, không gì là không thể. Luôn có những bàn thắng khiến người ta phải há hốc mồm. Ai cũng biết điều ấy. Tuy nhiên, nó không thể ngăn cản khoảnh khắc của Ronaldinho trở nên đặc biệt.
|
Ronaldinho và cú lắc hông ở Stamford Bridge |
Bóng đá, tự thân nó mang nhiều vai trò: là một môn thể thao, một cộng đồng hay cuộc cạnh tranh hoặc những gì đó tương tự. Tuy nhiên bất kể vai trò gì, thì không có cái nào là một hình mẫu chung cả.
Ở ngoài sân cỏ, bất kể là phòng thay đồ, các quan bar, không có một lỗi nhỏ tí ti nào là không bị mang ra đàm tếu, cũng chính vì thế, việc khiến cho đối thủ trở nên ngớ ngẩn cũng mang lại cảm xúc mãnh liệt hơn những môn thể thao khác. Và từ trước đến nay, không ai có thể làm được điều đấy một cách nghệ thuật và mang tính bậc thầy như Ronaldinho Gaucho.
Ronaldinho là một thiên tài, luận điểm này đã được chứng minh từ khi anh còn nhỏ, và càng lớn lên thì tài năng của anh càng nở rộ. Thế nhưng, đấy chưa phải là mô tả đúng nhất về anh. Một đứa trẻ phiền toái với cặp mắt to, hàm răng vẩu và mái tóc xoăn tít, chẳng lấy gì làm dễ thương và còn khá cộc tính. Đó bước đầu của Ronaldinho, khi mà những cơ may chưa chạm ngõ.
Ronaldinho sớm gia nhập cùng anh trai ở câu lạc bộ Gremio, và năm 19 tuổi, giúp đội bóng này tiến đến trận chung kết giải vô địch Rio Grande do Sul. Và với sự cố gắng, phong cách phóng khoáng, anh đã cướp chức vô địch khỏi tay Dunga, đội trưởng của tuyển Brazil vô địch World Cup 1994.
Ronaldinho lần đầu được gọi lên tuyển là vào năm 1999, và vừa vào sân được bốn phút ở trận đấu ra mắt, anh đã có bàn thắng không thể “láu cá” hơn, nhận đường chuyền từ Cafu, anh lướt qua một hâu vệ đối phương, tiếp tục vượt qua một anh chàng khác và kết thúc nhẹ nhàng. Sau đó, Ronaldinho cùng người đá cặp Ronaldo, khi ấy 22 tuổi, “tàn sát” Argentina của những hảo thủ như Walter Samuel, Roberto Ayala, Fernando Redondo, Juan Sebastian Veron, Javier Zanetti, Hernan Crespo và Ariel Ortega.
Năm 2001, Ronaldinho chuyển qua PSG, trở thành “học trò” của Jay-Jay Okocha và ngày càng hoàn thiện kỹ thuật của mình. Đây cũng là nơi mà lần đầu tiên Ronaldinho hiểu thế nào là kỷ luật: Luis Fernandez, một huấn luyện viên lành tính, cảm thấy rằng những buổi ăn chơi quá đà dường như đang cản trở bước tiến của Ronaldinho.
Tuy nhiên, đối với các cầu thủ Brazil, những vấn đề ấy lại là cảm hứng để họ chơi bóng với năng lực thực sự. Người Brazil gọi đó là “malandro”. Garrincha đã từng là một hình mẫu như thế, người được biết đến với biệt danh Alegria do Povo – Niềm vui của nhân loại. Mặc dù sau đó, Garrincha đã trải qua cuộc sống vô cùng khổ cực và chết vì chứng nghiện rượu. Nhưng nếu có hình mẫu để Ronaldinho theo đuổi thì đó phải là Garrincha, một cầu thủ đầy cảm hứng, cống hiến và tràn ngập tình yêu. Và cũng chính vì như thế, Brazil mới là một đất nước tuyệt vời trên thế giới này.
Năm 2003, Ronaldinho chuyển qua Barcelona và anh ngày càng hoàn thiện mình. Ronaldinho trở thành một cầu thủ hoàn hảo. Một “vị chúa” nhưng với hình ảnh vui nhộn: nhảy với điệu nhạc mà chỉ mình anh nghe thấy, một chút capoera, một chút candomble, anh di chuyển nhanh chậm, biến tấu vượt qua mọi rào cản. Một niềm hứng khởi lớn khi dõi theo anh cùng trái bóng, một cầu thủ siêu việt. Anh dần trở thành biểu tượng bóng đá với phong cách của mình.
“Tôi không bao giờ tìm kiếm những bàn thắng của mình ở trên mạng,” anh nói.
“Tôi chỉ tìm những video mà tôi đã ‘xỏ kim’ đối thủ mà thôi!”
Vào tháng 2 năm 2005, Barcelona của Frank Rijkaard gặp Chelsea của Jose Mourinho ở vòng 16 đội Champions League. Chelsea và Barcelona là một trong những cặp đôi kinh điển vào giữa thập niên 2000 đến đầu thập niên 2010, như Juventus và Manchester United, hay Bayern Munich-Real Madrid vào cuối thập niên 1990.
Barcelona của Frank Rijkaard thi triển một thứ bóng đá tổng lực từ ngay hàng phòng ngự. Hai hậu vệ cánh là Juliano Belletti cùng Giovanni van Bronckhorst thường chú trọng tấn công hơn là phòng ngự. Hàng tiền vệ cũng thế với hai cây chuyền bóng là Xavi và Deco, cùng với đó là Ronaldinho, Samuel Eto’o và thường là Andres Iniesta được xếp đá trên hàng công. Một sức tấn công dồi dào.
Trong khi đó, Chelsea của Mourinho thì ngược lại. Vị huấn luyện viên này chỉ mới nổi tiếng cách đấy một năm khi Porto của ông đánh bại Man United ở Champions League và sau đó lên ngôi vô địch châu Âu. Ông sau đó chuyển qua Stamford Bridge. Trong tay ông là những cầu thủ giàu sức chiến đấu như John Terry, Frank Lampard hay Petr Cech, kết hợp với đó là những cầu thủ ông mang về là Didier Drogba, Ricardo Carvalho, Claude Makelele. Một lối chơi thực dụng và quyết liệt là điều được hướng đến.
Trước lượt đi diễn ra ở Camp Nou, Chelsea đang dẫn đầu Premier League với chín điểm cách biệt với đội xếp thứ hai, họ thắng chín trên mười trận đấu gần nhất mà không để thủng lưới bàn nào. Barcelona cũng tương tự, họ dẫn trước Madrid bảy điểm, thế nên ngay trước trận đấu, Mourinho đã tung bài tâm lý chiến: “Tôi không hiểu lý do vì sao họ lại đóng cửa tập luyện. Chắc như mọi người nói, họ không được tự tin.”
Trận lượt đi diễn ra với tốc độ chóng mặt và căng thẳng. Belletti có pha mở tỷ số...cho đội khách. Nhưng Drogba cũng nhận phải tấm thẻ đỏ sau hơn nửa giờ thi đấu. Rijkaard tung Maxi Lopez vào thay thế Ludovic Giuly và chính anh là người quân bình tỷ số chỉ hai phút vào sân, để rồi bảy phút sau Eto’o ấn định tỷ số 2-1 cho đội chủ nhà.
Trước trận lượt về, Chelsea đã vô địch League Cup và có một chiến thắng khác ở Premier League, trong khi đó Barcelona cũng có hai trận thắng và một hoà. Nhưng dù thi đấu tốt như thế, thì Barcelona không tránh khỏi một cú sốc. Đội chủ nhà, với sự kích động từ Mourinho, chỉ cần 19 phút đầu trận để vượt lên dẫn trước ba bàn.
Thế nhưng, vào phút 27, Paulo Ferreira để bóng chạm tay vào vòng cấm, để rồi Ronaldinho – người trước đó từng khiến khung thành đội chủ nhà chao đảo bởi pha đánh đầu trái phá - bước lên chấm phạt đền. Trong khung gỗ của Chelsea, Cech đứng hơi chếch về bên trái, bỏ trống bên phải, thế nhưng chính Ronaldinho lại làm thủ thành này bối rối khi sút về góc anh đứng; bàn thắng được ghi và Barcelona lấy lại tinh thần.
Sau đó vào phút 38, Belletti có một pha chuyền bóng dài, Terry đón được và đội đầu ngược ra ngoài; Ronaldinho có mặt ở trung lộ nhưng không cướp được bóng. Tuy nhiên, Iniesta đã nhanh chóng băng lên lấy lại quyền kiểm soát, anh chuyền cho Ronaldinho ngay sát vòng cấm địa. Chelsea quả là Chelsea, họ nhanh chóng áp sát tiền vệ người Brazil. Lampard phía sau và Carvalho phía trước tạo thành thế gọng kìm, còn Terry và Gudjohnsen tìm cách che khung thành.
Đầy ngẫu hứng và bản năng, Ronaldinho thực hiện cú sút bằng một điệu nhảy. Anh lắc lư chiếc chân phải, chân trái làm trụ, mọi thứ từ cổ chân, đầu gối, tay và hông chuyển động nhịp nhàng. Cả hàng phòng ngự bất động, chỉ biết nhìn vào cách anh giữ bóng, Ronaldinho dừng lại một chút, sau đó không cần lấy đà, anh cứa nhanh một đường bóng vào góc chết khung thành. Cú ra chân nhanh đến nỗi mà không có ai ở giữa anh và khung thành kịp phản ứng và ngăn chặn.
Trong khoảnh khắc, tất cả đều im lặng. Một điều không tưởng đã thành hiện thực. Một bàn thắng mà không hiểu vì sao nó lại có thể xảy ra, nhất là khi đặt cầu thủ vào vị trí ấy, và đường bóng có thể đi được hiểm hóc như thế. Vậy mà, Ronaldinho đã làm được. Một lần nữa, thông qua anh, bóng đá đã cho thấy vẻ đẹp của nó. Một bộ môn với 22 cầu thủ chạy trên sân, bao quanh họ là những luật lệ, những chiến thuật, kỷ luật, những kết cấu mà họ buộc phải tuân theo, thế nhưng vẫn có những phút giây khiến chúng ta phải ôm đầu bởi sự độc đáo và nghệ thuật.
Lắm lúc, chúng ta có cơ hội thưởng thức những bàn thắng kỳ dị. Như Romario nổi tiếng với cú vung cận chân, hay Ronaldo với bàn thắng vô cùng đẹp mắt vào lưới Thổ Nhĩ Kỳ ở World Cup 2002 – kỹ thuật mà thường thấy ở bộ môn futsal. Tuy nhiên, dù chúng có khiến chúng ta ngạc nhiên ở giây phút ấy, nhưng chính ra chúng đã được thực hiện nhiều lần. Còn với trường hợp của Ronaldinho thì ngược lại, đặt mọi thứ vượt qua giới hạn, thậm chí không thể đòi hỏi anh lặp lại pha bóng ấy, hay kể cả bất kỳ ai khác.
Giống như một vị ảo thuật gia xuất sắc nhất, kỹ năng cơ bản của anh giúp anh tự tin trong những pha khuấy đảo. Anh có thể khiến đối phương bị mê hoặc ngay trước khi họ kịp thức tỉnh và hiểu chuyện gì xảy ra. “Ôi nhìn kìa, Ronaldinho đang nhảy múa trên sân! Thật đẹp quá, đẹp quá! Hấp dẫn quá!” chúng ta nghĩ như thế khi anh xuất hiện, rồi “Ơ”, chúng ta vừa định thần thì anh đã vượt qua rồi.
Trên thực tế, Chelsea ngày ấy là người giành chiến thắng chung cuộc sau hai lượt trận, tỷ số sát sao là 5-4, nhưng 12 năm sau, thứ để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất, và là nguyên nhân lớn nhất để họ nhớ về cuộc đấu này: là bàn thắng của Ronaldinho. Thông qua bàn thắng ấy, anh không chỉ dạy cho chúng ta về một pha bóng, mà còn là bức tranh chung của bộ môn bóng đá, và kể cả cuộc đời này.
Lược dịch từ nguồn: Daniel Harris. Golden Goal: Ronaldinho for Barcelona v Chelsea (2005). The Guardian.
PHƯƠNG GP (TTVN)