Việc Man United bị rò rỉ thông tin về đội hình trước trận đấu với Man City vào cuối tuần vừa rồi không phải là câu chuyện mới đây. Thực tế, mọi thứ đã tồn tại từ thời Sir Alex Ferguson còn tại vị.
Khi Manchester United khai trương trung tâm huấn luyện tại Carrington vào đầu thế kỷ 21, Sir Alex Ferguson đã khá thẳng thắn khi nói rằng nơi này được thiết kế với sự đóng góp ý kiến của mình nhằm "ngăn chặn bọn khốn 'giới truyền thông' có thể bén mảng vào”.
Vấn đề lớn của Manchester City khi họ chuyển sang một khu vực khác của một vùng gần đó là có một con đường mòn công cộng chạy bên cạnh sân tập. Điều đó có nghĩa là bất kỳ ai có máy ảnh cũng có thể nán lại sau hàng rào với hy vọng chụp được điều gì đó đáng chú ý (như trường hợp Mario Balotelli xô xát với huấn luyện viên Roberto Mancini).
Manchester United thì không phải lo lắng về một con đường mòn tương tự. Tuy nhiên, về lý thuyết, lại có một cái cây ở ngoài sân để các nhiếp ảnh gia có thể leo lên để nhìn qua hàng rào. Cái cây phiền phức ấy sau đó đã được chặt đi và trước một trận đấu, HLV Sir Alex Ferguson đã đưa ra một thách thức trực tiếp tới các nhà báo theo dõi đội bóng Manchester rằng: "Nếu ai đoán đúng đội hình ra sân của ông, ông sẽ trả tiền cho người đó có một kỳ nghỉ cuối tuần tại Loch Lomond vào bất kỳ ngày nào ở cuối tuần - thời điểm những con muỗi nổi tiếng của Scotland đang hoành hành tại đây."
“Các nhà báo gọi nơi này là Colditz (một nhà tù kiên cố của Đức trong Thế chiến II)” Alex Ferguson tự hào tuyên bố. “Và đó chính là điều chúng tôi mong đợi khi xây dựng trung tâm huấn luyện này."
Tuy nhiên, trái ngược với những gì bạn có thể nghe được trong vài ngày qua, vấn đề rò rỉ thông tin đội hình của Manchester United không hoàn toàn chỉ là vấn đề sau thời Alex Ferguson.
Điều này thực tế đã xảy ra trong thời của ông còn tại vị, thông qua một người dùng trên diễn đàn người hâm mộ Red Issue. Người dùng này thường xuyên tiết lộ đội hình xuất phát của Man United trước vài giờ, thậm chí vài ngày. Những thông tin này lẽ ra phải được giữ bí mật cho đến một thời điểm thích hợp, nhưng nó đã bị tiết lộ sớm hơn dự kiến.
Điểm khác biệt vào thời đó là các kênh truyền thông xã hội lớn vẫn còn ở giai đoạn sơ khai – hãy nhớ rằng, Man United chỉ có tài khoản Twitter vào tháng 7 năm 2013 – hoặc thậm chí tới lúc đó nó còn chưa tồn tại. Đối với Alex Ferguson, ‘tweeting’ đơn giản chỉ là công việc của loài chim. Còn ‘X’ - tên gọi mới của Twitter, có lẽ chỉ giống như cách bạn chấm điểm một pha tắc bóng của Paul Scholes mà thôi.
Ngày trước không có các kênh người hâm mộ phân tích mọi thứ như hiện nay để phục vụ lượng khán giả quốc tế khổng lồ. Thậm chí ở thời điểm hiện nay, các kênh người hâm mộ còn được phép tham dự các buổi họp báo của đội bóng. Vì vậy, các vụ rò rỉ các thông tin quan trọng không bao giờ trở thành hiện tượng có tốc độ lan truyền nhanh chóng như hiện nay. Và nếu Man United biết về việc Red Issue tiết lộ thông tin sớm, họ cũng không làm lớn chuyện bởi đây có lẽ là một lĩnh vực mà đơn giản Alex Ferguson chỉ đang "không bắt kịp thời đại". Đối với ông, “truyền thông” có nghĩa là các nhà báo bóng đá của Fleet Street và phần lớn là những gì ông đã đọc vào buổi sáng là trên Daily Express - tờ báo duy nhất ông đặt mua tại nhà.
Việc giữ bí mật chưa bao giờ khó khăn như bây giờ. Điều này dẫn đến mô-típ quen thuộc về các đội hình bị rò rỉ và mang lại lợi thế chiến thuật cho bất kỳ đối thủ nào của Man United - điều chúng ta đã thấy trước trận derby Manchester cuối tuần trước. Thời điểm đó, đội hình ra sân của Ruben Amorim được báo Manchester Evening News đăng tải vào tối hôm trước và nhanh chóng được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Samuel Luckhurst - phóng viên của Manchester Evening News đã tiết lộ thông tin đội hình Man United trước một ngày |
David Moyes từng tức giận đến mức cấm David McDonnell - một phóng viên kỳ cựu của tờ Daily Mirror tham dự các buổi họp báo vì tiết lộ đội hình xuất phát của Man United vào buổi sáng trước ngày thi đấu.
Trong một trường hợp khác, Phil Neville - trợ lý của David Moyes đã từng xông vào khu vực phỏng vấn sau trận đấu tại Aston Villa để yêu cầu làm rõ nguồn rò rỉ thông tin cho một hãng truyền thông khác.
Một số người thì lại cho rằng đây chỉ là một phần của thể thao hiện đại. Dù điều này có gây ra sự phiền toái nhất định, nhưng các huấn luyện viên đã có quá nhiều việc phải lo mà không cần quá bận tâm đến một thứ mà như Amorim miêu tả là “bất khả thi” để kiểm soát.
Jose Mourinho cũng hiểu điều đó và thậm chí đôi khi còn biến nó thành trò đùa đầy dí dỏm để chuyển câu hỏi về đội hình bằng câu “Anh ấy biết đấy!” gửi đến Samuel Luckhurst - phóng viên của Manchester Evening News.
Luckhurst đã tiết lộ rằng chính anh đã đỏ mặt như củ cải đường khi Mourinho thấy phát hiện ra anh trong một sự kiện truyền thông trước trận đấu giữa Fenerbahce và Man United ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước.
“Anh ấy (Luckhurst) có một tài năng phi thường khi tôi còn ở Man United,” Mourinho nói với cả khán phòng. “Mỗi trận đấu, anh ấy đều biết đội hình tôi dùng là gì.”
Mourinho còn dí dỏm dành cho rằng Luckhurst biết mọi thứ diễn ra ở Man United
|
Trong ngôn ngữ báo chí, điều này thường được miêu tả bằng các tiêu đề giật gân trên trang cuối của các mặt báo. Nó giống như việc một câu lạc bộ hoặc huấn luyện viên sẽ phát động một ‘cuộc săn chuột chũi’ nhằm truy tìm kẻ chịu trách nhiệm rò rỉ thông tin. Nhưng thực sự các cuộc điều tra như vậy hiệu quả đến đâu? Điều đó thật khó để đánh bởi chúng ta vẫn chưa thấy một cầu thủ nào trong kỷ nguyên Premier League bị kỷ luật vì lý do này hoặc có khi họ không bị kỷ luật bởi không trực tiếp làm việc đó.
Hãy cân nhắc cách mọi chuyện diễn ra. Các cầu thủ thường biết đội hình ít nhất 24 giờ trước trận đấu nhờ vào việc ai được phát áo bib đội hình chính trong buổi tập. Thông thường, đội hình cho trận đấu vào thứ Bảy đã được chuẩn bị trong suốt cả tuần. Đối với các cầu thủ, điều quan trọng nhất trong tuần không chỉ là tập luyện, mà chính là việc biết mình có được chọn vào đội hình chính hay không.
Vì vậy, giả sử bạn là một cầu thủ và được (hoặc không được) chọn vào đội hình xuất phát, thì theo bản năng tự nhiên, bạn sẽ thảo luận với người đại diện, thành viên gia đình, bạn bè hoặc có thể là một nhân viên thân quen nào đó của đội. Và khi bạn bắt đầu chia sẻ thông tin về bản thân thì sẽ không thể tránh khỏi việc thông tin được tuồn ra qua những nguồn mà bạn chẳng thể kiểm soát. Và cứ thế, thông tin lan truyền theo cấp số nhân.
Điều này xảy ra ở mọi câu lạc bộ, và khi nó trở nên rầm rộ trên internet thì chính cầu thủ liên quan có thể cũng không nhận ra mình là nguồn phát tán. Nói cách khác, rò rỉ thông tin không nhất thiết phải xuất phát từ ý đồ xấu. Đừng vội đưa ra kết luận ngay lập tức rằng hành vi đó là bởi một cầu thủ bị thất sủng cố ý gây rối (trên thực tế khả năng này cũng có thể xảy ra). Sự thật là, việc rò rỉ thông tin có thể đến từ bất kỳ đâu.
Không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận điều đó, rõ ràng là như vậy. Tháng trước, Brendan Rodgers - huấn luyện viên của Celtic đã tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng ông phát hiện đội hình của mình đã bị tiết lộ trước trận bán kết Cúp Liên đoàn Scotland với Aberdeen.
Celtic thắng 6-0, nhưng Rodgers chỉ ra rằng việc rò rỉ đã mang lại lợi thế chiến thuật cho đối thủ. Ông nhấn mạnh quan điểm này bằng cách tiết lộ rằng ông cũng từng hưởng lợi từ tình huống tương tự.
“Trong bóng đá hiện đại, không còn gì thực sự được coi là bí mật nữa” Rodgers nói. “Đó là thực tế, nhưng sẽ chẳng dễ chịu một chút nào nếu như thông tin bị tiết lộ, đặc biệt việc tiết lộ đó còn đến từ các cổ động viên của Celtic. Có thể ai đó cảm thấy tự mãn khi tiết lộ và truyền thông tin này cho người khác, nhưng với tư cách là một huấn luyện viên, tôi cũng từng rơi vào tình huống tương tự khi đối đầu với các đội khác."
“Khi tôi biết được thông tin đội hình đối thủ, điều đó thực sự giúp ích cho việc chuẩn bị để ứng phó. Tôi đã lên kế hoạch để đối đầu với đội hình được tiết lộ của họ, nhưng rốt cuộc lại được thông báo trước trận đấu rằng, đội đó sẽ chơi với một sơ đồ hoàn toàn khác."
“Tôi có thể tổ chức một cuộc họp chiến thuật bổ sung vào tối trước trận đấu tại khách sạn để nói với mọi người: ‘Đây là điều chúng tôi nghĩ họ sẽ làm vì chúng tôi đã nhận được tin nhắn ’. Và sau đó, vào ngày hôm sau, đội hình của họ chơi đúng sơ đồ đã được rò rỉ từ ban đầu, điều này đã giúp chúng tôi giành chiến thắng trận đấu.”
“Vậy nên, bất kỳ ai đang tiết lộ thông tin và người đó còn là người của Celtic thì bạn không phải là một người ủng hộ thực thụ của đội bóng này. Những điều bạn làm không hề giúp ích gì cho đội bóng. Nếu bạn không phải là một người ủng hộ Celtic, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để tìm ra bạn là ai và làm vậy với mục đích gì.”
Một trong những phần thú vị nhất trong bài chỉ trích của Rodgers là ông không hề nghi ngờ việc rò rỉ ban đầu có thể xuất phát từ một trong các cầu thủ của mình. Đây có lẽ là một lựa chọn khôn ngoan, bởi nếu ông ám chỉ rằng kẻ rò rỉ thông tin là một “nội gián” thì điều đó có thể gây ra tác động tiêu cực, cả trên truyền thông lẫn tinh thần đội bóng.
Dennis Wise đã từng cho rằng thông tin đội mình bị tiết lộ là do có "nội gián" khi còn là huấn luyện viên Leeds United. Ông tuyên bố sau chiến thắng 2-1 trước Crystal Palace năm 2007 rằng đội hình của ông đã bị rò rỉ cho đối thủ và thủ phạm sẽ không bao giờ được chơi cho câu lạc bộ nữa.
Thông tin mà Wise nhận được là huấn luyện viên đối thủ, Peter Taylor đã được một cầu thủ Leeds gián tiếp tiết lộ thông tin khi trò chuyện với một cầu thủ Crystal Palace vào đêm trước trận đấu. Vụ việc trở nên rất rối ren, đặc biệt khi Shaun Derry và thủ môn Graham Stack phải phủ nhận tin đồn trên mạng rằng họ là thủ phạm. Sau đó, HLV Peter Taylor đưa ra cáo buộc rằng Wise đã phản ứng thái quá.
HLV Dennis Wise
|
“Tôi đã đoán được đội hình của Leeds vào lúc 8 giờ tối thứ Sáu, nhưng tôi không có thông tin gì về sơ đồ chiến thuật,” Taylor nói. “Cuối cùng, một vài cầu thủ mà tôi nghĩ sẽ đá chính của Leeds lại không ra sân. Cầu thủ nói chuyện với cầu thủ, đó là một phần của cuộc sống và những câu chuyện họ nói với nhau chẳng vì mục đích gì lớn lao cả. Tôi nghĩ cuối tuần nào cũng có khoảng 40 tình huống tương tự diễn ra trên khắp đất nước.”
Tóm lại, đó chính là điều mà Amorim muốn nói sau chiến thắng 2-1 của Manchester United trước Manchester City vào Chủ nhật, khi ông được hỏi về việc đội hình của mình đã bị Pep Guardiola biết trước vào tối thứ Bảy. “Ngày nay điều đó (việc rò rỉ thông tin) là không thể tránh được,” ông nói. “Trong câu lạc bộ có rất nhiều người, cầu thủ có thể nói chuyện với người đại diện, bạn bè hoặc bất kỳ ai. Đó không phải là một điều tích cực, tiếp tục những điều cần làm và đừng để ý quá nhiều đến chuyện đó... Cứ chờ xem họ đoán đội hình tiếp theo là gì.”
Mọi thứ thậm chí còn phức tạp hơn trong thời hiện đại bởi có rất nhiều thứ sẽ bị chi phối nếu như đội hình được tiết lộ từ sớm. Có thể bạn không nhớ nhưng các cầu thủ Aston Villa đã bị cấm chơi Fantasy Premier League vào đầu năm 2021 vì lo ngại rằng các lựa chọn của họ trong trò chơi này đã tiết lộ chấn thương của Jack Grealish.
Chuỗi sự kiện này có lẽ minh chứng rõ ràng cho cách thế giới bóng đá hiện đại đã thay đổi — nơi những yếu tố ngoài sân cỏ, như mạng xã hội và các trò chơi trực tuyến, giờ đây có thể làm lộ thông tin và ảnh hưởng đến trận đấu. Một tài khoản Twitter có tên FPL Insider đã chỉ ra rằng Matt Targett, Conor Hourihane và Neil Taylor của Aston Villa cùng với hai nhân viên của đội bóng này đã đồng loạt loại Jack Grealish ra khỏi đội hình Fantasy Premier League của họ trước trận đấu với Leicester City.
Grealish khi đó là cầu thủ hay nhất của Aston Villa và việc các đồng đội loại anh ra khỏi đội hình Fantasy chỉ có thể có một ý nghĩa duy nhất: Jack Grealish đã dính chấn thương. Và kết quả chung cuộc ngày hôm đó thì ai cũng đều rõ: Aston Villa thua Leicester 1-2.
“Nếu điều này xuất phát từ sân tập của chúng tôi, tôi sẽ tìm ra nguồn rò rỉ và xử lý thích đáng,” Dean Smith, khi đó là huấn luyện viên của Aston Villa chia sẻ. “Đây là điều khiến tôi không hài lòng và chúng tôi sẽ điều tra đến cùng.”
Internet đôi khi là một nơi khắc nghiệt. Tại một câu lạc bộ Premier League, một đội trưởng giấu tên thường xuyên bị chỉ đích danh trên mạng là nguồn rò rỉ thông tin đội hình. Điều đó hoàn toàn không đúng sự thật, nhưng khi tin đồn được lan truyền quá nhiều thì người ta lại coi đó là sự thật. Và chính điều này đã khiến anh chàng đội trưởng kể trên bị chỉ trích nhiều lần. Cuối cùng, anh phải đến gặp câu lạc bộ để hỏi xem có cách nào giải quyết không. Nhưng đáng buồn cho anh ta là cũng chẳng có phương án nào cụ thể để giải quyết sự việc kể trên.
Tuy nhiên, với Manchester United thì chẳng có gì phải nghi ngờ, họ chắc chắn là một trong những câu lạc bộ hay bị rò rỉ thông tin nhất ở giải Ngoại hạng Anh. Điều này hẳn gây khó chịu bởi trước đây nó không phải là điều thường xảy ra ở Man United. Ở thời kỳ trước, chính đối thủ cùng thành phố của họ mới là những người bị ám ảnh việc các thông tin bị rò rỉ thông tin. Cựu huấn luyện viên Man City, Frank Clark còn gọi những người tiết lộ thông tin là “một thế lực ngầm âm thầm phá hoại từ bên ngoài”.
Phía Man United cũng đã bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc trên mạng xã hội về một số vụ rò rỉ đội hình xuất phát từ anh trai của Alejandro Garnacho - Robert Garnacho. Anh trai của Garnacho trước đây đã bị nhiều tài khoản trên X chỉ đích danh là người đã tuồn thông tin và bị chỉ trích rất nặng nề.
Ole Gunnar Solskjaer - cựu huấn luyện viên khác của Man United đã từng chia sẻ sự thất vọng của mình về việc nhiều bí mật trong phòng thay đồ bị tiết lộ. Chia sẻ trên podcast Stick to Football, Ole Solskjaer cho rằng trong đội hình khi đó của ông ở Man United đã “có một hoặc hai người tuồn thông tin ra ngoài khi bản thân họ cảm thấy không hài lòng”.
Về phần Ruben Amorim, ông cũng đã được hỏi thêm liệu ông có thay đổi gì để tránh các vụ rò rỉ khác trước trận tứ kết Carabao Cup gặp Tottenham Hotspur hay không.
“Không gì cả,” ông trả lời và nhấn mạnh rằng Spurs sẽ biết hệ thống chiến thuật ưa thích của ông dù có xoay chuyển thế nào đi chăng nữa. “Tôi không quá lo lắng về điều đó. Tôi không thể kiểm soát được những vấn đề như vậy. Chính vì thế, tôi sẽ làm mọi thứ như cũ và chuẩn bị theo cách mình vẫn hay làm. Điều quan trọng hơn là các cầu thủ của tôi bước vào trận đấu với một ý tưởng rõ ràng thay vì cố gắng che giấu điều gì đó để ngăn thông tin đội hình xuất phát bị lộ.”
Đó là một thái độ khôn ngoan khi tiếp nhận thông tin từ Ruben Amorim. Rò rỉ thông tin xảy ra và nó là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa khi bạn là huấn luyện viên của một câu lạc bộ lớn như Man United, bạn cũng khó lòng làm được nhiều thứ hơn để thay đổi tình hình. Colditz như thời Ferguson? Nó chắc chắn không thể tồn tại ở ngày nay đâu. Bóng đá bây giờ đã ở một chuẩn mực mới (dù cũng không hẳn là mới hoàn toàn), và như Amorim nói: "Không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận sự thật và tiếp tục tiến lên".
Theo Daniel Taylor (NY Times)