Quyền trượng "thời gian" của Hansi Flick ở Barca

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Tư 06/11/2024 16:58(GMT+7)

Zalo

Theo thời gian, Hansi Flick dần đã có được một đội hình dày hơn ở Barça, sau khi những cầu thủ chấn thương dần bình phục và trở lại. Điều này cho phép chiến lược gia người Đức có thêm biên độ để xoay tua lực lượng, bảo vệ thể trạng các học trò trước nguy cơ bị quá tải. Song, đó không phải là lý do duy nhất khiến một số cầu thủ ở Barça phải ngồi dự bị.

Thumb_Flick
 

“Hansi rất hòa đồng, nhưng nếu ai đó vượt quá giới hạn, sẽ có hậu quả”, người học trò cũ Leon Goretzka từng chia sẻ như vậy trong bộ phim tài liệu của Amazon Prime. Trong những tuần đầu ở Barça, Hansi được biết đến là một HLV rất gần gũi với cầu thủ. Ông luôn chúc mừng từng người sau mỗi chiến thắng và không ngần ngại bộc lộ cảm xúc của mình, như khi ông tiết lộ mình đã rất xúc động trước việc Gavi trở lại sau chấn thương hoặc khi ông tự trách mình vì chấn thương của Fermin Lopez.

Trong chương trình “Martinez y Hermanos” lên sóng vào tối thứ Tư tuần này (theo giờ Tây Ban Nha), Pedri là khách mời đặc biệt. Cầu thủ sinh ra ở Quần đảo Canary có mối quan hệ rất tốt đẹp với Hansi, người mà anh từng dành tặng bàn thắng ghi được tại Montilivi trước Girona. Pedri trong một trích đoạn của chương trình đã chia sẻ rằng đằng sau vẻ ngoài thân thiện của Hansi là sự nghiêm khắc, kỷ luật điển hình của người Đức, đó cũng chính là nền tảng cho thành công của Barça hiện tại.

Thời Xavi, quy định nội bộ rất nghiêm khắc về chuyện giờ giấc. Bất kỳ cầu thủ nào đến muộn các cuộc họp đội, các buổi trao đổi chiến thuật hoặc các buổi tập đều bị phạt tiền, thường là 1.000 euro cho mỗi phút đến trễ và số tiền này sẽ tăng gấp đôi nếu đi trễ nhiều lần. Nhưng với Hansi, hình phạt cho việc đến muộn là… ngồi dự bị.

Quyền trượng thời gian của Hansi Flick ở Barca 2
 

Jules Kounde từng là ví dụ điển hình trong chuyến làm khách của Barça trước Deportivo Alaves ở Vitoria. Mặc dù Hansi bấy giờ nói rằng hậu vệ người Pháp cần nghỉ ngơi, nhưng báo chí Tây Ban Nha tiết lộ rằng lý do anh phải ngồi dự bị (và chỉ được vào sân ở phút 67 để thay cho Hector Fort) là vì đến trễ buổi họp đội trước trận. Nên nhớ là ở mùa giải này, Kounde vốn là một trong 5 cầu thủ ra sân nhiều nhất của Barça. Dẫn đầu danh sách là Raphinha, tiếp theo là Inigo Martinez, Robert Lewandowski và Lamine Yamal.

Trước đây, nhà báo Javier Miguel trên tờ nhật báo AS (Tây Ban Nha) cũng từng có một bài viết nêu bật 10 quy định dưới thời Hansi Flick ở Barça. Trong đó có các nguyên tắc cho thấy rõ sự kỷ luật về giờ giấc mà HLV người Đức muốn các học trò ghi nhớ.

Đầu tiên là chuyện giờ giấc phải chuẩn chỉ - các cầu thủ phải có mặt ở trung tâm huấn luyện 1 tiếng rưỡi trước khi bắt đầu buổi tập: Hansi luôn làm gương khi thường xuyên là người đến sớm nhất. Tất cả, từ cầu thủ đến ban huấn luyện, đều phải có mặt 90 phút trước giờ tập. Thông thường, buổi tập bắt đầu lúc 11h, vì vậy, thời hạn cuối để có mặt là 9h30. Các cầu thủ phải ăn sáng ngay tại trung tâm huấn luyện Ciutat Esportiva. Trong khoảng thời gian này, Hansi tiến hành trao đổi với ban huấn luyện về việc chuẩn bị cho buổi tập, với các bác sĩ về tình hình chấn thương của cầu thủ và với các HLV thể lực về khối lượng công việc.

Hansi Flick
 

Tiếp đến là việc phải tập trung đúng giờ, đúng chỗ trong ngày diễn ra trận đấu: Dưới thời Hansi, các cầu thủ tập trung vào buổi trưa tại khách sạn, ngay cả khi trận đấu diễn ra tại sân nhà Montjuic. Với quy định này, ban huấn luyện muốn kiểm soát mọi chi tiết và tránh những bất ngờ không mong muốn, như chuyện tắc đường kẹt xe hoặc bất kỳ sự cố nào khác xảy ra vào phút cuối.

Rồi cả quy định về việc nghỉ ngơi sau trận đấu: Các chuyến bay trở về Barcelona vào đêm khuya và rạng sáng đều bị hủy bỏ. Nếu Barça thi đấu ở sân khách lúc 21h hoặc muộn hơn và chuyến bay kéo dài hơn 1 tiếng rưỡi, toàn đội sẽ ở lại qua đêm tại thành phố thi đấu. Hansi cho rằng các cầu thủ cần được nghỉ ngơi sau một trận đấu căng thẳng và không muốn họ về đến nhà lúc 3h sáng trong tình trạng kiệt sức và hầu như không ngủ được trong suốt chuyến bay.

Một quy định khác cũng liên quan đến vấn đề thời gian, đó là ngày nghỉ phép: HLV người Đức là một người say mê công việc và luôn đòi hỏi sự tận tâm cao từ cả ban huấn luyện lẫn các cầu thủ. Ông tin rằng để đạt được thành tích cao nhất, mọi người cần phải cống hiến hết mình trong cả luyện tập và thi đấu. Với Hansi, một ngày không làm việc đồng nghĩa với một ngày lãng phí.

Quyền trượng thời gian của Hansi Flick ở Barca 3
 

Do đó, ông không ủng hộ việc cho cầu thủ nghỉ quá nhiều, tối đa chỉ 1 ngày mỗi tuần. Tuy nhiên, việc phải thi đấu hai trận một tuần cũng hạn chế biên độ. Ông chỉ nới lỏng quy định này trong những đợt FIFA Days, khi hầu hết các cầu thủ chủ lực đều vắng mặt, nhưng đó chủ yếu là do yêu cầu khách quan chứ không phải là sự lựa chọn chủ quan.

Và cuối cùng, chính là việc bãi bỏ các hình phạt liên quan đến tài chính, như Pedri đã hé lộ: Hansi luôn đánh giá cao các học trò, tin tưởng vào sự chuyên nghiệp của họ. Vì vậy ông cho rằng cơ chế thưởng phạt nội bộ là không cần thiết. Mỗi người đều biết mình đã làm sai điều gì và đang làm tốt điều gì, và họ phải chịu trách nhiệm không chỉ với HLV trưởng mà còn với cả tập thể. Dựa trên tiền đề đó, HLV người Đức đã quyết định loại bỏ các hình thức phạt tiền mà Xavi từng áp dụng. Điều này không có nghĩa là hành vi thiếu kỷ luật sẽ bị bỏ qua hoặc không có hậu quả, mà chỉ đơn giản là sẽ có những hình thức kỷ luật khác – chính là như Pedri nói: ngồi dự bị.

Ngoài ra, các cầu thủ cũng không còn được giao những thử thách đi kèm phần thưởng trước mỗi trận đấu nữa. Lấy ví dụ khi Xavi mới dẫn dắt Barça, thông qua phim tài liệu trên Amazon Prime, chúng ta biết được rằng anh từng đặt ra thử thách cho đội bóng trong trận ra mắt của mình trước Espanyol: Nếu giành chiến thắng trước Espanyol, toàn đội được nghỉ 6 ngày vào dịp Giáng sinh, thay vì 5 ngày như thường lệ; nếu ghi được 2 bàn trước phút 30, Xavi sẽ đãi các học trò một bữa tối thịnh soạn tại một nhà hàng bất kỳ.

Quyền trượng thời gian của Hansi Flick ở Barca 4
 

Giờ đây, khi Barça đang gặt hái được kết quả tốt, việc nêu ra những câu chuyện này dễ dàng tạo lập một quan niệm: Đấy là công thức của người thành công. Nhưng cũng có người sẽ nói: Thắng rồi nói gì cũng đúng. Rõ ràng, bản thân sự tồn tại của hai quan điểm đánh giá ấy đã khẳng định rằng, đấy chỉ đơn giản là sự khác nhau, hoặc sự phù hợp của từng giai đoạn, từng bối cảnh với những cá thể nhất định.

Để khép lại bài viết này, tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện khác cũng về Hansi Flick thời ông còn dẫn dắt tuyển Đức tham dự World Cup 2022. Không phải để phủ định gì cả, vì tôi fan đội nào ắt các bạn cũng biết. Nhưng là để nhấn mạnh rằng một thứ lúc này có thể là đúng, nhưng lúc khác có thể không còn như thế.

Sau thất bại ở World Cup bấy giờ, (vẫn) Amazon Prime có làm một bộ phim tài liệu về tuyển Đức của Hansi. Có một cảnh trước ngày diễn ra trận đấu với Nhật Bản, Hansi tập trung toàn đội để cho các học trò xem một đoạn phim ghi lại cảnh đàn ngỗng xám bay quãng đường dài theo đàn. Mục đích của ông là khơi gợi tinh thần đoàn kết, khích lệ các cầu thủ, qua thông điệp “Khi bay cùng nhau, đàn ngỗng có thể bay xa hơn 70%!” Kết cục thế nào chúng ta đã rõ, Hansi kết thúc nhiệm kỳ 29 tháng của mình, trở thành HLV trưởng đầu tiên bị Liên đoàn Bóng đá Đức sa thải trong lịch sử, và phương pháp của ông thì bị truyền thông Đức mỉa mai.

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow