Pep – Klopp: Những kẻ thích mộng mơ

Tác giả Phương GP - Thứ Sáu 08/09/2017 16:50(GMT+7)

Zalo
Pep và Klopp là hai hình ảnh tương đối đối lập.
Pep – Klopp: Nhung ke thich mong mo5
Pep – Klopp: Những kẻ thích mộng mơ
Pep tính tình điềm tĩnh, Klopp máu lửa cuồng nộ.
 
Pep thích lối đá thông minh, nhẹ nhàng. Klopp lại chuộng tốc độ và tinh thần rực cháy.
 
Pep đổ không biết bao nhiêu tiền vào thị trường chuyển nhượng. Klopp thì chi tiêu dè xẻn nếu so trong top các đội dẫn đầu.
 
Nhưng thật ra họ vẫn còn đó một điểm tương đồng. Đó là cả hai người đều có lý tưởng riêng, và họ tôn thờ lý tưởng ấy đến mức cực đoan.
 
KLOPP – GÃ “KHỜ” CỦA BÓNG ĐÁ HIỆN ĐẠI?
 
Hãy nhìn xung quanh để tìm xem bóng đá thời nay cần gì?
 
Bóng đá thời nay cần tiền, bóng đá thời nay cần ngôi sao và bóng đá thời nay cần danh hiệu hoặc nói đúng hơn là thành công sớm.
 
Và Klopp xem những thứ đó như thế nào? Hãy xem xét từng thứ một.
 
Đầu tiên là tiền. Klopp có cần tiền không? Có chứ. Klopp chi rất mạnh trong thị trường hè vừa qua nữa là đằng khác. 38 triệu bảng dành cho cái tên như Olex Chamberlain đến giờ vẫn bị giới mộ điệu cho là một động thái khá mạnh tay. Nhưng đó chỉ là mạnh tay so với...bản thân Klopp mà thôi.
 
Tottenham chậm chân hơn nhiều ông lớn nhưng vẫn chi nhiều hơn Liverpool. Gã hàng xóm Everton cũng đã ra dáng “tay chơi” hơn Liverpool hè vừa qua. Nếu không tính thương vụ của Chamberlain vào ngày cuối của kỳ chuyển nhượng thì Liverpool chỉ chi có 50 triệu bảng. Tức là còn kém hơn cả Watford hay một đội chơi hạng dưới như Middlesbrough. Ba tháng hè sôi động và đó là kết quả mua sắm của một đội bóng lớn!
 
Klopp từng phát biểu rằng: “Nhìn vào thương vụ Neymar, ông đã có thể tin mọi chuyện điên rồ đều có thể xảy ra.” Phát biểu dĩ nhiên mang tính “tu từ” để nói lên thực trạng của bóng đá thời nay. Nhưng nó cũng cho thấy góc nhìn của ông, góc nhìn của một con người muốn rời xa cái thực tế xa hoa của thế giới thực.
 
Thứ hai là chuyện ngôi sao. Hè qua Klopp cũng phát biểu một câu gây sốt: “Tại sao các cầu thủ lại yêu cầu được đá Champions League? Đó lẽ ra là công việc mà họ phải làm khi cống hiến cho câu lạc bộ.” Một câu nói đánh thẳng vào tâm lý “ngôi sao” của thế hệ cầu thủ ngày nay.
 
Nhìn vào những thương vụ ầm ĩ của kỳ chuyển nhượng mùa hè, chúng ta đã thấy được cái “tầm” của cầu thủ giờ đã cao đến mức nào. Nhưng không phải điều ấy mới xuất hiện gần đây, mà đã mấy năm rồi, vai trò của cầu thủ trong việc tìm kiếm câu lạc bộ đã thay đổi rất nhiều.
 
Những cầu thủ phải yêu cầu được lương cao, thi đấu đúng vị trí sở trường và nhanh chóng đạt danh hiệu. Họ chỉ bằng lòng đến những đội bóng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bản thân. Điều đó về cơ bản là đúng chứ không sai trái gì cả, nhưng càng ngày thì những yêu cầu ấy càng trở nên hơi thái quá và thậm chí là có phần hợm hĩnh đối với một vài trường hợp.
 
Nhưng để thu hút ngôi sao thì các câu lạc bộ cần phải hoàn thành những điều ấy. Đó gần như là bắt buộc. Và với phát biểu của Klopp có lẽ đối với ông việc thu hút ngôi sao bởi những yêu cầu ấy là không đáng. Hay chăng chính vì thế mà ông thường mang về những tiềm năng chưa đến mức khuấy động truyền thông? Những con người chưa bị gán mác “ngôi sao” trên báo giới? Nếu đúng thật, thì một lần nữa có vẻ ông lại đang đứng ngoài rìa của sự phù phiếm ở thế giới thực.
 
Cuối cùng là danh hiệu. Klopp từng tuyên bố rằng, ông sẽ đem về vinh quang cho Lữ đoàn đỏ vào mùa giải thứ ba. Năm nay đúng là năm thứ ba nhưng nhìn vào những động thái về “tiền” và “ngôi sao” bên trên đã cho thấy rõ ràng mục tiêu này không mấy sáng sủa đối với ông thầy người Đức.
 
Bóng đá thời nay rất thực dụng, guồng quay huấn luyện viên rất tàn nhẫn. Klopp đã ký hợp đồng dài hạn với Liverpool nhưng điều đấy chắc cũng không ý nghĩa gì nếu không có thành công nhanh chóng. 
 
Cây viết Cabral Opiyo của Out Side Of The Boot từng so sánh rằng Klopp giống hệt Led Zeppelin. Phép so sánh này khá tinh tế.
Pep – Klopp: Nhung ke thich mong mo2
 
Ban nhạc huyền thoại của thập niên 1970 ấy cũng đi ngược lại xu thế đương thời. Họ không thay đổi nhân sự như thay áo, họ không câu nệ những bài hát mà mình sáng tác có hợp xu hướng hay không. Họ sẵn sàng hoà với dòng cảm hứng từ phong cách Blue với những bài nhạc và câu guitar dài lê thê. Họ sẵn sàng tan rã vì tay trống của nhóm qua đời. Led Zeppelin đôi khi như gã “khờ” của thời cuộc.
 
Klopp cũng có vẻ như thế. Tự ông đang đứng ở ngoài với một cái vẻ “ngây thơ” mà mọi người có thể thấy. Ông tin rằng Coutinho sẽ ở lại với câu lạc bộ chỉ vì tình yêu của anh đối với Liverpool. Ông cho các cầu thủ của mình lao đến trái bóng như con thiêu thân lao vào ánh đèn, chỉ vì muốn đem đến thứ bóng đá cảm hứng cho người xem.
 
PEP – KẺ SAY MÊ VỚI SỰ HOÀN HẢO
 
Nếu so sánh Klopp với Led Zeppelin thì có vẻ Pep hợp với Ritchie Blackmore, một cây guitar huyền thoại nhưng bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo.
Ritchie Blackmore sẵn sàng sa thải ca sĩ hát chính trong nhóm chỉ vì ông cho rằng anh này...trình diễn như đàn bà. Ritchie tự bản thân đứng ra thành lập hàng loạt nhóm nhạc để phục vụ cho lý tưởng của bản thân. Và đặc biệt nhóm nào của ông cũng đều đạt thành công vang dội.
Cái tính “thẳng tay” của Pep, hẳn không kém Ritchie là bao.
 
Ở Barcelona, Ibra không chịu nghe lời ông ư, ông liền cho ra đi mặc dù tốn bao tiền bạc để đem về. Ở Bayern Munich, Kroos không đáp ứng được nhu cầu của ông ư, ông liền bán với cái giá rẻ mạt dù anh có là tương lai của đội bóng.
 
Và vừa qua Manchester City, Pep ngay lập tức cho Joe Hart lên đường vì anh không biết chơi chân. Một thủ môn bị ra rìa vì không biết chơi chân? Và một công thần hay thậm chí là huyền thoại của đội bóng phải ra đi vì lý do ấy? Chuyện cứ như đùa nhưng đó là sự thật.
 
Cây viết Kush Mbugua đã từng đặt tựa đề cho bài báo của mình rằng: “Có phải Pep là một kẻ tôn sùng sự hoàn hảo?” Câu trả lời có lẽ đã khá rõ ràng.
 
Pep là một huấn luyện viên trầm tính nhưng trong ông có cái khá mãnh liệt. Ông mãnh liệt với sự chính xác. Các cầu thủ của ông phải là những người thông minh, những cầu thủ đa năng để tiện cho việc ông vận dụng bất cứ ý tưởng gì trong đầu.
Pep – Klopp: Nhung ke thich mong mo4
 
Năm ngoái, Pep vừa đến câu lạc bộ mới đã tiêu mất hơn 200 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng. Năm nay, ông tiếp tục “đốt” tiếp...250 triệu bảng để đem về những tân binh. Ít có huấn luyện viên nào dám chi nhiêu đó tiền của câu lạc bộ.
 
Nhưng Pep làm đều có mục đích, phong thái trên thị trường cho thấy ông có thừa quyết liệt nhưng không hề cho thấy sự nóng vội ở khâu lựa chọn. Nếu Klopp có phần dè chừng và ta thấy được phần nào đó sự thụ động, thì Pep lại không cho thấy điều ấy.
 
Kể cả việc bán hay mua cũng vậy. Hè qua, hàng loạt ngôi sao một thời rời đi không kèn không trống. Họ ra đi hoàn toàn dễ dàng. Đối với Pep khi không còn khả năng sử dụng thì ông tạo điều kiện cho đi.
 
Tuy nhiên, việc chi ra cái giá kỷ lục cho một thủ môn và hậu vệ cánh dẫu sao vẫn mang lại những phản ứng trái chiều, những lời dè biểu rằng người thầy Tây Ban Nha tiêu tiền như nước. Nhưng Pep không hề quan tâm, vì đối với ông, điều đó sẽ phục vụ cho mục tiêu chiến thắng ở trên sân cỏ. Những ngôi sao cùng một lối chơi “bá đạo” sẽ càn quét giải đấu như điều ông từng làm được.
 
Và đó là cái lý của một kẻ muốn làm bá vương chứ không chỉ đơn giản là vô địch một giải đấu. Nếu vô địch thì bạn có thể sử dụng lối đá thực dụng, nhưng đối với Pep là không. Đối với ông là áp đảo để thắng, và ông có thể làm mọi chuyện để có được điều đó.
 
NHỮNG KẺ MƠ MỘNG
 
Klopp đã chi tiền nhiều hơn và Pep cũng đã đá thực dụng và đơn giản hơn, nhưng đó chẳng qua chỉ là sự thích ứng để không bị đào thải khỏi môi trường khắc nghiệt mà họ phải tranh đấu. Còn về chất, hai con người ấy như đang đứng ngoài lề của những điên cuồng trong thế giới bóng đá.
 
Nếu Pep thiên về lý tính nhằm đoạt được sự hoàn hảo tuyệt đối. Thì Klopp lại thừa tình cảm với sự cống hiến và niềm tin. Và dường như hai con người này đẩy những điều ấy đến sự cực đoan. Giống như cách đội bóng của Pep là phải kiểm soát bóng và Klopp là phải tranh chấp bóng vậy. Không hề có sự dung túng cho những suy tư khác.
 
Pep và Klopp như là những gã thích mơ mộng lãng mạn để đối diện với thực tại. Trong bóng đá hiện nay, làm sao có thể xây dựng được cả sự toàn mỹ như Pep trông đợi được. Một đội bóng luôn có điểm yếu và chính bản thân chiến thuật của ông trong nhiều năm đã cho thấy điều ấy khi bị đánh bại.
Pep – Klopp: Nhung ke thich mong mo1
Pep – Klopp: Những kẻ thích mộng mơ1
Còn Klopp, cách làm của ông không khác gì “tự sát.” Niềm tin mà ông đặt vào những người học trò suýt chút nữa trở thành con dao đâm ngược lại ông nếu ban lãnh đạo không cứng rắn. Và lối đá lao đi như không biết ngày mai ấy liệu có thể đưa ông đến với niềm vinh quang?
 
Led Zeppelin ngày xưa dù có cố chấp như thế nào thì vẫn là ban nhạc được yêu thích nhất của thập niên 1970. Ritchie Blackmore ngày ấy dù khó tính đến thế nào vẫn là con người duy nhất có thể toả sáng ở mọi ban nhạc mà ông thành lập.
 
Klopp và Pep cũng vậy. Dù cho lối đá của Klopp có mang lại sự mong manh, dễ vỡ thế nào vẫn là lối đá lôi cuốn nhất đối với người hâm mộ. Và Pep dù có khó tính như thế nào thì vẫn có những danh hiệu cao quý của riêng mình. Và đấy chính là nguồn động lực to lớn để họ tiếp tục con đường mà mình đã lựa chọn.
 
Xin trích một câu hát của Aerosmith trong bài Dream on: 
 
“Dream on, Dream on. Dream until your dream come true...”

“Hãy mơ đi, mơ đi. Mơ cho đến khi giấc mơ ấy thành sự thực...”
 
Đúng đấy, cứ kiên định như thế này, biết đâu được sẽ có một ngày “giấc mơ” tưởng chừng không tưởng của hai người lại trở thành sự thực!
 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow