Bóng đá Uruguay dần dần đổi thay, tạo ra được một thế hệ cầu thủ trẻ năng động và chơi bóng cân bằng trước khi bị lôi kéo ra nước ngoài bởi những bản hợp đồng hấp dẫn. Tư duy Garra Charrúa đã định hình một tinh thần đoàn kết đáng nể khi mà các ngôi sao trở về từ nước ngoài khoác lên mình màu áo xanh nhạt của ĐTQG
“Garra Charrúa là điều mà chúng tôi luôn tự hào, ngay cả khi mọi người hiểu sai về nó”, Diego Forlan, cầu thủ mang tấm băng đội trưởng từng dẫn dắt ĐT Uruguay lọt vào tới bán kết World Cup 2010 cho biết. “Nó giống như là khi bạn đã không còn hơi thở cuối cùng nhưng vẫn muốn mình phải làm được gì đó nhiều hơn. Đôi khi, trong những giờ phút quyết định, khi phải đối đầu với những đối thủ lớn nhất, bạn không bao giờ nghĩ rằng mình có cơ hội giành chiến thắng, nhưng Garra Charrúa thì khác. Đó chính là thứ mà mọi người nói về chúng tôi, về Uruguay”.
Phần lớn các quốc gia đều có một lịch sử phong phú, nhưng nhắc đến Uruguay, người ta chỉ nghĩ về nền bóng đá của đất nước này. Đây có thể là một quan niệm hơi cứng nhắc nhưng rõ ràng, những tác động quan trọng và đáng chú ý nhất của đất nước Uruguay đối với ý thức của mọi người trên toàn cầu, không gì khác chính là nhờ vào sức mạnh cũng như năng lực từ bóng đá.
Với chỉ vỏn vẹn 3,5 triệu dân, đất nước Uruguay nằm lọt thỏm giữa hai gã khổng lồ Nam Mỹ là Argentina (41 triệu dân) và Brazil (200 triệu dân), luôn phải nỗ lực chiến đấu để tạo ra bản sắc cho riêng mình. Trước những người hàng xóm không mấy dễ chịu như vậy, Uruguay gần như bị ảnh hưởng cả về chính trị, kinh tế cũng như các khía cạnh văn hóa xã hội.
Đầu thế kỷ 20, Uruguay đã chuyển mình trở thành một quốc gia với nền dân chủ xã hội hiện đại, vượt trội so với bất kỳ nước Cộng hòa Mỹ Latinh nào vào thời điểm bấy giờ. Điều đó chứng minh cho một sự thật rằng, ngay cả một đất nước nhỏ bé và thường xuyên bị đánh giá thấp như Uruguay, cũng có thể vươn lên bất kỳ lúc nào.
Mọi thứ được thể hiện rõ ràng nhất chính là trên sân bóng. Nó đã dẫn đến sự tồn tại và phát triển của một loại chủ nghĩa tinh thần mang tính quốc gia, “Garra Charrúa”, mô tả về một đất nước Uruguay được xem là yếu thế trong cuộc chiến lâu năm trước các đối thủ giàu mạnh khác, nhưng đến cuối cùng vẫn biết cách chiến thắng và thực hiện những điều không tưởng.
Có khá nhiều cách để giải thích cho ý nghĩa thực sự của thứ tinh thần bất diệt này nhưng về cơ bản, cốt lõi của Garra Charrúa mang nghĩa đen là “móng vuốt của Charrúa”, nhằm ám chỉ sự kiên trì cùng lòng dũng cảm khi phải đương đầu với nghịch cảnh, ca ngợi sự tháo vát và táo bạo, không bao giờ chấp nhận đầu hàng. Rất lâu kể từ trước khi những Diego Forlan, Luis Suarez hay Enzo Francescoli đưa tên tuổi của nền bóng đá Uruguay lên tầm thế giới, những thổ dân bản địa Charrúa đã sinh sống ở vùng đất này cho tới thời điểm người da trắng tiến hành chinh phạt và xâm lược quê hương của họ.
|
Enzo Francescoli |
Lịch sử từng ghi nhận những cuộc kháng chiến vô cùng khắc nghiệt của người Charrúa đứng lên chống lại thực dân Tây Ban Nha để bảo vệ quê hương. Đây rõ ràng là một cuộc chiến không hề cân sức, một cuộc chiến mà họ không thể nào giành chiến thắng, thậm chí còn dẫn đến cuộc thảm sát tàn bạo cuối cùng vào năm 1832. Thế nhưng, tinh thần Charrúa thì luôn sống mãi. Người Uruguay sau này đã nắm lấy Garra Charrúa và biến nó trở thành một báu vật của riêng mình, một thứ chủ nghĩa quốc gia cho tinh thần chiến đấu không ngừng nghỉ, sẵn sàng vượt qua thử thách, với niềm tin rằng chỉ cần sự dũng cảm và kiên nhẫn thì mọi điều đều có thể.
Việc tự xem mình là một quốc gia nhỏ bé, luôn bị bao quanh bởi những gã hàng xóm khổng lồ đòi hỏi Uruguay phải duy trì một thái độ khác biệt, một phong thái, một cá tính hay thậm chí là một triết lý riêng. Bóng đá Uruguay, chính vì thế luôn phản ánh một cách chính xác những gì diễn ra trong cuộc sống và tinh thần của người dân đất nước này. Đối với ĐTQG Uruguay, tinh thần Garra Charrúa được mặc định tồn tại qua suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, nếu chỉ coi đây là một triết lý thì quá đơn giản. Sự thật là Garra Charrúa phức tạp hơn nhiều.
Trong một khía cạnh nào đó, Garra Charrúa luôn luôn tìm kiếm được sự cân bằng và cố gắng nắm bắt lấy điểm kết của sự hoàn hảo. Nó không chỉ là sự bền bỉ, ranh mãnh từ bóng đá đường phố mà còn là vẻ đẹp và tính nghệ thuật được sản sinh ra từ chính những sân bóng hay con ngõ bụi bặm ở thủ đô Montevideo.
Dễ dàng nhận thấy, tồn tại một sự mâu thuẫn đáng kể giữa hai phong cách này ở nơi được xem là trái tim của bóng đá Uruguay. Khi điểm hoàn hảo được tìm thấy, mọi thứ thật tuyệt vời. Nhưng nếu mọi thứ không thể cân bằng, sẽ chỉ còn lại sự thất vọng.
Khác xa với sự cứng nhắc của bóng đá Anh và châu Âu vào đầu thế kỷ 20, ở Uruguay hay Argentina, bóng đá phát triển một cách tự phát trong tầng lớp lao động và đề cao tính thẩm mỹ. Một Montevideo với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng lại chính là nơi ươm mầm cho bóng đá đẹp phát triển, thứ bóng đá của những người nghèo, những người bị cuộc đời ruồng bỏ. Nhà văn người Uruguay, Eduardo Galeano từng viết: “Giống như điệu tango, bóng đá nở rộ ở những khu ổ chuột”.
Trường phái bóng đá Uruguay chính bởi vậy đã phát triển theo một phong cách độc đáo, luôn khai thác sự tự do, thậm chí là tính bốc đồng và hướng tới cái đẹp thuần khiết. “Trên đôi chân của những nghệ nhân điêu luyện nhất, quả bóng được gảy lên như thể dây đàn guitar và trở thành cội nguồn của âm nhạc”, Galeano viết. Để rồi, khi kết hợp với tinh thần Garra Charrúa, mang theo khát vọng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, nó đã trở thành thứ triết lý bóng đá đủ sức chinh phục thế giới.
Uruguay từng là một đội bóng vĩ đại trên trường quốc tế ở thập niên 1920s, khi liên tục đứng đầu trong những cuộc chạm trán với các đội bóng láng giềng tại Rio de la Plata, Argentina. Năm 1924, ĐTQG Uruguay đến Paris tham dự Olympic và khiến tất cả phải ngả mũ thán phục. “Hết trận này đến trận khác, đám đông chen nhau để chứng kiến những người đàn ông này chơi bóng, họ nhanh như sóc và chơi cờ với quả bóng trong chân”, Galeano chia sẻ.
Dẫu vậy, bóng đá Uruguay ở thời kỳ vàng son ấy không đơn thuần chỉ là vẻ đẹp nghệ thuật. Ngay cả khi sự tinh tế lên ngôi thì vẫn có không gian cho sự tồn tại của thể chất và tính thực dụng. Đó là vẻ đẹp đường phố tồn tại một cách thông minh bên cạnh sự tự phát, chính là Garra Charrúa của người Uruguay.
Tinh thần không bao giờ chấp nhận đầu hàng kết hợp một cách hoàn hảo cùng với phong cách chơi bóng nhanh, chớp nhoáng, chuyền ngắn đã làm nên triết lý Garra Charrúa. Thậm chí, Galeano còn miêu tả phong cách chơi bóng của người Uruguay giống như một cuộc “tìm ra châu Mỹ lần thứ hai” với những tác động mạnh mẽ đến châu Âu.
Trước thời điểm Uruguay đăng cai tổ chức World Cup lần đầu tiên vào năm 1930, họ đã giành được một danh hiệu Olympic tại Amsterdam năm 1928. Thêm một lần nữa, người Uruguay vượt qua Đại Tây Dương để đánh bại giới tinh hoa châu Âu, những đối thủ ở Lục địa già, ở một thế giới cũ kỹ hơn họ rất nhiều. VCK World Cup 1930 chứng kiến ĐT Uruguay đoạt danh hiệu thứ ba liên tiếp trên quy mô toàn cầu, sau chiến thắng 4-2 trước gã hàng xóm Argentina ở trận chung kết, một giải đấu mà họ đã thể hiện cho cả thế giới thấy được tinh thần chiến đấu đến cùng của mình mạnh mẽ và hiệu quả ra sao.
Với tất cả sự căng thẳng trước thềm trận chung kết, những diễn biến nóng bỏng trên sân gần như là điều không thể tránh khỏi. Sau hiệp một, Argentina dẫn trước 2-1 và quyết định lùi về phòng ngự nhằm bảo toàn lợi thế. Uruguay cần phải làm một điều gì đó thật khác biệt để có thể giành chiến thắng. Đây chính là thời điểm mà Garra Charrúa phát huy tác dụng, đơn cử như việc Hector Castro, cầu thủ ghi bàn thứ tư cho Uruguay đã sử dụng phần bị cụt ở cánh tay của mình để cản phá đối thủ khi trọng tài không chú ý.
Thành công này đã cho thấy sự kết hợp hoàn hảo trong triết lý bóng đá của Uruguay. Thời điểm Uruguay tham dự World Cup 1950 trên đất Brazil, mọi thứ còn được thể hiện một cách rõ ràng hơn nữa.
Trận chung kết 1950 diễn ra dường như là để chuẩn bị cho sự lên ngôi của đội chủ nhà. Thêm một lần nữa, Uruguay phải đối đầu với một người láng giềng khổng lồ. Về cơ bản thì Uruguay lúc này đã không còn sở hữu một tập thể ngoạn mục và chơi bóng mê hoặc như trong các thập niên trước, tuy nhiên họ vẫn là một đội bóng chất lượng. Triết lý Garra Charrúa, vẫn luôn là kim chỉ nam cho toàn đội.
Mặc dù vậy, đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng khi mà ĐT Brazil đã thể hiện phong độ ấn tượng xuyên suốt giải đấu đồng thời nhận được sự ủng hộ từ hơn 200.000 khán giả trên sân vận động Maracana huyền thoại. Tờ O Mundo của Brazil đã thẳng thắn nhận định trước trận rằng đội chủ nhà sẽ không gặp quá nhiều khó khăn để giành lấy một trận hòa, điều kiện đủ để họ đăng quang ngôi vô địch World Cup. Thậm chí, một bản in với title: “Đây là những nhà vô địch thế giới” đã được soạn thảo sẵn trước khi trận đấu diễn ra.
Khi đội trưởng bên phía ĐT Uruguay, Obdulio Varela, một con người tiêu biểu cho tất cả mọi yếu tố, từ kỹ năng, sự ngoan cường cho đến kỹ thuật đường phố của triết lý Garra Charrúa, chứng kiến điều này, anh đã cực kỳ bực tức và mua những bản in về đặt trong phòng và mời các đồng đội đến xem. Trước sự kiêu ngạo và tự tin quá mức của đối thủ hàng xóm, tinh thần chiến đấu của người Uruguay lại càng bùng cháy một cách dữ dội hơn bao giờ hết.
Trong suốt quãng thời gian thi đấu trên sân, Varela bắt các đồng đội phải bỏ ngoài tai những âm thành từ khán đài. “Ngẩng đầu lên đi và nhìn thẳng về phía trước thay vì hướng đến khán đài, bởi vì cuộc chiến này đang diễn ra dưới sân và chúng ta có 11 người để chiến đấu với 11 người bên phía đối thủ”, đội trưởng ĐT Uruguay nhấn mạnh.
Đội bóng của Varela đã phải phòng ngự không biết mệt mỏi trong suốt hiệp một trước những sức ép liên tục từ phía đội chủ nhà. Sau đó, Brazil cuối cùng cũng vươn lên dẫn trước vào đầu hiệp hai. Thời điểm này, Varela nhận ra rằng La Celeste chắc chắn sẽ tiếp tục phải đối mặt với những đợt tấn công điên cuồng trong trạng thái hưng phấn tột độ từ người Brazil và rõ ràng ĐT Uruguay cần phải làm một điều gì đó để khiến bầu không khí tại “chảo lửa” Maracana dịu lại. Varela lặng lẽ nhặt bóng từ khung thành, kẹp vào tay rồi liên tục phàn nàn với trọng tài rằng tình huống ghi bàn đã việt vị, qua đó giữ cho cuộc tranh cãi kéo dài nhất có thể.
Sự phấn khích của đám đông dần được thay thế bằng một niềm vui nhẹ nhàng hơn. Khi trận đấu được bắt đầu trở lại, mọi thứ đã trở nên ổn định hơn nhiều thay vì tâm lý cuồng loạn với bàn thắng dẫn trước của người Brazil. “Tôi hiểu rằng nếu không làm gián đoạn trận đấu, họ sẽ phá hủy chúng tôi”, Varela nhớ lại. Khoảng thời gian tiếp theo, Uruguay càng chơi càng cho thấy quyết tâm trong khi đội chủ nhà tỏ ra lo lắng. Chung cuộc, với hai pha lập công của Juan Schiaffino và Alcides Ghiggia, người Uruguay đã biến Maracana trở thành một thảm họa quốc gia dành cho cả dân tộc Brazil còn Valera cùng các đồng đội thì mang về chức vô địch World Cup thứ hai cho quê hương mình.
Phần 2:
LX Dịch từ These football times