Chelsea 1-1 Man United: Đợi chờ Rangnick

Tác giả KDNX - Thứ Hai 29/11/2021 15:04(GMT+7)

Zalo

Godot của nhà văn Samuel Beckett có thể tồn tại, có thể không, nhưng Rangnick thì có và sẽ tới sân Old Trafford trong vòng tuần tới. Tuy nhiên, nếu không chịu cải tổ và thay đổi, Man United sẽ chẳng bao giờ tiến bộ dù là với Ralf Rangnick hay bất cứ HLV nào.

 
Chelsea 1-1 Man United: Đợi chờ Rangnick
 
Có Ronaldo hay không thì cũng thế!

"Phải để Ronaldo đá từ đầu. Cứ nhìn các thông số của cậu ấy mà xem, rõ ràng chúng rất ổn. Cậu ta đâu về lại Man United chỉ để ngồi chơi." Roy Keanae đã nêu ra quan điểm của mình trong một buổi bình luận sau trận đấu cho kênh truyền hình Sky Sports cùng với Jamie Carragher, kình địch một thời của ông ở Liverpool.

Không phải tay vừa, Jamie Carragher đã phản bác lại người đàn anh của mình: "Tôi không nghĩ Rangnick sẽ để Cristiano Ronaldo lên băng ghế dự bị ngay khi đến Man United, nhưng cái ý niệm Ronaldo cần phải đá mỗi trận thực sự không ổn. Đúng là cậu ta vẫn đá tốt, vẫn ghi bàn, nhưng không có nghĩa là việc cậu ấy ra sân hay ngồi ngoài thực sự quan trọng với Man United."
 
Với nhiều người hâm mộ Man United đêm qua, việc Cristiano Ronaldo vào sân hay ra sân có lẽ cũng không quá quan trọng, bởi lẽ, kể cả khi CR7 vào sân ở hiệp 2, thế trận của Man United cũng chẳng khá hơn là bao. Đúng là họ đã có được một bàn thắng rất đẹp từ tình huống băng xuống của Jadon Sancho. Tuy nhiên, cũng cần phải nhớ rằng nếu Jorginho, "tội đồ" của Chelsea ở tình huống đó, không bất cẩn ở tình huống đó, có lẽ Jadon Sancho sẽ không thể có được cơ hội "ngon ăn" như thế ở khu vực giữa sân. 
 
Có thể nói Man United đã gặp rất nhiều may mắn ở trận đấu ngày hôm qua khi hàng tiền đạo Chelsea đã để lỡ quá nhiều cơ hội trước khung thành của Man United dù là đội thực hiện tới 24 cú sút, một con số đã cho thấy mức độ bế tắc ở mặt hàng công của The Blues. Tuy nhiên, con số này cũng nêu ra một thực tại đáng buồn khác của các vị khách tới từ thành Manchester: hàng phòng thủ của họ đang lỏng lẻo tới mức không tưởng ở mùa giải hiện tại.
 
Wan-Bissaka sau trận đấu ngày hôm qua chắc chắn sẽ để lại ấn tượng nhiều nhất cho các CĐV đến sân, đáng buồn thay, đó không phải là những ấn tượng tốt, mà là những ấn tượng xấu, một trong số đó chính là pha phạm lỗi thô thiển với Thiago Silva ở cái thời điểm mà Man United đang cần giữ sạch mành lưới của mình cho một trận thắng. Tuy nhiên, thật khó có thể trách hậu vệ trái của Man United khi ở tình huống đó, chính bản thân anh cũng không nhận được những sự hỗ trợ cần thiết từ những người đồng đội xung quanh mình.
 
Khó có thể trách được các cầu thủ Man United khi đã thi đấu không đúng với sức mình sau khi đã căng mình cho trận đấu trước Villarreal hồi đầu tuần. Dù vậy, các CĐV Man United đến sân Stamford Bridge ngày hôm đó vẫn xứng đáng có được một kết quả và một màn trình diễn mãn nhãn hơn một màn trình diễn mà ở đó Man United chỉ tung ra 3 cú dứt điểm và kiểm soát bóng được 34% thời lượng trận đấu, một con số nghe qua sẽ khiến người ta nghĩ đến một đội bóng hạng 2 nào đó của bóng đá Anh chứ không phải một Man United hùng mạnh từng xưng bá một cõi ở Châu Âu.

Chelsea 1-1 Man United: Đợi chờ Rangnick
 
Đợi chờ Rangnick
 
Ngay sau khi trận đấu kết thúc, cánh truyền thông Anh Quốc đã bắt đầu đưa ra những tin đồn về việc Ralf Rangnick, ông chủ tương lai của băng ghế huấn luyện sân Old Trafford, là người đã tạo ảnh hưởng lên sơ đồ chiến thuật cũng như lối vận hành của Man United ở trận đấu ngày hôm qua. Và cũng như mọi nghi vấn khác được cánh báo chí đưa ra, câu hỏi này đã được đưa thẳng vào phòng họp báo sau trận đấu giữa Chelsea và Man United trên sân Old Trafford.
 
Tuy nhiên, Michael Carrick, HLV tạm quyền của họ chỉ trả lời một cách gọn ghẽ theo đúng phong cách điềm đạm vốn có của anh: "Không, làm gì có chuyện đó !" Một lời khẳng định như để dập tan hết những nghi ngờ về việc Man United đã thực sự trở thành một Man United "của Ralf Rangnick" và "đi theo ý đồ của Ralf Rangnick" như cánh truyền thông Anh vẫn thêu dệt trong những ngày gần đây.
 
Nếu xét qua lịch sử của vị HLV kiêm giám đốc điều hành người Đức, chúng ta có thể thấy ông là một người khá độc đoán và theo chủ nghĩa "gia đình trị", tức, chỉ những người thân tín hoặc đã từng làm việc lâu năm với ông mới có chân trong 'dự án" do ông lập ra. Đơn cử như trường hợp của Lokomotiv Moskva, đội bóng đang được vị giám đốc người Đức điều hành. Ngay khi đến với sân RZD Arena, Ralf Rangnick đã quyết định thay thế một loạt vị trí bằng những cái tên thân tín với ông. Thậm chí, trên băng ghế chỉ đạo cũng là một học trò của ông, Markus Gisdol. Nhờ đó, Lokomotiv Moskva trở thành đội bóng có thành tích...tệ nhất nước Nga giai đoạn hiện tại khi tụt xuống vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng giải VĐQG Nga.
 
Sẽ có người cho rằng với một người hoạch định chiến lược như Ralf Rangnick, chúng ta không thể chờ đợi thành công đến ngay lập tức mà phải trông chờ từng giai đoạn một. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi một CLB đã có được một bộ khung và một cái xương sống chắc khỏe như Manchester City, Borussia Dortmund hay những đội bóng ở Bundesliga, còn với những đội bóng có văn hóa khao khát chiến thắng nhưng lại không có một kế hoạch và chiến lược dài hơi như Man United, e rằng điều này rất khó có thể thực hiện.

Ralf Rangnick
 
Ralf Rangnick là một HLV tài năng, một nhà hoạch định đại tài, điều đó không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, có cảm giác truyền thông Anh Quốc, và phần nào đó là Việt Nam, đang quá coi trọng vào tài năng của vị giám đốc người Đức này, từ đó dễ tạo ra rất nhiều những mộng tưởng thái quá cho người hâm mộ Man United, những người vốn đã luôn khao khát có được một sự thay đổi từ thượng tầng của Man United mà quên mất rằng ở thời điểm hiện tại, bản thân đội chủ sân Old Trafford cũng chưa thể tìm ra được một lối chơi, thậm chí là một chiến lược phù hợp cho tương lai của HLV Ralf Rangnick, và sau đó là giám đốc thể thao Ralf Rangnick.
 
Cách đây 68 năm, nhà biên kịch vĩ đại người Ai-len, Samuel Beckett, đã viết ra một vở kịch bất hủ mang tên "Waiting For Godot" (Đợi chờ Godot-BTV), kể về hai người đàn ông Estragon và Vladimir, hai người chờ đợi một nhân vật thứ 3 mang tên Godot, một người có thể có thực, hoặc có thể không tồn tại. Có thể thấy rõ thông điệp của nhà biên kịch vĩ đại người Anh qua vở kịch này, đó là: nếu nhân loại, hay bất cứ ai, cứ chờ đợi vào một đấng Cứu Thế hay một "người cứu rỗi" thay vì tự mình giải quyết vấn đề của mình, chắc chắn họ sẽ lụn bại trong mòn mỏi như hai nhân vật kể trên.
 
Sẽ là không sai khi nói rằng  Man United hiện tại cũng giống như hai nhân vật kia, chờ đợi mòn mỏi một "người cứu rỗi" mang tên Ralf Rangnick. Tuy nhiên, khác với Godot, người có thể tồn tại, có thể không, Ralf Rangnick lại là một con người bằng xương bằng thịt và có thể chạm tay vào. Tuy nhiên, nếu không thể giải quyết những vấn đề đang còn ngổn ngang trước mặt, có lẽ Man United sẽ phải cần nhiều hơn một Rangnick để "cứu rỗi" họ khỏi vũng lầy của sự vô định.
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow