Bài toán dùng người của Man United và nỗi khổ của Bruno Fernandes

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 08/01/2024 13:26(GMT+7)

Zalo

Bruno Fernandes là chân phát triển bóng tốt nhất của Manchester United và đồng thời cũng là cầu thủ sáng tạo hàng đầu của họ, nhưng vấn đề là họ chỉ có thể lựa chọn 1 trong 2 phẩm chất đó mà thôi.

410773473_262609193507089_7453034808613218103_n
 

Phần lớn khoảng thời gian khoác áo Manchester United của Paul Pogba sẽ không được nhớ đến như một kỷ niệm đẹp. Còn Bruno Fernandes thì sẽ ngược lại.

Thương vụ chuyển nhượng trị giá 90 triệu bảng đưa Pogba đến Old Trafford từ Juventus thường bị xem là một thất bại. Trong 6 năm trời, tiền vệ người Pháp gần như chưa từng đáp ứng được những kỳ vọng lớn lao xoay quanh anh. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết cục này, nhưng chiếm phần lớn nhất chính là vị trí thi đấu của anh trên sân.

Pogba là một tiền vệ trung tâm có thể “làm được mọi thứ”. Tiền vệ người Pháp tỏa sáng nhất khi đá thật cao để qua đó anh có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình cũng như thực hiện các bước chạy xâm nhập vòng cấm. Tại Juventus, anh đã được giao cho một vai trò cho phép mình chơi như vậy, và điều đó được phản ánh qua thành tích ghi bàn và kiến tạo của cá nhân anh.

Tuy nhiên, khi Pogba gia nhập Man United thì HLV trưởng lúc bấy giờ là Jose Mourinho lại hứng thú hơn với một đặc điểm khác của anh: Khả năng chuyền chọc từ dưới sâu sân đấu. Lúc ấy Man United đang tìm kiếm người kế nhiệm Michael Carrick và Mourinho đã xem Pogba là câu trả lời. Với việc đội chủ sân Old Trafford vốn đang có sẵn những cầu thủ sáng tạo lừng danh như Henrikh Mkhitaryan, Juan Mata và Wayne Rooney, họ cho rằng mình chẳng cần sự sáng tạo đến từ Pogba nữa. Thay vào đó, họ cần một người thành thạo việc đưa quả bóng lên cho những cầu thủ sáng tạo trên.

Pogba đã được chỉ đạo chơi lùi sâu, “sắm vai” một phần trong một cặp tiền vệ “trục kép” suốt 3 năm. Cách bố trí này đã phát huy hiệu quả - khi ngôi sao người Pháp góp mặt trên sân, Man United dứt điểm nhiều hơn, ghi bàn nhiều hơn và được ghi nhận chỉ số xG (bàn thắng kỳ vọng) cao hơn so với khi không có anh – nhưng nó cũng khiến cho Pogba chẳng thể tỏa sáng rực rỡ như trước được nữa. 

Với mức phí chuyển nhượng tận 90 triệu bảng, người hâm mộ kỳ vọng được nhìn thấy những bàn thắng và những đường kiến tạo, hoặc ít nhất là một cầu thủ tấn công đầy năng động, nhưng thay vào đó họ lại chỉ thấy một tiền vệ chẳng mấy khi dâng cao và chủ yếu thực hiện những đường chuyền trông rất cơ bản – một vai trò không thực sự được người xem bóng đá đánh giá cao cho đến tận mùa giải 2022- 2023. 

Bài toán dùng người của Man United và nỗi khổ của Bruno Fernandes 1
 

Sau khi Mourinho bị sa thải, HLV trưởng kế nhiệm là Ole Gunnar Solskjaer đã để Pogba đảm nhận vai trò tiền vệ chơi cao nhất trong một trung tuyến 3 người, và mọi người đã nhanh chóng được chứng kiến cá nhân anh vươn lên một đẳng cấp mới. Nhưng chấn thương của Nemanja Matic và Ander Herrera vào cuối mùa giải đã khiến ngôi sao người Pháp lại phải chơi lùi sâu ở trung tuyến vì 1 lý do duy nhất – mọi thứ kỹ năng ở gần khung thành của bất kỳ cầu thủ nào dù tốt đến đâu cũng đều sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không thể đưa quả bóng đến đó. Và Pogba là người duy nhất có thể đưa quả bóng về phía trước.   

Vì sự ra đi của Herrera sau mùa giải 2018-19, Pogba đã tiếp tục phải chơi lùi sâu để đưa quả bóng lên trên cho Jesse Lingard hay Andreas Pereira thực hiện nhiệm vụ sáng tạo. Man United trở nên khổ sở đến cùng cực là vì họ chỉ có 1 Pogba trong khi họ cần đến 2: Một người phát triển bóng và một người sáng tạo. Trong phần lớn những năm tháng khoác áo CLB này, tài năng của ngôi sao người Pháp đã bị hy sinh để họ có thể đưa quả bóng tới khu vực 1/3 cuối sân đối thủ.

Câu chuyện tương tự cũng đã diễn ra với Bruno Fernandes. 

Nhưng trước tiên, chúng ta cần xác định sự khác biệt giữa Pogba và Fernandes: Ngôi sao người Pháp là một cầu thủ có sự điềm tĩnh và năng lực để chơi lùi sâu (mặc dù không giỏi phòng ngự). Nếu bạn đặt anh cạnh những tiền vệ phòng ngự tài ba, anh có thể trở thành một Andrea Pirlo mới. Nhưng vai trò sở trường của anh là một tiền vệ số 8 thiên về tấn công. Không phải một cầu thủ chơi ngay phía sau tiền đạo trung tâm, mà là một số 8 chuyên thực hiện những pha xâm nhập bất ngờ vào vòng cấm. Còn Bruno Fernandes là một số 10. Sở trường của anh là chơi ngay phía sau trung phong, nhưng cũng có vừa đủ khả năng để đá thấp hơn một chút. 

Họ là 2 kiểu cầu thủ hoàn toàn khác nhau, hoạt động tại những vị trí khác nhau, nhưng sự nghiệp của họ tại Man United đã có một số điểm trùng lặp.

***

Ngay sau khi đến Old Trafford, Bruno đã làm được gần như tất cả những gì mà Pogba đang không thể làm. Về cơ bản là vì anh đã thực sự ghi bàn và kiến tạo – do được chơi dâng cao trên sân đấu. Trong 5 trận đấu đầu tiên của ngôi sao người Bồ Đào Nha ở Premier League, diễn ra trước khi giải đấu này phải tạm nghỉ vì lệnh phong tỏa toàn xã hội do COVID-19, anh đã ghi 2 bàn và có 3 pha kiến tạo. Nhưng trên thực tế đây chỉ là một tình huống hết sức tầm thường: 1 bàn trong số đó đến từ một quả penalty và 2 trong 3 pha kiến tạo đến từ những tình huống cố định. 

Tuy 5 trận là một kích cỡ mẫu còn rất nhỏ, nhưng sự thật vẫn là các con số thống kê chuyên sâu của Man United sau khi Bruno đến không hề cải thiện chút nào cả. Nói cách khác, mặt trận tấn công của đội chủ sân Old Trafford vẫn chưa được nâng cấp, việc họ bắt đầu có được những kết quả tốt là nhờ khả năng phòng ngự vững chắc.

Bài toán dùng người của Man United và nỗi khổ của Bruno Fernandes 2
 

Phải đến khi Premier League 2019-20 được “tái khởi động”, sự khởi sắc mới thực sự xuất hiện trong khả năng tấn công của Man United, vì một lý do hết sức đơn giản: Paul Pogba tái xuất.

Trước đợt phong tỏa, Man United đã bắt đầu nhận thức được rằng những vấn đề mà họ gặp phải trước đây với Pogba sẽ sớm xảy ra với Bruno. Họ chẳng thể tạo điều kiện để Bruno thường xuyên có bóng tại những khu vực nguy hiểm. Trên thực tế, ngôi sao người Bồ đã có 30 phút phải lui xuống tận vị trí tiền vệ trụ trong một trận đấu với Wolves vì Solskjaer nhận thấy rằng nếu không làm vậy thì anh sẽ không thể nhận được bóng.

Khi Pogba trở lại, vấn đề được giải quyết và Man United đã đạt phong độ thăng hoa. Giờ đây, họ có một cầu thủ thành thạo nhiệm vụ phát triển bóng và một chuyên gia sáng tạo ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ để nhận những đường chuyền đó rồi biến chúng thành các cơ hội ghi bàn. 

Bruno là một mối đe dọa thực sự đáng sợ phía sau trung phong. Trong 9 trận đấu cuối cùng của mùa giải, anh đã ghi 3 bàn không tính penalty, có 3 pha kiến tạo từ các tình huống mở và 3 đường chuyền tiền kiến tạo. 1 năm sau, Bruno tiếp tục tỏa sáng, ghi 9 bàn không phải penalty, có 12 pha kiến tạo từ các tình huống mở và 11 đường chuyền tiền kiến tạo.

Tuy nhiên, lẽ ra Bruno đã có thể đạt được những con số còn tốt hơn thế nhiều, và việc anh chẳng làm được như vậy lại chính là một minh chứng cho thấy Man United vẫn rất dễ bị tổn thương bởi vấn đề cũ.

Pogba đã vắng mặt trong 1523 phút thi đấu (khoảng 17 trận) của đội chủ sân Old Trafford ở mùa giải 2020-21 và khi anh không ra sân, Bruno – cũng như Man United – đã tỏ ra chật vật thấy rõ. Thiếu vắng Pogba trên sân đấu, tần suất kiến tạo trung bình mỗi 90 phút của Bruno đã giảm từ 0,41 khi chơi cùng ngôi sao người Pháp xuống còn 0,27. Nghiêm trọng hơn, chỉ có duy nhất 1 trong 11 đường chuyền tiền kiến tạo của anh vào mùa giải đó diễn ra khi Pogba vắng mặt. Nếu Bruno không thể trực tiếp tham gia vào các bàn thắng thì Man United cũng sẽ không thể ghi bàn. Và vấn đề là tiền vệ người Bồ chẳng thể làm hết mọi việc.

Không khó để tìm ra lý do khiến thành tích cá nhân của Bruno tụt dốc khi Pogba vắng mặt: Chỉ cần nhìn vào các khu vực chạm bóng của anh. 

Bài toán dùng người của Man United và nỗi khổ của Bruno Fernandes 3
 

Không có Pogba, Man United không chỉ gặp khó khăn trong việc đưa quả bóng lên cho Bruno, mà còn cả việc cung cấp nó cho tiền vệ người Bồ Đào Nha tại những khu vực nguy hiểm nữa. Kết quả là Bruno phải thường xuyên lùi sâu hơn để tìm bóng, sau đó anh sẽ đưa nó lên phía trên, nhưng điều này lại khiến Man United một lần nữa thiếu vắng đi một ngòi nổ thực sự nguy hiểm tại các khu vực đó để nhận những đường chuyền phát triển bóng. 

Bruno đã có một sự khởi đầu đầy hứa hẹn vào mùa giải 2021-22 với một cú hattrick ngay trong lần ra sân đầu tiên, nhưng sự xuất hiện của Cristiano Ronaldo cùng với những vấn đề dai dẳng ở trung tuyến của đội chủ sân Old Trafford đã khiến vai trò của anh phải thay đổi. Một lần nữa, anh phải lui xuống rất sâu để tìm bóng và điều này đã tạo ảnh hưởng tiêu cực lên những màn trình diễn của ngôi sao người Bồ. 

Tình trạng đó sẽ tiếp tục diễn ra dưới thời Erik Ten Hag. Mùa trước, chỉ số “usage rate” của Bruno (một thước đo chỉ ra số lần chạm bóng của một cầu thủ chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số lần chạm bóng của toàn đội) đã giảm xuống mức thấp nhất trong những năm tháng khoác áo Man United, và một lần nữa anh lại phải liên tục lùi sâu để tìm bóng. Mặc dù vậy, ngôi sao người Bồ vẫn có được một mùa giải đáng nể với những con số thống kê đầy ấn tượng trong khâu sáng tạo. Mặc dù phải chơi thấp hơn, nhưng chỉ số kiến tạo kỳ vọng của anh (16,7) vẫn đứng đầu Premier League – một phần là nhờ lối đá phòng ngự phản công trực diện của Man United. Tần suất chọc khe thành công trung bình của Bruno (0,95 lần mỗi trận) đã tăng gần 50% so với mùa giải trước đó. Nhưng rốt cuộc anh chỉ có được 8 pha kiến tạo vì khả năng dứt điểm yếu kém của các đồng đội.

Giờ thì đến với tình hình ở mùa giải này. Man United vẫn đang rất chật vật trong khâu ghi bàn. Nghiêm trọng nhất là họ thậm chí không thể tạo ra nhiều cơ hội như trước đây. 

Tuy đã gặp phải nhiều vấn đề về nhân sự, nhưng đội chủ sân Old Trafford vẫn chú trọng vào khâu triển khai bóng từ hàng thủ nhiều hơn hẳn những mùa giải trước. Mặc dù sự xuất hiện của Andre Onana đã bổ sung vào đội bóng này một thủ môn chơi chân tốt, nhưng phía trước ngôi sao người Cameroon vẫn có những hậu vệ và tiền vệ kém cỏi trong việc phát triển bóng xuyên qua các lớp phòng ngự của đối thủ.

Man United đang phát triển bóng từ hàng thủ nhiều hơn ở mùa giải này, nhưng việc đó gần như vô nghĩa. Theo Opta, đoàn quân của Ten Hag đang được ghi nhận 217 đợt kiểm soát bóng có tối thiểu 10 đường chuyền, tuy nhiên chỉ có 50 đợt là kết thúc với một cú dứt điểm – tỷ lệ đứng thứ 9 giải đấu. Tệ hơn nữa, họ hiện đang đứng dưới tận vị trí thứ 16 về “giá trị xG” trung bình của những cú dứt điểm đến từ các tình huống mở. Nói cách khác, khi các đợt kiểm soát bóng của đội bóng này kết thúc bằng những cú dứt điểm, thì chúng chủ yếu là những cơ hội dứt điểm chẳng mấy sáng sủa. 

Phần lớn nguyên nhân đến từ cách Man United đang sử dụng Bruno Fernandes. 

Trong quá trình kiểm soát bóng ở mùa giải này, Man United đã chuyển từ đội hình có một số 10 sang dùng 4-3-3 có hai số 8 ở trung tuyến. Họ cũng đã thay đổi từ việc dùng một trung phong có khuynh hướng lùi sâu và mở ra khoảng trống ở phía sau mình như Anthony Martial, sang sử dụng Rasmus Hojlund, kiểu tiền đạo chơi với khuynh hướng thực hiện các pha di chuyển không bóng hướng về phía khung thành. Cả 2 sự điều chỉnh này đều sẽ tạo ảnh hưởng lên cách hoạt động của Bruno.

So với các cầu thủ trung bình, Bruno vẫn đạt được những con số đáng kinh ngạc. Nhưng khi so sánh với chính bản thân Bruno trước đây thì những con số đó đã tụt dốc rõ rệt trong giai đoạn đầu của mùa giải này. Những đường chọc khe của anh đã giảm đi vì các đối thủ đang nâng cao cảnh giác đối với nguy cơ bị dính phản công từ Man United. Những pha bóng tạo cơ hội dứt điểm, đặc biệt là trong các tình huống mở, sa sút nặng nề, qua đó khiến cho thông số “kiến tạo kỳ vọng” của anh tụt xuống một nửa.

Trong khi chiến dịch 2023-24 tiếp diễn, đã có thêm vài vấn đề nảy sinh. Cấu trúc triển khai bóng chỉ có 1 tiền vệ lùi sâu của Man United đã gặp khó khăn trong việc đưa quả bóng về phía trước. Sau đó, Scott McTominay bắt đầu ghi bàn.

Khi chơi cho một đội bóng có hàng công tỏ ra chật vật trong khâu ghi bàn như Man United, bạn sẽ phải tận lực hợp tác với tay cầu thủ đang đưa được bóng vào lưới, tạo điều kiện tốt nhất để anh ta tiếp tục làm điều đó. Tuy McTominay là một tiền vệ, nhưng anh lại chẳng giỏi trong việc tham gia triển khai bóng. Kể từ khi tỏa sáng với những pha ghi bàn, anh đã được đẩy lên chơi cao hơn, còn Bruno thì phải lui xuống chơi thấp hơn.  

Bài toán dùng người của Man United và nỗi khổ của Bruno Fernandes 4
 

Những con số dưới đây có thể cho chúng ta thấy hết toàn bộ câu chuyện.

Bài toán dùng người của Man United và nỗi khổ của Bruno Fernandes 5
 

Rất dễ để nhận thấy thực trạng đang diễn ra. Chỉ số Usage Rate cho thấy tỷ lệ của Bruno trong tổng số lần chạm bóng của toàn đội đang ở mức gần cao nhất sự nghiệp khoác áo Man United, nhưng chúng lại chủ yếu diễn ra ở phía dưới sân đấu. Thống kê tần suất chạm bóng tại khu vực 1/3 cuối sân đối thủ trung bình mỗi 90 phút vào mùa giải này đang kém hơn 2 mùa giải tốt nhất của anh ở Man United, và anh cũng chẳng thể thường xuyên xâm nhập vòng cấm. Đáng lo nhất, sự tụt dốc của chỉ số tần suất nhận các đường chuyền phát triển bóng (Prg Pass Rec) cho chúng ta thấy rằng Bruno sẽ lâm vào tình trạng “đói bóng” khi chơi dâng cao. 

Ngôi sao người Bồ chẳng còn là một điểm đến dành cho quả bóng ở phía trên sân đấu nữa, giờ đây anh phải lùi sâu và đưa quả bóng lên phía trước. Đôi khi, công việc này khiến anh phải lui xuống tận vị trí giữa hai trung vệ.

Bài toán dùng người của Man United và nỗi khổ của Bruno Fernandes 6
 

Khi Man United gặp khó khăn trong việc lên bóng vào đầu mùa giải này, Bruno đã làm điều mà anh thường hay làm – lùi sâu để tìm bóng. Vấn đề của chuyện này là nó khiến mặt trận tấn công mất đi một cầu thủ quan trọng. Có vẻ như mục đích của CLB chủ sân Old Trafford khi mua Mason Mount về chính là để khắc phục vấn đề này: Khi Bruno lùi sâu, Man United vẫn sẽ có một cầu thủ sáng tạo đá dâng cao.

Sau trận đấu với Brentford, Erik Ten Hag đã hoàn toàn tin rằng những tình huống lùi sâu của Bruno khi Man United kiểm soát bóng là một chi tiết chiến thuật cần thiết trong hệ thống của ông. Sử dụng ngôi sao người Bồ Đào Nha như vậy sẽ đồng nghĩa với việc hy sinh đi một số phẩm chất tốt nhất của anh – anh là một số 10 và toả sáng nhất khi hoạt động gần trung phong – nhưng bởi vì Bruno chính là chân phát triển bóng giỏi nhất của đội chủ sân Old Trafford, Ten Hag tin rằng sự hy sinh này sẽ giúp họ cải thiện. 

Vấn đề duy nhất là thay vì để một cầu thủ sáng tạo như Mount chơi gần với tiền đạo trung tâm thay cho Bruno, thì Ten Hag lại chọn McTominay. Tiền vệ người Scotland giỏi thực hiện những pha xâm nhập vòng cấm và dứt điểm các cơ hội, nhưng anh hoàn toàn không phải là một cầu thủ sáng tạo. Thêm vào đó, cả hai cầu thủ chạy cánh mà Ten Hag bố trí ở hai bên của anh là Antony và Alejandro Garnacho đều là mẫu cầu thủ khoái băm bổ dứt điểm chứ không có khả năng sáng tạo. Xét qua lăng kính sáng tạo thuần tuý, chuyện này thậm chí còn tệ hơn cả thuở Pogba phải chơi phía sau bộ tứ Rashford, Martial, Dan James, và Andreas Pereira hoặc Jesse Lingard.

Vì vậy, kết quả sau đó chẳng có gì bất ngờ cả. Bruno đang thường xuyên đảm nhận nhiệm vụ thực hiện phần việc đầu tiên của các đợt tổ chức tấn công. Tần suất chuyền bóng tịnh tiến trung bình mỗi 90 phút của anh đang ở mức cao nhất trong những năm tháng khoác áo Man United, nhưng chẳng có ai làm được phần việc tiếp theo là đưa quả bóng từ điểm B đến điểm C cả. Trong trận đấu với Newcastle, Bruno đã có 13 đường chuyền tịnh tiến bóng, nhưng chẳng một ai trong số các đồng đội của anh có trên 3 đường chuyền như vậy cả. Trong trận đấu với West Ham, anh có 11 đường chuyền tịnh tiến bóng, và trong số các cầu thủ được đá chính khác của Man United vào ngày hôm ấy chỉ có 4 hậu vệ là có trên 2 đường chuyền kiểu này. 

Nhìn chung, tần suất chuyền bóng tịnh tiến trung bình mỗi trận của Man United đang sụt giảm nghiêm trọng. Họ không thường xuyên tiến vào khu vực 1/3 cuối sân đối thủ và chạm bóng tại đó ít hơn. Kể từ khi Bruno phải chơi lùi sâu, tần suất dứt điểm trung bình mỗi trận của họ chưa đến 2,25. 

Ngôi sao người Bồ vẫn là cầu thủ sáng tạo chủ chốt của Man United, nhưng giờ đây anh đang phải thực thi vai trò đó trong khi chơi rất thấp, và điều này đã khiến đội chủ sân Old Trafford cực kỳ khổ sở. Sự vắng mặt của Marcus Rashford khiến tình hình càng thê thảm hơn. Cả Garnacho hoặc Antony đều chẳng hề giỏi trong việc kết thúc những đường chọc khe và các pha phản công. 

Bài toán dùng người của Man United và nỗi khổ của Bruno Fernandes 7
 

Tuy nhiên, không hẳn là Man United đang áp dụng một ý tưởng sai lầm. Có thể đúng thật là đội bóng này hiện đang cần Bruno Fernandes chơi lùi sâu hơn thông thường. Điều mà họ sai chính là cách dùng người trong phần còn lại của hệ thống đang triển khai. Man United đã giải quyết “vấn đề Pogba” bằng cách ký hợp đồng với ngôi sao người Bồ và qua đó có thêm một cầu thủ sáng tạo chơi dâng cao. Còn bố trí Bruno đá lùi sâu và McTominay dâng cao là một việc hoàn toàn vô nghĩa và ngớ ngẩn. 

Đúng là những ca chấn thương đã góp phần dẫn tới cách sắp xếp này, nhưng cũng đã có nhiều trận đấu mà Mason Mount tuy khoẻ mạnh nhưng vẫn phải ngồi dự bị. Nếu Man United thực sự muốn cứu vãn mùa giải này, họ không nhất thiết phải đẩy Bruno lên cao, nhưng họ cần phải đặt Mount vào vai trò thiên về tấn công kia. 

Sự nổi lên của Kobbie Mainoo đã mang đến cho Ten Hag phương án triển khai tài năng 18 tuổi đá cạnh Sofyan Amrabat hoặc Casemiro ở trung tuyến để trả Bruno về lại với vai trò số 10. Mason Mount cũng có thể chơi ở cánh phải – thay vì sự tệ hại của Antony, anh hoàn toàn có thể mang đến cho Man United một cánh phải có khả năng sáng tạo tốt nhất kể từ thời Juan Mata. 

Mount cung cấp sự sáng tạo từ cánh phải, Luke Shaw thể hiện khả năng đó từ cánh trái, còn Bruno thì làm những việc mà anh giỏi nhất ở trung lộ - tình huống này có lẽ sẽ giúp đội chủ sân Old Trafford cân bằng hơn. Man United cần nhiều sự sáng tạo hơn từ tuyến đầu để các tiền đạo như Rashford và Hojlund được phục vụ điều kiện lý tưởng để toả sáng thay vì bỏ mặc họ phải “tự làm tự ăn”. Cách bố trí này cũng sẽ cho phép Bruno lùi sâu và phát triển bóng khi cần thiết, nhưng sự kết hợp giữa Mainoo và một tiền vệ khác sẽ giúp giảm thiểu những tình huống này ở một mức độ nào đó.

Christian Eriksen đã có thể tái xuất sân cỏ và cho phép Bruno chơi dâng cao trở lại, điều này đã trực tiếp dẫn tới 1 bàn thắng trong trận đấu với Aston Villa, nhưng đây là một giải pháp đầy thiếu sót. Với sự hiện diện của Eriksen, Bruno đã có thể chạm bóng ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ nhiều hơn, nhưng anh vẫn không thể xâm nhập vòng cấm và quan trọng hơn, anh đang chạm bóng bên phần sân Man United nhiều hơn cả tiền vệ người Đan Mạch. Bruno cũng chính là cầu thủ có nhiều đường chuyền tịnh tiến bóng nhất bên phía Man United trong trận đấu đó (7), còn Eriksen thì chỉ có 2. 

Một phần nguyên nhân là trạng thái của trận đấu, một phần là những ý đồ chiến thuật của các HLV, nhưng Eriksen cũng có một phần trách nhiệm. Nếu bạn có bóng, Eriksen sẽ giúp bạn giữ chặt quả bóng, nhưng anh ta sẽ không thể giúp bạn tranh cướp bóng, điều này khiến cho Man United khó kiểm soát khu trung tuyến hơn khi tiền vệ người Đan Mạch ra sân. Những hạn chế trong khâu phòng ngự của Eriksen đồng nghĩa với việc anh không phải là một sự lựa chọn lâu dài cho vị trí này, và Ten Hag cũng khó có thể xem anh là một sự lựa chọn ngắn hạn vì tình trạng thể chất quá rệu rã – kể từ khi gia nhập Man United, Eriksen chỉ góp mặt trong 53,61% tổng số phút thi đấu của họ ở Premier League. 

Cho đến khi có được những nhân sự phù hợp trong các vai trò trọng yếu, Man United vẫn sẽ mắc kẹt với “bài toán Bruno”. Anh là chân phát triển bóng giỏi nhất của họ, đồng thời cũng là cầu thủ sáng tạo hàng đầu của họ, nhưng trong bối cảnh họ đang cần đến 2 Bruno Fernandes, thì họ chỉ có thể lựa chọn 1 trong 2 phiên bản đó mà thôi. 

Theo Kwestel Thought

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow