Matt Le Tissier - "Le God": Vĩ nhân sút phạt đền và những thứ không tưởng

Tác giả Skeleton - Thứ Hai 14/10/2024 17:01(GMT+7)

Zalo

Matt Le Tissier - cầu thủ mà các cổ động viên của "The Saints" vẫn trìu mến gọi là “Le God” - người được coi là một trong những cầu thủ biểu tượng ở thập kỷ đầu tiên tại kỷ nguyên Premier League.

thumb bai TDP-Recovered
 

Xavi, một trong những tiền vệ xuất sắc nhất của bóng đá thế giới từng khoác áo Barcelona và tuyển Tây Ban Nha đã phải thốt lên rằng: 'Tài năng của anh ấy đơn giản là vượt ngoài tiêu chuẩn. Anh ấy có thể rê bóng qua 7-8 cầu thủ mà không cần tốc độ. Việc anh ấy làm chỉ đơn giản là dẫn quả bóng và bước qua từng người. Đối với tôi, anh ấy là một cầu thủ thật sự phi thường.'"

Xavi đang nói về một trong những người hùng thời thơ ấu của mình, huyền thoại Matt Le Tissier của Southampton. Cầu thủ mà các cổ động viên của "The Saints" vẫn trìu mến gọi là “Le God” - người được coi là một trong những cầu thủ biểu tượng ở thập kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Premier League. Dù đã chơi cả sự nghiệp ở một câu lạc bộ ít nổi tiếng tại Anh, nhưng Le Tissier vẫn nhận được sự ủng hộ và lời tán dương vượt ra ngoài sân The Dell - sân nhà cũ của Southampton.

Matt Le Tissier là một cầu thủ có tài năng tuyệt vời với khả năng thực hiện những pha bóng táo bạo đến ngộp thở. Ông có phong cách chơi bóng ung dung, khoan thai và dường như không bao giờ bị rối trong các pha xử lý - điều ẩn chứa bên trong một tài năng thực sự của bóng đá.

matt le tissier
 

Xuất hiện vào cuối những năm 1980, Le Tissier là một tiền vệ tấn công sáng tạo với bộ kỹ thuật vượt trội khiến ông trở nên khác biệt so với hầu hết các đồng nghiệp cùng thời. Tuy nhiên, phong cách thi đấu chậm rãi của ông cũng thường bị hiểu lầm là thiếu nhiệt tình. Mặc dù là cầu thủ thiếu tốc độ và có một nền tảng thể lực không vượt trội, nhưng bù lại những điểm yếu đó, Matt Le Tissier lại có được sự thông minh khi cầm bóng và khả năng lừa bóng tài tình để nhẹ nhàng lướt qua đối thủ.

Matt Le Tissier ra mắt Southampton vào đầu mùa giải 1986/87 khi mới 17 tuổi trong trận thua 3-4 của The Saints trước Norwich. Vài ngày sau, ông có lần đầu tiên được đá chính trong màu áo của Southampton trong cuộc tiếp đón Tottenham Hotspur trên sân nhà. Chính từ lần ra sân này đã giúp Le Tissier dần trở thành lựa chọn chính thức trong đội hình của Southampton dưới sự dẫn dắt của HLV Chris Nicholl. Mùa giải năm đó, Matt Le Tissier ghi 6 bàn trong 24 trận đấu tại Division 1 (tiền thân của Premier League), trong đó bao gồm một cú hattrick vào lưới của Leicester City.

Đến năm 1990, Matt Le Tissier đã trở thành một trong những chân sút hàng đầu của giải đấu với 20 bàn thắng tại Division 1 - con số bàn thắng còn vượt qua cả huyền thoại Ian Rush. Thành tích ghi bàn năm đó của ông chỉ thua kém đúng 2 người là Gary Lineker và John Barnes. Nhưng những bàn thắng mà Matt Le Tissier ghi được lại không hề dễ dàng và đơn giản một chút nào. Ngay cả từ thời điểm còn rất trẻ, ông đã thường có những pha lập công ngoạn mục hơn rất nhiều các bàn thắng kiểu tận dụng cơ hội giống như một poacher. Mùa giải năm đó, Le Tissier cũng giành giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của PFA và là thành viên chính thức của đội U21 Anh.

Khi kỷ nguyên Premier League bắt đầu, Matt Le Tissier đã được nhiều câu lạc bộ lớn hơn săn đón. Việc chuyển đến Tottenham đã được đưa ra để thảo luận và trên thực tế là thương vụ đó cũng đã thỏa thuận xong. Matt Le Tissier từng chia sẻ với tạp chí FourFourTwo: "Tôi đã đồng ý các điều khoản trong hợp đồng và mọi thứ đều ổn, nhưng tôi huỷ kèo vì lúc đó sắp kết hôn và vợ sắp cưới của tôi không thích sống ở London."

Chúng ta có thể đã bỏ lỡ cơ hội chứng kiến một hàng công đầy hứa hẹn tại Tottenham với sự kết hợp của Le Tissier - Gary Lineker - Paul Gascoigne. Nhưng thay vào đó, chúng ta lại được chứng kiến lòng trung thành của một cầu thủ dành cả sự nghiệp của mình cho duy nhất một CLB - nơi anh trở thành biểu tượng của The Saints. Những thành tựu của Le Tissier có được tại Southampton đã mang lại cho anh danh hiệu huyền thoại đối với người hâm mộ của The Saints và trở thành thần tượng trong lòng các cổ động viên của giải đấu hấp dẫn nhất xứ sở sương mù.

Matt-Le-Tissier-Southampton
 

Trong một thời kỳ mà sơ đồ chiến thuật 4-4-2 không chỉ thống trị mà còn được xem là chuẩn mực duy nhất của bóng đá, Le Tissier đã phá vỡ khuôn mẫu về những gì một tiền vệ tấn công có thể làm. Bản thân Le Tissier không phù hợp với đội hình cứng nhắc như vậy, ông đôi khi được phép chơi tự do phía sau hàng tiền đạo, ông cũng có khả năng giữ bóng và sáng tạo ra các cơ hội ghi bàn ngay cả trong những tình huống mà tưởng chừng như không có cơ hội gì. Và trong rất nhiều lần sáng tạo như thế, đã có những pha bóng kỳ diệu được tạo ra dưới đôi chân của Matt Le Tissier.

Giai đoạn đỉnh cao của Le Tissier được gói gọn trong chuỗi những bàn thắng ngoạn mục ở khoảng giai đoạn từ 1993-1999. Đặc biệt nhất phải kể đến chính là mùa giải 1993/94, đó có lẽ là đỉnh cao của sự nghiệp thi đấu của Matt Le Tissier tại Anh. Mùa đó, ông ghi được 25 bàn thắng tại Premier League và thành tích đó được góp sức khá nhiều từ kỷ lục sút phạt đền thành công đầy ấn tượng. Trong suốt sự nghiệp, Matt Le Tissier đã thực hiện thành công 47/48 quả phạt đền. Người duy nhất cản phá được quả phạt đền của Matt Le Tissier là Mark Crossley của Nottingham Forest. Khoảnh khắc thủ thành này cản phá được quả phạt đền của Matt Le Tissier cũng có thể coi là điểm sáng nhất trong sự nghiệp của thủ môn chơi cho Nottingham Forest. Ngoài thành tích cực khủng trên chấm phạt đền, Matt Le Tissier còn có được những bàn thắng từ ngoài vòng cấm địa xứng đáng được coi là "những viên ngọc quý".

Hai bàn thắng của ông trong chiến thắng 2-1 trước Newcastle vào năm 1994 là những pha bóng đáng nhớ nhất. Bàn đầu tiên đến từ một đường chuyền dài của Iain Dowie đánh đầu xuống vị trí của Le Tissier, nhưng quả bóng ở tình huống này lại rơi ở vị trí khá bất lợi - phía sau lưng của Le Tissier. Nhưng không vì thế mà tay săn bàn của The Saints dừng bước, ông dùng chân trái gẩy bóng điệu nghệ về phía trước - một phản ứng đầy bản năng của Le Tissier giúp đưa trái bóng vào vị trí hoàn hảo cho pha xử lý tiếp theo.

Hậu vệ Newcastle - Barry Venison đã lao tới cố gắng cản phá, nhưng Le Tissier đã chạm vào bóng trước và dùng một nhịp tâng bóng nhẹ vượt qua tầm đầu của đối phương. Một hậu vệ khác của Newcastle - Kevin Scott cũng xuất hiện để hỗ trợ bọc lót và cản phá tình huống bóng. Nhưng thay vì rẽ sang trái hay phải, phản ứng tự nhiên của Le Tissier lại là lốp bóng qua đầu Scott và pha bóng ngẫu hứng đó cũng đã loại hậu vệ tiếp theo của Newcastle ra khỏi cuộc chơi. Khi đã xử lý xong 2 hậu vệ trước mặt, giờ đây đối thủ của Le Tissier chỉ còn là thủ thành Mike Hooper bên trong khung gỗ. Khi bóng rơi xuống tầm chân, ông nhẹ nhàng dùng má trong chân phải đưa bóng vào lưới và khiến Hooper bị đánh lừa. Quả bóng ở tình huống này không bay vào lưới một cách mạnh mẽ như Le Tissier hay sút mà nó lại đi rất từ từ và chậm rãi vào phía góc lưới của Newcastle. Mặc dù lần này cú sút của Le Tissier không hoàn hảo như mong muốn của ông nhưng bóng vẫn lăn vào lưới và vẫn có bàn thắng cho The Saints.

 

“Thực ra lúc đó tôi định sút bằng lòng bàn chân với lực khá mạnh,” Le Tissier nhớ lại và chia sẻ với tờ The Guardian, “... nhưng quả bóng lại chạm vào phần dưới lòng bàn chân của tôi nên lực của quả bóng không đúng như ý tôi mong muốn.” 

Nhưng dù có là không đúng như mong muốn của Le Tissier thì đó vẫn là một bàn thắng đẹp mắt của ông. Đó có lẽ là bàn thắng mà người ta sẽ khiến người ta nhớ đến cái Le Tissier nhiều nhất. Tuy nhiên, trong trận đấu đó còn có một ứng cử viên khác cho danh hiệu bàn thắng đáng nhớ nhất của Le Tissier.

Sau bàn gỡ hòa của Andy Cole cho Newcastle, Le Tissier đã có được bàn thắng để ấn định chiến thắng 2-1 đầy cảm xúc. Khống chế quả đánh đầu từ đồng đội bằng đùi phải, ông tâng bóng lên trước khi xoay nửa thân người và thực hiện cú vô-lê không thể cản phá vào góc cao khung thành của Hooper. Đó là một bàn thắng đến từ sự tự tin tuyệt đối sau pha xử lý và dứt điểm trước đó, nhưng nhìn chung pha bóng ấy xảy ra cũng là do thời điểm đó Le Tissier đã quá mệt rồi. Ông thừa nhận rằng nếu quả bóng không rơi ngay trước mặt, ông sẽ không đủ sức để chạy theo nó và xử lý. Le Tissier đã quá mệt để ăn mừng một cách hoành tráng nhất cho siêu phẩm của mình, nhưng phần này có lẽ ông không phải lo vì các đồng đội vẫn thừa sức thay ông làm công việc đơn giản đó.

Cuối mùa giải năm 1994, trong trận đấu với Wimbledon, Le Tissier lại có thêm một cú sút mang tính biểu tượng khác. Sau khi được hưởng quả phạt ngay rìa vòng cấm, Jim Magilton đã chuyền bóng về cho Le Tissier. Với sự bình tĩnh của mình, Le Tissier đã tâng bóng lên trước khi tung cú vô-lê bằng chân phải để đưa bóng vọt qua hàng rào và đi vào góc cao khung thành. Sau đó là bàn thắng được bầu chọn là đẹp nhất của mùa giải năm 1995 - một pha đi bóng cận chân điêu luyện trước khi kết thúc bằng cú sút lốp bóng từ khoảng cách hơn 40 mét để hạ gục thủ môn Tim Flowers của Blackburn. Những khoảnh khắc đẹp trong sự nghiệp của Le Tissier từ đó cứ nối tiếp mà không có dấu hiệu của sự dừng lại.

 

Và cũng không thể phù hợp hơn khi bàn thắng cuối cùng của Le Tissier cho Southampton cũng là bàn thắng cuối cùng được ghi tại sân The Dell trước khi câu lạc bộ chuyển đến sân vận động mới ở St Mary’s. Ở trận đấu với Arsenal, Matt Le Tissier vào sân từ băng ghế dự bị khi trận đấu cuối cùng của mùa giải 2000/01 chỉ còn lại 17 phút.

The Saints lúc đó đã hai lần san bằng tỉ số trước tập thể Arsenal hùng mạnh - đội bóng sẽ kết thúc mùa giải với vị trí Á quân của mùa giải 2000/01. Khi trận đấu bước vào phút cuối cùng, đó sẽ là khoảnh khắc hoàn hảo cho một cú sút cuối cùng đầy tuyệt vời bằng chân phải của Le Tissier.  Chớp lấy cơ hội từ quả bóng nảy ra ở rìa vòng cấm, Le Tissier đã dùng một nhịp khống chế trước khi xoay người và tung cú vô-lê tuyệt đẹp để đưa bóng vào lưới của Arsenal. Một bàn thắng tuyệt vời cho Le Tissier, một bàn thắng tuyệt vời để khép lại mùa giải với chiến thắng trước đội Á quân và một bàn thắng tuyệt vời để thổi bùng lên những cảm xúc thăng hoa cuối cùng của người hâm mộ Southampton tại sân The Dell.

 

Sự đa dạng và phong phú của những bàn thắng tuyệt đẹp, sự thường xuyên của những khoảnh khắc phi thường đã nói lên niềm tin của người hâm mộ vào khả năng của Le Tissier trong việc thử những điều mà người khác thậm chí còn không dám nghĩ tới. Nhưng chính điều này cũng làm tăng thêm nhận thức cho mọi người vào thời điểm đó rằng: Southampton là đội bóng một người. Tần suất những nỗ lực như vậy của Le Tissier chỉ để giúp The Saints tránh khỏi việc xuống hạng càng củng cố quan điểm này thêm phần chắc chắn.

"Câu chuyện đội bóng một người đã bị đẩy đi quá xa," Le Tissier chia sẻ với tờ The Independent. "Tôi đã nhận rất nhiều chỉ trích từ các đồng đội và điều đó vô tình tạo ra áp lực không mong muốn cho bản thân tôi." 

Mặc dù cảm thấy gánh nặng phải gánh vác trách nhiệm, nhưng thực ra điều khiến Le Tissier lo lắng nhất là mong muốn hòa nhập vào bầu không khí phòng thay đồ và giữ đôi chân trên mặt đất cũng như duy trì tinh thần đồng đội. Anh muốn có không khí hoà nhã với mọi người thay vì nuôi dưỡng ấn tượng với truyền thông và khán giả của bóng đá Anh rằng đội bóng Southampton chỉ dựa đúng cái tên Le Tissier. "Tôi dành phần lớn thời gian trong tuần để tự hạ thấp bản thân vì điều đó," Le Tissier nói thêm. "Vì cơ bản, bạn thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào cách bạn cư xử trong phòng thay đồ."

Bản thân Le Tissier cũng cảm thấy bản thân là gánh nặng khi phải sống theo những thành tích đã đạt được trước đây. "Sự sa sút phong độ là điều không thể tránh khỏi, bởi có thời điểm dường như bất cứ cú sút nào từ ngoài vòng cấm của tôi cũng đều tìm đến góc cao," Le Tissier nhớ lại. Việc xuống dốc phong độ không thể tránh khỏi này đã dẫn đến giai đoạn khó khăn trong sự nghiệp của Le Tissier vào cuối những năm 90 - điều phần nào cũng đã phản ánh khi Le Tissier khoác lên mình màu áo của Tam Sư.

H4586-L217057458
 

Đối với những người yêu thích cái đẹp và những thứ được coi là biểu tượng, thật đáng tiếc khi một cầu thủ tài năng và được yêu mến như Le Tissier lại không thể ghi dấu ấn của bản thân ở cấp độ quốc tế. Matt Le Tissier chỉ chơi 8 trận cho đội tuyển Anh và tạo ra rất ít ảnh hưởng với toàn đội. Một phần là do lúc đó tuyển Anh có quá nhiều lựa cho cho dàn tấn công, nhưng chủ yếu vẫn là do vấn đề muôn thuở Tuyển Anh khi họ không biết làm thế nào để lắp ghép một tài năng có nhiều tính đột biến vào một hệ thống chiến thuật cứng nhắc mà họ tạo ra. Matt Le Tissier chưa từng một lần ghi bàn cho đội tuyển Anh trong sự nghiệp thi đấu của mình. Mặc dù trong quá khứ, Le Tissier cũng đã có lần lập hattrick cho đội B của tuyển Anh nhưng ở mùa hè 1998, ông vẫn không có mặt trong danh sách chính thức của Tam Sư tham dự World Cup 1998. Sau cú sốc không được chọn vào World Cup 1998, Le Tissier cảm thấy khó duy trì được phong độ như trước và cũng đánh dấu luôn quá trình sa sút trong sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên vết gợn đó không thể nào che lấp đi sự thật rằng tài năng đặc biệt của Le Tissier đã để lại dấu ấn không thể phai mờ ở Premier League. Ông sở hữu khả năng thay đổi cục diện trận đấu chỉ với những phẩm chất cá nhân. Và với những khó khăn mà The Saints phải đối mặt trong phần lớn thời gian ông thi đấu, việc phải tạo ra những khoảnh khắc thay đổi cục diện trận đấu dường như đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên mà Le Tissier phải thực hiện. Quả bóng dường như dính chặt vào chân Le Tissier khi ông tạo ra những cơ hội từ những pha bóng dường như chẳng có gì lấy làm nguy hiểm. Và cũng từ những thứ chẳng ai dám tin mà Le Tissier đã hoàn thiện nó một cách tuyệt vời và khiến mọi người phải ngả mũ thán phục. Matt Le Tissier là một ẩn số, một tài năng bẩm sinh có thể phá vỡ mọi quy chuẩn của bóng đá, và ông sẽ mãi được ghi nhận là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của thập kỷ đầu tiên của Premier League.

Nguồn: Names of the Nineties: Matthew Le Tissier - Aidan Williams (These Football Times)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow