Cuối cùng thì ngày Ole Gunnar Solskjaer bị sa thải cũng đến, một ngày không ai mong muốn nhưng vẫn phải đến như một lẽ tất yếu. Thế nhưng, câu hỏi lớn nhất vẫn là: giờ Man United sẽ làm gì đây?
"Màn tra tấn cười" cuối cùng cũng chấm dứt
Trong Thế Chiến Thứ 2, Đức Quốc Xã đã từng thực hiện một hình thức tra tấn có thể coi là tàn bạo và tinh vi nhất trong lịch sử loài người, đó là "tra tấn phạt cười". Theo những gì được tác giả Heinz Heger thuật lại trong quyển sách của mình mang tên Die Manner mit dem rosa winkel (Người đàn ông với tam giác hồng): "Trò chơi đầu tiên mà lũ sĩ quan SS làm với nạn nhân đó là trò chọc cười nạn nhân với lông ngỗng, từ bàn chân, giữa hai đùi, nách, bàn chân hay bất cứ bộ phận nào trên cái cơ thể trần trụi đó. Sau cái màn tra tấn đó, họ sẽ để anh ta treo lơ lửng như thế. Khi đó, nước mắt bắt đầu tuôn rơi trên khuôn mặt của anh ta."
Ở Man United, đặc biệt là dưới thời Ole Gunnar Solskjaer, việc Man United khiến CĐV của họ phải ôm bụng cười sau mỗi tình huống bóng ngớ ngẩn hay một pha phạm lỗi vụng về tới khó tin như trường hợp của Harry Maguire ngày hôm qua trước Watford, những tiếng cười sảng khoái sau một tuần làm việc mệt nhọc. Tuy nhiên, sau những tiếng cười vui vẻ và những hình ảnh vui được CĐV Man United đăng tải, chúng ta đều có thể cảm nhận thấy một nỗi đau không gì tả xiết, một nỗi đau vẫn cứ bám đuổi Man United kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu: nỗi đau trở thành một đội bóng thiếu ổn định và thiếu sức sống tới không tưởng.
Khi nhìn vào lối chơi của các cầu thủ Man United ngày hôm qua, một lần nữa, chúng ta phải tự hỏi đội bóng nào mới là đội bóng xếp trên. Trong khi Watford thường xuyên có được những pha bóng gẫy gọn, nhẹ nhàng cùng những pha bứt tốc và dứt điểm gọn ghẽ của Joshua King ở khu vực trung lộ, thì Man United của Ole Gunnar Solskjaer lại cho thấy sự bế tắc trong ý tưởng cũng như lối chơi tới mức khó hiểu.
MU nhận 20 cú dứt điểm từ Watford
Nếu phải kể ra một điểm sáng duy nhất của trận đấu ngày hôm qua, có lẽ Donny Van De Beek, tác giả bàn thắng cuối cùng của triều đại Ole Gunnar Solskjaer, sẽ là cái tên đầu tiên được nhắc tới. Không ngợi khen cầu thủ Hà Lan sao được khi chính anh là người đã thực hiện một pha băng vào rồi dứt điểm cực kỳ gọn ghẽ vào lưới Watford để đưa khoảng cách xuống còn 2-1. Thế nhưng, bàn thắng đó của Van De Beek vẫn là không đủ để khỏa lấp một lỗ hổng thực sự lớn ở Man United thời điểm hiện tại, đó là lỗ hổng ở hàng phòng ngự.
Có lẽ, sau khi dọn đồ khỏi sân Old Trafford, Ole Gunnar Solskjaer sẽ phải tự vấn bản thân vì sao không tung Donny Van De Beek vào từ đầu hay vì sao ông cứ mãi đi theo một đội hình, một lối chơi duy nhất, để rồi khi đội nhà sụp đổ thì chính ông lại trở thành nạn nhân của sự bảo thủ tới cùng cực của mình. Tuy nhiên, than thân trách phận lúc này cũng chẳng thể cứu được ông thầy người Na Uy. Vì vậy, tốt hơn hết, chúng ta, đặc biệt là những người Man United, nên dành ra những lời an ủi, hoặc chí ít là tri ân, đến một người đã sẵn sàng nhận lãnh nhiệm vụ lèo lái một con thuyền thiếu định hướng và có quá nhiều lỗ thủng dưới đáy tàu.
Trận đấu Watford vs MU đã khép lại với chiến thắng 4-1 thuộc về đội bóng bị đánh giá thấp hơn, và người chịu trách nhiệm nhiều nhất chính là HLV trưởng Ole...
Tiếp theo sẽ là gì?
Sáng hôm nay, Fabrizio Romano, "thánh chuyển nhượng đinh đóng cột" của bóng đá thế giới tuyên bố Ole Gunnar Solskjaer sẽ rời Man Utd trong một vài giờ tới, một quyết định mà theo họ nên diễn ra sớm hơn rất nhiều chứ không phải đợi tới tận trận thua "muối mặt" trước Watford diễn ra vào tối hôm qua.
Thế nhưng, vẫn còn một câu hỏi nữa mà NHM Man United cũng như BLĐ Man United phải trả lời: tiếp theo sẽ là gì? Một HLV có bản hợp đồng khủng như Jose Mourinho để rồi lại thất bại? Hay một HLV có yếu tố "lịch sử" như Michael Carrick, Wayne Rooney hay thậm chí là...Laurent Blanc? Có lẽ, đây sẽ là câu hỏi khó trả lời nhất của đội chủ sân Old Trafford thời điểm hiện tại.
Khi nhìn lại quãng thời gian hậu Sir Alex Ferguson, chúng ta mới thấy có một điều đáng buồn: Man United không biết tự bao giờ đã trở thành một "cối xay HLV" đúng nghĩa. Thống kê cho thấy, nếu tính cả Ole Gunnar Solskjaer, Man United đã sa thải 4 HLV khác nhau kể từ thời hậu Sir Alex Ferguson. Đầu tiên là David Moyes ở mùa giải 2013-2014, tiếp theo là Louis Van Gaal ở cuối mùa giải 2015-2016, tiếp theo là Jose Mourinho ở giữa mùa giải 2018-2019, và giờ là Ole Gunnar Solskjaer.
Nếu chỉ sa thải 1 HLV, chắc chắn lỗi sẽ thuộc về HLV đó, nhưng nếu sa thải tới 4 HLV, trong đó có những cái tên có bản CV khủng như Louis Van Gaal hay Jose Mourinho, thì chắc chắn lỗi thuộc về Man United, một đội bóng cho tới nay vẫn chưa thể định hình bản thân, thậm chí không có nổi một giám đốc thể thao đúng nghĩa.
Vậy, Man United cần phải làm gì để có thể chuẩn bị cho một vị HLV mới? Có lẽ câu trả lời này sẽ được BLĐ Man United trả lời trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, khi nhìn vào cách Joel Glazer cùng ban lãnh đạo của đội chủ sân Old Trafford chần chừ cho tới tận hôm nay mới sa thải Ole Gunnar Solskjaer, chúng ta sẽ khó có thể tìm ra một câu trả lời xác đáng cho những gì sắp xảy ra ở sân Old Trafford, một con thuyền lạc hướng và đang dần chìm xuống đáy đại dương của sự vô định.
Đánh bại đối thủ cùng thành phố trong trận derby Manchester, thầy trò Ruben Amorim đã giành được rất nhiều lời ca tụng. Chiến thắng này có ý nghĩa hơn một trận thắng thông thường, vì nó có thể mở ra một kỷ nguyên mới ở nửa đỏ thành Manchester.
Đứng thứ hai trên bảng xếp hạng, đứng đầu về thành tích ghi bàn, và tuần nào cũng thi đấu với sự tự tin rõ rệt. Không có gì lạ khi giờ đây Chelsea đang được xem là một ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch Premier League 2024/25.
Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.
Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.