Đúng là có nhiều lần tôi đã nhận được lời mời ngồi vào chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển Anh. Nhưng tôi đã từ chối chúng vì hai lý do. Trước tiên, bởi vì tôi nghĩ rằng tốt nhất vai trò này nên được giao cho một người Anh đảm nhận. Và thứ hai, bởi vì tôi cảm thấy hạnh phúc tại Arsenal.
Phần 1: P1
Phần 2:
Simon Armitage – nhà thơ: Liệu trong tương lai chúng ta có được nhìn thấy các cầu thủ nam và nữ thi đấu chung với nhau trong cùng một đội bóng Premier League?
Tôi phải nhấn mạnh rằng xu hướng trong 10 năm qua ở Premier League nói riêng và thế giới bóng đá nói chung là một sự chú trọng đặc biệt vào khía cạnh thể lực. Vì vậy, để hiện thực hóa được điều đó thì sẽ phải cần đến sự xuất hiện của những người phụ nữ có thể chất mạnh mẽ phi thường, sở hữu khả năng của một vận động viên chạy 100 mét và kỹ thuật vượt trội. Tại sao không cơ chứ? Tôi không loại trừ khả năng này, nhưng đó sẽ chỉ là một trường hợp rất đặc biệt, chứ chẳng bao giờ xuất hiện một cách thường xuyên được.
Paul Gilroy – viện sĩ: Cuộc sống tại Nhật Bản đã làm thay đổi lăng kính của ông về bóng đá và thẩm mỹ như thế nào?
Nó rất có lợi cho tôi vì đã giúp tôi trở nên cởi mở hơn. Đừng quên tôi đến từ Alsace và từng làm việc ở Monaco; Monaco là một nơi rất khác so với Alsace. Sau đó, tôi làm việc ở Nhật Bản, rồi đến Anh, đây tiếp tục là hai quốc gia rất khác nhau. Những trải nghiệm này sẽ làm bạn trở nên khoan dung hơn và sẵn sàng thấu hiểu người khác hơn. Để hòa hợp với người khác, chúng ta cần phải sẵn sàng dẹp bỏ cái tôi của bản thân và cố gắng hiểu rõ con người đang đứng trước mình. Và đó cũng chính là một phần trong công việc của một nhà cầm quân.
Đó là những gì tôi đã cố gắng làm ở Nhật Bản. Tôi đã cố gắng học tiếng Nhật. Tôi đã nhờ một trợ lý người Nhật giải thích cho mình cách cư xử chuẩn mực tại đất nước này. Đây là một trải nghiệm rất thú vị và hấp dẫn. Tôi gần như đã quyết định mình sẽ không trở lại châu Âu.
Jazzie B – nhạc sĩ: Với tư cách là một người nước ngoài ở cả hai nơi, cuộc sống ở London và cuộc sống ở Nhật Bản khác nhau như thế nào?
Khi chuyển từ Nhật Bản sang Anh, tôi có cảm giác mình đang ở nhà hơn, bởi vì Nhật Bản là một đất nước rất khác biệt. Ngay cả khi anh thực sự thích thú nhiều khía cạnh của nó, anh vẫn sẽ cảm thấy thân thuộc hơn với văn hóa khi đến Anh. Nhưng tôi luôn khuyên các cầu thủ của mình rằng, khi cậu ta là một người nước ngoài ở một nơi nào đó, cậu ta dĩ nhiên sẽ muốn mọi người chấp nhận mình, nhưng cậu ta cũng phải nghĩ: “Khi mình ở đây, mình phải cống hiến nhiều hơn những người bản địa.” Vì vậy, tôi nghĩ chuyện làm việc ở nước ngoài là rất tốt, bởi vì nó sẽ giúp tôi phát triển hơn nữa sự nghiêm khắc và những tiêu chuẩn của bản thân. Tôi cảm thấy rằng, khi mình ở đây, mình phải cống hiến, phải nỗ lực nhiều hơn những người bản địa.
Jeremy Deller – nghệ sĩ: Cuốn sách không liên quan đến bóng đá gần nhất mà ông đọc là gì và ông suy nghĩ như thế nào về nó?
Hiện tại, tôi đang đọc gần xong cuốn Sapiens của Yuval Noah Harari. Tôi đã cố gắng đọc tất cả những thứ có thể giúp mình hiểu rõ về con người hơn. Bên cạnh đó, tôi còn tìm hiểu về cách xã hội vận hành và việc nền dân chủ có thể phát triển như thế nào vào thời điểm này. Bởi vì theo tôi, thế giới đang có một chút rắc rối. Tại FIFA, chúng tôi cũng đã phải đối mặt với điều đó. Và nước Anh, đặc biệt là ở thời điểm này, cũng đang phải đương đầu với rất nhiều vấn đề.
Asif Kapadia – đạo diễn phim: Bộ phim ưa thích của ông là gì?
Có lẽ là Midnight Express, vì tôi từng có một cuộc nghiên cứu về bộ phim này, cũng như mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây, tôi đã xem Bohemian Rhapsody và Rocketman, một bộ phim về Elton John, vì tôi có biết một chút về ông ấy. Nhưng tôi sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn về câu hỏi này, cũng có thể đó là một số bộ phim của Visconti.
Philippe Sands – Luật sư: Vào thời của ông, trong mối quan hệ giữa bóng đá, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc có trải qua sự thay đổi nào không?
Tôi luôn cảm thấy bóng đá có thể đi trước và đưa ra những hình mẫu về cách mà thế giới có thể hoạt động. Tại sao? Bởi vì với bóng đá, anh chẳng cần phải giao tiếp bằng ngôn ngữ. Anh chia sẻ những cảm xúc với cái cách mà mình chơi bóng. Và đó là lý do vì sao anh có thể tập hợp những cầu thủ từ nhiều quốc gia khác nhau thành một đội và cho thấy rằng mọi người có thể cùng nhau đạt được một điều gì đó.
Vì vậy, tôi tin rằng trên mặt trận này, bóng đá có thể đi trước xã hội và trở thành một tấm gương. Tôi chưa bao giờ cảm thấy một chút chủ nghĩa dân tộc nào trong mình cả. Tôi yêu quê hương mình, tôi tôn trọng đất nước mình, nhưng tôi hoàn toàn không cảm thấy như vậy bởi vì tôi xuất thân từ đất nước này, vì cho rằng đất nước này thượng đẳng hơn những đất nước khác.
Jeremy Corbyn – Nghị Sĩ đại diện cho Islington North: Tôi luôn cảm thấy rằng triết lý của ông trong tư cách là một nhà cầm quân đã phản ánh mạnh mẽ những đặc trưng của cộng đồng địa phương. Làm thế nào ông có thể kiên định đến vậy với những nguyên tắc của mình trong một thế giới bóng đá đầy khắc nghiệt?
Nhìn chung, vào ngày nay, chúng ta biết rằng các fan bóng đá yêu đội tuyển quốc gia của họ. Họ có xu hướng yêu thích những câu lạc bộ lớn, và ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình cho câu lạc bộ nơi họ sinh ra, câu lạc bộ địa phương của họ. Arsenal có lợi thế là một câu lạc bộ địa phương có tầm vóc to lớn, nhưng anh vẫn phải tiếp tục nuôi dưỡng thứ tinh thần địa phương đó.
Nhưng đối với hầu hết các câu lạc bộ, sự ủng hộ từ địa phương đang suy yếu đi, đặc biệt là khi anh nhìn xuống những giải đấu hạng thấp. Chính vì vậy, trong số 92 câu lạc bộ Anh hiện nay, chúng ta có 20 câu lạc bộ Premier League, và trong số 72 câu lạc bộ còn lại, có 65 câu lạc bộ đang phải trải qua tình trạng thua lỗ, bởi vì sự ủng hộ từ địa phương đang suy yếu dần.
Spike Lee – đạo diễn phim: Thưa ngài, liệu cầu thủ Arsenal kiệt xuất nhất mọi thời đại, Thierry Henry, sẽ được trao cho cơ hội dẫn dắt the Gunners và đưa chúng ta trở lại với những ngày tháng vinh quang chứ?
Vâng, tôi ước là vậy. Tôi hy vọng Thierry Henry sẽ thành công trong sự nghiệp huấn luyện và nếu cậu ấy đạt được sự thành công với tư cách là một nhà cầm quân, một ngày nào đó cậu ấy có thể sẽ trở lại Arsenal. Nhưng tôi đặc biệt ước rằng chúng ta sẽ vươn mình mạnh mẽ và giành lấy những chức vô địch trước khi điều đó thực sự diễn ra. Ví dụ, hiện tại chúng ta đang có Mikel Arteta là người nắm quyền, tại sao không nghĩ đến việc chạm đến những vinh quang vào ngay thời điểm này? Một câu lạc bộ nhất thiết phải có bản sắc. Bản sắc được hình thành bởi nhiều giá trị và các giá trị đó được mang đến bởi những người sở hữu chúng. Chính vì vậy, đối với tôi, điều quan trọng là Arsenal phải duy trì được tính ổn định ở khía cạnh đó.
Ken Loach – Đạo diễn phim: Rất nhiều người đang cảm thấy vô cùng lo ngại về sự mất cân bằng ngày càng sâu sắc hơn trong thế giới bóng đá, khi các CLB Premier League có thu nhập lên đến hàng triệu, còn những câu lạc bộ chơi ở các giải hạng thấp và bán chuyên phải cực kỳ chật vật để tồn tại, một điểm tương đồng với các ngành công nghiệp và dịch vụ khác, khi hệ thống kinh tế tạo nên sự giàu có tột cùng cho một số ít và tình trạng nghèo khó cho nhiều đối tượng. Các cổ động viên, cầu thủ và huấn luyện viên có thể cùng nhau làm gì để thay đổi tình trạng này?
Well, tôi đã gặp Ken Loach trên một chuyến tàu đến Paris và chúng tôi đã có một cuộc thảo luận nhỏ về những bộ phim và, đúng vậy, ông ấy cũng đã nói rất nhiều về vấn đề giàu nghèo. Ở đời có những người may mắn và những người kém may mắn. Và bóng đá sẽ không thể khắc phục được vấn đề hiện nay – sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu sắc hơn – nếu không giúp đỡ những đối tượng nghèo. Chúng ta không thể để các câu lạc bộ nhỏ chết, trong khi vẫn mơ mộng về một thế giới bóng đá lý tưởng, và tôi tin rằng có một số câu lạc bộ sẽ thực sự chết nếu chúng ta không giúp đỡ họ.
Khi anh dạo bước đến một nơi nào đó và nhìn thấy một sân bóng với những ngôi nhà xung quanh, đó là một nơi lý tưởng để sinh sống. Không có sự hiện hữu của một sân bóng, vậy thì đồng nghĩa đó không phải là một nơi sinh sống lý tưởng. Tuy bóng đá được tổ chức ở những cấp độ cao thấp khác nhau, nhưng tất cả chúng đều là một phần của cộng đồng, một phần của xã hội. Một phần trong ước mơ của nhiều người. Đó là điều mà chúng ta cần phải duy trì dù ở bất kỳ cộng đồng nào
Adrian Dunbar – Diễn viên: Ông có cảm xúc gì khi chứng kiến Manu Petit ghi bàn trong trận chung kết World Cup 1998 (chốt hạ chiến thắng 3-0 của đội tuyển Pháp trước Brazil) ?
Tôi đương nhiên là rất vui mừng rồi, trước hết là với tư cách của một người Pháp. Thứ hai, là bởi vì Manu Petit – một cầu thủ đã không được khoác áo đội tuyển quốc gia một thời gian dài – đã nổ súng. Aimé Jacquet (huấn luyện viên trưởng khi ấy của đội tuyển Pháp) – một người đàn ông rất thông minh – đã lắng nghe nghiêm túc khi tôi nói với ông ấy: “Hãy trao cho cậu ấy cơ hội, ông sẽ không phải thất vọng đâu.” Đối với tôi, Petit đã chơi tuyệt hay ở World Cup 1998 và cậu ấy đã nhận được một món quà hoàn hảo bởi vì, tương tự Patrick Vieira, cậu ấy đã vừa giành được cú đúp danh hiệu với Arsenal, vừa đăng quang ở World Cup. Vậy nên, tất nhiên, tôi đã vô cùng hạnh phúc vào đêm hôm đó.”
Saffron Burrows – Diễn viên: Ông có cảm thấy bản thân đã rời bỏ công việc của cuộc đời mình khi chia tay Arsenal ?
Đúng vậy, dĩ nhiên rồi. Đó là cái kết của một câu chuyện tình. Và đó là khi tôi không thể nói thêm câu nào nữa với “người mình yêu”, không thể tiếp tục đến sân tập, không thể tiếp tục đến sân vận động. Tôi phải ở yên tại nơi mình sống, và tôi chưa bao giờ làm điều đó trong đời cả. Khi bạn gắn bó với một thứ trong 22 năm và rồi đột nhiên dừng lại, chắc chắn là bạn sẽ phải trải qua những cảm xúc không hề dễ chịu chút nào.
Tôi muốn cắt đứt hoàn toàn mối liên kết của mình với câu lạc bộ, bởi vì họ cũng muốn điều đó. Vì vậy, sau khi ra đi, tôi đã quyết định không quay lại (đến sân vận động xem các trận đấu). Nhưng tôi vẫn cổ vũ Arsenal với cùng một niềm đam mê như trước. Bạn làm việc chăm chỉ, bạn nỗ lực làm tốt nhất có thể khi còn tại vị. Và sau khi mọi chuyện kết thúc, bạn không khóc, bạn không phàn nàn và bạn tiếp tục sống cuộc sống mới. Chịu đựng trong sự im lặng, và đó chính là những gì mà tôi đã làm !”
CÁC CÂU HỎI TỪ ĐỘC GIẢ THE GUARDIAN
Stephen – Pháp: Có lời khuyên nào mà ông muốn đưa ra cho Mikel Arteta (huấn luyện viên hiện tại của Arsenal) hay không?
Hãy tiếp tục thể hiện dấu ấn của mình lên đội bóng như cậu ấy đang làm vào lúc này. Và hãy quyết tâm đến tận cùng với những niềm tin của mình. Tôi cho rằng tinh thần đồng đội của họ đang rất tốt và họ có cơ hội để đạt được một thành tích sáng sủa ở mùa giải này. Tôi nghĩ việc cải thiện số điểm mà họ có được ở mùa giải trước là hoàn toàn khả thi. Tôi tin rằng Arsenal có thể nằm trong top 4 ở chiến dịch này, và thậm chí là tốt hơn cả thế. Tại sao không cơ chứ? Đối với tôi, họ hoàn toàn có thể tạo ra sự bất ngờ ở mùa giải 2020/2021: Họ đã mua về những bản hợp đồng chất lượng và làm rất tốt trong việc củng cố hàng thủ. Và họ cũng giữ chân được những cầu thủ xuất sắc nhất, như Aubameyang, người mà tôi đã đưa về trong năm cuối cùng nắm quyền. Họ có mọi yếu tố cần thiết và không có một điểm yếu thực sự nào cả.
Samrat - Ấn Độ: Ông đã phải hứng chịu vô số lời chỉ trích trong xuyên suốt sự nghiệp cầm quân của mình, càng về những năm tháng cuối cùng dẫn dắt Arsenal lại càng nhiều hơn nữa. Liệu có cái nào trong số chúng đặc biệt ảnh hưởng đến ông không?
Tất nhiên, tôi đã bị ảnh hưởng bởi những lời chỉ trích. Bởi vì không một ai có thể tự tin khẳng định rằng mình miễn nhiễm với chúng, đặc biệt là khi bạn cảm thấy mình đã và đang cố gắng hết sức. Những chỉ trích trở nên dữ dội nhất là vào năm 2016, khi chúng tôi về nhì tại Premier League, bởi vì chúng tôi đã không giành được chức vô địch. Và tôi khẳng định rằng nếu việc chúng tôi về nhì diễn ra vào thời điểm này thì thành tích đó sẽ được xem là một sự thành công lớn. Nhưng bởi vì Leicester đã giành chức vô địch, nên mọi đội bóng khác đều “có tội” cả. Nhưng hồi đó họ sở hữu một đội hình siêu hạng và họ chỉ thua 3 trận ở mùa giải ấy.
Gavin Stamp – Kingston upon Thames: Ông đã bao giờ được tiếp cận cho vị trí huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Anh và, nếu có, tại sao ông lại từ chối?
Đúng là có nhiều lần tôi đã nhận được lời mời ngồi vào chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển Anh. Nhưng tôi đã từ chối chúng vì hai lý do. Trước tiên, bởi vì tôi nghĩ rằng tốt nhất vai trò này nên được giao cho một người Anh đảm nhận. Và thứ hai, bởi vì tôi cảm thấy hạnh phúc tại Arsenal.
Bayern, Juventus, Barcelona ... rất nhiều câu lạc bộ đã tiếp cận tôi. Và hôm nay, tôi tự hào về con đường sự nghiệp mà mình đã chọn. Tôi đã phục vụ Arsenal trong giai đoạn câu lạc bộ đang phải vô cùng chật vật với việc trả tiền xây sân vận động mới. Nhiệm vụ không chỉ là giành những chức vô địch, mà còn phải dẫn dắt câu lạc bộ vượt qua một khoảng thời gian rất phức tạp và đi đến đích. Và đó là những gì tôi đã cố gắng làm. Sau đó, mọi người đã chỉ trích: “Ông đã tham quyền cố vị quá lâu.” Có lẽ vậy, nhưng (cười) đó không phải là cảm giác của tôi.
Matt – Highbury: Ông có nghĩ rằng niềm đam mê với bóng đá đẹp đã khiến mình kém thành công và nếu đúng vậy,ông hoàn toàn OK với điều đó ư?
Tôi tin rằng bóng đá ngày nay đang có xu hướng rất chú trọng khâu tổ chức phòng ngự, vì những chuyên gia khoa học đang được trọng dụng tại các đội bóng hơn và thể chất của các cầu thủ cũng đang trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng ở một số giai đoạn trong thế giới thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, những tập thể thi đấu một cách chủ động cần phải được khích lệ. Nếu không chúng ta sẽ rất nhanh chóng cảm thấy nhàm chán.
Dan Graham – Melbourne: Ông đã tạo nên một cuộc cách mạng về chế độ ăn uống và lối sống tại nền bóng đá Anh. Tâm lý học và mindfulness (tỉnh thức) đang là “mốt” hiện nay của thế giới thể thao đỉnh cao. Theo ông thì thứ tiếp theo sẽ thay đổi thế giới thể thao đỉnh cao là gì?
Thứ tiếp theo sẽ thay đổi thế giới thể thao đỉnh cao chính là khoa học thần kinh. Tại sao ư? Bởi vì chúng ta đang ở giai đoạn cuối của quá trình cải thiện tốc độ vật lý. Bước tiếp theo sẽ là cải thiện tốc độ ra quyết định. Tốc độ thực thi, tốc độ phối hợp và đó là khi khoa học thần kinh sẽ đóng một vai trò rất quan trọng. Trong 10 năm qua, sức mạnh và tốc độ của các cầu thủ đã được cải thiện rõ rệt, giờ thì chúng ta đã có những chuyên gia chạy nước rút ở khắp mọi nơi. Bước tiếp theo chắc chắn sẽ là cải thiện tốc độ của bộ não.
Jasmine Baba – London: Ông nghĩ gì về Tottenham?
Không có sự thù địch, nhưng có tinh thần ganh đua. Một trong những việc quan trọng nhất tại Arsenal là bạn luôn phải đánh bại Tottenham. Tinh thần ganh đua là một điều rất quan trọng, miễn là nó không trở nên quá điên rồ. Khi bạn sắp sửa bước vào một cuộc chạm trán với Tottenham, vào đầu tuần, tất cả mọi người đều sẽ lo lắng hơn bình thường một chút.
Ross Hamilton – Belfast: Ai là cầu thủ khiến ông hối tiếc nhất vì đã không ký hợp đồng với anh ta khi có cơ hội để làm điều đó?
Úi! Tôi phải nói rằng không chỉ có một cầu thủ đâu, mà tận 50 người như vậy cơ! Nhưng nổi bật nhất trong số đó là Cristiano Ronaldo, khi cậu ấy gia nhập Manchester United. Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận với Sporting. Nhưng rồi Man United bổ nhiệm Carlos Queiroz vào cương vị trợ lý HLV, tiếp đó họ trả giá cao hơn chúng tôi và nhanh chóng đưa Ronaldo đi. Nhưng về cơ bản, chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận với cậu ấy trước. Ronaldo đã có một áo đấu của Arsenal, tôi cũng đã ăn trưa với Ronaldo và mẹ cậu ấy ở sân tập!
Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ. Trong lịch sử của một đội bóng lớn luôn có rất nhiều những cầu thủ vĩ đại mà họ từng mua hụt!
Ade Solarin – Copenhagen: Nếu có thể quay trở về quá khứ, đâu là điều mà ông sẽ thay đổi thay vì quyết định được đưa ra hồi đó trong trận chung kết Champions League 2006 đối đầu với Barcelona (trong trận đấu này, Robert Pires đã bị rút ra khỏi sân vì hệ quả từ chiếc thẻ đỏ của thủ môn Jens Lehmann và Arsenal thua 2-1)?
(Thở dài) Tôi cũng đã tự hỏi bản thân câu hỏi này rất nhiều lần. Có lẽ tôi sẽ chỉ cho đội chơi với 2 trung vệ trong 13 phút cuối cùng khi chúng tôi đã bị dẫn trước 2-1. Điều khiến cho Champions League mùa giải đó càng trở nên đáng tiếc hơn gấp nhiều lần chính là việc chúng tôi đã đánh bại Real Madrid của Zidane và Ronaldo, chúng tôi cũng đã đánh bại Juventus của Ibrahimović, Trezeguet và Vieira. Chúng tôi đã tiến vào trận chung kết mà không để thủng lưới một bàn nào ở giai đoạn knock-out. Khi bạn phải chơi cả trận chỉ với 10 cầu thủ, bạn nhận thức được rằng 20 phút cuối sẽ cực kỳ khó khăn, đặc biệt là trước một đội bóng như Barcelona. Nhưng chúng tôi đã có hai cơ hội ghi bàn thắng thứ hai và đều bỏ lỡ chúng.
Vì vậy, thất bại đó tạo nên những cảm xúc rất phức tạp. Mọi thất bại từng trải qua trong sự nghiệp đều in sâu vào tâm trí tôi. Và bạn phải cố gắng không nghĩ về những gì mình đáng lẽ nên làm, mà thay vào đó là bạn đã có thể làm những gì?
Matthew Chong – Malaysia: Sau tất cả những tranh cãi xoay quanh World Cup, với tư cách là giám đốc phát triển bóng đá toàn cầu của FIFA, ý tưởng của ông về nhiệm vụ xây dựng lại niềm tin ở các fan hâm mộ là gì?
Đạt được điều đó bằng sự minh bạch. FIFA phải hoàn toàn cởi mở, những sổ sách của họ phải được công khai. FIFA không thuộc sở hữu của những người dẫn dắt FIFA, nó thuộc sở hữu của những người yêu bóng đá.
Tôi tin rằng FIFA cần phải đảm đương một sứ mệnh giáo dục và tôi là người dẫn dắt nhiệm vụ đó. Chúng tôi muốn tiếp cận tất cả mọi người trên khắp thế giới. Hiện tại, bóng đá đã được tổ chức rất tốt ở châu Âu, nhưng tại phần còn lại của thế giới thì không được như thế. Tất cả mọi người đều xứng đáng được trao cơ hội trong môn thể thao này, và FIFA phải tạo điều kiện cho điều đó.
Nguồn: Bài phỏng vấn “Arsène Wenger: ‘I try to read everything that helps me understand human beings’” được thực hiện bởi ký giả Tim Lewis, đăng tải trên The Guardian.