhầm hay không?
 
Nhưng đúng là ông rồi, khi đó vẫn là chàng trai trẻ. Tôi tự thuyết phục bản thân rằng đó là ông ngoại nhưng không thể hoàn toàn chắc chắn vì tôi chưa giờ thấy ông khi ông còn trẻ. Vì thế khi cuộc triển lãm tới Pháp vài tháng sau, tôi đã dẫn mẹ tới xem.
 
Và ông lại ở đó. Tôi nói: “Có phải là ông không mẹ?”
 
Mẹ trả lời: “Đúng, là ông đấy con ạ. Đó là thời điểm mà họ đang chạy trốn qua những dãy núi.”
 
Thật không thể tin được. Hãy thử tưởng tượng nếu ông ngoại tôi không đưa ra quyết định quan trọng đó, nếu bà ngoại không đi theo ông. Có lẽ mẹ tôi sẽ không có mặt trên đời này và cả tôi cũng thế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nửa câu chuyện. Vẫn còn một bức ảnh khác định hình nên cuộc đời tôi.
 
Hai cụ nội tôi cũng là những người nhập cư. Họ từ Sardinia tới Pháp để chạy trốn khỏi đói nghèo vào năm 1911. 3 năm sau khi tới đây, cụ ông được gọi đi nghĩa vụ trong Thế chiến thứ Nhất và cụ bị nhiễm khí độc một cách trầm trọng tới nỗi mà những năm tháng cuối đời, cụ đã phải hút lá cây bạch đàn để dễ thở hơn.
 
Con trai của cụ, tức ông nội tôi, chiến đấu cho quân đội Pháp trong Thế chiến thứ Hai. Khi trở về sau chiến tranh, ông trở thành một công nhân xây dựng. Sau đó ông tích cóp đủ tiền để mua một khoảnh đất trên đỉnh đồi ở Marseille, khi đó bố tôi vẫn còn là thiếu niên.

Mảnh đất đó có một cái hang nhỏ. Và gia đình ông nội tôi đã ở đâu trong khi ngôi nhà đang được xây? Rất đơn giản, họ sống bên trong cái hang trong vòng 2 năm. Điều duy nhất khiến họ phải đốt lửa trong hang là khi nấu ăn. Điều này nghe có vẻ giống một câu chuyện thần thoại mà gia đình kể cho tôi về “thời xưa”, tuy nhiên thực sự có 1 tấm ảnh vào mùa đông năm 1956 của ông bà và bố tôi khi sống trong hang, cả ba nằm trong chăn để giữ ấm.
 
Ông nội tôi mất nhiều năm để xây xong ngôi nhà. Đầu tiên ông làm một cái hốc tường, sau đó là cái sân thượng nhỏ, ở bên trên ông xây một tổ ấm cho bố mẹ tôi. Đây là ngôi nhà đầu tiên mà tôi lớn lên. Đây là những gì tôi đã thừa hưởng, là dòng máu của tôi. Một trong những kỷ niệm đầu tiên là tôi mang 10 bao cát lên đồi đến ngôi nhà mà họ vẫn đang xây. Sau mỗi lần như thế tôi mới được phép chơi bóng đá. Bố tôi ban ngày làm việc ở ngôi nhà và đến đêm thì làm y tá trong một bệnh viện tâm thần. Nhưng ngay cả như thế cũng mang ý nghĩa quá đặc biệt trong tiểu sử của tôi.
 
Image result for eric cantona common goal

Có nguyên do khiến bố tôi trở thành y tá và làm việc ở bệnh viện đó là vì cha đỡ đầu của ông là bệnh nhân tại đây. Tên của ông ấy là Sauveur và ông là anh em của ông nội tôi. Ông từng bị cầm tù 5 năm trong Thế chiến thứ Hai và sau trải nghiệm đau thương đó, cuộc sống của ông gắn liền với bệnh viện Edouard Toulouse. Ông Sauveur thân với bố tôi đến nỗi đã truyền cảm hứng để bố trở thành một y tá chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Đêm nào bố tôi cũng chăm sóc ông ấy.
 
Đây là gia đình, là câu chuyện của tôi. Đây là linh hồn tôi. Tôi đã sống ở khắp nơi trên thế giới. Thực tế là mới năm ngoái thôi, tôi đã mua một mảnh đất nông nghiệp ở Sardinia để kết nối lại với lịch sử gia đình. Tuy nhiên, tôi sẽ luôn yêu Marseille với tất cả trái tim vì những ký ức ở đây đã làm nên tôi. Đó luôn là thành phố của tôi.
 
Khi mọi người hỏi rằng tại sao tôi lại chơi bóng theo cách tôi đã thể hiện thì đây chính là câu trả lời. Bóng đá khiến cuộc sống của tôi có ý nghĩa, đúng. Nhưng cuộc sống cũng mang ý nghĩa tới cho trái bóng tròn. Tôi gần như không bao giờ nói về những câu chuyện cá nhân này đặc biệt là cha đỡ đầu của bố. Rất khó. Khi tôi nói về điều đó như thể các thiên thần đang nói chuyện với tôi vậy. Thế nhưng, tôi chia sẻ một vài câu chuyện lịch sử của mình vì một lý do quan trọng.
Eric Cantona: Bong da va cuoc song la gi neu khong phai su tu do?
Eric Cantona: Bóng đá và cuộc sống là gì nếu không phải sự tự do?

Chúng ta đang sống trong thời đại của đói nghèo, chiến tranh và vấn nạn nhập cư ở khắp nơi. Số người trên thế giới thậm chí không thể mua nổi một quả bóng đang nhiều hơn những người có thể chi 200 Euro để đến sân xem một trận Premier League hay 400 Euro/năm để xem chúng trên TV. Bóng đá là một trong những người thầy vĩ đại nhất. Đó cũng là một trong những nguồn cảm hứng tốt nhất cuộc sống. Nhưng mô hình kinh doanh hiện tại của bóng đá đã bỏ quên rất nhiều thứ trên thế giới này.
 
Các khu dân cư nghèo cần bóng đá giống như bóng đá cần những khu dân nghèo. Chúng ta cần ủng hộ nền bóng đá bền vững, tích cực và hòa nhập hơn. Và tôi sẽ làm bất cứ điều gì để hỗ trợ. Đó là lý do tại sao tôi gia nhập phong trào Common Goal như là người cố vấn đầu tiên của họ.

Nhiệm vụ của Common Goal là mở khóa 1% tổng doanh thu của toàn bộ ngành công nghiệp bóng đá cho các tổ chức từ thiện bóng đá ở địa phương. Hiện nay đã có hơn 60 cầu thủ cam kết trích 1% tiền lương của họ. Điều tuyệt vời là họ là cầu thủ từ các câu lạc bộ lớn, cầu thủ từ các câu lạc bộ nhỏ, có cả đàn ông và phụ nữ, từ các giải vô địch ở khắp nơi trên thế giới.
 

Bóng đá nên dành cho mọi người. Đây không phải điều không tưởng. Chẳng có lý do gì khiến các diễn viên lớn ngày nay không thể cùng nhau tập hợp lại và hỗ trợ về khía cạnh xã hội của bóng đá. Tất cả chúng ta, dù giàu hay nghèo, dù là người nhập cư hay công dân thế hệ thứ 10, đều tìm thấy niềm vui giản đơn trong các trận cầu. Chúng ta nói cùng một thứ ngôn ngữ, cùng chung một niềm cảm xúc.
 
Hầu như lúc nào tôi cũng được hỏi những câu tương tự về sự nghiệp.
 
“Cảm giác chơi cho những đội bóng như United là như thế nào? Tại sao các anh lại đá tốt vậy?”
 
Mọi người muốn những câu trả lời phức tạp. Họ muốn những điều bí mật, tôi nghĩ thế. Tuy nhiên câu trả lời rất đơn giản. Sir Alex Ferguson là bậc thầy của một thứ: Dù chúng tôi đến sân để đá bóng, sau hàng giờ tập luyện, chúng tôi đều được phép tự do. Chúng tôi cảm thấy hoàn toàn tự do để di chuyển đến nơi chúng tôi muốn, để chơi theo cách chúng tôi muốn.
 
Tôi không thể sống với bóng đá theo cách nào khác. Bóng đá là gì đây nếu không phải sự tự do?
 
Vì thế vui lòng cho phép tôi hỏi câu hỏi đơn giản này đến những người đang vận hành nền bóng đá trên toàn cầu – các cầu thủ, người đại diện, nhà tài trợ và các ủy ban,…
 
Bóng đá sẽ là gì nếu không phải sự tự do?
 
Cuộc sống này sẽ là gì nếu không phải sự tự do?
 
Ý nghĩa cuộc sống là gì?
 
Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể đồng tình rằng chúng ta có thể làm nhiều điều hơn nữa cho nhân loại.
 

Giờ đây, bạn đã biết về lịch sử của tôi rồi. Tôi xuất thân từ một gia đình người nhập cư, bất đồng chính kiến, quân nhân và công nhân. Gia đình tôi không giàu có khi tôi còn nhỏ nhưng với tôi, thực sự là chúng tôi tìm thấy hạnh phúc trong những khoảnh khắc nhỏ bé.
 
Có thể đó là trong một chuyến dã ngoại đơn giản của gia đình. Ba đôi tất cuộn tròn thành quả bóng và lấy dây giày buộc lại. Chúng tôi đá bóng dưới ánh mặt trời. Chúng tôi nằm trên bãi cỏ. Chúng tôi thắc mắc trước mọi thứ và có lúc thì chẳng có gì.
 
Khi tôi rời khỏi bóng đá năm 30 tuổi, bạn biết tôi đã làm gì không? Có một điều rất đặc biệt. Tôi đến sống ở thành phố mà ông bà ngoại tôi đã rời đi năm 1939. Tôi tới sống ở Barcelona.
 
Dịch từ bài viết “What is the meaning of life” trên The Players’Tribune  

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

X
top-arrow