Gascoigne đặt chân đến Rome vào tháng 5 năm 1992 và nhận mức lương 22.000 bảng/tuần – một con số khủng lồ vào thời điểm đó
Tiếp theo loạt bài:
Các fan hâm mộ bóng đá Anh bắt đầu được phổ cập về Serie A là vào năm 1992, nhờ một người đàn ông. Napoli, Juventus và Roma đều rất thèm khát chữ ký của Paul Gascoigne sau màn trình diễn của cầu thủ này tại Italia 90, nhưng Lazio mới là đội đạt được thỏa thuận với Spurs vào năm 1991. Khi được hỏi rằng họ đã thuyết phục ông đồng ý ký hợp đồng bằng cách nào, Gazza bảo rằng khi đó ông chỉ nói đùa là mình muốn có một nông trại cá hồi nếu chuyển đến Rome, và thật bất ngờ là Lazio đã đồng ý với đòi hỏi này.
Chấn thương đầu gối mà ông dính phải trong trận chung kết cúp FA 1991 đã khiến cho vụ chuyển nhượng bị trì hoãn, khiến cả hai bên phải đàm phán lại và mức giá bị hạ từ 8,5 triệu bảng xuống còn 5,5 triệu bảng. Một bước lùi nữa trong hành trình hồi phục của Gazza là khi ông bị tấn công ở một hộp đêm tại Newcastle, điều đó đã khiến cho kế hoạch đưa Glenn Roeder đến Italia cùng với ông bị phá vỡ. Ban đầu, Roeder đã được dự định là sẽ chuyển đến Rome để trông chừng người cựu đồng đội thời còn chơi cho Newcastle. Rồi sau đó lại quyết định hủy kế hoạch, vì ông đã rất tức giận khi thấy Gazza đến hộp đêm vào buổi tối hôm đó.
Gascoigne đặt chân đến Rome vào tháng 5 năm 1992 và nhận mức lương 22.000 bảng/tuần – một con số khủng lồ vào thời điểm đó. Câu lạc bộ đã cung cấp hai vệ sĩ để giúp ông chăm sóc ngôi nhà của mình, nhưng có một chuyện khá trớ trêu đã diễn ra, khi một người trong hai vệ sĩ đó hiểu lầm cầu thủ người Anh là một tên trộm, anh ta chĩa súng vào đầu ông và hét to: “Cấm cử động!”
Màn ra mắt của ông cho Lazio, diễn ra tại sân nhà của Genoa, là một trong những trận đấu Serie A đầu tiên được trình chiếu trực tiếp trên truyền hình Anh: Nhằm khai thác triệt để cơn sốt Gazzamania, Channel 4 đã quyết định mua bảng quyền truyền hình Serie A vào năm 1992. Điều đó đã mở ra cánh cửa giúp cho các fan hâm mộ bóng đá Anh tiếp cận với một thế giới khác, khi mà trước đây họ chỉ có thể theo dõi các đội bóng Italia thi đấu qua những cuộc đụng độ tại đấu trường châu Âu.
Channel 4 thường phát sóng trực tiếp vào mỗi buổi chiều chủ nhật - hồi đó,tất cả các trận đấu Serie A đều thi đấu cùng một khung giờ - và sẽ được chiếu kèm với một chương trình Hightlight mỗi sáng thứ 7 tên là Gazzetta Football Italia. Ban đầu, Channel 4 muốn Gascoigne dẫn chương trình cho tới khi mọi người nghĩ rằng ý kiến đó thật lố bịch và James Richardson - một tay sản xuất truyền hình xoàng xĩnh lúc đó - được nhờ vả. Hàng triệu người sau đó đã xem chương trình này mỗi tuần.
Ngày hôm đó, Lazio đã hòa Genoa với tỷ số 1-1, trong trận đấu sau, họ đánh bại Parma 5-2, trước khi Gazza chính thức được mở rộng tầm mắt về sự khó nhằn của Serie A, trong cuộc đối đầu với A.C. Milan ngay tại thánh địa San Siro.
“Tôi nhớ là mình đã tự nhủ rằng: ‘Ngon ăn rồi, bọn mình thắng chắc,’ khi chúng tôi dẫn trước đối thủ 1-0,” Ông hồi tưởng trong một cuộc phòng vấn với tờ Fourfourtwo. “Thế rồi 80 phút sau tôi không thể chạm được bóng dù chỉ một lần và chúng tôi hoàn toàn bị họ hủy diệt. Đội bóng đó quả là đáng sợ.” Milan thắng ngược với tỷ số 5-3, trận đấu này diễn ra chỉ sau chiến thắng áp đảo 7-3 của Rossoneri trước Fiorentina một tuần trước đó.
Gascoigne mau chóng đạt được vị thế của một người hùng trong mắt các cổ động viên của Lazio, nhờ bàn gỡ hòa mà ông ghi được vào những phút cuối trong trận derby thành Rome đầu tiên mà mình góp mặt. Đồng thời, ông cũng chuyển sang để tóc kiểu đuôi ngựa vì muốn mình trông giống với Mick Hucknall, và style này đã trở nên rất nổi tiếng với các đồng đội của ông tại Biancocelesti.
Ngay cả khi đã rời khỏi quê nhà, thì độ điên của Gascoigne cũng không thay đổi. Ví dụ như lần ông đòi các vệ sĩ đưa mình và gã bạn thân Jimmy "Five Bellies" Gardner vào kho tiền của nhà băng Roma, rồi hai người họ ngồi lên một núi tiền trị giá 50 triệu Bảng ... cho vui. Một lần khác, ông mang theo một con rắn đã bị mình đập chết ở nhà bằng chổi đến sân tập và bỏ vào túi của Roberto Di Mateo.
“Cậu ta có khả năng làm bất kì điều gì,” cựu tiền đạo Beppe Signori của Lazio vui vẻ chia sẻ với FFT. “Có lần, cậu ta xuất hiện trong tình trạng trần truồng tại sảnh khách sạn mà đội bóng cắm quân, sau đó, cậu ta lại làm điều tương tự trên xe buýt của đội trong một chuyến đi khác. Khi chiếc xe đi qua một đường hầm tối tăm, cậu ta đã cởi hết quần áo và ngồi xuống ngay bên cạnh huấn luyện viên Dino Zoff.”
“Vào cuối mỗi buổi tập, bạn luôn phải kiểm tra kĩ tay nắm cửa trước khi bước vào xe của mình. Nếu nó ẩm ướt mà đó lại chẳng phải là nước, thì có nghĩa là cậu ta đang ngồi trong xe.”
“PAUL ĐÃ ĐỨNG ĐÓ VÀ BÁN KHỎA THÂN …”
Aron Winter cũng có thể kể lại rất nhiều câu chuyện về độ điên của ngôi sao người Geordie.
“Tôi nhớ cái ngày đầu tiên mình đến câu lạc bộ - Khi tôi đang nằm trong phòng khách sạn, thì có ai đó đột nhiên gõ cửa,” tiền vệ người Hà Lan hồi tưởng. “Tôi mở cửa ra và thấy Paul đang đứng ở đó, trong tình trạng bán khỏa thân, trên tay mang theo một cái khay và một ít champagne đến để chào đón tôi.”
“Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp về cái thời mà chúng tôi còn sát cánh bên nhau. Đôi khi có một vài người bạn từ Hà Lan đến thăm tôi và họ đều rất thích cậu ta. Một ngày nọ, Paul nói với họ rằng cậu ta sẽ ghi tặng họ một bàn thắng trong trận đấu tiếp theo và treo mình lên xà ngang để ăn mừng – đó chính xác là những gì đã diễn ra.”
“Một lần khác, tôi đang ngồi ăn trưa với vợ trong một nhà hàng thì bắt gặp cậu ta cũng vào nhà hàng đó cùng với bạn gái của mình. Ban đầu, tôi cũng không để ý là cậu ta có mặt ở đó, nhưng khi họ ăn xong, Paul đã nói với người phục vụ, ‘Thằng bạn tôi, Aron sẽ trả tiền.’ Và rồi cậu ta gọi cho tôi, nhìn thấy cậu ta, tôi cũng vẫy tay đáp lại.
Sau đó, cậu ta nói với người phục vụ, ‘Anh thấy đấy, Aron nói cứ để cậu ấy lo.’ Khi dùng xong bữa, tôi đã rất shock với những gì được ghi trên tờ hóa đơn, vì tôi đâu có ăn nhiều đến vậy! Người phục vụ nói lại với tôi rằng Paul đã bảo anh ta là tôi sẽ trả tiền, và tôi hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tôi chỉ thấy rất buồn cười chứ không giận gì cậu ta đâu, bởi vì Paul đã tìm gặp tôi để trả lại tiền ngay sau đó.”
“Thỉnh thoảng, cậu ta lại uống quá chén – cậu ta không thích bay, vì vậy, mỗi lúc phải đi cùng đội bóng trên máy bay, cậu ta thường nốc một chai Cognac trước khi chuyến bay khởi hành để giữ bình tĩnh. Mặc dù có hơi điên nhưng cậu ta thực sự là một người bạn tốt, và tôi đã rất buồn khi thấy cậu ta đang phải đối mặt với khá nhiều vấn đề về sức khỏe trong những năm gần đây. Paul là một cầu thủ đáng kinh ngạc và là một trong những cái tên xuất sắc nhất của bóng đá Anh.”
Trong mùa giải đầu tiên trên đất Italia, Gascoigne đã giúp câu lạc bộ chiếm được vị trí thứ năm, đạt đủ điều kiện để được đá cúp châu Âu lần đầu tiên sau 16 năm vắng bóng ở đấu trường cấp châu lục – họ chỉ vừa lên hạng từ Serie B vào năm 1980. Đó là lần đầu tiên Lazio có thể vượt mặt AS Roma trên bảng xếp hạng sau năm mùa liên tiếp đứng dưới, trước khi sự bùng nổ của Francesco Totti giúp Giallorossi trở lại với vị thế của mình.
Cũng trong mùa giải 1992/1993 đó, cây săn bàn hàng đầu giải đấu chính là một cầu thủ của Lazio – đó là tiền đạo Signori, người đã có 26 pha lập công kể từ khi chuyển đến câu lạc bộ này từ Foggia. Ông tiếp tục đoạt danh hiệu vua phá lưới vào các mùa giải 1993/1994 và 1995/1996, trước khi chuyển sang thi đấu cho Sampdoria và Bologna. Ông gần như đã được bán cho Parma vào năm 1995, nhưng sau một cuộc biểu tình phản đối thương vụ này của hàng ngàn người hâm mộ trên khắp các đường phố, ban lãnh đạo đội bóng đã thay đổi quyết định.
“Các cổ động viên yêu tôi và họ kịch liệt phản đối chuyện tôi chuyển đến Parma thi đấu,” Signori hồi tưởng. “Tôi sẽ không bao giờ quên đi họ. Khoảng thời gian của tôi ở Lazio thật tuyệt vời. Trở thành vua phá lưới trong ba mùa giải là một cảm giác rất phê, và tôi đã ghi tổng cộng hơn 100 bàn cho Lazio. Tôi đã thi đấu trên hàng công cùng với Karl-Heinz Riedle, rồi sau đó là với Pierluigi Casiraghi và Alen Boksic. Họ có thể tạo ra khoảng trống và thu hút các hậu vệ của đối phương. Còn nhiệm vụ của tôi là dứt điểm.”
Signori cũng chính là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất trong cả thập kỉ đó của Serie A. Với 114 bàn thắng, ông đã được đưa lên vị trí số một, trong khi người đứng thứ hai ghi kém hơn ông 5 bàn, đó chính là Gabriel Batistuta, chân sút chủ lực của Fiorentina, người đã ghi rất nhiều bàn thắng nổi tiếng, bao gồm cú đúp vào lưới Arsenal tại Wembley trong một trận đấu thuộc khuôn khổ Champions League và đã được dựng tượng để vinh danh ở Florence.
Cả hai huyền thoại này đều không thể giành được chức vô địch nào trong suốt những năm 1990: Batigol đã được chạm tay vào Scudetto trong màu áo AS Roma vào mùa giải 2001/2002, còn Signori thì chưa bao giờ có được danh hiệu lớn nào và chỉ có vỏn vẹn 28 lần ra sân cho đội tuyển quốc gia.
|
Paul Gascoigne ở Serie A: Gazzamania |
Khoảng thời gian của Gazza với Lazio đã diễn ra không được suôn sẻ - ông chỉ chơi vỏn vẹn 47 trận trong 3 mùa giải và bị hạn chế rất lớn vì những chấn thương dai dẳng (đáng chú ý nhất là lần bị gãy chân sau pha vào bóng của Alessandro Nesta trong một buổi tập), cũng như gặp phải rất nhiều vấn đề về cân nặng. Gascoigne đã gia nhập Ranger vào năm 1995 – sau khi xuất hiện ở buổi tập cuối cùng tại Lazio trên chiếc Harley-Davidson, với một điếu xì-gà trên môi. Gazza là mẫu người biết cách nói lời chào tạm biệt theo phong cách của riêng mình.
Lược dịch: https://www.fourfourtwo.com/features/serie-a-90s-when-baggio-batistuta-and-italian-football-ruled-world
Nam Khánh