Helenio Herrera: Gã phù thủy hai mặt

Tác giả August - Thứ Tư 16/11/2016 20:40(GMT+7)

Zalo
Nhắc tới Catenaccio bất cứ tín đồ túc cầu giáo nào cũng liên tưởng tới Italia với lối chơi phòng ngự “đổ bê tông” đã trở thành thương hiệu. Và khái niệm Catenaccio mỗi khi được nhắc tới ở đâu đó thì cái tên Helenio Herrera cũng đi liền với nó, người đã đưa hệ thống Catenaccio lên đến đỉnh cao và trở thành huyền thoại trong bóng đá. 
Helenio Herrera: Ga phu thuy hai mat1
Helenio Herrera: Gã phù thủy hai mặt
Người đàn ông đó dường như luôn bị coi là một phù thủy hắc ám làm những bùa phép huyền bí để dập tắt “cái đẹp” của môn thể thao vua. Có lẽ vì vậy mà ông được đặt biệt danh là Il Mago ám chỉ theo nghĩa “phù thủy” chứ không theo nghĩa “ảo thuật gia” (trong tiếng Ý “mago” có nghĩa là phù thủy hoặc ảo thuật gia). 
 
Nhưng có lẽ với những gì đã làm được trong sự nghiệp cầm quân của mình ở Tây Ban Nha và Italia, người ta gọi vị HLV sinh ra tại Beunos Aires và lớn lên ở Casablanca là gã phù thủy hai mặt: một bộ mặt theo đuổi triết lý tấn công trong lối chơi và mặt kia là một nét “xấu xí” của nghệ thuật phòng ngự “hắc ám”.

Phù thủy tấn công ở xứ sở Bò tót
 
Trái ngược với sự nghiệp quần đùi áo số dường như không có gì nổi bật, Herrera kiếm tìm và rồi đạt được những vinh quang từ nghiệp cầm quân, bắt đầu từ Puteaux – một CLB ở Pháp khi ông 35 tuổi.
 
Sau những năm tháng cầm quân tại Pháp, Tây Ban Nha là điểm đến tiếp theo của Herrera. Bắt đầu là Real Valladolid vào năm 1948 và sau đó Atletico Madrid năm 1949. Đây là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp vàng son của Il Mago. Thời gian tại vị ở Rojiblanco từ 1949 đến 1953, tài năng của chiến thuật gia người Argentina này được biết đến và công nhận như một người theo đuổi triết lý tấn công đầy quyến rũ. Herrera đã đưa Atletico tới 2 chức vô địch La Liga liên tiếp vào các năm 1950 và 1951. Đặc biệt và khác lạ, đó là những gì giới mộ điệu của bán đảo Iberia thấy ở Herrera. Adrian Escudero, học trò của ông tại Atletico Madrid, nhớ lại: “Trước mỗi trận đấu trên sân khách, ông ấy là người đầu tiên tiến vào sân và làm cho đám đông phải hò hét cùng ông ấy.”
 
Lối chơi tấn công tiếp tục được Herrera áp dụng cho các CLB khác mà ông tới sau đó ở Tây Ban Nha (như Malaga, Deportivo de la Coruna, Sevilla) và Bồ Đào Nha (Belenenses). Đặc biệt với thời gian dẫn dắt Barcelona từ năm 1958 - 1960, Herrera thành công trong việc triển khai triết lý tấn công của mình.
 
Helenio Herrera: Ga phu thuy hai mat2
Helenio Herrera cập bến Barca sau khi chia tay Atletico Madrid
Với thành công tại Rojiblanco cùng kinh nghiệm cầm quân tại La Liga, Herrera đã được bổ nhiệm vào vị trí thuyền trưởng của Azulgrana với nhiệm vụ hết sức nặng nề đó là phế truất vị trí độc tôn của Real Madrid với ngôi sao Alfredo Di Stefano. Đến với CLB xứ Catalunya, Herrera được sở hữu một tập thể với rất nhiều tài năng kiệt xuất. Đó là bộ ba ưu tú László Kubala, Sandor Kocsis, Zoltán Czibor đến từ đội bóng Hungary huyền thoại, tiền vệ kiệt xuất người Tây Ban Nha Luis Suarez, và một loạt các cầu thủ tài năng khác như Eulogio Martinez, Evaristo... Với một bộ khung tuyệt vời như vậy, Herrera đã dẫn dắt Barca giành được cú đúp vô địch La Liga sau 5 năm thống trị của đại kình địch Real Madrid và Copa del Rey đầu tiên trong lịch sử CLB. Sau đó tiếp tục bảo vệ thành công ngôi vô địch La Liga ở mùa giải tiếp theo. Trong hai mùa dưới sự dẫn dắt Herrera, Barca đã thể hiện lối chơi đẹp mắt đi cùng một sức mạnh tấn công khủng khiếp với hơn 200 bàn thắng trên mọi mặt trận. Sự có mặt của ông đã tạo thế cân bằng tại La Liga sau một khoảng thời gian độc tôn của Real Madrid - một trong những chiến công vĩ đại của Il Mago.
 
Tấn công, tấn công, và tấn công hơn nữa là triết lý mà Phù thủy Herrera theo đuổi trên những sân cỏ ở Tây Ban Nha khi ấy. Một bộ mặt đẹp và quyến rũ mà dường như những ai biết về Herrera lúc đó sẽ không thể ngờ được rằng ông còn một bộ mặt khác. Nhưng mọi thứ không bất biến, hoàn cảnh buộc mỗi chúng ta phải thích nghi để tiến tới vinh quang, và Herrera không nằm ngoài quy luật đó. Một Herrera khác đối lập hoàn toàn với Herrera tại Tây Ban Nha, một sự thay đổi được lịch sử gọi tên mãi về sau.
 
Helenio Herrera: Ga phu thuy hai mat5
Helenio Herrera và các học trò ở Barca
Phù thủy với nghệ thuật phòng ngự “hắc ám”
 
Những năm tháng tại Barca là một trong những thời gian thành công nhất trong sự nghiệp cầm quân của Il Mago. Nhưng cũng tại đây, mâu thuẫn với các ngôi sao là điều mà Herrera đã không thể dung hòa. Vào năm 1960, mâu thuẫn với ngôi sao sáng nhất trong đội hình của Barca lúc bấy giờ là Laszlo Kubala đã đưa số phận Herrera đến với Inter Milan của chủ tịch Angelo Moratti. Định mệnh đã mang hai con người vĩ đại này gặp nhau tại Inter Milan để tạo nên những chiến tích và những sự sáng tạo trong chiến thuật để làm thay đổi bóng đá Italia cũng như bóng đá châu Âu mãi mãi bằng một “phép thuật” vẫn bị coi là “hắc ám”: catenaccio.
 
Thời điểm Herrera đến với Inter, đội bóng đang trong cơn bạo bệnh mà như chính Herrera đã kể lại với nhà báo Simon Kuper sau này: “Khi tôi đến Inter lúc đó, không khí tại đó thật tồi tệ…”
 
Cũng giống như ở Tây Ban Nha, Il Mago nhanh chóng khôi phục lại được không khí tích cực tại Nerazzurri bằng sự hóm hỉnh và uy tín từ những thành công của bản thân. Calcio nhanh chóng biết tới cái tên Helenio Herrera và ông cũng làm thay đổi hoàn toàn vị thế của các HLV ở Italia thời bấy giờ. Như Sandro Mazzola, số 10 huyền thoại của Inter thời Herrera, đã chia sẻ: “Khi Herrera tới Italy, không một ai biết đến tên  của các huấn luyện viên. Không một ai quan tâm tới các HLV, họ không được xuất hiện trước báo chí, họ chỉ làm việc trong phòng thay đồ và trên đường pitch. Và khi ông ấy tới đã thay đổi mọi thứ”. 
 
Không chỉ làm thay đổi vị trí của các HLV tại Calcio, Herrera thực sự đã tạo ra những sự thay đổi mạnh mẽ và tích cực cho Inter Milan. Những phương pháp huấn luyện được ông mang theo từ Tây Ban Nha được áp dụng cho các cầu thủ Inter. Trong cuốn sách “Calcio: A history of Italian football” (2006), John Foot nói rằng Herrera chính là người phát minh ra thuật ngữ “sự cực đoan” (ultra). Đó là sự cực đoan trong cách quản lý cầu thủ, xây dựng hệ thống và tạo dựng lối chơi cho đội bóng. 
 
Một nền tảng kỉ luật thép giống như quân đội được thiết lập gần như ngay lập tức (Herrera từng tham gia quân đội vào năm 1939). Vai trò của Herrera là tối cao, giống như một vị đại tướng, không một cầu thủ nào được phép vượt qua thầy phù thủy này. Ông đòi hỏi ở các cầu thủ sự chuyên nghiệp trong tập luyện cũng như sinh hoạt, tinh thần thi đấu luôn phải ở mức cao nhất. Bất cứ “sự khác ý” nào với Herrera của bất kì cầu thủ nào đều bị ông trừng phạt. Có thể kể ra trường hợp của tiền đạo Antonio Angelillo, người ghi tới 33 bàn trong 33 trận cho Inter ở mùa giải 1958 - 1959, đã bị ném ra khỏi đội hình vì thói sinh hoạt vô kỉ luật và sự ngang bướng. Và kể cả ngay như libero huyền thoại Armando Picchi cũng bị bán sang AS Varese chỉ vì một lần dám thách thức quyền lực của Il Mago.
 
Ngay từ thời kì còn dẫn dắt Barca, Herrera đã hình thành ý tưởng về các trại tập huấn. Các trại tập huấn có thể rất khắc nghiệt nhưng Herrera tin rằng phương pháp này sẽ giúp gia tăng sự tập trung cho các cầu thủ trước mỗi trận đấu. 
Helenio Herrera: Ga phu thuy hai mat4
Helenio Herrera và đội hình Inter ngày ấy
Sự uể oải, chán nản vô kỉ luật lầ điều Herrera không cho phép có trong đội bóng. Tiền đạo người Anh Gerry Hitchens khi rời Inter đã cho biết ông cảm thấy như “bước ra khỏi một đội quân khát máu”. Jonathan Wilson cũng đã viết lại rằng trong một đợt tập huấn, Hitchens, Suarez và Corso đến muộn hơn so với giờ xuất phát, họ phát hiện ra rằng xe bus của đội bóng đã rời đi, và họ bị buộc phải thực hiện “hành trình” 6 dặm để quay trở lại Milan. Đó là “sự cực đoan” và nghiêm khắc trong hệ thống phương pháp huấn luyện của Il Mago.  
 
Bên cạnh đó, Herrera là người rất đề cao vấn đề gây dựng tâm lý cho các cầu thủ. Các slogan tạo động lực cho các cầu thủ được bao phủ trên các bức tường trong phòng thay đồ. Trước khi mỗi trận đấu diễn ra, Herrera luôn ôm chặt lấy từng học trò, và những cuộc gặp gỡ riêng với mỗi cầu thủ được biết đến như là “buổi thú tội”. Không những vậy, Il Mago luôn muốn nắm bắt thông tin về các cầu thủ thông qua người xoa bóp của đội bóng để nhằm hiểu các cầu thủ hơn, giúp tăng cường mối quan hệ của mình với các cầu thủ.
 
Thuật ngữ “catenaccio” được nhắc tới mặc nhiên được gắn liền với cái tên Helenio Herrera được phát triển lên đỉnh cao dựa trên những nền tảng đó. Tuy nhiên, Il Mago không phải là người khai phá hệ thống chiến thuật này. Đó là hệ thống chiến thuật được bắt nguồn từ hệ thống “verrou” của huấn luyện viên người Áo Karl Rappan tại CLB Servette của Thụy Sỹ. Về sau, Nereo Rocco đã hoàn thiện hệ thống chiến thuật này và đạt được thành công vang dội với các đội bóng như Triestina, AC Milan... Từ đây, Calcio thực sự biết tới catenaccio.
 
Những năm tháng đầu tiên đặt chân đến Italia, Inter Milan của Herrera với phong cách tấn công cởi mở đã không thể khuất phục được catenaccio của Rocco. Herrera nhận thấy cần phải thay đổi để phù hợp với thời cuộc, giúp Inter có thể đi tới thành công. Sự thay đổi đó có thể gói gọn trong lời kể của Arrigo Sacchi mà Jonathan Wilson đã ghi lại trong cuốn “Inverting the pyramid: The history of soccer tactics”: “Khi lần đầu tiên ông ấy đến đây, ông ấy chơi thứ bóng đá tấn công. Và sau đó là sự thay đổi. Herrera đã phải chịu sự chỉ trích nặng nề từ giới truyền thông. Và ông ấy đã làm gì? Ông ấy bắt đầu chơi với một libero, nói với Suarez là phải lùi sâu và thực hiện những đường bóng dài, và bắt đầu chơi thứ bóng đá phản công. Đối với tôi, La Grande Inter có nhiều cầu thủ vĩ đại, nhưng đội bóng chỉ có một mục tiêu độc nhất đó là: chiến thắng”.
 
Từ đó, La Grande Inter ra đời. Đó là một tập thể với kỉ luật thép, bền bỉ, sắt đá, có kĩ năng tuyệt vời, tinh thần thi đấu ngoan cường, mạnh mẽ, lối chơi đồng đội, gắn kết và khát khao chiến thắng. Mục tiêu đảm bảo sự an toàn ở phần sân nhà là vấn đề cốt lõi của hệ thống này. Hệ thống catenaccio của Herrera có thể đạt tới độ hoàn hảo như vậy là nhờ sự kết hợp giữa kỉ luật chiến thuật, phương pháp huấn luyện độc đáo và đặc biệt là  những quân bài phù hợp và xuất sắc tại mọi vị trí. 
 
Với Giacinto Fachetti xuất phát trong đội hình là một hậu vệ cánh trái nhưng trong trận đấu anh được phép di chuyển rất rộng và luôn là nỗi kinh hoàng cho bất cứ đội bóng nào. Bên phải là hậu vệ cánh người Brazil, Jair da Costa, luôn có xu hướng đá thấp khi đội nhà tấn công nhưng luôn có tốc độ khủng khiếp trong những đợt phản công thần tốc của Inter. 
 
Hàng hậu vệ của Nerazzurri được chỉ huy bởi Armando Picchi, một libero huyền thoại với những đường chuyền dài tuyệt hảo, và hai trung vệ thép thi đấu ngay phía trên là Aristide Guaneri và Tarcisio Burgnich. Hàng tiền vệ là những ngôi sao xuất sắc của bóng đá thế giới lúc bấy giờ. Với Luis Suarez, học trò của Herrera từ Barca, chơi với vai trò lùi sâu, Mario Corso “tha thẩn” lệch trái và Badin lệch phải hỗ trợ tuyệt vời cho Sandro Mazzola - con trai đội trưởng huyền thoại của La Grande Torino, Valentino Mazzola – đá ngay phía sau trung phong cắm Peiro.
 
Với 3 chức vô địch Serie A, 2 chức vô địch C1 và 2 Cúp Liên lục địa trong 8 năm Herrera dẫn dắt kỉ nguyên của La Grande Inter được xác lập một cách không thể thuyết phục hơn với một bộ mặt vẫn bị coi là tiêu cực và xấu xí.
 
Helenio Herrera: Ga phu thuy hai mat3
Khi ông ấy tới đã thay đổi mọi thứ
Gã phù thủy với những phép thuật vĩnh cửu
 
Herrera đã làm thay đổi bóng đá Italia và cả bóng đá thế giới. Sự khai phá ra những “vùng đất mới” của bóng đá đã tạo nên “những mảnh đất màu mỡ” cho các thế hệ chiến thuật gia tiếp theo “gieo trồng” những hạt mầm chiến thuật. Tên tuổi của Il Mago gắn liền catenaccio và thường bị xem như là nhân vật phản diện trong bóng đá. Nhưng có lẽ cần có sự đánh giá công bằng hơn đối với Herrera và catenaccio của ông. 
 
Như người học trò xuất sắc nhất của Herrera, tiền đạo Mazzola đã giãi bày: "Chúng tôi chơi với 5 cầu thủ tấn công trong đội hình, 6 nếu bạn tính cả Fachetti, người mà được sử dụng nhằm hướng lên phúa trước rất nhiều, một vài điều mà không ai khác làm như vậy vào thời điểm đó. Đó là sự thật, đôi khi chúng tôi phòng ngự từ phần sân đối phương, chúng tôi thường xuyên chơi với đội hình 4-2-4…”. 
 
Phải chăng Herrera vẫn theo đuổi triết lý tấn công trong một hệ thống phòng ngự gần như là tuyệt đối? Gã phù thủy có hai khuôn mặt đối lập nhau hay vẫn chỉ là một khuôn mặt? Dù thế nào đi chăng nữa, Il Mago Herrera vẫn luôn được nhớ đến là một trong những  huấn luyện viên, chiến thuật gia tiên phong có ảnh hưởng lớn nhất tới sự phát triển của bóng đá thế giới.

AUGUSTUS(TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow