Schalke - Vinh quang giữa bom đạn và bóng đen Quốc trưởng

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Sáu 05/10/2018 16:17(GMT+7)

Zalo

Nói không ngoa, Schalke mới chính là ông tổ của lối chơi ban bật ngắn đang thịnh hành hiện tại. Người Đức đã tiếp cận lối chơi trên từ những năm 1920, đó được xem là nền móng sơ khai của bóng đá tổng lực Hà Lan (Totaalvoetbal) và Tiki-taka đã làm nên tên tuổi người Tây Ban Nha.

Tôi luôn bị bức hình vài chục năm tuổi này mê hoặc mỗi khi bắt gặp nó, sâu thẳm trong trong đó chứa đựng một thông điệp bất tử. Bức hình trắng đen ghi lại khoảnh khắc cầu thủ Schalke vừa chinh phục danh hiệu German Championship 1939.
 
  

Một cầu thủ Schalke tung ra cú sút không thể cản phá! Họ đang ăn mừng điên loạn trên sân. Cầu thủ Schalke ai cũng vận một chiếc áo cổ trễ và thùng thình trong những cái quần quá khổ. Hết giờ. Những bóng người liêu xiêu dìu nhau rời sân trong mệt mỏi, song họ tự hào vì vừa vùi dập Admira Vienna đến 9-0 và giành chức vô địch quốc gia thứ tư cho đội bóng. Thời điểm đó, Schalke, là số một.
 
Bạn hiểu ý nghĩa bức hình hai màu đó rồi chứ? Đó là Schalke, một trong những niềm tự hào của bóng đá Đức. Đó là phần màu sáng. Thế còn mảng tối? 1939, đúng, đó là nước Đức của Adolf Hitler, ông ta đang phát cuồng với tham vọng nuốt trọn châu Âu của mình. Sự kiện trong bức hình diễn ra chỉ một năm sau khi Áo bị sáp nhập vào Đức, và chỉ hai tháng trước khi Hitler tuyên bố “làm cỏ” Ba Lan, chính thức khai ngòi Đệ Nhị Thế chiến. 
 
Có một điều cần phải thừa nhận, bộ máy tuyên truyền của Quốc xã, đứng đầu bởi Joseph Goebbels vươn vòi bạch tuộc đến mọi nơi, bóng đá cũng không trở thành ngoại lệ. Vì thế đừng ngạc nhiên khi hai cầu thủ Schalke mặc áo có biểu tượng Reichsadler, quốc huy của Đế Chế.
 
Chi tiết sau đây có thể khiến độc giả mường tượng ra một mối quan hệ “mờ ám” giữa Schalke và Đế chế. Tại thời điểm đó, Schalke đơn giản là số một tại Đức, giành sáu chức vô địch quốc gia từ 1933 đến 1945, trùng khớp với thời gian Đức quốc xã “làm mưa làm gió” khắp châu Âu. Một điều nữa, tại sao chỉ có đúng hai cầu thủ mặc áo có in quốc huy? Tôi sẽ giải thích ở những phần sau, bây giờ hãy bàn về bóng đá một chút.
 
Schalke - 1938
 
Trong cuốn sách “Tor! The story of German football”, tác giả Uli Hesse cho biết, vào thời điểm đó, dẫn bóng xâm nhập thẳng vào vòng cấm chính là “mốt”, hầu hết các đội bóng chọn cách triển khai trực diện như vậy. Schalke thì không, họ chủ động thu hẹp khoảng cách đội hình, tận dụng chuyền ngắn, nhanh đồng thời tìm cơ hội chiếm lĩnh không gian thuận lợi. Vào thời gian đầu, lối đá ban bật nhanh chưa phát huy ưu điểm. Schalke mất một thời gian nâng tầm lối chơi, và họ thống trị nước Đức suốt gần một thập kỷ sau đó. 
 
Nói không ngoa, Schalke mới chính là ông tổ của lối chơi ban bật ngắn đang thịnh hành hiện tại. Người Đức đã tiếp cận lối chơi trên từ những năm 1920, đó được xem là nền móng sơ khai của bóng đá tổng lực Hà Lan (Totaalvoetbal) và Tiki-taka đã làm nên tên tuổi người Tây Ban Nha. Cách chơi bóng này được người Đức gọi là Schalker Kreisel (Con xoay), ngầm so sánh với tốc độ luân chuyển bóng kinh khủng của cầu thủ Schalke.
 
“Cha đẻ” của triết lí Schalker Kreisel là anh em Hans Ballmann và Fred Ballmann. Hai ông mang dòng máu Đức nhưng sinh ra tại Anh sau khi cha mẹ vượt biên đến đây ngay trước khi Đệ Nhất Thế chiến nổ ra. Năm 1920, anh em Ballmann bị trục xuất. Trở về quê nhà với vốn tiếng Đức đủ xài, hai người định cư tại Gelsenkirchen, thành phố nổi tiếng về khai thác than tại vùng Ruhr. Cũng chính tại đây, năm 1904, những cậu trai chung chí hướng đã cùng nhau thành lập FC Schalke, cái tên được đặt theo một thi trấn dành cho tầng lớp lao động.
 
Vào những năm 1920, anh em nhà Ballmann tái ngộ Fred Kühne, một cầu thủ của FC Schalke. Họ từng gặp nhau trước đây tại Anh khi anh em người Đức bị chính quyền sở tại giam giữ. Fred Kühne thuyết phục thành công Hans Ballmann và Fred Ballmann gia nhập đội bóng. Vào thời điểm trên, Schalke vừa lên giải hạng Nhì thuộc giải đấu cấp độ…địa phương của vùng Ruhr.
 
Với kinh nghiệm chơi bóng cùng những đứa trẻ ở Anh, anh em Ballmann giúp các đồng đội mở mang tầm mắt khi thuyết giảng về cách bọn nhóc người Scotland chơi bóng (Scottish passing game). Cụ thể, mọi người sẽ làm quen với việc chuyền bóng liên tục với tốc độ cao. Lối chơi “cục súc” của Schalke đã thay đổi. Cố cầu thủ Schalke, ông Ernst Kuzorra (1905 – 1990) hồi tưởng:
 
“Hai người họ trình diễn những ngả bàn đèn khó tin, phối hợp bật tường một – hai, toàn những trò chúng tôi mới thấy lần đầu”.
Kuzorra - Bonermann - Szepan
 
Suốt thập kỷ 1920, Schalke từng bước tiến vào bóng đá chuyên nghiệp. Từ một đội bóng địa phương với thành phần gồm những công nhân mỏ, đội bóng đã thu hút hơn bốn vạn cổ động viên đến theo dõi. Schalke mang biệt danh “Die Königsblauen” (Royal Blue), họ hủy diệt từng đối thủ một bằng lối chơi ngắn đầy quyến rũ và lọt vào tứ kết cúp vô địch Đức năm 1929.
 
Schalke đối mặt một biến cố lớn năm 1930 khi 14 cầu thủ bị liên đoàn bóng đá Đức cấm thi đấu một năm chỉ vì họ nhận lương…quá cao. Được biết, bóng đá Đức những năm đầu 1930 cực kì nghiệp dư. Chính quyền Quốc xã tận dụng nhiều bộ luật hà khắc để đàn áp những đối tượng đi ngược lại lí tưởng của họ, kể cả trong thể thao.
 
Tuy vậy, biến cố chỉ khiến Schalke trở lại mạnh mẽ hơn. Một năm sau án phạt, Schalke nhận được sự chào đón của hơn bảy vạn khán giả tại sân nhà Stadion Glückauf-Kampfbahn. Như chưa từng có cuộc chia li, Schalke tiếp tục thể hiện lối chơi ban bật ngắn hạ gục từng đối thủ, tiến thẳng đến trận chung kết toàn nước Đức song thất bại. Cho đến năm 1934, Schalke lần đầu giành cúp vô địch quốc gia sau chiến thắng 2-1 trước FC Nürnberg bằng hai bàn thắng của Fritz Szepan và Ernst Kuzorra - đôi bạn từ thời thơ ấu cùng nhau ghi hơn 450 bàn thắng cho đội bóng vùng Ruhr trong cả sự nghiệp.
Chung kết giải vô địch Đức 1938
 
Nói một tí về Quốc trưởng. Năm 1933, tức một năm trước chức vô địch quốc gia của Schalke, Adolf Hitler bành trướng quyền lực bằng những sửa đổi trong chính sách. Nước Đức lần lượt trải qua hai giai đoạn Machtergreifung (Quốc xã chiếm quyền lực) và Gleichschaltung (chỉnh đốn, đồng bộ hóa) nhằm phục vụ tham vọng của Quốc trưởng.
 
Trong những năm tháng người Đức sôi sục tham vọng trả đũa kẻ thù khiến họ kiệt quệ sau Hiệp định Versailles. Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa dẫn dắt bởi Adolf Hitler được người dân đặt niềm tin khi theo đuổi tư tưởng bài Do Thái. Sau năm 1933, gần tám triệu người Đức trở thành Đảng viên Đảng Quốc xã. Đến 1939, Wehrmacht (lực lượng vũ trang Đức Quốc xã) xâm lược Ba Lan, khiêu khích Anh và Pháp nhảy vào trận chiến mà người Đức đã chuẩn bị trong nhiều năm. 
 
Như đã đề cập từ trước, thời hoàng kim của Schalke đi liền với sự thành công bước đầu của Đức Quốc xã. Đội bóng xanh – trắng lọt vào chung kết giải quốc gia như cơm bữa. Sau lần đầu vô địch năm 1934, Schalke tiếp tục nâng cúp năm lần nữa cho đến 1942, đó là thời kỳ đội bóng có dấu hiệu thoái trào, nước Đức của Quốc trưởng cũng bắt đầu gặp khó khăn tại mặt trận phía Đông.
 
Rồi chiến tranh cũng kết thúc, Schalke cũng chỉ còn là cái bóng của chính họ. Nước Đức trải qua thời kỳ bị xâu xé và tái thống nhất. Người ta vẫn thắc măc về sự liên quan giữa Schalke và nước Đức phát xít. Tuy nhiên. chắc hẳn không ai tại câu lạc bộ muốn một ngày nào đó phát hiện mớ xương cốt từ thế chiến được khai quật tại đây. 
 
Vào năm 2001, Schalke đổi tên con đường cạnh sân vận động thành Fritz Szepan, huyền thoại của đội bóng từ 1925 đến 1950. Đã có tranh cãi nổ ra vì Fritz Szepan từng là Đảng viên Đảng Quốc xã, ông đã tham gia chiến dịch diệt trừ Do Thái của Adolf Hitler, nạn nhân của Fritz có cả hai ông chủ của Schalke Sally Meyer và Julie Lichtmann. Họ bị xử tử với lí do mang gốc gác Do Thái. 
 
Fritz Szepan (left) and Ernst Kuzorra (right)
 
Schalke từng tuyên bố không dính dáng đến chính trị trước khi Hitler nắm quyền. Song guồng quay chiến tranh buộc quan chức và cầu thủ nhiều đội bóng tại Đức tham gia Đảng Quốc xã. Schalke có ba cầu thủ trở thành Đảng viên: thủ thành Hans Bornemann và hai huyền thoại Fritz Szepan, Ernst Kuzorra. Trong đó Fritz Szepan là người ủng hộ Quốc trưởng hoàn toàn, ông từng nói:
 
“Mỗi người Đức cần thể hiện lòng trung thành đến Quốc trưởng bởi ông ấy đang tham gia một cuộc chiến vì tương lai nước Đức”.
 
Về phần Schalke, đội bóng buộc phải chấp hành đường lối của Đệ tam Đế chế. Sau chức vô địch quốc gia năm 1934, báo chí Ba Lan khiêu khích họ rằng “chức vô địch của Đức đang nằm trong tay cầu thủ Ba Lan” bởi vì có đến 13 cầu thủ Schalke đương thời có gốc gác Ba Lan. Sư việc nghiêm trọng đến nỗi ban lãnh đạo đội bóng buộc phải gửi thư đến 13 cầu thủ nói trên:
 
“Nên nhớ cha mẹ các bạn đều sinh ra tại Đức, vì thế các bạn không phải là người Ba Lan”.
 
Sau khi thế chiến kết thúc, dù từng là Đảng viên Đảng Quốc xã, Szepan được tha bổng trong chiến dịch xóa bỏ tàn dư phát xít (Denazification) của chính phủ mới. Tương tự người bạn thân Szepan, Ernst Kuzorra cũng từng thuộc hàng ngũ Đảng Quốc xã song được tha sau buổi thẩm vấn ngắn nhằm cam kết ông không bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ của Hitler. Về thủ thành Hans Bornemann, người ta không tìm thấy manh mối gì của ông sau khi chiến tranh kết thúc.
Berlin - 1936
 
Chủ đề mối liên hệ giữa Schalke và Đức quốc xã gây tò mò đến nỗi vào năm 2008, tờ The Times biên hẳn một danh sách “50 fan bóng đá tai tiếng nhất thế giới”, kết luận Adolf Hitler chính là…fan của Schalke song không đưa ra được bằng chứng. Giám đốc đội bóng gửi thư đến The Times yêu cầu tòa soạn chứng minh tính xác thực của những thông tin trong bài báo như “Hitler là fan Schalke” và “Schalke đặt tên khán đài thành “Führer Stand” (Khán đài Quốc trưởng).
 
Tuy nhiên, Adolf Hitler được cho là không hứng thú gì đến bóng đá. Ông chỉ đến sân bóng một lần vào Olympic 1936, Đức thất bại 0-2 trước Na-Uy. Điều này khác biệt hẳn với trùm phát xít Franco tại Tây Ban Nha, nơi hắn dùng quyền lực chính trị tác động vào bóng đá (cụ thể là Barcelona) nhằm tạo lợi thế cho đội bóng con cưng, Real Madrid.
Schalke - Vinh quang giữa bom đạn và bóng đen Quốc trưởng hình ảnh
Schalke - Vinh quang giữa bom đạn và bóng đen Quốc trưởng
Thời gian trôi qua, trang sử hoàng kim của Schalke gắn liền với giai thoại lãng mạn về nhóm bạn trẻ tiên phong một lối chơi hiện đại, nâng tầm một đội bóng “bình dân” đến đỉnh vinh quang của bóng đá Đức. Dù vậy, di sản của Schalker Kreisel vĩnh viễn bị che mờ bởi bóng đen chiến tranh trong thời kỳ đen tối nhất lịch sử thế giới. 
 
Dịch từ   “Heroes Or Culprits? The Troubling Relationship Between Schalke’s Glory Days And The Nazis” - Michael Sailer

Hải Thượng (TTVN)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow