Marcello Lippi: “Bố già” hồi sinh Juventus

Tác giả CG - Thứ Hai 12/04/2021 16:46(GMT+7)

Zalo

Dưới sự dẫn dắt của Marcello Lippi ở giai đoạn đầu tiên, Juventus đoạt 3 Scudetto, 1 Coppa Italia, 4 Siêu cúp Italia, 1 Siêu cúp châu Âu, 1 Intercontinental Cup và 1 UEFA Champions League. Juventus đã lọt vào 3 trận chung kết Champions League liên tiếp từ 1996 tới 1998 và thua 2, nhưng điều đó không thể nào phủ nhận sự xuất sắc của Bianconeri ở giai đoạn ấy.

Marcello Lippi: “Bố già” hồi sinh Juventus
Marcello Lippi: “Bố già” hồi sinh Juventus. Ảnh: Getty Images

“Ông ấy rất phong cách. Với một mái đầu bạc, chiếc áo khoác da và một điếu xì gà nhỏ, hình ảnh ấy nhắc tôi nhớ tới Paul Newman”, đó là nhận xét của Sir Alex Ferguson về Marcello Lippi, một trong những người đồng nghiệp mà ông tôn trọng nhất sự nghiệp. Lippi đẹp, nói một cách văn hoa thì là ngoại hình ấy quá đẹp để làm việc trong ngành thể thao. Nhưng ẩn chứa sau diện mạo của một tài tử ấy là bộ não đại tài của một chiến lược gia bóng đá.
 
“Không ai được phép xem nhẹ Lippi, đó sẽ là một sai lầm” là lời khẳng định nữa của Sir Alex. Nó đã nói lên tất cả tầm vóc của chiến lược gia người Italy. Anh hùng thì trọng anh hùng, và những thành tựu mà Lippi gặt hái trong sự nghiệp đã cho thấy câu nói ấy không chỉ là nói suông theo kiểu xã giao.
 
Sự nghiệp cầu thủ của Lippi không mấy ấn tượng. Ông chỉ là một hậu vệ quét thuộc dạng trung bình khá tại Italy, có 10 năm khoác áo Sampdoria và chưa từng một lần thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Nhưng cũng giống như nhiều người Italy khác, sau khi giải nghệ, Lippi tốt nghiệp ở một trong những ngôi trường đào tạo HLV uy tín nhất thế giới: Coverciano. Và ông chính là một trong những học viên xuất sắc nhất lịch sử của ngôi trường này. Tại đây, Lippi học được một điều quan trọng mà sau này nó ảnh hưởng sâu sắc tới sự nghiệp cầm quân của ông: tính linh hoạt.
 
Ông Gianni Leali, Giám đốc Coverciano từ 1995 đến 2005, chia sẻ: “Ở đây chúng tôi không dạy một hệ thống. Chúng tôi dạy tất và sau đó chứng minh những mặt tích cực lẫn tiêu cực của từng hệ thống. Các hệ thống chiến thuật ở đây rất đa dạng và nó khiến Serie A trở nên thú vị hơn rất nhiều”.
 
Theo ký giả Michael Cox, tính từ thập niên 90 tới nay, quãng thời gian từ 1992 đến 1996 có thể xem là giai đoạn cực thịnh của bóng đá Hà Lan. Và trong khi các đội bóng Hà Lan nổi tiếng với việc gắn chặt với sơ đồ 4-3-3 và 3-4-3 thì ở Italy lại ngược lại. Các đội bóng Italy không nói tới sơ đồ, mà họ nói tới chiến thắng. Theo Cox, sau giai đoạn 1992 đến 1996 mà Hà Lan được xem là có tầm ảnh hưởng nhất tới bóng đá châu Âu thì từ 1996 đến 2000 là quãng thời gian thuộc về bóng đá Italy mà đội bóng đảm trách nhiệm vụ chuyển giao ấy là Juventus của Marcello Lippi.

Marcello Lippi: “Bố già” hồi sinh Juventus
Trận chung kết Champions League 1996, Lippi đứng ở đường biên chỉ đạo và hút xì gà. Ảnh: Getty Images
 
Ngược trở lại trước quãng thời gian đó, tháng 7 năm 1994 Lippi nhận lời thay thế Giovanni Trapattoni để ngồi vào ghế HLV trưởng Juventus sau lời đề nghị khẩn thiết của chủ tịch Vittorio Chiusano. Với các khán giả Juventus hiện nay, có thể họ đã cảm thấy quá no nê với số lượng Scudetto đội bóng đã giành suốt gần 1 thập kỷ qua nhưng vào năm 1994, Bianconeri đã không giành chức vô địch quốc gia suốt 8 năm trời.
 
Và ngay ở mùa giải đó, Juventus đoạt Scudetto đồng thời đánh bại Parma trong trận chung kết Coppa Italia. Đó là một mùa giải mà Juventus lên ngôi bằng tài thao lược tài tình của Lippi. Trong mắt Lippi, không ngôi sao nào được phép lớn hơn tập thể và thậm chí một tập thể có những cầu thủ giỏi nhất chưa chắc tạo nên đội bóng giỏi nhất. Lippi gây dựng một đội bóng mà ông tự thừa nhận rằng “sự gắn kết giữa tôi và các cầu thủ là điều không dễ tìm thấy ở những đội khác”.
 
Lippi có trong tay những cầu thủ cực kỳ đa năng và tuân thủ yêu cầu chiến thuật. Đó là những chiến binh thấm nhuần tư tưởng của ông. “Mỗi năm chúng tôi bán những cầu thủ giỏi nhất nhưng xương sống của đội thì vẫn còn. Và khi các cầu thủ mới và không chịu tập luyện chăm chỉ, những cầu thủ như Di Livio hay Torricelli sẽ quàng tay qua vai họ và nói ‘Ở đây, chúng ta không bao giờ dừng lại, tiếp tục nào!’”.

Marcello Lippi: “Bố già” hồi sinh Juventus
Chức vô địch Champions League 1996 có thể xem là đỉnh cao của Lippi cùng Juventus. Ảnh: Getty Images
 
Angelo Di Livio và Moreno Torricelli có thể coi là những đại diện tiêu biểu cho triết lý của Lippi. Trước khi tới Juventus, Torricelli khoác áo Caratese, một đội bóng nghiệp dư nhỏ bé và vô danh. Di Livio xuất thân từ Roma nhưng không có một trận đấu chính thức nào cho đội một, sau đó trải qua 8 năm (từ 1985 đến 1993) không thi đấu ở Serie A trước khi gia nhập Juventus. Nhưng họ lại là những hậu vệ đa năng, đáng tin cậy và sẵn sàng chơi nhiều vị trí. 
 
Roy Keane chia sẻ: “Ở Juventus không chỉ có những cầu thủ đẳng cấp như Zinedine Zidane hay Del Piero thu hút sự chú ý của mọi người mà còn có những hậu vệ cứng rắn và ranh mãnh, những người mà bạn chưa bao giờ nghe tên. Họ thu hẹp không gian, lựa chọn thời điểm tắc bóng chính xác một cách hoàn hảo, bọc lót đúng vị trí dựa vào bản năng và có khả năng đọc trận đấu siêu việt”.
 
Sự đa năng của các cầu thủ giúp Lippi không bó buộc vào một sơ đồ nào cả. Ông quyết định sơ đồ chiến thuật dựa vào từng trận đấu và thực hiện những thay đổi vị trí tùy vào hoàn cảnh. “Nếu bạn có những cầu thủ thông minh, hiểu chiến thuật và thi đấu thoải mái ở các hệ thống khác nhau thì thường xuyên thay đổi là điểm cộng lớn”, đó là lời khẳng định của chiến lược gia người Italy.

Marcello Lippi: “Bố già” hồi sinh Juventus
Đội hình Juventus dưới thời Lippi. Ảnh: Getty Images
 
Mùa giải 1996/1997, Ciro Ferrara và Paolo Montero là cặp trung vệ chính của Juventus. Nhưng khi cả hai đều bị treo giò trong cuộc chạm trán AC Milan vào giữa tháng 11, Lippi giải quyết bài toán bằng cách xếp hậu vệ phải Sergio Porrini và tiền vệ trung tâm Alessio Tacchinardi trám vào vị trí. Trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 0-0. 
 
Trận đấu với Perugia vào tháng 2, trung vệ lệch phải Porrini dính chấn thương và được thay thế bằng Mark Iuliano, một cầu thủ thuận chân trái. Nhận thấy Iuliano phải đá ở vị trí nghịch chân, Lippi nhận ra cậu học trò cần được bảo vệ nhiều hơn, ông đảo vị trí cặp hậu vệ biên: Torricelli từ cánh phải sang trái và Gianluca Pessotto từ cánh trái sang phải. 

Đó không phải lần đầu Lippi đảo hậu vệ biên như vậy. Chung kết Champions League mùa giải 1995/1996 giữa Juventus và Ajax, Pessotto và Torricelli đã thi đấu suốt 90 phút chính thức lần lượt ở vị trí hậu vệ hậu vệ trái và hậu vệ phải. Sau khi thời gian chính thức kết thúc với tỉ số hòa 1-1, hai đội bước vào hiệp phụ. HLV Louis van Gaal của Ajax tung tiền đạo cánh phải giàu tốc độ Nordin Wooter vào sân để tấn công vị trí của Torricelli. Do đã thực hiện hết 3 quyền thay đổi người, Lippi chỉ còn có thể thực hiện giải pháp tình thế là đảo hậu vệ biên. Và sau đó, Pessotto khắc chế được Wooter ở bên cánh phải. Trận đấu bước vào loạt luân lưu và Juventus giành chiến thắng.
 
Đối với các tiền đạo, Lippi cũng thường xuyên xoay vòng các lựa chọn của mình. Mùa giải 1996/1997, ông có 5 lựa chọn trên hàng công: Alessandro Del Piero, Alen Boksic, Christian Vieri, Michele Padovano và Nicola Amoroso. Điều đáng nói, không ai trong số họ ghi quá 8 bàn ở Serie A mùa giải ấy nhưng mỗi người lại có những phẩm chất khác nhau, mang tới những giải pháp khác nhau cho từng tình huống. Mùa giải ấy, Juve đoạt Scudetto với thành tích ghi bàn đứng thứ 4 Serie A (bằng Inter).

Marcello Lippi: “Bố già” hồi sinh Juventus
Đôi bạn thân Lippi và Sir Alex Ferguson. Ảnh: AFP
 
Dưới sự dẫn dắt của Marcello Lippi ở giai đoạn đầu tiên, Juventus đoạt 3 Scudetto, 1 Coppa Italia, 4 Siêu cúp Italia, 1 Siêu cúp châu Âu, 1 Intercontinental Cup và 1 UEFA Champions League. Juventus đã lọt vào 3 trận chung kết Champions League liên tiếp từ 1996 tới 1998 và thua 2, nhưng điều đó không thể nào phủ nhận sự xuất sắc của Bianconeri ở giai đoạn ấy. 
 
Van Gaal nói sau trận bán kết lượt đi Champions League 1996/1997 là ông chưa từng gặp một đối thủ nào đánh bại Ajax của ông như cách Juventus đã làm, một đội bóng giàu kỹ thuật và giàu niềm vui khi theo dõi. Còn Sir Alex Ferguson phải thừa nhận coi Juventus thời điểm đó là một hình mẫu và muốn Manchester United của ông đạt tới đẳng cấp chơi bóng như vậy.
 
Và những chia sẻ của chiến lược gia người Scotland sau khi Lippi đã rời Juventus để tới Inter vào năm 1999 có lẽ cũng là lời kết hợp lý cho bài viết này về Lippi: “Thật may khi Lippi không còn ở cabin huấn luyện Juven nữa. Lippi là một người quá giàu sức hút. Nhìn vào mắt ông ấy là đủ để bạn có thể nói rằng mình đang đứng trước một người kiểm soát bản thân và công việc của ông tốt thế nào. Đôi mắt ấy đôi khi rực cháy bởi sự nghiêm túc, đôi khi lấp lánh và đôi khi đánh giá bạn một cách cẩn trọng, và chúng luôn sống động bởi sự hiểu biết”.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow