Koulibaly: Tôi muốn gắn bó với Chelsea thêm nhiều năm nữa

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Ba 11/04/2023 19:00(GMT+7)

Zalo

Trong một nhà thờ Hồi giáo tại Parsons Green, Kalidou Koulibaly bắt đầu bữa ăn đầu tiên trong ngày với chà là và nước trước khi tham gia cầu nguyện, sau đó phục vụ súp cho giáo đoàn. Là một người dịu dàng, sâu sắc, luôn sống với tư tưởng “tất cả đều bình đẳng”, Koulibaly đang hòa mình với những tín đồ khác bên trong nhà thờ. 

340582477_930625597985016_3268606339726441176_n
 

Mọi người đang đề cập tới ngày Chủ nhật cách đây 2 tuần, thời điểm Chelsea trở thành CLB đầu tiên tại Premier League tổ chức bữa “iftar” (bữa xả chay - ND), tạo điều kiện cho 400 tín đồ Hồi giáo được dùng bữa trên sân Stamford Bridge trong tháng Ramadan. 

Một bà mẹ có con nhỏ tâm sự với Koulibaly: “Là một phụ nữ Hồi giáo, tôi rất sợ phải đi bộ qua đường Fulham và Chelsea trong ngày Chelsea thi đấu. Mặc dù vậy, đội bóng này đang nâng cao nhận thức về tôn giáo của chúng tôi. Do đó, tôi nghĩ lần tới mình sẽ cảm thấy thoải mái hơn.”

“Có lẽ cô ấy sợ mọi người không hiểu vì sao cô ấy theo đạo Hồi, cũng như vì sao lại ăn mặc như vậy,” Koulibaly nhận xét. “Ngoài ra, những gì bạn thấy trên TV hay báo chí khiến mọi người có cái nhìn thiếu thiện cảm với Hồi giáo. Nhưng khi mọi người có góc nhìn đúng đắn hơn về đạo Hồi, mọi chuyện sẽ khác. Những sự kiện nhỏ như thế này sẽ giúp những ai không theo đạo Hồi cảm thấy an tâm hơn.

Koulibaly Tôi muốn gắn bó với Chelsea thêm nhiều năm nữa 1
 

Nhà thờ Hồi giáo tọa lạc tại Trung tâm Văn hóa Hồi giáo Tây London là nơi các tín đồ Hồi giáo thờ phụng. Còn iftar được tổ chức bởi Ramadan Tent Project, một tổ chức từ thiện có sứ mệnh gắn kết các cộng đồng lại với nhau. Trong ngày các tín đồ Hồi giáo ngồi lại với nhau, tất cả đều có chung câu hỏi cho Koulibaly: Các cầu thủ chuyên nghiệp sẽ xoay xở thế nào trong tháng Ramadan?

Trong trận gặp Liverpool hôm thứ Ba, Koulibaly và các đồng đội theo đạo Hồi gồm Wesley Fofana và N'Golo Kanté là những cầu thủ năng nổ nhất bên phía Chelsea, bất chấp việc họ không ăn hay uống bất cứ thứ gì từ bữa suhoor (bữa ăn trước bình minh - ND) cho đến iftar, bữa ăn diễn ra chỉ 20 phút trước khi trận đấu bắt đầu.

Koulibaly Tôi muốn gắn bó với Chelsea thêm nhiều năm nữa 2
 

“Chúng tôi đang khởi động trước trận thì nhận được thông báo dùng bữa iftar. Chúng tôi liền ra ngoài để dùng một ít chà là và nước, những thứ đã được chuẩn bị sẵn bởi các chuyên gia dinh dưỡng của CLB,” Koulibaly nói. “Tôi đến chỗ của mình trong phòng thay đồ và thấy 4 chai nước và một ít đồ ăn nhẹ như chuối. Sau trận đấu, họ cũng sẽ chuẩn bị cả bữa tối.” 

Các bữa suhoor của Koulibaly chỉ có những món ăn cơ bản, với “trứng, bánh mì và sữa chocolate”, còn bữa iftar cũng chẳng có thứ gì đặc biệt. “Chỉ có thêm nước điện giải để hồi phục cơ bắp.” cầu thủ người Senegal nói. Ngoài ra, theo quy định mới của Premier League, các cầu thủ Hồi giáo trong tháng Ramadan sẽ được bổ sung năng lượng sau khi trận đấu diễn ra được 25 phút.  

“3 hoặc 4 tuần trước tháng Ramadan, Chelsea đã lên kế hoạch xem tôi có thể ăn gì, cũng như khi nào tôi có thể ăn,” Koulibaly chia sẻ. “Họ sẽ cho chúng tôi thử các loại đồ uống để xem chúng tôi có thích chúng không. Điều này thật tuyệt vời. Mọi thứ còn tuyệt vời hơn khi trong trận đấu với Liverpool, trọng tài đến và hỏi bạn, 'Cậu có muốn dừng trận đấu để nạp năng lượng không?' 

Koulibaly Tôi muốn gắn bó với Chelsea thêm nhiều năm nữa 3
 

Trong quá khứ, các cầu thủ Hồi giáo phải giấu CLB chủ quản về việc mình đang trong tháng Ramadan. “Mọi người nghĩ rằng khi bạn nhịn ăn, bạn sẽ trở nên yếu đuối cũng như không thể đảm bảo việc tập luyện và thi đấu. Nhưng hãy nhìn Karim Benzema (người liên tiếp có các cú hat-trick cho Real Madrid dù đang trong tháng Ramadan - ND),” Koulibaly nói. “Liverpool là trận đầu tiên cho Chelsea mà tôi chạy hơn 10 km.  

“Tất cả nằm ở đức tin. Nếu bạn tin rằng mình có thể làm được, bạn sẽ làm được. Nhịn ăn là một thử thách về tinh thần đối với một VĐV. Tuy nhiên, một khi bạn biết mình có thể vượt qua nó, bạn sẽ mạnh mẽ hơn và cảm thấy có thể làm bất cứ điều gì. Ramadan đã cho tôi lối suy nghĩ này và giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp của tôi.”

Những phản ứng trái chiều đã xuất hiện trong một chương trình của đài BBC về việc tạm dừng các trận đấu trong tháng Ramadan. “Thật khó để thỏa mãn tất cả mọi người,” Koulibaly nói. Nhưng nhìn chung, anh cho rằng mọi người ở Anh có cái nhìn rất tích cực về đạo Hồi.  

“Tôi từng đá ở Bỉ, chủ yếu chơi bóng ở Ý, sinh ra ở Pháp, nơi LĐBĐ cấm các cầu thủ đạo Hồi được phép dừng trận đấu để nạp năng lượng. Phải thừa nhận là bóng đá Anh tân tiến hơn rất nhiều,” Koulibaly chia sẻ.

Koulibaly lớn lên ở Saint-Dié, miền đông nước Pháp, trong một cộng đồng có cả người Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Senegal. Mọi người chẳng bao giờ phải lo trông nhà, trẻ em ra vào nhà nhau thoải mái. Dù chẳng dư dả gì, các gia đình luôn “tắt lửa tối đèn có nhau”.

Koulibaly Tôi muốn gắn bó với Chelsea thêm nhiều năm nữa 4
 

“Lớn lên trong môi trường này, bạn sẽ coi mọi người như anh em trong nhà,” Koulibaly viết trên The Players’ Tribune. Cha mẹ anh là người nhập cư - cha anh là thợ đốn gỗ, còn mẹ anh là lao công. Khi họ đưa Koulibaly trở lại Senegal lần đầu tiên lúc anh 6 tuổi, anh đã rất buồn khi thấy những đứa trẻ chơi bóng bằng chân trần. Koulibaly cầu xin mẹ mua giày cho tất cả bọn họ. Đáp lại, mẹ anh bảo anh hãy cởi giày ra và chơi như bọn họ.  

Khi còn chơi cho Napoli, Koulibaly bị từng bị phân biệt chủng tộc một cách khủng khiếp. “Thời gian đầu quả là khó khăn. Tôi từng cảm thấy xấu hổ,” anh nói với giọng nghẹn ngào. “Đôi khi tôi tự hỏi mình, 'Có khi chính mình là vấn đề? Có lẽ mình không nên ở đây’

“Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ khi ở một mình. Nhưng Napoli đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Họ khuyên tôi nên tự hào về những gì mình đang có và tiếp tục chiến đấu. Tôi dạy các con tôi về sự bình đẳng. Chúng nên tự hào là người métis (chủng tộc hỗn hợp), cũng như tự hào về những gì chúng đang có. Nếu bạn chưa bị phân biệt chủng tộc, bạn sẽ không biết cảm giác đó như thế nào. Trước khi điều đó xảy ra với tôi, thậm chí tôi từng nghĩ, 'Tại sao các cầu thủ lại phản ứng như thế? Họ nên im lặng thì hơn'. Nhưng không, bạn phải lên tiếng. Đó là cách để chống lại nạn phân biệt chủng tộc.”

Mới đây, Romelu Lukaku của Inter Milan đã bị đuổi khỏi sân vì nhận thẻ vàng thứ hai, sau khi anh thực hiện thành công quả phạt đền và ra hiệu cho người hâm mộ Juventus dừng những hành vi phân biệt chủng tộc. Điều tương tự đã xảy ra với Koulibaly trong trận đấu với Inter năm 2018, khi anh nhận thẻ vàng thứ hai vì vỗ tay mỉa mai trọng tài, dù đã dành cả trận để cảnh báo trọng tài về hành động phân biệt mà anh phải nhận trên khán đài. 

“Tôi thực sự tiếc cho Lukaku. Tôi biết cậu ấy đã nghĩ gì,” Koulibaly nói. “Cậu ấy không làm hại ai, cũng chẳng nói điều gì xấu xa. Cậu ấy chỉ làm một hành động cậu ấy cho là nên làm. Màn ăn mừng của Lukaku là một biểu tượng.”

Chúng tôi gặp nhau hôm 6/4, chỉ vài giờ sau khi Frank Lampard được bổ nhiệm làm HLV tạm quyền của Chelsea sau khi Graham Potter bị sa thải. “Một tuần lễ điên rồ với các cầu thủ, HLV mới, HLV cũ và cả với những hâm mộ,” Koulibaly nói. “Khi đội bóng thay đổi HLV, nghĩa là bạn đã làm sai điều gì đó. Bạn phải tiếp tục chiến đấu cũng như cống hiến mọi thứ. 

“Nhà cầm quân mới của chúng tôi là một huyền thoại. Sau khi giới thiệu bản thân với toàn đội, Lampard đã có một bài phát biểu thú vị. Ông ấy cũng cố gắng trò chuyện với mọi người và thuyết phục chúng tôi tham gia kế hoạch. Tôi biết thật khó khăn khi có quá nhiều cầu thủ, nhưng ông ấy thực sự đã truyền cảm hứng cho chúng tôi.”

“Về Potter ư? Tôi đã gửi cho ông ấy một tin nhắn,” Koulibaly nói. “Ông ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Ban đầu, mọi thứ thật khó khăn cho tôi khi chơi bóng ở vùng đất mới, đồng thời thay đổi mọi thứ sau 8 năm tại Napoli. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Potter. Ông ấy sẽ có một tương lai tốt đẹp ở phía trước.” 

Koulibaly thừa nhận anh “cần thời gian” để thích nghi với Premier League, để thể hiện khả năng phòng ngự vượt trội cũng như kỹ năng chuyền bóng đẳng cấp, những yếu tố đã giúp anh được lọt vào Đội hình xuất sắc nhất thập kỷ của Opta tại Serie A.

“Tôi biết mình chưa đạt 100% thể chất, nhưng tôi đang đạt đến trình độ trước kia,” anh nói. “Chelsea đã đưa ra một quyết định quan trọng khi ký hợp đồng với tôi, do đó tôi rất khao khát được đền đáp. Tôi muốn trở thành một phần của đội bóng này trong nhiều năm. Đây không phải là năm như ý muốn của Chelsea, nhưng đó là điều dễ hiểu khi bạn có những thay đổi lớn, với chủ sở hữu mới và một nửa đội bóng là tân binh. Chúng tôi biết tham vọng của Chelsea lớn đến mức nào và sẽ nỗ lực để giành lại niềm tin từ người hâm mộ.”

Với một nụ cười tươi, Koulibaly thề sẽ chặn đứng kỳ tích ghi bàn trong tháng Ramadan của Benzema, khi Chelsea đối đầu với Real Madrid vào thứ Tư. Ngoài ra, anh cũng mô tả HLV của Real Madrid, Carlo Ancelotti (cựu HLV của anh tại Napoli) như một “người cha thứ hai”. 

Koulibaly kết thúc cuộc trò chuyện bằng việc giải thích quan điểm của mình về cuộc sống. “Tôi từng nói rằng có ba thứ bạn không thể mua được bằng tiền: Gia đình, bạn bè và sự thanh thản. Tình yêu cũng vậy,” anh nói.

“Sự tôn trọng là thứ rất quan trọng; đối với tôi, đó là định nghĩa của đạo Hồi. Đúng là có những lúc phải tỏ ra cứng rắn. Nhưng khi ra đường, chẳng ai nhỉnh hơn ai. Mọi chuyện đều có thể xảy ra.

“Đó là những gì tôi đã làm trong đời. Bởi vì tôi chưa bao giờ là cầu thủ giỏi nhất, tôi luôn phải tập luyện chăm chỉ. Điều đó đã đưa tôi đến Chelsea.”

“Cố gắng sống nhẹ nhàng thôi. Tất nhiên, trừ những lúc tắc bóng.”

Lược dịch, có chỉnh sửa bài viết “Kalidou Koulibaly: This isn’t the year Chelsea were expecting but I want to be here for many more” của Jonathan Northcroft (The Times)

 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow