Những bộ ba tấn công hay nhất trong lịch sử Champions League: Từ MSN, BBC đến bộ ba R

Tác giả Sói Bạc - Thứ Bảy 12/04/2025 08:52(GMT+7)

Zalo

Hôm thứ Tư, Robert Lewandowski, Raphinha và Lamine Yamal đã trình diễn một màn tấn công thượng hạng trong chiến thắng 4-0 của Barcelona trước Borussia Dortmund. Kỹ thuật, tốc độ và sự lạnh lùng trong dứt điểm của họ khiến người ta liên tưởng tới những bộ ba xuất sắc nhất từng tung hoành tại châu Âu trong kỷ nguyên hiện đại.

GettyImages-476132834-2048x1458
 

The Atheltic đã mời tám cây bút của mình nhìn lại ký ức và chia sẻ về những bộ ba tấn công vĩ đại nhất mà họ từng chứng kiến trong lịch sử đầy hào hùng của giải đấu này.

Danh sách này có thể không bao quát hết, nhưng chỉ riêng những cái tên có mặt ở đây cũng đủ khiến người ta ngân nga giai điệu quen thuộc của bài nhạc hiệu Champions League.

Lionel Messi, Luis Suarez và Neymar tại Barcelona

Chúng ta có thể chỉ cần nói về những con số. Trong ba mùa giải sát cánh cùng nhau, Messi, Suarez và Neymar đã ghi tổng cộng 363 bàn thắng trên mọi đấu trường. Riêng mùa giải 2015/16, họ đóng góp 131 bàn: Suarez 59, Messi 41 và Neymar 31.

Nhưng ngay cả những con số phi thường ấy cũng không thể lột tả hết sự xuất chúng của bộ ba này. Họ không chỉ đơn thuần là ba cầu thủ đẳng cấp mang đến mối đe dọa tấn công, mà là ba trong số những tiền đạo tài năng nhất lịch sử bóng đá, liên tục kết hợp với nhau một cách đầy mê hoặc và bản năng — đưa bóng đá lên một tầm cao mới.

Barcelona từng sở hữu nhiều hàng công xuất sắc như thế qua các năm, từ “Dream Team” của Johan Cruyff đầu thập niên 1990, đến bộ ba Rivaldo-Kluivert-Saviola những năm 2000, và sau đó là các đội hình được Pep Guardiola xây dựng với Thierry Henry và Samuel Eto’o, rồi David Villa và Pedro: những người từng là bạn diễn hoàn hảo bên cạnh thiên tài Messi.

Thế nhưng bộ ba mang tên 'MSN' xuất hiện vào giữa thập niên 2010 lại là một đẳng cấp hoàn toàn khác: ba tiền đạo tài năng đến mức phi thường, và đặc biệt hơn nữa, họ đủ vị tha để giúp nhau phát huy tối đa phẩm chất cá nhân.

Mohamed Salah, Sadio Mane và Roberto Firmino tại Liverpool

Ngay trong mùa Champions League đầu tiên trong tổng số năm mùa sát cánh cùng nhau, Mohamed Salah, Sadio Mane và Roberto Firmino đã lập tức gây ấn tượng mạnh. Mỗi người ghi được 10 bàn thắng, góp công lớn giúp Liverpool tiến vào trận chung kết mùa giải 2017-18 tại Kyiv.

Những pha phản công chớp nhoáng của họ chắc chắn sẽ sống mãi trong ký ức người hâm mộ. Không có cảm giác nào cuốn hút và hồi hộp bằng việc chứng kiến ba “mũi tên đỏ” lao về phía khung thành đối phương và khắc tên mình vào sách kỷ lục. Họ đã khơi lại tinh thần của những đêm châu Âu huyền thoại tại Anfield và tái định nghĩa chúng cho cả một thế hệ người hâm mộ mới.

Những bộ ba tấn công hay nhất trong lịch sử Champions League Từ MSN, BBC đến bộ ba R 1
 

Tổng cộng, bộ ba Salah, Mane và Firmino ghi được 338 bàn thắng và có 139 pha kiến tạo trong năm mùa giải chơi cùng nhau. Tất nhiên, họ luôn biết cách để dành những màn trình diễn xuất sắc nhất cho Champions League, với 77 bàn thắng và 26 pha kiến tạo tại đấu trường danh giá này. Sau thất bại trong trận chung kết với Real Madrid năm 2018, họ đã trở lại mạnh mẽ và giành chức vô địch vào năm 2019.

Và ở mùa Champions League cuối cùng chơi cùng nhau, cũng giống như mùa đầu tiên, họ lại tiến vào trận chung kết lần thứ ba. Dù tiếp tục để thua Real Madrid, nhưng họ đã góp phần viết lại câu chuyện. Liverpool trở lại sân chơi danh giá nhất châu Âu vào năm 2017 trong vai kẻ chiếu dưới, nhưng đến trận chung kết năm 2022 tại Paris, nhiều người đã coi họ là ứng viên số một.

Bộ ba tấn công kiên cường và không bao giờ bỏ cuộc ấy chính là yếu tố lớn nhất trong thành công đó.

Gareth Bale, Karim Benzema và Cristiano Ronaldo tại Real Madrid

Phải nói rõ ngay từ đầu: bộ ba tấn công “BBC” của Real Madrid gồm Gareth Bale, Karim Benzema và Cristiano Ronaldo có lẽ không sở hữu sự ăn ý đầy ngẫu hứng như bộ ba “MSN” bên phía Barcelona, nhưng khi vào phom, họ lại đạt đến hiệu quả tàn khốc.

Hãy nhìn vào mùa giải 2013/14, khi Real Madrid chấm dứt cơn khát danh hiệu Champions League kéo dài với chức vô địch thứ 10 hay còn gọi là “La Decima”. Bộ ba này đã ghi tổng cộng 97 bàn thắng trên mọi đấu trường. Trong đó, một mình ngôi sao người Bồ Đào Nha đã góp 51 bàn. Benzema là người kết nối tất cả lại với nhau. Còn Bale, dù không có tiền mùa giải do vừa lập kỷ lục chuyển nhượng từ Tottenham Hotspur, vẫn ghi 22 bàn và kiến tạo 19 lần.

Hàng phòng ngự đối phương hoàn toàn bất lực trước họ trong hành trình đến ngôi vương. Benzema, Bale và Ronaldo mỗi người ghi 2 bàn trong chiến thắng 6-1 trước Schalke ở lượt đi vòng 1/8. Bale và Ronaldo tiếp tục tỏa sáng để loại Borussia Dortmund ở tứ kết; Ronaldo lập cú đúp trong trận bán kết lượt về trước Bayern Munich, giúp Real thắng 4-0 ngay tại Allianz Arena.

Những bộ ba tấn công hay nhất trong lịch sử Champions League Từ MSN, BBC đến bộ ba R 2
 

Cú đánh đầu của Sergio Ramos ở phút 93 đưa trận chung kết với Atletico Madrid vào hiệp phụ, và chính Bale là người đánh đầu ghi bàn sau pha đi bóng của Angel Di Maria, phá vỡ tinh thần của đối thủ. Sau đó, Ronaldo hoàn tất đêm huy hoàng bằng quả phạt đền ở phút 120.

Từng có tin đồn về mối bất hòa giữa Ronaldo và Bale (sau đó được Bale phủ nhận) cùng với việc chấn thương khiến ngôi sao xứ Wales không phải lúc nào cũng là lựa chọn hàng đầu, đặc biệt là dưới thời Zinedine Zidane. Tuy vậy, bộ ba này vẫn giúp Real Madrid giành ba chức vô địch Champions League liên tiếp từ 2016 đến 2018, trước khi Ronaldo chuyển sang Juventus và nhóm “tan rã”.

Trong năm mùa giải chơi cùng nhau, họ ghi tổng cộng 442 bàn thắng. Benzema đã nói rất đúng trong một cuộc phỏng vấn với RMC Sport năm 2019: “Chúng tôi có Bale như một quả tên lửa, Ronaldo là cây săn bàn, còn tôi là người gắn kết tất cả để nó hoạt động trơn tru.”

Arjen Robben, Franck Ribery và Robert Lewandowski tại Bayern Munich

Trước tiên, phải nói đến điều hiển nhiên: sức công phá và mức độ nguy hiểm mà họ tạo ra.

Arjen Robben và Franck Ribery từng đá cặp với nhiều tiền đạo khác của Bayern như Mario Gomez, Thomas Muller hay Mario Mandzukic. Nhưng khi họ kết hợp cùng Robert Lewandowski, thì tổng hòa những phẩm chất ở cả ba thực sự là điều khác biệt. Hai trong số những cầu thủ chạy cánh cắt vào trong nguy hiểm nhất lịch sử Champions League, phối hợp với cây săn bàn một chạm ở cự ly gần tốt nhất mà giải đấu từng chứng kiến.

Những bộ ba tấn công hay nhất trong lịch sử Champions League Từ MSN, BBC đến bộ ba R 3
 

Bạn còn cần gì thêm? Bộ ba này có sự đối xứng tuyệt vời, một sự cân bằng hoàn hảo, và trên hết là độ ổn định đáng kinh ngạc trong khả năng tạo ra khác biệt. Đó chính là điều khiến Bayern trở nên không thể ngăn cản trong thời kỳ đỉnh cao của họ.

Nhưng có một điều thường bị bỏ sót, đặc biệt là với Ribery và Robben: sự lì lợm. Họ là những "sát thủ" thực thụ. Cứng cỏi về tinh thần. Họ có thể sở hữu những phẩm chất kỹ thuật: Robben với những pha đẩy bóng dồn dập, Ribery với dáng chạy ngang kiểu "cua bò" nhưng họ không bao giờ dừng lại. Họ cứ liên tục khoét sâu, tấn công đối thủ hết lần này đến lần khác, và luôn tự tin rằng mình có thể bẻ gãy một hàng phòng ngự. Họ thật sự là cơn ác mộng với bất kỳ đối thủ nào.

Lionel Messi, Pedro và David Villa tại Barcelona

Đây là lần thứ hai Messi góp mặt trong danh sách này và thật ra, danh sách này có thể bao gồm mọi hàng công mà anh từng là một phần trong đó. Nhưng bộ ba mà tôi (người viết) yêu thích nhất là ở mùa giải thứ ba của Pep Guardiola tại Barcelona, khi họ vô địch La Liga và giành lại chức vô địch Champions League.

Mùa trước đó, Guardiola đã mang Zlatan Ibrahimovic về, nhưng sự xuất hiện của anh lại khiến lối chơi của đội mất đi tính linh hoạt vốn có. Thế nên, hè 2010, ông quyết định xây dựng lại đội hình xoay quanh tốc độ và Messi. Ibrahimovic ra đi, David Villa được đưa về, và hệ thống lập tức vận hành trơn tru: Messi đá lùi sâu ở trung lộ, còn Villa và Pedro dâng cao, bám biên, liên tục khai thác khoảng trống sau lưng hàng thủ đối phương đồng thời tạo không gian để Messi tỏa sáng.

Sự thiên tài nằm ở sự đơn giản. Nhưng dù có hiểu rõ lý thuyết, bạn cũng không thể ngăn chặn được họ. Trận chung kết Champions League 2011 là đỉnh điểm và là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh ấy. Manchester United sợ tốc độ của Villa và Pedro, người mở tỷ số trận đấu. Họ lùi sâu phòng ngự, và Messi ghi bàn thứ hai. Sang hiệp hai, Villa ấn định chiến thắng với bàn thứ ba.

Đó là kết tinh của một mùa giải với thứ bóng đá đẹp nhất mà bạn từng được chứng kiến.

Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney và Carlos Tevez tại Manchester United

Nói một cách nghiêm túc thì họ không hẳn là một bộ ba tiền đạo đúng nghĩa, nhưng chính điều đó lại khiến Wayne Rooney, Cristiano Ronaldo và Carlos Tevez trở nên khó đối phó hơn bao giờ hết.

Nếu bạn nhìn vào đội hình của Manchester United mùa giải 2007/08, Rooney và Tevez thường được xếp đá cặp tiền đạo, còn Ronaldo thì đá dạt phải. Nhưng có bao nhiêu cầu thủ chạy cánh thực thụ lại có thể ghi tới 42 bàn sau 49 trận, như ngôi sao người Bồ Đào Nha làm được mùa ấy?

Điều đó nói lên tất cả về cách bộ ba này thực sự thi đấu trên sân: không rập khuôn theo sơ đồ, mà là một tập hợp linh hoạt, hoán đổi liên tục giữa sức mạnh, kỹ thuật và sự máu lửa, được tự do tấn công từ mọi hướng.

Mùa giải 2007/08, họ ghi tổng cộng 79 bàn, trong đó có 16 bàn tại Champions League, bao gồm gần như toàn bộ các bàn thắng ở vòng knock-out trên hành trình đánh bại Chelsea ở chung kết tại Moscow.

Những bộ ba tấn công hay nhất trong lịch sử Champions League Từ MSN, BBC đến bộ ba R 4
 

Mùa sau đó, họ ghi thêm 61 bàn nữa, bao gồm cú sút giành giải Puskas của Ronaldo vào lưới Porto ở tứ kết. United lại vào chung kết Champions League lần thứ hai liên tiếp, nhưng lần này họ thất bại trước Barcelona ở Rome.

Đến thời điểm ấy, bộ ba này đã bắt đầu tan rã. Ronaldo khi đó đã bị Real Madrid cuốn hút. Tevez, vốn đã bị đẩy ra ngoài rìa sau sự xuất hiện của Dimitar Berbatov, không được đá chính ở trận chung kết 2009 và càng làm người hâm mộ Quỷ đỏ tức giận hơn khi gia nhập Manchester City sau đó.

Chỉ hơn một năm sau đêm Moscow, Rooney là người duy nhất còn lại. Khi chia sẻ trên podcast Stick to Football vào năm ngoái, anh thừa nhận quãng thời gian sát cánh bên Ronaldo và Tevez chính là đỉnh cao trong sự nghiệp của mình.

“Đáng tiếc là chúng tôi thi đấu đúng vào thời kỳ mà Barcelona quá xuất sắc,” anh nói. “Nhưng trong vài năm đó, cảm giác như chẳng ai có thể ngăn cản chúng tôi vậy.”

Samuel Eto’o, Lionel Messi và Ronaldinho tại Barcelona

Việc xếp hạng các hàng công vĩ đại nhất trong lịch sử Barcelona là một nhiệm vụ vừa cực kỳ khó khăn, vừa cực kỳ thú vị. Bạn phải cân nhắc rất nhiều sự kết hợp nhưng đồng thời cũng được dịp nhớ lại từng khoảnh khắc huy hoàng của họ.

Và bộ ba ở giai đoạn giữa những năm 2000 này có tất cả: đầy ắp sự sáng tạo, tài năng hiếm có và những bàn thắng.

Samuel Eto’o ghi bàn như một cỗ máy, giành danh hiệu Vua phá lưới La Liga mùa giải 2005/06. Ronaldinho thì như một Obi-Wan Kenobi trình diễn kỹ thuật, vừa là linh hồn sân cỏ vừa như người thầy chỉ dẫn cho cậu nhóc Lionel Messi.

Những bộ ba tấn công hay nhất trong lịch sử Champions League Từ MSN, BBC đến bộ ba R 5
 

Chỉ cần được chứng kiến một trong hai ngôi sao thiên bẩm đó kết hợp cùng một cỗ máy ghi bàn như Eto’o đã là điều đặc biệt, nhưng lại được thấy cả hai cùng lúc? Ronaldinho khi đó đang ở đỉnh cao phong độ, giúp Barca vô địch La Liga hai mùa liên tiếp (2004/05, 2005/06) và đăng quang Champions League năm 2006. Dù phong độ của anh bắt đầu đi xuống vào cuối thời kỳ hợp tác này (anh gia nhập AC Milan năm 2008), di sản để lại là không thể phủ nhận.

Trong khi đó, Messi vẫn đang quan sát và học hỏi. Dòng chảy bàn thắng khủng khiếp từ chân Messi vẫn chưa thực sự xuất hiện ở thời điểm đó, dù anh đã trở thành cầu thủ đầu tiên của Barca giành giải Golden Boy vào năm 2005 khi mới 18 tuổi.

Có lẽ trận Siêu kinh điển tại Bernabeu mùa giải 2005/06 là minh chứng rõ nét nhất cho sự tuyệt vời của bộ ba này. Dù đối đầu với một Real Madrid cũng chẳng phải dạng vừa với những cái tên như David Beckham, Zinedine Zidane và Ronaldo, Barca vẫn thi đấu lấn lướt, với những bàn thắng tuyệt đẹp từ Eto’o và Ronaldinho, cùng với một Messi luôn tạo ra mối đe dọa thường trực, như một lời dự báo cho tương lai huy hoàng đang đến gần.

Alessandro Del Piero, Fabrizio Ravanelli và Gianluca Vialli tại Juventus

Bạn sẽ không thấy bất kỳ thống kê nào ở đây. Bộ ba này đến từ một thời đại mà bóng đá chưa bị cuốn vào những con số, chưa có ai nói nhiều về doanh thu, và cũng chưa có khái niệm cầu thủ là “lợi nhuận thuần”.

Họ đại diện cho một kỷ nguyên mà bóng đá được điều khiển bởi trái tim, và trái tim đập rộn ràng ấy nằm ở nước Ý; Serie A khi đó là giải đấu đỉnh cao nhất châu Âu, và bộ ba này chính là hiện thân của đỉnh cao đó.

Những bộ ba tấn công hay nhất trong lịch sử Champions League Từ MSN, BBC đến bộ ba R 6
 

Cách họ chuyền bóng, khống chế trái bóng, điều tiết thế trận: tất cả đều mượt mà, và trông hoàn hảo đến lạ: Gianluca Vialli rạng rỡ, Fabrizio Ravanelli với mái tóc bạc đặc trưng, và Alessandro Del Piero, thời điểm đó vẫn còn để kiểu râu quai nón đầy chất lãng tử như cướp biển...

Mùa hè năm 1996, cả ba đưa Juventus vào chung kết Champions League tại Rome. Ravanelli ghi bàn mở tỉ số, Ajax gỡ hòa, và Juventus cuối cùng chiến thắng trên chấm luân lưu.

Sau trận chung kết ấy, Vialli chuyển sang Chelsea, Ravanelli sang Middlesbrough, còn Del Piero gắn bó với Juventus cho đến tận năm 2012. Nhưng chỉ trong một mùa bóng ấy, họ đã khiến các hàng thủ khắp châu Âu phải rối loạn. 

Theo The Athletic

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tam tấu Raphinha - Lewandowski - Yamal: Cỗ máy phản công bá đạo của Barcelona

Bao lâu nay Barcelona luôn được xem là một CLB tôn sùng lối chơi kiểm soát bóng, tìm cách “hạ s.át” đối thủ bằng hàng nghìn đường chuyền, tuy nhiên lần gần nhất họ giành được vé vào chơi ở vòng bán kết Champions League cách đây 6 năm lại chủ yếu là nhờ một phong cách “xù xì”, thực dụng hơn, được điểm xuyến bằng những khoảnh khắc thiên tài của Lionel Messi trong các trận đấu thuộc giai đoạn knock-out.

Morgan Gibbs-White thay Kevin De Bruyne tại Man City: Tại sao không?

Không giống như quyết định áp thuế quan với các nước rồi lại tạm ngưng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc Kevin De Bruyne rời Man City rất khó đảo ngược. Vì thế, với Man Xanh lúc này, điều nên làm là sớm tìm người thay thế nhạc trưởng của mình. Và Morgan Gibbs-White đang nổi lên như một ứng viên sáng giá.

Fernando Gago: Điệu tango buồn ở Bernabeu

Vẻ đẹp lãng tử, hào hoa cùng phong cách chơi bóng điệu đà, tinh tế đã không thể biến Gago trở thành “truyền nhân” xứng đáng của Redondo tại Real Madrid khi mà những chấn thương dai dẳng cứ liên tục hành hạ tiền vệ người Argentina.

Robert Lewandowski: Vẫn tiến hóa ở tuổi 36!

Sự nghiệp cầu thủ của Robert Lewandowski được định nghĩa bằng sự nhất quán. Robert Lewandowski đã ghi hơn 700 bàn thắng và đang trên đường giành chức Vô địch Quốc gia thứ 13 trong sự nghiệp.

X
top-arrow