Nguyễn Thái Sung từng được gọi là thần đồng khi anh là đại diện duy nhất của Việt Nam được học viện Aspire cấp học bổng đào tạo. Nhưng hành trình sự nghiệp sau đó của anh không suôn sẻ. Có những nuối tiếc, những dở dang khi Thái Sung quyết định kết thúc sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp ở tuổi 27. Dù vậy, sau tất cả, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, và giờ đây Thái Sung đã sẵn sàng cho một chương mới của cuộc đời.
Giấc mơ ở Qatar
- Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên biết đến cái tên Nguyễn Thái Sung là khoảng hơn chục năm trước, khi ấy tôi đọc trên một tờ báo và thấy thông tin anh được lựa chọn đến học viện Aspire của Qatar. Thời điểm đó anh vẫn còn nhỏ. Đó có phải chuyến đi nước ngoài đầu tiên của anh hay không?
- Không, tôi đã đi nước ngoài từ năm 13 tuổi. Lúc đó tôi đi Nhật Bản để đá giải U13 sau khi vô địch toàn quốc. Tôi đi Nhật rồi đi Malaysia. Sau đó tôi còn cùng U15 Việt Nam đi đá ở Thái Lan. Lứa U15 năm đó là thế hệ 1994 có những người như Đặng Anh Tuấn, Nguyễn Xuân Nam,… Còn Qatar thì sau đấy tôi mới đi. Tôi đã đi nhiều nước rồi mới đi Qatar.
- Đã đi nước ngoài rồi, vậy chuyến đi Qatar có khiến anh bỡ ngỡ hay không?
- Bỡ ngỡ chứ vì khi đó tôi còn nhỏ lại không biết tiếng Anh. Nhưng đã xác định trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì đi đâu cũng phải cố gắng thôi.
- Hành trình bóng đá của anh bắt đầu từ khi nào?
- Từ năm 10 tuổi. Lúc đó tôi đá cho trường tiểu học, sau khi đá tốt thì quận gọi vào thi đấu cho quận rồi sau đó vào đội U11 của thành phố. Tôi được đào tạo từ đó và mỗi năm lại đá giải toàn quốc.
- Gia đình anh có hướng anh theo nghiệp bóng đá không?
- Ban đầu thì không vì lúc đó tôi còn nhỏ và bóng đá lại chưa phát triển. Nhà tôi không ai theo nghiệp thể thao cả, bố mẹ chỉ làm công ăn lương thôi. Nhưng bố mẹ thấy tôi đam mê quá nên chiều theo mong muốn của tôi.
- Vậy cơ duyên nào gắn kết anh với Aspire?
- Họ đến Việt Nam thông qua chương trình đào tạo cầu thủ bóng đá ở các nước chậm và đang phát triển ở Đông Nam Á, châu Phi và cả châu Mỹ nữa. Mỗi năm họ lại đi tìm người. Ở Việt Nam họ lọc ra khoảng 50 người vào vòng tuyển chọn ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó tiếp tục lựa ra 2-3 đại diện đến Qatar kiểm tra một lần nữa rồi chọn những người xuất sắc nhất để đào tạo trong 3 năm.
- Ở đội Đà Nẵng của anh khi đó có đăng ký nhiều hay không?
- Đội Đà Nẵng khi đó rất nhiều. Phải nói rằng lứa cầu thủ 1994 của Đà Nẵng đó rất hay, đi đá giải toàn quốc chúng tôi thường xuyên đoạt chức vô địch. Lứa chúng tôi vô địch giải U11, U13, U17 còn U15 thì về nhì. Có thể nói gần như năm nào cũng có giải. Lứa cầu thủ đó rất hay nhưng không gặp nhiều may mắn.
- Và cuối cùng anh là cái tên duy nhất được chọn…
- Năm nào Aspire họ cũng đi tìm cầu thủ, trong khoảng 7-8 năm. Có thể nói tôi may mắn khi là người được lựa chọn.
- Quy trình hay bài thử thách nào cho thấy sự lựa chọn gắt gao của Aspire thời điểm đó?
- Họ kiểm tra tất cả từ máu, nước tiểu, xương cho đến thể lực, sức mạnh, tư duy chiến thuật, tốc độ, sức nhanh. Họ kiểm tra mọi yếu tố cần có của một cầu thủ chuyên nghiệp. Chúng tôi phải trải qua đợt kiểm tra ở Qatar trong vòng 1 tháng. Có thể nói để được chọn khi đó là rất khó bởi họ kiểm tra rất kỹ. Còn một thứ nữa mà tôi chưa nhắc đến là kiểm tra về phản xạ trong bóng đá.
- Anh có thể nói chi tiết hơn một chút về bài kiểm tra đó không?
- Giống như chơi một trò chơi vậy, bạn sẽ ngồi trước một chiếc máy tính. Trên màn hình hiện ra ký hiệu gì bạn phải bấm vào ký hiệu đó, nôm na là như vậy. Để miêu tả chi tiết và cụ thể thì rất khó nhưng bạn có thể tưởng tượng nó giống như một trò chơi điện tử đòi hỏi tư duy và phản xạ của bạn.
Có thể nói ở đó họ kiểm tra một cầu thủ rất toàn diện để xem cầu thủ có thể phát triển tốt hay không. Ví dụ, một cầu thủ có thể tốt về chuyên môn nhưng gặp vấn đề sức khoẻ thì họ sẽ không lấy.
Nguyễn Thái Sung chụp hình cùng Franck Ribery khi Bayern Munich có chuyến tập huấn tại Aspire. Ảnh: FB nhân vật
- Khi ấy anh vẫn còn nhỏ. Tôi có thể tưởng tượng rằng nếu anh đến Nhật Bản hay Hàn Quốc, cảm giác sẽ vẫn gần Việt Nam hơn là đi Qatar – một nơi rất xa Việt Nam. Gia đình anh phản ứng thế nào với học bổng anh nhận được từ Aspire?
- Gia đình tôi đồng ý chứ vì đâu dễ gì được đào tạo nước ngoài. Lúc đó chưa có chương trình nước ngoài nên được đi nước ngoài đã hãnh diện rồi, được đào tạo ở nước ngoài nữa thì không phải ai muốn cũng được. Đó là nơi phát triển tốt nhất cho mình, giúp mình có thể nghĩ tới tới châu Âu chơi bóng, ví dụ như vậy. Tôi không nói là mình chơi được ở châu Âu mà nhận được cơ hội tới Aspire giúp mình có thể nghĩ tới cơ hội đến châu Âu chứ không chỉ bó hẹp ở Đông Nam Á. Bố mẹ tôi không hề ngăn cản mà luôn ủng hộ, bạn bè người thân của tôi cũng vậy.
- Vậy là lúc đó anh đã nghĩ đến chuyện một ngày mình sẽ chơi bóng chuyên nghiệp ở nước ngoài rồi?
- Tôi chỉ nghĩ tới việc trở thành cầu thủ chuyên nghiệp mà thôi. Tôi không đặt nặng việc chơi bóng ở châu Âu mà ý tôi ở đây đó là môi trường ở đó có thể giúp tôi phát triển rồi biết đâu đấy cơ hội đến. Còn việc trở thành cầu thủ chuyên nghiệp là điều tôi hướng đến và chắc chắn phải làm được.
- Tôi nghĩ bản thân anh khi đó khá háo hức với hành trình mới. Nhưng bên cạnh sự háo hức, anh có chút e ngại nào không? Tuy đó không phải lần đầu đi ra nước ngoài nhưng anh sẽ phải một thân một mình sống xa xứ.
- Tất nhiên rồi. Nhìn thì ai cũng thấy sướng, bảo thằng này được đi nước ngoài rất sướng. Nhưng kỳ thực khổ lắm. Tuy nhiên đó chỉ là khổ với bản thân tôi thôi vì khi đó tôi còn quá nhỏ. Nếu biết tiếng Anh thì đỡ biết bao nhiêu nhưng tôi không biết tiếng Anh. Đến đó phải thích nghi với cuộc sống, phong tục tập quán nữa. Bóng đá ở đó cũng khác, chênh lệch đẳng cấp nhiều so với ta nên tôi phải cố gắng. Vì còn nhỏ nên tôi trải qua nhiều khó khăn, phải cố gắng lắm mới qua được 3 năm đó. Nhưng tôi luôn tự hào vì mình đã trải qua được.
- Anh phải thích nghi với điều gì với đời sống ở Qatar và có thứ gì khiến anh bị sốc văn hoá hay không?
- Nếu sống ở châu Âu thì có lẽ dễ hơn ở Qatar. Cuộc sống ở đó khá khắt khe, người dân không thoáng và khá khó gần. Văn hoá đạo Hồi khá nghiêm ngặt và họ không ra ngoài thường xuyên. Nhưng ở bên kia thì mình phải theo phong tục tập quán tại đó, dần dần thích nghi rồi cũng quen.
- Ở Aspire, việc tập luyện trong một ngày diễn ra như thế nào?
- Ban đầu tôi chưa đi học nên chỉ tập thôi, sau đó thì tôi đi học. Ở đó tôi học văn hoá, bao gồm cả tiếng Anh. Sáng ngủ dậy ăn sáng rồi đi học, học xong rồi đi tập. Sau khi đi tập về thì ăn trưa, chiều lại đi học rồi tập tiếp, sau đó tôi về nghỉ ngơi. Cuối tuần chúng tôi được nghỉ. Nói chung mọi thứ diễn ra nhanh lắm. Thi đấu thì mỗi tuần đá một trận, họ mời các CLB về đá, có cả các đội bóng lớn.
- Một trong những mục tiêu của Aspire là đào tạo nguồn lực cho ĐT Qatar hướng đến World Cup 2022. HLV trưởng của ĐT Qatar bây giờ là ông Felix Sanchez – người từng làm việc ở La Masia trước khi gia nhập Aspire rồi kinh qua các cấp ĐT Qatar. Vì vậy có cảm giác triết lý của Aspire khá phù hợp với những cầu thủ có kỹ thuật cá nhân và sự nhanh nhẹn như anh phải không?
- Aspire thuê nhiều HLV từ châu Âu, đa số là Tây Ban Nha. Họ muốn hướng tới thứ bóng đá hiệu quả, phù hợp nhất với cầu thủ châu Á, tôi nghĩ là như vậy.
- Tôi thấy có hai bức hình anh chụp với Franck Ribery và Michael Ballack. Thời điểm đó anh sang Qatar lâu chưa?
- Lúc đó tôi đã đến Aspire hơn một năm. Các đội bóng lớn đến Aspire tập huấn nhiều lắm, mỗi năm khoảng 10 đội vào mùa hè. Lúc đó họ đá giao hữu xong, tôi gặp họ trên đường vào nhà vệ sinh và xin chụp ảnh.
Phải nói là tôi có dịp được gặp nhiều cầu thủ nổi tiếng lắm, nhất là trong các chuyến du đấu, nhưng không chụp ảnh bởi tính tôi vốn không thích chụp ảnh để phô trương. Nhưng thời điểm đó tôi rất thích Ribery và Ballack nên xin chụp với họ.
Ảnh: FB nhân vật
- Trong khoảng thời gian ở Aspire, anh có được về Việt Nam nhiều chứ?
- Mỗi năm tôi về hai lần, hè thì 45 ngày còn Tết dương lịch thì 2 tuần.
- Ở tuổi của anh khi ấy, việc nhận được học bổng đào tạo bóng đá ở nước ngoài là điều rất đáng tự hào. Phản ứng của những người xung quanh trong những lần về nhà đó ra sao?
- Thực sự lúc đó tôi rất hãnh diện, bố mẹ tôi tự hào, bà con hàng xóm cũng vui cho tôi. Mọi người đều mong sau này tôi sẽ thành công, sau này thành cầu thủ chuyên nghiệp, được đi ra nước ngoài đá bóng. Nhưng cuộc đời đâu phải đơn giản như chúng ta muốn. Họ chỉ nghĩ đơn giản như vậy, còn những người làm chuyên môn như tôi thì sẽ khác.
- Sau khi rời Aspire, anh vẫn giữ liên lạc với những người bạn cùng khoá với mình chứ?
- Khoảng cách xa quá nên chúng tôi ít liên lạc, ngoại trừ một người bạn ở Thái Lan. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hỏi thăm tình hình của nhau. Hiện giờ cậu ấy vẫn đang chơi bóng ở quê hương.
“Ai nói gì thì nói, mình cứ đá Hạng Nhì cũng không sao. Mình đá để cọ xát mà”
- Là cầu thủ hiếm hoi của bóng đá Việt Nam được đào tạo trẻ từ nước ngoài, khi về Việt Nam anh có thấy hụt hẫng hay không?
- Hụt hẫng chứ! Một phần vì tôi đã được đào tạo ở môi trường tốt hơn, một phần vì lúc đó tôi mới có 18-19 tuổi, vẫn còn trẻ và cần rèn luyện, cải thiện nhiều cả về chuyên môn lẫn tâm lý. Một cầu thủ trẻ giống như viên ngọc thô, nếu không được mài giũa thì khó mà sáng được. Nếu có người dìu dắt và gặp chút may mắn thì sẽ phát triển tốt.
- Anh mất bao lâu để hoà nhập lại với môi trường bóng đá Việt Nam?
- Cũng khá nhiều thời gian để làm quen lại đấy, khoảng 2-3 năm. Lúc đó tôi vẫn là cầu thủ trẻ mà, suy nghĩ còn có những điều bồng bột. Vấn đề chủ yếu là tư tưởng và tâm lý nhiều hơn là ở chuyên môn, tôi không muốn đi quá sâu nhưng chủ yếu là như vậy. Đến khi tới CLB Hà Nội ở Hạng Nhì (bây giờ là CLB Sài Gòn – BTV) tôi mới tập trung lại được. Tôi suy nghĩ là ai nói gì thì nói, mình cứ đá Hạng Nhì cũng không sao, mình đi đá để cọ xát mà.
- Là cầu thủ được đi đào tạo ở nước ngoài, anh không sợ những lời ra tiếng vào khi đá ở Hạng Nhì hay sao?
- Người ta nói những điều tiêu cực nhiều lắm, nhưng tôi không sợ. Tôi xác định đi trải nghiệm, cọ xát để tốt cho sự nghiệp của mình mà.
- Tôi thấy trên trang cá nhân anh mới đăng một bức ảnh chụp chung với Hùng Dũng ở sân bóng. Có phải hai anh quen nhau trong quãng thời gian khoác áo Hà Nội?
- Không, chúng tôi quen nhau từ khi ở U19 Việt Nam. Khi mới về Việt Nam tôi khoác áo đội U19 Việt Nam có Hùng Dũng, Quế Ngọc Hải, Đặng Văn Lâm, Xuân Nam, Đặng Anh Tuấn,… Đó là lứa 1993-1994. Tôi quen Dũng ở đấy. Sau đó tôi ra Hà Nội thì gặp lại và đá cùng một mùa nữa. Bức ảnh này được chụp cách đây chưa lâu khi chúng tôi đá phủi với nhau.
- Thành tích của lứa U19 các anh như thế nào?
- Nói về bóng đá còn phải nhắc tới tính thời điểm nữa, thực sự là như vậy. Thời điểm rất quan trọng. Lúc đó lứa U19 bọn tôi đi đá giải ở UAE các trận đâu có được phát truyền hình trực tiếp và mọi người cũng không quan tâm nhiều như bây giờ. Còn về thành tích khi đó chúng tôi không có gì. Đội U19 Việt Nam ấy đá vòng chung kết châu Á và dừng bước từ vòng bảng. Tôi chỉ đá giải đó thôi.
Thái Sung và Hùng Dũng tại sân bóng phủi. Ảnh: FB nhân vật
- Sau U19 anh có lên U21 Việt Nam nhưng chỉ dừng ở đó. Sau này anh không đá cho đội U23 và đặc biệt là đội tuyển quốc gia. Vậy không được lên ĐTQG có phải nỗi nuối tiếc lớn nhất trong sự nghiệp của anh?
- Chủ yếu vì tôi ít được đá thì sao mà lên đội tuyển được. Mình phải được đá, phải khẳng định bản thân thì mới được chú ý. Thực sự lúc đó tôi không được thi đấu nhiều.
“Bây giờ thì tốt hơn rồi”
- Sự nghiệp của anh khá lận đận, từ Đà Nẵng ra Hà Nội rồi lại cùng đội bóng vào Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó anh được cho mượn tiếp ở Kon Tum trước khi dừng chân tại Long An. Có vẻ như quãng thời gian của anh ở Long An khá tốt, nhưng anh lại gặp khá nhiều chấn thương.
- Ở Long An tôi bị chấn thương nhiều nhất. Trước đó tôi đã chấn thương nhiều rồi, đến Long An cũng chấn thương nhiều nữa, từ háng, gối, cổ chân,… gì cũng có. Trong đó đầu gối và cổ chân là nặng nhất vì tôi bị đứt dây chằng. Từ năm 2017 tôi bị chấn thương suốt, hồi phục rồi lại tái phát liên tục.
- Trong quãng thời gian chấn thương triền miên đó, hẳn anh rất chán nản. Lúc ấy anh suy nghĩ những gì?
- Chán chứ. Khi ấy tôi biết mình bị chấn thương nặng nhất rồi, đứt dây chằng, rách sụn mà. Lúc đó tôi đã nghĩ đến con đường khác. Tôi cứ chữa trị, đi đá lại rồi tái phát, lại đi chữa trị rồi đá lại. Cứ như vậy thì thôi mình nghỉ đá bóng đi, tôi quyết định thế. Tôi cảm thấy mình bị chấn thương nhiều quá và không đá được nữa.
Thực sự là khi kết thúc hợp đồng với Long An, tôi cũng đã đi Cần Thơ thử việc, coi như là cơ hội cuối cùng. Nhưng tôi tôi cảm thấy đôi chân mình không ổn. Tôi biết chân mình yếu, nó bị đi bị lại suốt. Nói chung là khó lắm, đến đá phủi bây giờ tôi đá vui thì được chứ đá giải thì khó.
- Vậy mất bao lâu để anh đưa ra quyết định treo giày?
- Khá lâu đấy bởi ban đầu tôi không chịu giải nghệ mà. Bố mẹ tôi thì khuyên là làm việc khác chứ đừng cố nữa, cố nữa lỡ bị lại thì sao rồi cứ dai dẳng mãi.
- Hẳn lúc đó anh đã có hướng đi mới cho mình rồi phải không?
- Đúng vậy, khi ấy tôi đã có hướng đi mới cho bản thân là kinh doanh quần áo song song với việc dạy bóng đá cộng đồng. Nếu chưa có hướng khác tôi sẽ không giải nghệ đâu.
- Và công việc kinh doanh quần áo đến với anh như thế nào?
- Đó là cái duyên, thực sự là vậy. Nghề cầu thủ của tôi đã không được may mắn thuận lợi thì tôi gặp được công việc này, nó đang đi đúng hướng và rất tốt. Thực sự để bắt đầu tương đối khó khăn nhưng mọi thứ đang đi đúng hướng bởi xung quanh tôi có những người giỏi, người tốt giúp đỡ. Họ đã trải qua nhiều, có những thua lỗ và có nhiều kinh nghiệm để truyền cho tôi. Tôi gặp bạn tôi khi đang ra Hà Nội đá giải phủi HPL. Trước khi giải nghệ, tôi ra Hà Nội nói chuyện với bạn tôi và tôi bắt đầu chuyển hướng qua kinh doanh quần áo.
- Nhìn lại sự nghiệp của bản thân, điều gì khiến anh hối tiếc nhất? Và nếu được lựa chọn lại một điều trong sự nghiệp, anh sẽ chọn điều gì?
- Tôi không hối tiếc khi làm cầu thủ. Với bóng đá tôi được là chính mình, đó là công việc tôi làm tốt. Nếu được chọn lại, tôi vẫn làm cầu thủ. Còn riêng trong sự nghiệp bóng đá, nếu được chọn lại tôi vẫn chọn ở Đà Nẵng. Đó là nơi đào tạo tôi nên người, nơi đó có người thầy giúp tôi phát triển là thầy Võ Phước. Dù bóng đá không chọn tôi nhưng tôi vẫn chọn bóng đá.
- Vậy sau khi đã nghỉ chơi bóng chuyên nghiệp rồi, anh hài lòng với cuộc sống hiện tại chứ?
- Tôi rất hài lòng vì có thể kiếm được tiền ngoài bóng đá. Lúc trước tôi nghĩ rằng mình chỉ kiếm được tiền từ bóng đá vì chưa học nghề nào khác và nghĩ không có bóng đá thì tôi không thể làm gì cả. Nhưng bây giờ tôi đã kiếm được thu nhập ngoài bóng đá, khi bán được bộ quần áo cho khách tôi rất vui. Khi trước tôi chỉ tập trung đá bóng, gặp nhiều chấn thương và khá buồn, nhưng bây giờ thì tốt hơn nhiều rồi.
Trong khi Pep Guardiola đang cố gắng chấm dứt chuỗi phong độ tệ hại nhất của CLB trong 1 thập kỷ, Cole Palmer, Jadon Sancho, Romeo Lavia và Tosin Adarabioyo đang cùng HLV Enzo Maresca làm nên cuộc cách mạng tại Chelsea.
Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.
“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.
Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?
Ở mỗi đội bóng trước đây, HLV Arne Slot luôn có một “số 9” biết cách ghi ít nhất 20 bàn/mùa. Còn tại Liverpool bây giờ, ông dường như vẫn chưa dứt khoát chọn được ai giữa Diogo Jota và Darwin Nunez làm “số 9”.