Có một con số rất ấn tượng đã xuất hiện sau chiến thắng 4-0 của Barcelona trước Getafe hôm thứ 7 tuần trước: Ilkay Gundogan đã trở thành cầu thủ đầu tiên ở Top 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu cán mốc tạo ra 100 cơ hội ở mùa giải này.
Khi ngôi sao người Đức gia nhập Barca vào mùa hè năm ngoái, chắc hẳn đã có một số người nghi ngại về thương vụ này; một cầu thủ 33 tuổi gia nhập đội bóng với một bản hợp đồng có thời hạn 3 năm và mức lương hàng năm được đồn đại là 9 triệu Euro sau thuế.
Thời gian sẽ trả lời câu hỏi liệu Barcelona có thể thu lợi lâu dài từ khoản đầu tư này hay không, nhưng hiện tại, sau 8 tháng, đây chắc chắn là một thương vụ tốt về mặt chuyên môn thuần túy. Gundogan đang có 10 pha kiến tạo (nhiều nhất đội) và ghi 5 bàn trên mọi đấu trường. Anh chính là cầu thủ được HLV trưởng Xavi sử dụng nhiều nhất (đã chơi hơn 3000 phút) và cũng là người hiệu quả nhất trên sân đấu. Không một tiền vệ nào khác trong đội hình Barca hiện nay sánh được với chất lượng của những màn trình diễn mà ngôi sao người Đức đã tạo nên.
Tinh thần quyết thắng và khát khao chinh phục những đỉnh cao của Gundogan vẫn chưa hề suy giảm (minh chứng chính là những lời lẽ đầy thất vọng của anh sau thất bại trước Real Madrid trong trận El Clasico hồi tháng 10), và sự linh hoạt của lão tướng 33 tuổi đang giúp giải quyết một số vấn đề lớn nhất của đội chủ sân Camp Nou – đôi khi điều đó khiến Gundogan phải hy sinh phần nào khả năng kiến tạo cơ hội của mình, và chuyện này càng làm cho cột mốc mà anh vừa đạt được hồi cuối tuần trước trở nên ấn tượng hơn.
***
Hãy bắt đầu bằng cách mổ xẻ các số liệu thống kê.
Con số 100 cơ hội mà Gundogan đã tạo ra trên mọi đấu trường cần phải được bối cảnh hóa. Trước hết, ngôi sao người Đức đang chơi cho một đội bóng được tham dự đấu trường châu Âu, vậy nên thời lượng thi đấu của anh lớn hơn rất nhiều cầu thủ khác. Ngoài ra, anh cũng là chân đá phạt chính tại Barca.
Trong số 100 cơ hội đó, có 30 cơ hội đến từ những tình huống cố định – nhưng ngay cả khi bạn trừ đi chúng, thì con số 70 cơ hội mà anh đã tạo ra từ các tình huống mở cũng chỉ đứng sau Phil Foden của Manchester City với khoảng cách không đáng kể (72).
Nếu chúng ta chỉ tính riêng các cầu thủ La Liga, Isco sẽ là cái tên đứng gần với Gundogan nhất về thống kê tạo cơ hội, tuy nhiên chấn thương gân kheo mà ngôi sao người Tây Ban Nha dính phải vào tháng trước có thể sẽ khiến anh phải nghỉ thi đấu trong toàn bộ phần còn lại của mùa giải.
Ngoài ra, trong nhóm Top 10 của La Liga về khía cạnh này, có 5 cái tên Toni Kroos, Alex Baena, Ivan Rakitic, Iago Aspas và Takefusa Kubo là những cầu thủ thường xuyên đảm nhận nhiệm vụ đá phạt tại đội bóng của mình. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào những cơ hội đến từ các tình huống mở, Gundogan thậm chí sẽ càng bỏ xa họ hơn. Jude Bellingham của Real Madrid là cái tên đứng gần ngôi sao người Đức nhất (tạo ra 58 cơ hội từ các tình huống mở), nhưng khoảng cách giữa 2 người họ vẫn là tương đối lớn.
Khi xét riêng trong đội hình Barca, sự bá đạo trong khả năng sáng tạo của Gundogan thậm chí còn rõ ràng hơn. Hậu vệ cánh Joao Cancelo là cái tên có con số thống kê đứng gần anh nhất, với tổng cộng… 37 cơ hội đã tạo ra.
Như đã đề cập, Gundogan chính là cầu thủ mà Xavi sử dụng nhiều nhất, nhưng chắc chắn không có chuyện chỉ nhờ vậy mà ngôi sao người Đức có thể vươn lên đứng đầu BXH về khả năng tạo cơ hội. Kể cả khi xét tần suất trung bình mỗi 90 phút, con số của Gundogan sẽ là 3, còn Cancelo chỉ là 1,5. Cái tên đứng gần anh nhất trong đội hình Barca về chỉ số này là Raphinha (2,8), một cầu thủ có thời lượng ra sân thấp hơn Gundogan đáng kể.
Những con số đó chính là sự xác thực cho một cảm giác đã nhanh chóng được hình thành trong lòng HLV trưởng Barca và ban huấn luyện của ông ở mùa giải này.
“Khi Gundogan có bóng, mọi thứ sẽ tốt lên,” Xavi nhận định sau chiến thắng 5-0 vào tháng 9 trước Royal Antwerp tại đấu trường Champions League. “Cậu ấy đang làm tốt mọi việc, tất cả mọi việc luôn. Nếu chúng tôi chơi tốt, thì đó chính là nhờ những cầu thủ như cậu ấy. Thành thật mà nói, bản hợp đồng của cậu ấy như thể một món quà trời ban vậy. Cậu ấy là một cầu thủ thực sự xuất sắc, xem cậu ấy thi đấu thật vui.”
Ngay trước chiến thắng trước Getafe trên sân nhà vào cuối tuần trước, Xavi đã một lần nữa dành tặng Gundogan những lời khen ngợi. “Gundogan có thể tạo ra sự khác biệt cả trong vai trò một tiền vệ kiến thiết lùi sâu lẫn khi chơi giữa 2 tuyến tiền vệ và hậu vệ của đối thủ. Cậu ấy có thể làm điều đó ở bất cứ đâu,” ông nói. “Cậu ấy đang có một mùa giải tuyệt vời về mặt thống kê, cũng như những đóng góp của mình cho tập thể này. Cậu ấy là một nhân tố then chốt của đội.”
Sự linh hoạt của Gundogan là một yếu tố cực quan trọng đối với Barcelona ở mùa giải này, nhưng việc họ đang dựa dẫm quá nhiều vào điều đó cũng đã phơi bày những điểm yếu của đội bóng này.
Mùa trước, việc Barcelona giành được chức vô địch La Liga phần lớn là nhờ khả năng phòng ngự xuất sắc của họ. Nhưng ở mùa giải này, chính khả năng phòng ngự lại là nguyên nhân then chốt khiến cho tham vọng bảo vệ ngai vương của họ trở nên xa vời.
Barca đang cân nhắc tự sản xuất và phân phối áo đấu của mình khi hợp đồng với Nike hết hạn vào năm 2028.
***
Barcelona (và đặc biệt là Xavi) vốn đã lên kế hoạch chủ yếu sử dụng Gundogan trong vai trò một nguồn sáng tạo ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha tin rằng ngôi sao trẻ 21 tuổi Pedri – người đã phải vật lộn với những chấn thương trong các mùa giải liên tiếp – cần một đối tác đắc lực tại đó.
Nhưng sau 23 trận đã chơi ở La Liga mùa giải này, Gundogan chỉ có 12 lần vào sân để đảm nhận vai trò tiền vệ tấn công. Thay vào đó, anh đã thường xuyên phải chơi thấp hơn thế nhiều.
Vào mùa hè, Xavi đã dự định sử dụng Oriol Romeu làm người thay thế Sergio Busquets đảm đương vai trò tiền vệ mỏ neo – một nhiệm vụ cực kỳ khó nhằn. Tuy đã có những dấu hiệu đầy hứa hẹn trong giai đoạn tập huấn tiền mùa giải, nhưng giờ đây những gì mà Romeu thể hiện đã biến anh thành một gánh nặng trong mắt Xavi.
Đỉnh điểm của sự thất vọng trong Xavi có lẽ chính là những màn trình diễn tối tăm của tiền vệ này trước Porto ở đấu trường Champions League và Mallorca ở La Liga hồi tháng 9. Cả 2 đối thủ trên đều đã được hưởng lợi từ việc pressing Romeu, người đã tỏ ra rất chật vật trong việc tìm kiếm các phương án xử lý bóng.
Đó là lý do Xavi buộc phải bố trí Gundogan vào một vị trí thiên về phòng ngự, còn Romeu thì bị cất lên băng ghế dự bị. Đây không phải là một vị trí mới mẻ đối với ngôi sao người Đức – anh từng đảm nhận nó tại Manchester City – cũng chẳng phải là một vị trí mà anh không thích chơi, nhưng đó không phải là nơi mà Barcelona cần anh nhất.
Một lần nữa, đội chủ sân Camp Nou lại chẳng thể có được những điều mà họ đang tìm kiếm ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ, đây chính là nguyên nhân làm Xavi nảy ra ý tưởng kéo trung vệ Andreas Christensen lên chơi tiền vệ trụ vào tháng trước, và Gundogan được đẩy lên cao hơn để đảm nhận vai trò sở trường của anh.
Christensen có phù hợp 100% với ý tưởng đó không? Chắc chắn là không. Liệu đây có phải là một cái giá đáng trả để giúp Gundogan được chơi gần vòng cấm hơn? Rõ ràng đối với Xavi là có, bởi vì đây chính là kế hoạch của ông trong 5 trận đấu vừa qua.
Mặc dù đã phải chơi tiền vệ phòng ngự trong gần một nửa số trận mà mình đá chính ở mùa giải này, nhưng Gundogan vẫn là người có nhiều đường chuyền đưa bóng vào vòng cấm đối thủ thành công nhất trong đội hình Barcelona (49). Con số của Lamine Yamal là 47, còn Frenkie de Jong và Cancelo đồng hạng ba với con số 33. Ngoài ra, Gundogan cũng là cái tên đứng đầu Barcelona về số đường chuyền phát triển bóng.
Tuy nhiên, điều khiến Xavi phải sắp xếp lại hệ thống của ông không chỉ có khả năng chuyền bóng và sáng tạo của Gundogan, mà còn có kỹ năng xâm nhập vòng cấm của ngôi sao người Đức nữa.
***
Dưới đây chính là 2 ví dụ điển hình.
Trong ảnh chụp bên dưới, được lấy từ trận đấu với Getafe hôm thứ 7 tuần trước, Raphinha đang cầm bóng bên cánh phải, chờ đợi các đồng đội chiếm lĩnh những vị trí hợp lý trước khi thực hiện một quả tạt. Gundogan đang chạy hết tốc lực, đồng thời chỉ tay vào khoảng trống ở phía sau hàng thủ đối phương mà anh định tấn công vào.
Raphinha đã đưa quả bóng đến chính xác khoảng không gian đó, còn Gundogan thì hoàn toàn được tự do nhờ một pha chạy chỗ được căn thời điểm một cách hoàn hảo – nhưng tiếc là anh đã không thể kết nối tốt với đường chuyền của đồng đội người Brazil bằng cú đánh đầu của mình.
Nhìn xa hơn một chút về chuyến làm khách trước Alaves vào ngày 3 tháng 2, chúng ta cũng có thể tìm thấy một ví dụ hay khác về khả năng xâm nhập vòng cấm của Gundogan. Lần này, anh đã đưa được bóng vào lưới.
Trong ảnh chụp bên dưới, Pedri vừa nhận bóng ở cánh trái, Gundogan đã nhanh chóng tham gia tấn công từ dưới sâu sân đấu. Pedri đủ thông minh để đọc tình huống và chờ đồng đội người Đức chạy lên.
Từ vị trí dưới đây, Gundogan giả vờ rằng mình sẽ lao đến cột gần, qua đó đánh lạc hướng hậu vệ Ruben Duarte của Alaves. Đồng thời, anh cũng ra hiệu cho Pedri biết rằng đích đến thực sự của mình sẽ là cột xa, nơi hiện đã có khoảng trống mở ra vì Duarte đã bị dụ bỏ vị trí.
Quả tạt của Pedri đã đưa quả bóng tìm tới chính xác Gundogan, và 1 bàn thắng đã được ghi sau một cú vô lê hoàn hảo.
Không một cầu thủ Barca nào thực hiện những hành động trên tốt hơn Gundogan cả, và Xavi đã chẳng thể nào phớt lờ việc này.
Trong trận đấu lượt đi với Napoli tại vòng 16 đội Champions League gần đây, nhà cầm quân 44 tuổi đã điều chỉnh hệ thống của ông để có thể tận dụng tối đa Gundogan. Ngôi sao người Đức được bố trí đảm nhận vai trò số 10 của đội hình 4-2-3-1, còn Pedri thì phải chơi trong một vai trò hoàn toàn xa lạ là “tiền đạo cánh trái ảo”. Kết quả là Gundogan chính là một trong những cầu thủ chơi hay nhất trên sân trong trận hoà 1-1 hôm 22 tháng 2.
***
Giống như thời còn chơi cho Manchester City – nơi mà anh từng mang băng đội trưởng, Gundogan cũng muốn trở thành một thủ lĩnh tại Barcelona. Tuy chẳng phải thuộc kiểu đội trưởng ăn to nói lớn, nhưng các đồng đội của ngôi sao người Đức tại CLB chủ sân Etihad đã kể rằng tinh thần làm việc của anh và những tiêu chuẩn mà anh đặt ra cả trên sân tập lẫn sân đấu đã nói lên tất cả những điều cần thiết.
Nếu phải chỉ ra một điểm yếu thực sự nghiêm trọng ở Gundogan thì đó sẽ là tốc độ, điều thường bị bộc lộ trong những tình huống chuyển trạng thái từ công sang thủ cần diễn ra thật nhanh. Anh quá già để có thể sắm vai một tiền vệ box-to-box điển hình, và hệ thống pressing vô tổ chức của Barcelona đã thường xuyên đẩy ngôi sao người Đức vào thế khó.
Trước đây, Sergio Busquets cũng từng lâm vào tình cảnh tương tự. Tuy được cho là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử tại vị trí tiền vệ mỏ neo, nhưng Busquets vẫn chẳng thể thoát khỏi những lời chỉ trích trong những mùa giải cuối cùng khoác áo Barcelona. Tuy nhiên, đó lại là những lời chỉ trích rất bất công: Ngay khi cấu trúc đội hình của đội chủ sân Camp Nou bị rối loạn và một lão tướng như Busquets phải bao quát những khoảng không gian rộng lớn, đương nhiên anh sẽ bất lực. Khi mà ngay cả những cầu thủ vĩ đại như Busquets và Gundogan cũng khiến người hâm mộ bực tức, thì những câu hỏi nên được đặt ra cho hệ thống thay vì các cá nhân.
Nhưng chính ngôi sao người Đức cũng không hề cho rằng bản thân hoàn toàn “vô tội” trong tình cảnh ảm đạm hiện tại của Barcelona. “Mỗi người trong chúng tôi đều cần phải cải thiện những đóng góp mà chúng tôi mang tới cho đội bóng. Chúng tôi đang đá đấm với phong độ thấp hơn nhiều so với những kỳ vọng vào đầu mùa giải,” anh khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với tờ báo La Vanguardia của Catalan.
Trên thực tế, các thành viên trong đội hình Barcelona chắc hẳn đều nhận thức được rằng những con số thống kê của Gundogan sẽ còn tốt hơn nữa nếu đội bóng này không quá phung phí các cơ hội trước khung thành. Theo dữ liệu về các trận đấu tại La Liga do Fbref.com tổng hợp, Gundogan chính là cầu thủ có mức chênh lệch giữa 2 chỉ số kiến tạo thực tế và kiến tạo kỳ vọng (xA) lớn nhất (-2,3) tại Barca mùa này, đây chính là minh chứng cho thấy các đồng đội của ngôi sao người Đức đang chuyển hoá những cơ hội mà anh tạo ra với tỷ lệ dưới trung bình.
Lại thêm một con số đáng hổ thẹn khác trong một chiến dịch đã khiến Barcelona phải xem xét lại tình hình thực tế của họ và làm dấy lên nhiều nghi ngờ về dự án dài hạn của CLB này, với việc Xavi đã tuyên bố rằng ông sẽ rời khỏi chiếc ghế HLV trưởng khi mùa giải kết thúc.
Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng to lớn mà Gundogan đang tạo nên chắc chắn là điều mà không một ai có thể bàn cãi cả.
Theo Pol Ballús, The Athletic
(3h00 ngày 4/3)