Nhân dịp ĐTQG Argentina – với đầu tàu Lionel Messi – đã giành được tấm vé vào chơi trận chung kết của World Cup 2022, hãy cùng tua ngược thời gian và chiêm ngưỡng lại một trong những màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất, kinh điển nhất của lịch sử ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, đã xuất hiện trên cuộc hành trình chinh phục chức vô địch World Cup gần nhất của La Albiceleste (1986), được tạo nên bởi đầu tàu khi ấy của họ, Diego Maradona.
Đầu tiên là một trong những khoảnh khắc gây tranh cãi nhất trong lịch sử World Cup, sau đó là một trong những pha ghi bàn đẹp nhất trong lịch sử giải đấu danh giá này – hai khoảnh khắc chỉ cách nhau vỏn vẹn 5 phút. Nhưng còn 85 phút còn lại thì sao?
BỐI CẢNH
Argentina được đánh giá là đội cửa trên. Họ đã vượt qua vòng bảng với tư cách là đội đứng đầu bảng A, sau khi đánh bại Hàn Quốc và Bulgaria, hoà với Italy. Ở vòng 16 đội, họ đã vượt qua người hàng xóm Uruguay với tỷ số sát nút 1-0.
Trong khi đó, đội tuyển Anh đã có một sự khởi đầu không thuyết phục. Tam Sư để thua Bồ Đào Nha và hoà Morocco, nhưng họ đã đánh bại được Ba Lan với tỷ số 3-0 trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng, sau đó tiếp tục vượt qua Paraguay ở vòng 16 đội với tỷ số tương tự.
Thời điểm cuộc đối đầu này diễn ra là 4 năm kể từ sau cuộc chiến Falklands kéo dài 74 ngày giữa Argentina và Vương Quốc Anh trên hai vùng lãnh thổ ở Nam Đại Tây Dương. Điều đó đã tạo nên một bối cảnh đặc biệt căng thẳng cho trận đấu tứ kết này ở cả hai quốc gia, và chắc chắn rằng đối với các cầu thủ Argentina nó sẽ có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với các đối thủ của họ.
“Trong các cuộc phỏng vấn trước trận đấu, chúng tôi luôn nói rằng không nên trộn lẫn bóng đá với chính trị,” Maradona kể lại. “Nhưng đó chỉ là nói xạo mà thôi. Chúng tôi đã xem đây là một cơ hội để rửa mối hận chính trị. Mấy lời rêu rao, giảng đạo rằng ‘đó chỉ là một trận đấu bóng đá’ toàn là nhảm c.ứ.t! Ý nghĩa của nó không chỉ đơn thuần là chiến thắng một trận đấu bóng đá, không chỉ đơn thuần là loại được người Anh khỏi World Cup. Có thể nói rằng, chúng tôi đã đổ lỗi cho đám cầu thủ Anh về mọi chuyện đã xảy ra, về tất cả những đau khổ mà người dân Argentina phải nếm trải.”
MARADONA ĐÃ CHƠI HAY ĐẾN THẾ NÀO?
Một màn trình diễn xứng đáng được ca ngợi bằng hai từ “hoàn hảo” – chuyền bóng tinh tế, rê dắt điên rồ, và 2 pha ghi bàn.
Maradona đã xuất hiện ở khắp mọi nơi – lùi sâu để nhận những đường chuyền ngắn từ các cầu thủ kém kỹ thuật hơn của Argentina, nhưng vẫn có mặt ở vùng không gian giữa trung tuyến và tuyến hậu vệ của đối thủ khi bóng đến chân Sergio Batista, người rất được Maradona tin tưởng về khả năng tung ra những pha chọc khe và đưa bóng vào đường chạy của ông. Ông cũng thường xuyên dạt cánh để tìm khoảng trống, liên tục thực hiện các pha phối hợp đập nhả nhanh với các đồng đội và thích đánh gót quả bóng trong khi đang chạy hết tốc lực, khiến các hậu vệ của đội tuyển Anh không biết nên theo người hay theo bóng.
Maradona cũng có thể tung ra những cú sút cực mãn nhãn nữa – đã có một cú sút phạt ở cự ly gần được thực hiện một cách tinh tế đến mức ngay cả cái cách nó vượt qua hàng rào cũng đã mê mẩn lòng người, chứ chưa nói đến việc nó đã suýt thành bàn. Đã có vài pha bóng không tốt, và một quả tạt vô vọng diễn ra vào giữa hiệp một, nhưng ngay cả khi bạn chưa từng xem một trận đấu bóng đá nào trước trận đấu này, bạn vẫn có thể nhận ra rằng Maradona chính là cầu thủ xuất sắc nhất trên sân.
“Cạ cứng” của ông trên sân đấu là Jorge Burruchaga, một tiền đạo cánh trái đầy tốc độ, tuy nhiên ông cũng thường xuyên có những pha phối hợp đập nhả tinh tế với Jorge Valdano, tiền đạo trung tâm của đội.
Chính một trong các tình huống phối hợp giữa hai người họ đã dẫn tới pha ghi bàn khét tiếng với cái tên “Bàn Tay Của Chúa”, mặc dù “đường chuyền” cuối cùng trước khi Maradona đưa bóng vào lưới là đến từ Steve Hodge, người đã lao vào và lấy chân móc quả bóng khỏi Valdano, nhưng lại vô tình đưa nó vào đường chạy của Maradona và bàn tay của ông.
Có một điều gây tò mò là Valdano đã nhiều lần – thực tế là 4 lần – có những cú đỡ bóng bước một trông có vẻ không tốt sau một đường chuyền của Maradona, khiến cho quả bóng nảy lên không trung. Phải chăng là do mặt sân đấu nhấp nhô? Phải chăng là do kỹ thuật đỡ bóng của ông quá tệ? Phải chăng ông đang cố tạo ra một cú vô lê ngoạn mục? Dù sự thật có là gì đi nữa, thì trong tình huống này, cú đỡ bóng của ông đã dẫn tới pha phá bóng của Hodge, mở đường cho Maradona và “Bàn Tay Của Chúa”.
Maradona đã tỉnh bơ như thể ông vừa ghi một bàn thắng hoàn toàn hợp lệ, lao tới khán đài phía xa để ăn mừng trước mặt cha mình. Sau đó, các hậu vệ của đội tuyển Anh đã kịch liệt khiếu nại lỗi dùng tay chơi bóng, còn Maradona thì có một pha ăn mừng hơi thiếu khôn ngoan là liên tục giơ nắm tay trái về phía khán giả, mô phỏng lại cách mà ông ghi bàn.
Valdano đã chạy đến và bảo ông im lặng, vì sợ rằng các trọng tài sẽ phát hiện ra sự thật.
ĐÂU LÀ KHOẢNH KHẮC TUYỆT VỜI NHẤT?
Đương nhiên, đó chính là pha ghi bàn có thể được coi là vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá – Maradona đi bóng qua 5 cầu thủ đối phương (bao gồm Peter Beardsley, Peter Reid, Terry Butcher, Terry Fenwick và thủ môn Peter Shilton) trước khi đưa nó vào lưới.
🙌 El paso a la eternidad: capitán y figura de la Selección 🇦🇷 en la conquista del Mundial de México '86 🇲🇽🏆
— Selección Argentina 🇦🇷 (@Argentina)
Ante 🏴 nos regaló el gol del siglo ⚽😍 ¿Lo recordamos juntos? 👇
Cái cách Maradona rê bóng vượt qua thủ môn Shilton trông có vẻ tràn đầy tự tin sau khi ông đã đánh bại 4 cầu thủ của đội tuyển Anh, nhưng theo như Maradona tiết lộ sau này, vào thời điểm đó, ông đã lo sợ rằng mình sẽ có một pha bỏ lỡ cơ hội ngon ăn giống như trong một trận giao hữu với Tam Sư ở Wembley cách đó 6 năm. Hồi ấy, Maradona cũng đã dẫn bóng vượt qua hàng loạt đối thủ, nhưng sau đó nỗ lực dứt điểm của ông trước thủ môn Ray Clemence đã đưa bóng đi chệch cột xa.
Vào buổi tối sau trận đấu đó, người em trai Hugo đã gọi điện để trách móc ông do đã chọn sút ngay thay vì rê bóng qua nốt Clemence trong khi có rất nhiều khoảng trống để làm vậy.
video (ở giây 55):
Vào thời điểm ấy, Maradona đã rất tức giận vì những lời dạy đời của cậu em trai kém mình 10 tuổi, nhưng nửa thập kỷ sau, ông đã đánh bại một thủ môn người Anh nhờ nghe theo lời khuyên của Hugo, vòng qua Shilton và đưa bóng vào lưới trống dưới áp lực của Butcher.
Không có gì phải nghi ngờ về tính hợp lệ của pha ghi bàn này cả.
NHỮNG KHOẢNH KHẮC BỊ LÃNG QUÊN
Từ quan điểm của người Anh, trận đấu này chắc chắn sẽ được nhớ đến là “cái ngày bọn Argentina quỷ quyệt chơi gian lận để loại đội tuyển Anh khỏi World Cup”.
Tuy nhiên, có một điều đã thường xuyên bị lãng quên, đó là sự thô bạo của đội tuyển Anh trong việc truy cản Maradona.
Điều này đã bắt đầu ngay khi trận đấu mới chỉ trôi qua 2 phút, khi Maradona bị Terry Fenwick “lấy thịt đè người” ngay trước mặt trọng tài ở vòng tròn trung tâm sân đấu. Không có gì quá bất thường trong tình huống đó – Argentina được trao một quả đá phạt, trận đấu nhanh chóng tiếp diễn. Nhưng chỉ 30 giây sau, ông đã bị phạm lỗi lần thứ hai, bởi Peter Reid, lần này Argentina được hưởng một pha đá phạt trực tiếp.
Lối chơi liên tục rê dắt bóng của Maradona đương nhiên sẽ khiến ông thường xuyên bị phạm lỗi, nhưng vấn đề là đội tuyển Anh đã phạm lỗi với Maradona một cách điên cuồng. Phút thứ 8, Maradona đỡ bóng bằng ngực, sau đó vượt qua Kenny Sansom và bị Fenwick đốn ngã với một cú xoạc cắt kéo cực thô bạo.
Vừa trở lại sau án treo giò vì nhận 2 thẻ vàng ở vòng bảng, Fenwick lại tiếp tục phải nhận một chiếc thẻ vàng khác. Trong 82 phút còn lại, ông đã phải đối đầu với cầu thủ rê dắt bóng giỏi nhất thế giới trong khi đã phải nhận 1 thẻ vàng, và trong 82 phút đó, Fenwick xứng đáng phải nhận thẻ đỏ trực tiếp ít nhất 2 lần – với 3 lần cho Maradona “xơi” đòn cùi chỏ, 2 trong 3 lần đó đã khiến số 10 của Argentina phải nhờ tới sự chăm sóc của bác sĩ trước khi tiếp tục thi đấu.
Lần đầu là khi hiệp một còn lại 5 phút.
Lần thứ hai là ở phút 48 của trận đấu
Và lần thứ 3 là vào phút 67.
“Thú vị” nhất chính là lần thứ hai, bởi nó diễn ra vào thời điểm 2 phút trước khi bàn mở tỷ số được ghi – trong một tình huống tranh chấp bóng vô chủ giữa hai người, Fenwick đã tung người lên không trung với một cánh tay giơ cao và khiến cho Maradona phải nằm sân ôm đầu một lần nữa.
Liệu đội tuyển Anh có tư cách để mà phàn nàn không khi mà, chỉ 2 phút sau, Maradona đã thực hiện một pha không chiến khác với một cánh tay giơ cao? Phải chăng Maradona đã được “truyền cảm hứng” bởi Fenwick? Phải chăng ban đầu ông chỉ định trả đũa lối chơi thô bạo của Tam Sư bằng một pha đánh cùi chỏ, nhưng cuối cùng lại tình cờ đưa bóng vào lưới với cánh tay đó?
Fenwick không phải là người duy nhất muốn triệt hạ Maradona. Đã có một pha vào bóng bằng hai chân từ Beardsley, một pha tranh chấp cực rắn từ Reid sau khi bị Maradona dùng kỹ thuật cá nhân điêu luyện để đánh bại, và một pha ngáng chân của Steve Hodge đã làm Maradona lao vào Sansom, khiến số 10 của Argentina phải một lần nữa ôm đầu.
Cách đây 36 năm, những luật lệ và cách làm việc của các trọng tài rất khác thời nay – khi xem lại các trận đấu của thời đó, bạn chắc chắn sẽ bị sốc bởi những pha tắc bóng ghê rợn và việc chúng không bị thổi phạt. Hãy xem toàn bộ 90 phút của trận đấu giữa ĐTQG Argentina và ĐTQG Anh tại World Cup 1986, có thể bạn sẽ cảm thấy hả hê với việc Maradona đã dùng tiểu xảo để đưa bóng vào lưới Tam Sư sau khi chứng kiến những pha truy cản thô bạo mà ông phải hứng chịu.
CHUYỆN GÌ ĐÃ DIỄN RA TIẾP THEO?
Maradona đã có thêm một cú đúp khác trong trận đấu bán kết với đội tuyển Bỉ, và tuy không ghi bàn trong trận chung kết, khi Argentina giành chiến thắng 3-2 trước Tây Đức, nhưng Maradona chính là người đã kiến tạo cho Burruchaga ghi bàn ấn định chiến thắng, với một pha chọc khe có lực hoàn hảo xuyên phá hàng thủ.
Số 10 của Argentina đã kết thúc World Cup 1986 với 5 bàn thắng và 5 pha kiến tạo, ông chính là cầu thủ duy nhất đạt được thành tích này trong lịch sử giải đấu.Ông cũng đã có 53 pha rê dắt bóng thành công, nhiều hơn ít nhất 35 lần so với phần còn lại của giải đấu năm ấy và đây cũng chính là con số cao nhất lịch sử World Cup.
Sau đó, Maradona trở lại Italy để thực hiện một mục tiêu quan trọng không kém gì vô địch World Cup – giúp Napoli có lần đầu tiên giành được Scudetto.
Theo Michael Cox, The Athletic