Có lẽ khi ký hợp đồng với Andrea Pirlo, ban lãnh đạo Juventus đã phần nào lường trước được những khó khăn mà đội bóng gặp phải trong mùa giải 2020/2021. Thế nhưng viễn cảnh không thể tham dự Champions League mùa tới thì có nằm mơ chủ tịch Andrea Agnelli và các đồng sự cũng chẳng thể nào ngờ. Câu hỏi đặt ra lúc này không phải là bao giờ Andrea Pirlo bị sa thải, mà làm thế nào để kéo “Lão bà” ra khỏi cơn bĩ cực?
Ảnh: Getty Images
Ngày 8/8/2020, Maurizio Sarri chính thức phải ra đi sau vỏn vẹn 1 năm gắn bó, dù vẫn giúp Juventus đăng quang tại Serie A. Với các Juventini, thêm một chiếc cúp Scudetto về phòng truyền thống chẳng thể xoa dịu những trái tim đang khát khao chinh phục Champions League hơn bao giờ hết. Lối chơi của Sarri bị chê tơi tả vì nhàm chán, thiếu linh hoạt trong cách vận hành và “đỏ mắt” cũng chẳng tìm thấy điểm sáng nào khác ngoài sự xuất sắc cá nhân của Cristiano Ronaldo.
Vài giờ ngắn ngủi sau khi Juventus nhận trận thua cay đắng trước Lyon ở vòng tứ kết Champions League, án sa thải lập tức được giáng xuống. BLĐ Juventus không chấp nhận việc đội bóng bị loại tức tưởi trước một đội thủ chưa từng được đánh giá cao như Lyon, càng không thể chấp nhận việc Sarri chỉ đem về vỏn vẹn 1 danh hiệu trong mùa giải 2019/2020.
Họ thất bại trong trận tranh Siêu cúp Italia hồi đầu mùa trước Lazio, rồi đến trận thua Napoli trong trận chung kết Cúp quốc gia hồi tháng 6/2020. Còn tại Serie A, thay vì niềm vui hân hoan trong ngày họ vô địch trước 2 vòng đấu, hàng loạt tờ báo tại Italia đều đưa ra hàng loạt thông số để nói rằng đây là chức vô địch tệ hại nhất của Juventus kể từ mùa giải 2011/2012.
Có thể Andrea Agnelli đã đúng khi sa thải Sarri, thế nhưng việc bổ nhiệm một người mới nhận chức HLV trưởng U23 Juventus chỉ trước đó 9 ngày, chưa có bất kỳ kinh nghiệm dẫn dắt như Andrea Pirlo lên thay thế, thì đó chẳng khác gì một canh bạc đỏ đen. Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến trường hợp Clarence Seedorf vội vàng giải nghệ để quay lại dẫn dắt đội bóng cũ AC Milan hồi đầu năm 2014. Kết quả? Vào cuối mùa giải, AC Milan chỉ xếp thứ 8, còn Seedorf cũng nhanh chóng bật bãi với thành tích 11 chiến thắng sau tổng cộng 22 trận cầm quân.
Thất bại trước AC Milan phơi bày bộ mặt của Juventus suốt cả mùa giải này. Ảnh: Getty Images
Nhưng Seedorf là trường hợp bổ nhiệm trong hoảng loạn của Milan để cứu vãn một mùa giải thất vọng, nó khác với câu chuyện của Pirlo ở Juventus. Chưa đầy 24 giờ sau khi Sarri bị sa thải, trang chủ của Bianconeri đã đăng tải thông tin về người thay thế. Vậy điều này thể hiện gì? Tức là BLĐ Juventus đã xác định Pirlo sẽ là người kế nhiệm Sarri từ lâu, họ chỉ chờ thời điểm để công bố mà thôi.
Trong nhiều năm trở lại đây, mục tiêu của Juventus không dừng lại ở đấu trường quốc nội nữa. Họ khát khao trở thành một đội bóng siêu cường tương tự Real Madrid, Barcalona hay Bayern Munich. Muốn vậy ít nhất phòng truyền thống của họ phải có chiếc cúp bạc Champions League danh giá, danh hiệu ngay đến Antonio Conte hay Max Allegri cũng bất lực trong việc chinh phục. Vừa hay Pirlo từng nâng cao chiếc cúp bạc tới hai lần khi còn là cầu thủ. Trên sân cỏ, Pirlo là một thiên tài mang phong thái điềm tĩnh. Đầu óc siêu việt, tư duy và nhãn quang chiến thuật nhạy bén biến anh trở thành một tiền vệ kiến thiết độc nhất vô nhị.
Lúc này, tư tưởng thành công với những huyền thoại CLB in đậm trong tâm trí BLĐ Juventus. Giống như trường hợp Pep Guardiola hay Luis Enrique tại Barcelona, Zinedine Zidane ở Real Madrid, hoặc như Ole Gunnar Solskjaer cũng đang làm khá tốt tại Manchester United. BLĐ Juventus hy vọng họ sẽ có bước đột phá cùng Pirlo.
Cristiano Ronaldo không thể giúp Juventus thoát khỏi cơn bĩ cực. Ảnh: Getty Images
Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, canh bạc này đã thất bại thê thảm. Nếu người ta nói chức vô địch Serie A 2019/2020 của Sarri là tệ hại, vậy thì chỉ có hai từ thảm họa mới lột tả được tình cảnh hiện tại ở Allianz. Juventus bị loại ngay vòng 1/8 tại Champions League trước Porto dù có lợi thế sân nhà ở trận lượt về và được chơi hơn người trong phần lớn thời gian hiệp 2.
Còn tại Serie A – giải đấu mà các Juventini từng “mặc định” là chức vô địch luôn giành cho họ, tình cảnh thậm chí còn bi đát hơn. Không chỉ mất Scudetto vào tay Inter Milan, giờ đây Juventus còn chẳng có quyền tự quyết trong cuộc đua giành vé dự Champions League mùa tới. Đặc biệt là sau trận thua muối mặt 0-3 trước chính đối thủ cạnh tranh trực tiếp là AC Milan. Sau 35 vòng đấu, Juventus chỉ giành vỏn vẹn 20 chiến thắng, hòa 9 trận và thua tới 6 trận. Chỉ ghi 67 bàn thắng nhưng lại để lọt lưới tới 34 lần!
Hàng phòng ngự - biểu tượng chiến thắng của Italia, từng phản chiếu lấp lánh qua bộ ba Andrea Barzagli, Leonardo Bonucci, Giorgio Chiellini của Juventus, thì giờ đã chỉ còn là quá khứ khi một người đã giải nghệ, còn hai cũng bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp. Hàng thủ ấy hiện giờ đã không thể có được bản lĩnh của ngày xưa, đến cái yêu cầu cơ bản nhất là sự chắc chắn, họ cũng không đảm bảo được.
Họ để cho đội mới lên hạng như Benevento đánh bại, để cho những đội bóng tầm trung như Genoa ghi tới 2 bàn trong một trận đấu. Sau nhiều năm đằng đẵng, sắc tím Fiorentina cũng đã khiến thành trì của “Lão bà” phải tan hoang. Hàng phòng ngự mong manh, gặp sóng lớn một chút là vỡ vụn. Những cảm xúc của ngày xưa, giờ chỉ còn là những hoài niệm xa xôi.
Có lẽ khi chợt nhận ra Sarri còn làm tốt hơn Pirlo, chúng ta sẽ hiểu đội bóng thành Turin đã ở tận cùng của đáy thất vọng. Đặc biệt là sau trận thua 0-3 trước AC Milan ngay trên sân nhà mới đây, trong một ngày mà hàng tiền vệ của Juventus chơi như mơ ngủ, còn bộ đôi trung phong Ronaldo và Morata cũng “mất hình” trước sự xuất sắc của đoàn quân Stefano Pioli. Và đó chính là sự khác biệt về trình độ, kinh nghiệm của một chiến lược gia năm nay đã 55 tuổi với một người chỉ chân ướt, chân ráo vào nghề.
Từ trái sang: Giám đốc Thể thao Fabio Paratici, Phó Chủ tịch Pavel Nedved, Chủ tịch Andrea Agnelli và ông John Elkann, Chủ tịch kiêm CEO của Exor (công ty mẹ của Juventus). Ảnh: Getty Images
Andrea Pirlo quá non kinh nghiệm, điều này đúng. Pirlo thiếu khả năng ứng biến trong những thế trận gặp khó, điều này cũng đúng. Hơn nữa, người ta không thấy được bất kỳ sự cải thiện nào từ lối chơi nhàm chán mà Sarri từng đem lại dưới triều đại của Pirlo. Ở trận thua 0-1 trước Benevento tại vòng 27 Serie A, Juventus cầm bóng tới 73%, tung ra 21 pha dứt điểm, nhưng lại để đội đã không thắng 11 trận trước đó ra về với 3 điểm. Và đó cũng chính là bộ mặt của Juventus trong cả mùa giải, khi cầm bóng nhiều nhưng chẳng hiệu quả.
Chắc chắn Pirlo là người phải chịu trách nhiệm chính trong sự sa sút đến chóng mặt của Juventus. Thế nhưng sẽ là quá bất công nếu đổ hết trách nhiệm cho người đàn ông 41 tuổi này. Những sai lầm từ chuyển nhượng cũng là một phần nguyên nhân. Sự thật cho thấy, Juventus vẫn chi rất nhiều tiền trên TTCN, nhưng đa phần các tân binh được đưa về Allianz đều chưa để lại nhiều dấu ấn. Morata chơi trận hay, trận dở. Trong khi “bom tấn” Arthur Melo là nỗi thất vọng to lớn khi đá ở vị trí kiến thiết nhưng lại chưa có bất kỳ pha kiến tạo nào xuyên suốt cả mùa giải.
Hàng tiền vệ là nơi ngốn quỹ lương của Juventus nhiều nhất với hai cái tên nổi bật là Aaron Ramsey và Adrien Rabiot (đều hưởng mức lương 250.000 euro/tuần). Nhưng cũng giống như Arthur, cả hai đều chẳng thể nâng tầm Juventus như những gì họ từng làm trong màu áo Arsenal và Paris Saint-Germain. Điều này cũng phản ánh một thực tế không lấy gì làm hay ho khi BLĐ đội bóng luôn muốn đưa về các ngôi sao có danh tiếng theo dạng chuyển nhượng tự do, chứ không quan tâm đến việc nó có thích hợp với phong cách chơi của Juventus hay không. Và khi cần thiết, họ vẫn có thể bán đi để kiếm lời, giống như trường hợp của Mehdi Benatia, Emre Can hay trước đó là Kingsley Coman.
Gần như chắc chắn, Pirlo sẽ không thể tại vị ở mùa sau. Ảnh: Getty Images
Câu hỏi đặt ra lúc này không phải là bao giờ Pirlo bị sa thải, mà làm thế nào để kéo “Lão bà” ra khỏi cơn bĩ cực, đặc biệt là khi họ đang đứng trước nguy cơ làm khán giả bất đắc dĩ tại đấu trường danh giá nhất Châu Âu mùa tới? Gần như chắc chắc Pirlo sẽ phải ra đi, nhưng người cũ Max Allegri, Gianpiero Gasperini, Simone Inzaghi hay một cái tên khả dĩ nào khác sẽ đến để cải tổ mọi thứ? Từ bài toán trẻ hóa đội hình, chất sáng tạo ở tuyến giữa, việc đầu ra bàn thắng quá phụ thuộc vào lão tướng đã 36 tuổi như Ronaldo, và còn cả hằng hà sa số các vấn đề khác nữa.
Từ những lùm xùm vụ Super League với án phạt đang treo lơ lửng, cho đến thành tích tệ hại trên sân cỏ, có thể nói Juventus đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong một thập kỷ trở lại đây. Nhưng nên nhớ rằng họ vẫn là đội bóng giàu truyền thống và tiềm lực tài chính nhất ở Italia. Sẽ chẳng sao đâu nếu Juventus trải qua một mùa giải thất bại sau quá nhiều năm no nê danh hiệu quốc nội. Đôi khi một bước lùi cũng không hẳn chuyện gì đó quá tệ. Chỉ tiếc rằng mối tình của Pirlo và Juventus đã không đẹp như trong tưởng tượng của các Juventini!
Ba trận đấu cuối cùng ở Serie A trước Sassuolo, Inter Milan, Bologna và trận chung kết Cúp quốc gia với Atalanta có lẽ sẽ là lần cuối cùng mà người hâm mộ còn được chứng kiến chàng tiền vệ nhạc trưởng một thời của Azzurri ngồi trên ghế HLV trưởng của đội bóng thành Turin.
Đánh bại đối thủ cùng thành phố trong trận derby Manchester, thầy trò Ruben Amorim đã giành được rất nhiều lời ca tụng. Chiến thắng này có ý nghĩa hơn một trận thắng thông thường, vì nó có thể mở ra một kỷ nguyên mới ở nửa đỏ thành Manchester.
Đứng thứ hai trên bảng xếp hạng, đứng đầu về thành tích ghi bàn, và tuần nào cũng thi đấu với sự tự tin rõ rệt. Không có gì lạ khi giờ đây Chelsea đang được xem là một ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch Premier League 2024/25.
Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.
Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.