Thứ Ba, 08/07/2025
Zalo

Nghệ thuật truyền lửa trong phòng thay đồ: Từ Rafael Benitez, Mikel Arteta đến Thiago Silva

Thứ Ba 08/07/2025 16:52(GMT+7)

Thiago Silva cố kìm những giọt nước mắt. Anh khom người xuống, vây quanh bởi các đồng đội và ban huấn luyện Fluminense, tay khoác vai nhau trong sự im lặng nặng nề của phòng thay đồ.
Nghệ thuật truyền lửa trong phòng thay đồ Từ Rafael Benitez, Mikel Arteta đến Thiago Silva 1
 

Tất cả ánh mắt đều đổ dồn về người đội trưởng, với chiếc băng đội trưởng màu xanh được buộc chặt nơi cánh tay trái, khi họ chuẩn bị bước ra sân đối đầu Inter Milan ở vòng 16 đội FIFA Club World Cup.

"Năm 2014, tôi thi đấu ở World Cup trên sân nhà Brazil," Silva mở lời, môi dưới run rẩy, liên tục đưa tay lau mũi trong khi nước mắt lăn dài trên khuôn mặt. Anh dừng lại giây lát. "Trong những ngày nghỉ, tôi về nhà. Dượng tôi đến, ông ấy chính là người đã tạo nên một Thiago Silva của ngày hôm nay."

Anh lại cúi người xuống, tay chống gối. "Ông ấy bị bệnh. Khi đó, tôi không biết bệnh tình nghiêm trọng đến mức nào." Silva mím môi ngăn cảm xúc trào dâng.

“Tôi quay lại tập trung cùng đội tuyển quốc gia… và rồi mọi chuyện kết thúc như các cậu đã biết.” Một lời nhắc tới thất bại 1-7 của Brazil trước Đức ở bán kết World Cup. Anh lại dừng lại, đôi mắt ậng nước. “Lúc đó ông ấy phải nhập viện. Tôi trở lại Paris, bắt đầu giai đoạn tiền mùa giải. Rồi trong một trận đấu đầu mùa, vợ tôi gọi điện cho tôi… giọng cô ấy run rẩy: ‘Bố đỡ đầu mất rồi.’”

Anh lắc đầu, cắn chặt môi, cố giữ bình tĩnh. “Các cậu hiểu tôi đang nói gì không, hả?” Anh vỗ mạnh vào ngực. “Tôi đã không tới bệnh viện thăm ông ấy… vì tôi cứ nghĩ là ông sẽ khỏi.”

Anh chỉ tay về phía đồng đội, giọng bắt đầu cao dần: “Ý tôi là gì? Là đừng giữ lại điều gì khi ra sân! Làm đi, làm tất cả những gì chúng ta có thể làm, ngay lúc này!”

Vung tay theo từng câu nói, giọng anh nghẹn lại vì xúc động, gần như hét lên: “Đừng để đến mai. Vì… không còn thời gian đâu, anh em!”

Anh tha thiết: “Hãy tận hưởng khoảnh khắc này. Tận hưởng nó. Vui, nhưng phải có trách nhiệm.” Giọng anh giờ đã ổn định hơn, rõ ràng và chắc nịch. Anh vỗ mạnh bàn tay để nhấn mạnh từng lời: “Nói vậy nhưng cũng phải kết thúc trận với đủ 11 người. Đừng hiểu sai ý tôi. Hãy chơi sòng phẳng với đối thủ… nhưng phải chiến đấu với họ. Phải chiến đấu đến cùng. Rõ chưa? Chúa phù hộ chúng ta. Đi nào anh em!”

Cả phòng thay đồ như bùng nổ.

VIDEO: Câu chuyện xúc động của Thiago Silva góp phần vào chiến thắng của FluminenseVIDEO: Câu chuyện xúc động của Thiago Silva góp phần vào chiến thắng của Fluminense
Trước trận đấu quan trọng gặp Inter Milan, đội trưởng Fluminense, Thiago Silva, đã có những chia sẻ đầy xúc động về một ký ức ám ảnh trong sự nghiệp và cuộc sống của mình, khi anh mất đi người cha dượng, người có ảnh hưởng to lớn trong hành trình làm người và làm cầu thủ. Qua đó, anh muốn truyền lửa cho các đồng đội của anh trước khi bước vào trận đấu.

Sau đó, Fluminense bước ra sân Bank of America tại Charlotte và giành quyền vào tứ kết Club World Cup với chiến thắng đầy thuyết phục 2-0 trước Inter Milan - đội từng 20 lần vô địch Serie A. Bài phát biểu đầy cảm xúc của Thiago Silva đã châm ngòi cho một màn trình diễn lịch sử của đại diện Brazil. (Họ còn tiếp tục tạo nên bất ngờ vào thứ Bảy khi đánh bại Al Hilal 2-1 ở tứ kết.)

Nhưng một trong những màn ngược dòng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, cách đây 20 năm, lại không được khơi nguồn từ một bài hùng biện đậm chất tinh thần chiến binh, mà từ sự điềm tĩnh và chỉ đạo chiến thuật chuẩn xác.

Ở trận chung kết Champions League 2005, Liverpool bị AC Milan dẫn trước 3-0 khi hiệp 1 kết thúc. Trong khi cả phòng thay đồ ngập trong nỗi tuyệt vọng, HLV Rafa Benítez không nói những lời đầy cảm hứng, mà chỉ đưa ra những chỉ đạo chiến thuật lạnh lùng và rõ ràng. Ông thay đổi sơ đồ, thực hiện một sự thay người quan trọng và truyền cho các học trò một niềm tin thầm lặng: “Chúng ta còn 45 phút để thay đổi điều này.”

Nghệ thuật truyền lửa trong phòng thay đồ Từ Rafael Benitez, Mikel Arteta đến Thiago Silva 2
Rafael Benitez giành Cup Champions League cùng Liverpool vào năm 2005

Sự bình tĩnh đó đã khơi dậy một cuộc lội ngược dòng huyền thoại, gỡ hòa 3-3 và giành chiến thắng trên chấm luân lưu. Một minh chứng rằng lãnh đạo không phải lúc nào cũng cần phải ồn ào, mà cần rõ ràng, tự tin và có chiến lược.

Bóng đá ngày nay đã khác, và văn hóa trong thể thao cũng thay đổi. Những HLV hiện đại đang tìm kiếm những cách mới để truyền cảm hứng cho cầu thủ. Chẳng hạn như Mikel Arteta của Arsenal, ông từng dùng cả bóng đèn, hay những nét vẽ hình người giản đơn để kể lại hành trình từ Tây Ban Nha đến Bắc London, nhằm tiếp thêm động lực cho các học trò.

Dù phương pháp đã thay đổi và cách thể hiện ngày càng trở nên nghệ thuật, thậm chí mang hơi hướng tiên phong, nhưng những nguyên tắc cốt lõi vẫn không thay đổi.

Điều tạo nên sức mạnh thực sự không nằm ở đạo cụ hay dữ liệu, mà nằm ở khả năng đọc được không khí trong phòng thay đồgiữ trọn sự chú ý của những cầu thủ đang khát khao tìm kiếm cảm hứng.

TRƯỚC KHI THỜI ĐẠI của chỉ số xG và các HLV tình huống cố định xuất hiện, các HLV thời xưa chẳng cần màu mè hoa mỹ trong lời nói. Roy Keane từng nhớ lại sự giản dị trong chỉ đạo của HLV Brian Clough khi anh còn khoác áo Nottingham Forest vào những năm 1990:

“Trong phòng thay đồ trước trận ra mắt, ông ấy hỏi tôi: ‘Cậu biết khống chế bóng chứ?’ Tôi đáp: ‘Có ạ.’ Ông ấy tiếp: ‘Cậu chuyền bóng được chứ?, ‘Dạ được.’ Rồi ông hỏi: ‘Cậu chạy được không?’, ‘Dạ được.’ Ông ấy nói: ‘Vậy thì chỉ cần làm ba điều đó cho tôi.’ Và thế là tôi bắt đầu sự nghiệp.”

Sức mạnh đôi khi lại nằm ở những chỉ đạo ngắn gọn và đơn giản. Một nghiên cứu năm 2002 chỉ ra rằng các VĐV hiểu rõ vai trò của mình thường thi đấu hiệu quả hơn, trong khi sự mơ hồ khiến họ mất đi sự tự tin.

Việc truyền đạt vẫn là yếu tố cốt lõi trong những bài nói chuyện đội nhóm hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với sự đổ bộ của dữ liệu và phân tích, bóng đá giờ đây ngày càng thiên về chiến thuật và tính toán. Các cầu thủ ngày nay không chỉ được truyền cảm hứng bằng những lời nói, mà còn cần được tiếp thêm động lực thông qua những giải pháp cụ thể trên sân.

Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học & Huấn luyện Thể thao đã phân tích cách nội dung bài nói chuyện trước trận ảnh hưởng đến màn trình diễn của đội bóng. Các bài nói chuyện được chia thành hai dạng: chỉ đạo chiến thuật và khơi gợi cảm xúc.

Các bài nói chuyện kiểu chỉ đạo tập trung vào chiến thuật, chiến lược hoặc kỹ thuật cụ thể. Ngược lại, các bài nói chuyện cảm xúc nhắm tới việc tạo ra tâm lý tích cực, giúp cầu thủ bình tĩnh hoặc “bơm lửa” trước khi bước ra sân.

Nghệ thuật truyền lửa trong phòng thay đồ Từ Rafael Benitez, Mikel Arteta đến Thiago Silva 3
 

Đối với Kieran Gibbs, cựu hậu vệ của Arsenal và đội tuyển Anh, cả hai cách tiếp cận đều hiệu quả, nhưng theo thời gian, một trong số đó mất dần tác dụng.

“Tại West Brom dưới thời Tony Pulis, các bài nói chuyện thường xoay quanh tinh thần, nỗ lực và năng lượng. Còn ở Arsenal, chúng tập trung vào cách để phá vỡ hệ thống phòng ngự của đối thủ. Cậu cần cả hai yếu tố đó,” Gibbs, hiện là chuyên gia của ESPN, chia sẻ.

“Khi Sam Allardyce đến West Brom, ông ấy chỉ quan tâm đến các con số, số quả phạt góc, số lần chạm bóng, số pha đánh đầu. Đó không phải là cách tôi được đào tạo, nhưng dần dần tôi hiểu được giá trị của nó. Những bài nói chuyện chỉ toàn cảm xúc không hiệu quả với tôi. Tôi dễ mất năng lượng. Tôi không phải mẫu cầu thủ chơi thiên về thể lực, tôi chơi bằng đầu óc. Tôi cần thông tin.”

Và Arsène Wenger chính là người mang đến điều đó. “Ông ấy điềm tĩnh, mạch lạc và chính xác. Không có lời nào thừa,” Gibbs kể lại.

“Trước trận, [Wenger] thường đưa ra bốn đến năm ý chính, cả tấn công lẫn phòng ngự, và dùng số liệu từ những trận trước để củng cố niềm tin vào lối chơi. Điều đó giúp chúng tôi có niềm tin, ngay cả trong những thời điểm khó khăn.”

Nghệ thuật truyền lửa trong phòng thay đồ Từ Rafael Benitez, Mikel Arteta đến Thiago Silva 4
 

NGHIÊN CỨU CŨNG CHỈ RA rằng bối cảnh và sắc thái cảm xúc có vai trò quyết định.

Các cầu thủ thường muốn nhận được nhiều thông tin chi tiết hơn khi đối đầu với những đối thủ lạ hoặc vừa thua trận trước đó. Nhưng trước các trận đấu lớn hay khi sắm vai “cửa dưới”, họ lại mong đợi những bài nói chuyện khiến “nổi da gà”, tiếp thêm tinh thần chiến đấu.

“Còn tùy vào từng trận và từng đội,” Kieran Gibbs chia sẻ. “Ở West Brom, chúng tôi thường là đội yếu hơn, nên nói chuyện trước trận thường xoay quanh nỗ lực, quyết tâm, và làm sao để vượt trội về tinh thần và thể lực. Điều đó đòi hỏi bài nói chuyện phải giàu năng lượng hơn. Còn ở Arsenal, chúng tôi là đội kiểm soát bóng nhiều hơn, nên cách tiếp cận mang tính chiến thuật, thiên về thông tin hơn là cảm xúc.”

Cựu đồng đội của Gibbs, Mikel Arteta, hiện là HLV trưởng Arsenal từng bị chế giễu vì những phương pháp truyền cảm hứng không giống ai, được ghi lại trong loạt phim tài liệu All or Nothing của Amazon Prime về mùa giải 2021/22.

Ở một phân cảnh, Arteta vẽ hình trái tim và bộ não, rồi nói với các cầu thủ rằng họ cần phải thi đấu với cả hai, vừa bằng cảm xúc, vừa bằng lý trí. Khi kết hợp được cả hai, họ sẽ khơi dậy sự cuồng nhiệt từ khán giả, tạo ra nguồn năng lượng lan tỏa khắp sân vận động.

Bức vẽ ấy, cùng với thông điệp đi kèm, đã kết nối thành công với hai yếu tố: nỗ lực và sự chính xác trong thi đấu.

Nghệ thuật truyền lửa trong phòng thay đồ Từ Rafael Benitez, Mikel Arteta đến Thiago Silva 5
 

“Cách Arteta nói chuyện khiến tôi nhớ đến Arsène Wenger. Cậu ấy học được nhiều điều từ ông ấy, nhưng ở Arteta, còn có cả lửa nữa,” Kieran Gibbs chia sẻ.

Gibbs hiểu lý do vì sao vị HLV người Tây Ban Nha lại thử những cách truyền cảm hứng có phần kỳ lạ như vậy: bởi ở đẳng cấp cao nhất, chỉ một chi tiết nhỏ cũng có thể tạo nên khác biệt giữa thắng và thua.

“Ở trình độ này, anh không thể chỉ hét lên là xong. Cần nhiều cách khác nhau để chạm được đến các cầu thủ. Và Arteta làm điều đó rất tốt,” Gibbs nói.

Đó cũng chính xác là những gì Rafa Benítez đã làm dưới tầng hầm sân vận động Olympic Atatürk, khi chỉ có vỏn vẹn 15 phút để thổi bùng niềm tin cho một đội bóng đang bị dẫn 0-3.

Theo lời Benítez, mọi thứ lúc đó phụ thuộc vào ba yếu tố: ngôn ngữ, niềm tin và hành động.

“Tôi đang ghi chú trong lúc quỳ gối thì bàn thua thứ ba đến,” ông hồi tưởng. “Tôi chỉ muốn thông điệp của mình thật rõ ràng, để các cầu thủ tin rằng vẫn còn hy vọng. Đó là điều tôi tập trung vào trong giờ nghỉ.

Ai nấy đều cúi đầu, nên tôi để họ tự nói chuyện với nhau một chút. Sau đó, tôi trình bày kế hoạch và các sự thay người.”

“Thi đấu trong trạng thái lo lắng dễ dẫn đến sai lầm. Việc của tôi là giữ sự điềm tĩnh, suy nghĩ thật rõ ràng và truyền đi thông điệp đúng đắn. Tôi không lãng phí thời gian, tôi tập trung vào giải pháp.”

Chính điều đó là thứ tạo nên sự khác biệt giữa một HLV giỏi và một HLV xuất sắc: khả năng nắm bắt đúng thời điểm.

Benítez hiểu rõ đội bóng của ông cần gì, và quan trọng hơn, các cầu thủ tin vào ông, nhờ uy tín và sự tin cậy mà ông đã gây dựng suốt hành trình.

Nghệ thuật truyền lửa trong phòng thay đồ Từ Rafael Benitez, Mikel Arteta đến Thiago Silva 6
 

“Điểm yếu lớn nhất trong bóng đá chuyên nghiệp chính là việc các HLV không kiểm soát được cảm xúc của mình, khiến họ không thể truyền đạt thông điệp một cách bình tĩnh và mạch lạc trong giờ nghỉ giữa trận,” Steve Sallis, cựu cầu thủ, giáo viên và hiện là chuyên gia tư duy & lãnh đạo chia sẻ. “Không phải loại bỏ cảm xúc, mà là biết khi nàothể hiện nó ra sao.”

Bài nói chuyện giữa trận của Rafa Benítez là ví dụ điển hình cho những nguyên tắc mà các giáo viên giỏi nhất vẫn áp dụng hàng ngày trong lớp học khắp cả nước.

“Những buổi nói chuyện trong phòng thay đồ nên mang tính giáo dục: giúp cầu thủ tiến bộ, chứ không chỉ để họ chứng minh bản thân,” Sallis nói. “Nhiều HLV lạm dụng cảm xúc mà lại ít dạy dỗ thật sự. Đừng nhồi nhét quá nhiều, hãy giữ cho thông điệp ngắn gọn, làm nổi bật những điểm chính và dùng ngôn ngữ thật dễ tiếp nhận. Giao tiếp hiệu quả, dùng từ đúng, đúng cách, là điều tối quan trọng.”

“Có những cầu thủ chỉ cần được nhắc: ‘Ép nó vào trung lộ, đừng để nó ra biên.’ Nhưng nhiều HLV lại không hiểu rằng những gì được nóinhững gì người ta nghe đôi khi không giống nhau,” Steve Sallis, người đang làm việc với Jude Bellingham, Eberechi Eze và Jacob Ramsey chia sẻ thêm.

“Tôi thường ví dụ bằng hình ảnh ‘bài hát và ca sĩ’. Bài hát là nội dung, ca sĩ là cách truyền đạt. Muốn hiệu quả, cả hai phải hòa quyện với nhau. Những HLV giỏi nhất chính là bậc thầy trong việc kết hợp điều đó.”

Cũng giống như những nhà giáo giỏi, những HLV xuất sắc là những người biết cảm nhận và hòa vào nguồn năng lượng của đội bóng. Không phải ngẫu nhiên mà Rafa Benítez từng theo học ngành giáo dục thể chất và có kinh nghiệm đứng lớp trước khi trở thành HLV. Jose Mourinho và Louis van Gaal cũng bắt đầu sự nghiệp từ vai trò giáo viên. Chính nền tảng đó đã rèn luyện cho họ những kỹ năng thiết yếu trong huấn luyện. Và đặc biệt là trong những bài nói chuyện có sức ảnh hưởng lớn.

Họ biết khi nào cần chỉ dẫn, khi nào cần truyền cảm hứng và khi nào nên lùi lại phía sau. Họ biết cách điều chỉnh thông điệp sao cho phù hợp với từng thời điểm, và quan trọng hơn, kết nối được với một tập thể đa dạng, mỗi người mang một tính cách, một nhu cầu và cách tiếp nhận khác nhau.

Thiago Silva thể hiện sự linh hoạt ấy ngay trong trận đấu với Inter Milan. Trước giờ bóng lăn, đó là một Thiago Silva đầy cảm xúc, nhưng đến thời điểm nghỉ uống nước giữa trận, khi Fluminense đang dẫn 1-0, một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Silva đứng cùng ban huấn luyện và các đồng đội, điềm tĩnh điều chỉnh chiến thuật và thay đổi sơ đồ thi đấu ngay trong trận. (video bên dưới)

video

Biết đâu, một ngày nào đó, hậu vệ người Brazil sẽ trở thành một HLV xuất sắc. Và nếu không bước vào bóng đá, nếu không trở thành một trong những trung vệ đẳng cấp nhất thế giới, có lẽ anh đã là một giáo viên tuyệt vời.

Phòng học và phòng thay đồ, về bản chất, là hai không gian có thể hoán đổi cho nhau. Bởi sứ mệnh ở cả hai nơi đều giống nhau: khơi dậy những gì tốt nhất trong mỗi con người.

(Theo ESPN)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Pro Từ bỏ Benjamin Sesko, chiêu mộ Viktor Gyokeres: Arsenal mùa tới sẽ đáng sợ gấp bộ phần

Từ bỏ Benjamin Sesko, chiêu mộ Viktor Gyokeres: Arsenal mùa tới sẽ đáng sợ gấp bộ phần

Pro Từ bỏ Benjamin Sesko, chiêu mộ Viktor Gyokeres: Arsenal mùa tới sẽ đáng sợ gấp bộ phần

Trung phong cắm chất lượng nào sẽ cập bến Emirates ở mùa giải 2025/2026, đó vốn dĩ là câu hỏi lớn nhất với các Gooners trong mùa hè này. Và sau rất nhiều biến động xảy ra, cái tên đó cũng đã chính thức xuất hiện. Sau tất cả, Viktor Gyokeres đã rất gần đến cánh cửa gia nhập Arsenal.

Jamie Gittens: Trở lại để viết tiếp giấc mơ dang dở cùng Chelsea

Jamie Gittens: Trở lại để viết tiếp giấc mơ dang dở cùng Chelsea

Jamie Gittens: Trở lại để viết tiếp giấc mơ dang dở cùng Chelsea

Nếu mọi chuyện diễn ra khác đi, có lẽ Jamie Gittens đã gắn bó với Chelsea được hơn một thập kỷ. Nhưng giờ đây, cầu thủ chạy cánh 20 tuổi đang trở lại mái nhà mà anh từng gắn bó khi mới 8 tuổi, với cơ hội chứng minh cho người hâm mộ Chelsea thấy họ đã bỏ lỡ điều gì. Bởi theo thông tin từ The Athletic, Chelsea và Borussia Dortmund đã đạt được thỏa thuận sơ bộ để Gittens gia nhập đội bóng thành London.

Xem thêm
top-arrow
X