Serie A thập niên 90 (P4): Đế chế Milan và cuộc cách mạng của Inter

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Ba 09/10/2018 16:30(GMT+7)

Zalo

Đó là một chức vô địch mà không ai có thể ngờ đến. “Anh nói đúng, nhưng ngoại trừ chúng tôi ra,” Maldini nói với FFT. “Xét về mặt kỹ thuật của các cầu thủ, chúng tôi không sở hữu một đội hình mạnh như các đối thủ khác – Nhưng chúng tôi đã tìm một ra thứ gì đó để tạo nên chức vô địch năm ấy.”

ĐẾ CHẾ MILAN
 

Với sự góp mặt của cả Roberto Baggio và Qủa bóng vàng George Weah trong đội hình, hàng công của Milan càng trở nên mạnh mẽ hơn. Có thể nói, đội bóng này đã chạm đến kỷ nguyên đỉnh cao của họ vào đầu những năm 90: Với bộ ba Hà Lan Bay Marco Van Basten, Ruud Gullit và Frank Rijkaard trong đội hình, Rossoneri đã giành chức vô địch Serie A mùa giải 1991/1992 mà không để thua bất kì một trận nào – với chuỗi 58 trận bất bại kéo dài từ tháng 5 năm 1991 đến tận tháng 3 năm 1993, người ta đã gọi đó là thời đại của “Milan degli Invicibili”. Đồng thời, đó cũng là thời điểm mà Fabio Capello chính thức bước chân vào sự nghiệp huấn luyện chuyên nghiệp – kinh nghiệm cầm quân trước đó của ông là với đội U19 Milan.
 

Sau hai lần giành cúp châu Âu dưới sự dẫn dắt của Arrigo Sacchi, người đã rời khỏi San Siro để đảm nhiệm cương vị huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Italia vào mùa hè năm 1991; kế thừa Sacchi và tiếp nối sự thành công của đội bóng áo đỏ đen chính là trách nhiệm to lớn mà Capello phải gánh vác. Tuy nhiên, cách tiếp cận coi trọng công tác pressing và yêu cầu tính kỹ thuật cao của Sacchi trước đó đã khiến cho các cầu thủ càng lúc càng mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần.
 

“Sacchi đã làm thay đổi tinh thần của chúng tôi và đưa Milan đến một đẳng cấp tuyệt vời, đặc biệt là ở đấu trường châu Âu,” Hậu vệ huyền thoại Franco Baresi hồi tưởng. “Nhưng nó khá là thất thường. Ông ấy luôn rất nhanh chóng chỉ ra những sai sót mỗi khi chúng xuất hiện.
 

“Chúng tôi cần được thư giãn về mặt tinh thần và Capello hiểu rõ điều đó. Ban đầu, người ta có hơi nghi ngờ về khả năng của ông ấy - đây là lần đầu tiên ông ấy ngồi trên băng ghế huấn luyện và Milan là một đội bóng đã no nê danh hiệu trong các năm trước đó. Nhưng Silvio Berlusconi đã lựa chọn đúng. Capello cho phép chúng tôi được giải phóng tâm trí – giảm thiểu sự kiểm soát và ràng buộc, để nhường chỗ cho sự sáng tạo."

Silvio Berlusconi dường như đã nắm trong tay mọi thứ ở cái thời đại đó. “Silvio là một vị chủ tịch mà bạn sẽ mong ước được làm việc cùng,” Gullit nói với tờ FFT. “Ngay cả khi là một người cực kì bận rộn, ông ấy vẫn luôn có mặt ở đó vào mỗi tuần – dù cho mọi thứ có đang hoạt động tốt hay đi sai hướng. Ông ấy khát khao sự thành công, và ông ấy muốn Milan thi đấu một cách ổn định.”

Fabio Capello chính là người đã mang đến cho Berlusconi cả hai thứ đó, với thành tích 22 tháng bất bại khiến cả thế giới bóng đá phải thán phục. “Chuỗi trận bất bại đó đã giúp sự tự tin của chúng tôi được đẩy lên đỉnh điểm, tất cả đều cho rằng chúng tôi sẽ không thể nào bị đánh bại,” Baresi hồi tưởng. “Nó cũng trở thành một nỗi ám ảnh đối với các đối thủ của chúng tôi – đôi khi, họ thậm chí còn không thể chạm đến vạch vôi khung thành của chúng tôi!
 

“Demetrio Albertini trở thành đồng đội của Rijkaard ở tuyến giữa, ngoài ra, chúng tôi còn sở hữu Gullit - một cầu thủ phi thường, và trong mùa giải đầu tiên Capello dẫn dắt Milan, Van Basten đã ghi được số bàn thắng nhiều nhất kể từ khi anh ấy gia nhập đội bóng – 25 bàn, đó cũng được xem là mùa giải thi đấu xuất sắc nhất của anh ấy với Milan. Anh ấy cũng chơi rất hay ở mùa giải sau đó, cho đến khi gặp vấn đề với mắt cá chân.”

Đó cũng chính là chấn thương đã chấm dứt sự nghiệp của Ballon d’Or 1992.

Van Basten

Trong khi đó, cả Gullit và Rijkaard đều quyết định ra đi sau khi đã no nê danh hiệu trong màu áo Rossoneri, và Jean-Pierre Papin đã phải cực kì chật vật trong việc tìm chỗ đứng ở Milan sau khi gia nhập đội chủ sân San Siro từ Marseille theo một thương vụ kỷ lục thế giới với mức phí chuyển nhượng 10 triệu bảng. Bảng hợp đồng bom tấn tiếp theo của Milan chính là Gianluigi Lentini – đến từ Torino với phí chuyển nhượng 13 triệu bảng – đã bị hôn mê vào tháng 8 năm 1993, sau khi chiếc Porsche của anh lao vào dải phân cách của đường cao tốc A21 từ Genova về Milano. Tiền vệ người Italia đã bị rạn nứt hộp sọ, mặc dù đã quay lại sân cỏ sau 4 tháng nằm viện, nhưng anh đã không còn có thể tái hiện lại phong độ đã biến mình thành một bảng hợp đồng kỷ lục thế giới.
 

Với những thất bại trên mặt trận chuyển nhượng, có thể nói việc Fabio Capello đoạt được Scudetto thứ ba liên tiếp vào mùa giải 1993/1994 thật sự là một phép màu, đặc biệt là khi đó Milan chỉ ghi được 36 bàn sau 34 trận. Với những cái tên kiệt xuất ở hàng phòng ngự như Paolo Maldini, Franco Baresi, Mauro Tassotti, Alessandro Costacurta và Filippo Galli, Milan chỉ để lọt lưới vỏn vẹn 15 bàn trong suốt mùa giải.
 

“Chúng tôi đã thi đấu cực kì chắc chắn,” Baresi cho biết. “Capello chuẩn bị cho trận đấu dựa vào việc phân tích từng đối thủ mà chúng tôi sẽ phải đối mặt – ông ấy sẽ xem các video về họ và tìm ra những chiến thuật tốt nhất từ đó. Với Sacchi, chúng tôi thường tập trung vào việc duy trì hàng phòng ngự, còn với Capello, chúng tôi có xu hướng theo kèm các tiền đạo một cách trực tiếp.”
 

“Rất nhiều người trong đám chúng tôi đã thi đấu bên nhau suốt cả sự nghiệp. Giữa chúng tôi có một sự tôn trọng và tình bạn tuyệt vời, chúng tôi thường hay đùa giỡn với nhau - có một thứ đồ uống, một thứ cocktail làm từ Coca Cola, nước khoáng, Polase và đường, mà Tassotti, Galli và Maldini luôn chuẩn bị trước khi các trận đấu diễn ra. Những khoảnh khắc như thế rất quan trọng – chúng giúp cả đám giảm bớt căng thẳng.”
 

Maldini & Baresi

Chính những phương pháp giảm stress như vậy đã góp phần làm nên điều kì diệu trong trận chung kết cúp châu Âu 1994. Nếu Scudetto mùa giải năm đó của họ là một chức vô địch đầy ấn tượng, thì chiến thắng hủy diệt 4-0 trước Barcelona chỉ có thể mô tả bằng ba từ “đáng kinh ngạc”! 
 

Scudetto 1995/1996 cũng chính là chức vô địch quốc nội thứ tư của Milan trong năm mùa giải mà Fabio Capello dẫn dắt. Nhưng sau đó, ông đã rời Italia để đến với Real Madrid, và mùa giải cuối cùng của Franco Baresi đã trở nên vô cùng cay đắng.
 

Mùa giải đó bắt đầu theo một cách rất đáng nhớ, với siêu phẩm của George Weah – rê bóng từ tận vòng cấm địa bên phần sân nhà sang tận khung thành của Verona và ghi bàn. Nhưng Oscar Tabarez là một sự thay thế không thể tệ hại hơn cho Fabio Capello trên băng ghế huấn luyện, và thậm chí ngay cả sự trở lại của Arrigo Sacchi cũng không thể giúp cho các nhà vô địch tránh khỏi bi kịch kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 11. Capello đã trở lại Milan một lần nữa vào mùa giải 1997/1998, nhưng chỉ có thể tại vị một mùa giải và đưa Milan dừng bước ở vị trí … thứ 10.
 

Oliver Bierhoff

Tuy nhiên, Rossoneri đã trở lại đầy mạnh mẽ chỉ sau một năm, khi Alberto Zaccheroni của Udinese được bổ nhiệm làm tân huấn luyện viên. Chân sút người Đức Oliver Bierhoff theo chân ông đến San Siro và ghi 19 bàn để giúp Milan giành được Scudetto thứ năm trong thập kỷ đó.
 

Đó là một chức vô địch mà không ai có thể ngờ đến. “Anh nói đúng, nhưng ngoại trừ chúng tôi ra,” Maldini nói với FFT. “Xét về mặt kỹ thuật của các cầu thủ, chúng tôi không sở hữu một đội hình mạnh như các đối thủ khác – Nhưng chúng tôi đã tìm một ra thứ gì đó để tạo nên chức vô địch năm ấy.”
 

CUỘC CÁCH MẠNG CỦA INTER
 

Ngày 31 tháng 8 năm 1997: Youri Djorkaeff  bước ra từ đường hầm để bắt đầu trận đấu, theo sau anh là Javier Zanetti và tiếp đó là Diego Simeone. Đi cuối cùng, chính là chàng tân binh đến từ Brazil, ngôi sao mà tất cả mọi người đều mong mỏi được nhìn thấy: Ronaldo.
 

Lần đầu tiên kể từ khi ký hợp đồng với tiền đạo người Đan Mạch Harald Nielsen của Bologna vào 30 năm trước, Nerazzurri mới mang về thêm một bảng hợp đồng kỷ lục thế giới khác. 
 

Chủ tịch của Barcelona, ông Josep Lluis Nunez đã tuyên bố Ronaldo sẽ ở lại Camp Nou cả đời sau khi tiền đạo người Brazil nổ súng đến 47 bàn chỉ trong mùa giải đầu tiên đặt chân đến đội bóng xứ Catalan. Nhưng hóa ra đó lại chính là mùa giải duy nhất của anh tại đội bóng này: Inter quyết tâm chi tiền mạnh tay để mang bằng được ngôi sao người Brazil về Giuseppe Meazza, họ đồng ý trả 19.5 triệu bảng để thuyết phục Barcelona nhả anh ra. Rangers cũng rất quan tâm đến Ronaldo, nhưng các đại diện của anh cho rằng đội bóng này đã quá kì quặc khi đề nghị anh ký hợp đồng và chỉ thi đấu cho họ ở các trận Champions League. 

Ronaldo-Maldini-inter-milan
Ronaldo vs Maldini

Người ta dự đoán, trận đấu đầu tiên của Ronaldo cho Inter sẽ là một màn ra mắt nhẹ nhàng, khi đối thủ của họ chỉ là đội bóng vừa thăng hạng Bresica. Tiền đạo người Brazil đã có một cú sút phạt đưa bóng chạm xà ngang đối phương, nhưng sau đó, diễn biến trận đấu đã đi theo một chiều hướng đầy bất ngờ, khi một cầu thủ trẻ vào sân từ băng ghế dự bị tên là Andrea Pirlo đã kiến tạo cho tiền đạo Dario Hubner tung ra cú dứt điểm tung lưới Inter. Với vỏn vẹn 10 phút còn lại, tưởng chừng như Nerazzurri sẽ phải nhận một thất bại đáng xấu hổ.
 

Chàng trai tân binh chính thức tỏa sáng: À không, không phải là anh chàng đầu trọc mà chúng ta đã nhắc đến nãy giờ, mà là một người khác. Alvaro Recoba đến với đội chủ sân Giuseppe Meazza từ Nacional một cách lặng lẽ hơn rất nhiều so với sự đình đám của Ronaldo, nhưng tiền đạo người Uruguay đã mau chóng cướp đi show diễn của gã đồng đội người Brazil – vào sân từ băng ghế dự bị và tung ra một cú nã đại bác đưa bóng vào góc xa khung thành từ khoảng cách 30 yard. Năm phút sau, vẫn là Recoba, thực hiện một cú sút như búa bổ khác bằng chân trái từ pha đá phạt cách khung thành đối phương 30 yard. Đối với Inter, “nhiêu đó” là đủ để tạo nên một chiến thắng lừng lẫy. 

Đó là chiến thắng mở ra sự khởi đầu của một Inter mới, sau thất bại gây shock trong trận chung kết UEFA Cup trước Schalke vài tháng trước, trận thua đã đặt dấu chấm hết cho nhiệm kì của Roy Hodgson tại Nerazzurri. Vô số tiền xu và bật lửa đã được ném ồ ạt về phía vị huấn luyện viên này khi ông rời khỏi sân, nhà cầm quân người Anh mau chóng đưa ra quyết định từ chức, ông đã thất bại trong việc giành lấy sự ủng hộ của cổ động viên và giới báo chí.
 

“Nhiều người chỉ trích rằng, ngay cả khi được dẫn dắt một đội bóng lớn đến vậy, ông ấy cũng không thể đoạt lấy một chức vô địch nào,” Aron Winter, người đã chuyển sang thi đấu cho Inter từ Lazio và thất bại trong lượt sút luân lưu của mình trước Schalke, chia sẻ. “Nhưng theo cá nhân tôi, ông ấy đã làm tốt công việc huấn luyện của mình. Ông ấy là một người tốt.”
 

Inter đã vô địch UEFA Cup hai lần trong thập niên 90: Bộ ba người Đức Lothar Matthaus, Andres Brehme và Jugen Klinsmann đã giúp họ đánh bại Roma  trong trận chung kết năm 1991, trước khi tiếp tục đăng quang sau trận thắng trước Salzburg vào năm 1994 – một mùa giải mà họ đã gặp rất nhiều khó khăn. Mùa giải đó, với việc bảng hợp đồng mang tên Dennis Bergkamp không thể tỏa sáng như kì vọng, lần đầu tiên kể từ khi ra mắt ở Serie A vào năm 1929 Inter Milan chỉ cách nhóm xuống hạng đúng một điểm.
 

Massimo Moratti mau chóng tiếp quản Inter và bắt đầu vung tiền đầu tư – Paul Ince được đưa về từ Manchester United với mức phí chuyển nhượng 7 triệu bảng, anh đã ghi được 13 bàn trong hai mùa giải ở Giuseppe Meazza khi thi đấu ở tuyến giữa. Roberto Carlos cũng gắn bó với Nerazzurri 1 năm – và đã không được hạnh phúc khi Roy Hodgson khăng khăng bảo rằng anh sẽ không thể thành công ở vị trí hậu vệ trái. Ivan Zamorano cũng mau chóng đến với đội bóng áo xanh-đen, trước khi quả bom tấn của Morratti chính thức phát nổ: Ký hợp đồng với Il Fenomeno.
 

“Không ai có thể bàn cãi, Ronaldo chính là người xuất sắc nhất. Cậu ấy thực sự là một hiện tượng,” Winter thừa nhận. “Cậu ấy có thể làm tất cả mọi thứ một cách xuất sắc – chứ không chỉ riêng việc ghi bàn. Cậu ấy là cầu thủ đỉnh nhất mà tôi từng thi đấu cùng.”
 

Sát cánh cùng nhau, họ đã giúp Inter xóa tan đi nỗi đau thất bại trước Schalke trong quá khứ bằng việc giành chức vô địch UEFA Cup ngay trong mùa giải đầu tiên của Ronaldo ở Italia.Tiền đạo người Brazil đã ghi bàn trong chiến thắng 3-0 của Inter trước Lazio tại sân Parc des Princes ở Paris.
 

Inter mau chóng gây tiếng vang lớn một lần nữa vào năm 1999, khi mang về Giuseppe Meazza tiền đạo Christian Vieri từ Lazio với mức phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới – 32,1 triệu bảng (tính theo tiền Italia thì là 80 tỷ Lire). Thật đáng kinh ngạc, Inter chính là câu lạc bộ thứ chín mà Vieri gia nhập chỉ trong chín mùa giải chuyên nghiệp – bao gồm  Torino, Pisa, Ravenna, Venezia, Atalanta, Juventus, Atletico Madrid và Lazio – tại Juventus, anh đã đoạt được một Scudetto vào mùa giải 1996/1997.
 

Cả anh lẫn Ronaldo đều không thể vô địch Serie A trong suốt quãng thời gian gắn bó với Inter, đồng thời, những năm 1990 chính là thập kỷ duy nhất trong lịch sử 109 năm của câu lạc bộ này mà họ không thể vô địch tại giải quốc nội lần nào.

“Tôi không hề hối hận khi đến Inter,” Ronaldo chia sẻ với tờ FFT. “Ở đó, tôi đã được trải qua những kỷ niệm tuyệt vời. Họ không hề có lỗi – và tôi cũng sẽ không đổ lỗi cho họ về những chấn thương mà mình đã gặp phải trên đất Italia. Ai biết được chúng tôi đã có thể đạt được những gì nếu tôi không gặp vấn đề với những chấn thương?”

Nguồn bài viết: Lược dịch từ bài viết  “Serie A in the '90s: when Baggio, Batistuta and Italian football ruled the world” của tác giả Chris Flanagan, được đăng tải trên Fourfourtwo.

Nam Khánh (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cứ để Pratama Arhan ném 

Trước trận đấu quan trọng giữa ĐT Việt Nam vs Indonesia, những quả ném biên của hậu vệ Pratama Arhan được nhắc đến rất nhiều như là vũ khí nguy hiểm nhất của đội khách.

Juventus: Thiago Motta và hơi thở của kẻ chinh phục

Không bùng nổ bằng những trận thắng ngoạn mục nhưng chính sự lì lợm và khả năng chịu đựng đáng nể đang dần biến đội quân của HLV Thiago Motta trở thành một đối thủ khó lường hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi Champions League sẽ bước vào giai đoạn knock-out sau kỳ nghỉ đông.

X
top-arrow