Vào thời điểm đó, hầu hết các đội lựa chọn một trong hai kiểu đội hình: 5-3-2 thiên về phòng ngự (Italia, Đức,…) hoặc 3-4-3 cho tấn công (Brazil, Pháp, Anh,…).
Các sơ đồ này đều sử dụng một chốt chặn cuối cùng có chỉ có nhiệm duy nhất là cản phá bóng mà ta thường quen gọi là “hậu vệ thòng” hay “hậu vệ quét” (Sweeper - người dọn dẹp), chỉ có người Đức độc đáo hơn với “Libero”, ngoài nhiệm vụ của một “Sweeper”, libero còn phát động và tham gia tấn công, tuy nhiên “đặc sản” này chỉ người Đức mới có vì hiếm cầu thủ nào đá nổi vị trí chạy khắp mặt sân (ngay cả suốt chiều dài lịch sử, đội tuyển Đức cũng chỉ có ba người chơi libero hay là Beckenbauer, Matthaus và Sammer).
Thế nhưng ở World Cup 1986, người Bỉ đã trình làng một kiểu đội hình mới toanh: 4-4-2, bỏ “hậu vệ thòng” nhưng chẳng có “Libero” nào cả. Vì sao vậy: vì 4 hậu vệ dăng ngang của họ rất tiến lui nhịp nhàng và dễ dàng đưa tiền đạo đối phương sập bẫy việt vị.
Bộ tứ hậu vệ của Bỉ thi đấu rất ăn ý thành ra họ không cần một người “dọn dẹp” ở phía sau. Với món “đặc sản” này, tuyển Bỉ đã vào tận Bán kết (thành tích cao nhất của họ tính đến nay tại sân chơi World Cup) và chỉ chịu dừng bước trước một Maradona tinh quái với Jorge Valdano quá nhanh của Argentina đã phá được bẫy việt vị của họ, ở trận tranh giải ba, cặp đôi Platini, Papin của Pháp cũng thi đấu tương tự và người Bỉ đã thua.
Phương án một hộ công thông minh kết hợp một tiền đạo cực nhanh đã “giải mã” được bẫy việt vị của Bỉ, kể từ đó họ bắt đầu yếu đi và sau 2002 thì Bỉ thậm chí đã không được dự World Cup.
Tuy thế, giai đoạn này ghi nhận sơ đồ 4-4-2 và “bẫy việt vị” mà người Bỉ gợi ý đã trở nên phổ biến trên thế giới, bởi không phải đội bóng nào cũng có những cặp đôi Maradona - Jorge Valdano hay Platini - Papin để phá vỡ đội hình chiến thuật này.
Đứng trước tình cảnh thoái trào, người Bỉ đã chọn một con đường liều lĩnh “xóa sạch đánh ván mới”, xây dựng bóng đá trẻ với đội hình thi đấu cùng nhau từ lứa tuổi U và đến nay họ đã gặt hái thành quả lớn, ít nhất cũng đạt tới ngưỡng 1986.
Tại World Cup 2014, đội hình Bỉ đã đồng đều, nhưng sự cứng nhắc trong sơ đồ thi đấu 4-2-3-1 và một chút kém may mắn khi thủ thành mắc lỗi biếu không cho Argentina một bàn đã loại Bỉ ra khỏi cuộc chơi.
Để chuẩn bị cho World Cup lần này, người Bỉ đã lựa chọn một huấn luyện viên khá “dị”: Roberto Martinez, người đã thi đấu nhiều năm đưa một Wigan nhỏ bé thăng từ giải hạng Ba lên Ngoại hạng Anh và sau đó trở thành huấn luyện viên của đội này, tạo nên kỳ tích vô địch cup FA danh giá và có lúc vươn tới Top 5 của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, với đội hình chiến thuật thường xuyên thay đổi thích ứng với hoàn cảnh, bởi lúc ấy Wigan chẳng có danh thủ nào!
Ngay từ vòng đấu loại, rơi vào bảng khá dễ khi chỉ có Bosnia-Herzegovina được xem là đối thủ chính, ngoài sơ đồ chiến thuật chính là 3-4-2-1, Roberto Martinez đã mạnh dạn áp dụng các sơ đồ chiền thuật “kỳ dị” chưa từng đội bóng lớn nào sử dụng: 3-3-2-2; 3-2-2-3, 3-6-1,… nhưng chẳng ai dám chê trách ông khi Bỉ có chiến dịch vòng loại gần như hoàn hảo: thắng 9, hòa 1, ghi được 43 bàn thắng và chỉ để thủng lưới có 6 lần, đoạt vé đi Nga trước 2 vòng.
World Cup 2018, Bỉ lại tiếp tục rơi vào bảng dễ vì họ gần như chỉ có nhiệm vụ cạnh tranh vị trí nhất bảng với Anh, thậm chí đến lượt đấu cuối, hai đội còn “đùn đẩy” nhau vị trí nhất bảng để tránh rơi vào nhánh khó. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Roberto Martinez thể hiện “tài đấu Cup” của mình bằng những đội hình chiến thuật dị thường.
Hai trận đầu, Roberto Martinez lựa chọn đội hình quen thuộc 3-4-2-1 với hai hộ công Mertens và Hazard đá rất gần với Lukaku để tận dụng khả năng tì đè và làm tường của Lukaku.
Chiến thuật này vốn đã hiếm đội nào sử dụng bởi nếu có nhân lực tương tự thì người ta sẽ thường sử dụng đội hình 3-4-3 kinh điển, dễ vận hành hơn rất nhiều.
Nhưng Roberto Martinez thì không nghĩ thế, ông để Mertens và Hazard tự do di chuyển vào trong và hoán đổi vị trí cho nhau liên tục khiến đối thủ khó theo kèm. Một lần nữa Roberto Martinez lại đúng, Bỉ đoạt vé trước vòng đấu cuối - vòng đấu không có gì đáng nói ngoại trừ việc Anujai “trẻ người non dạ” bên phía Bỉ đã đẩy đội nhà vào thế khó khi lập siêu phẩm vào lưới tuyển Anh
Tuy tấn công đẹp mắt và hiệu quả, nhưng rõ ràng sơ đồ chiến thuật này tiềm ẩn nguy cơ về phòng thủ bởi nếu tiền vệ trung tâm Axel Witsel có chút sơ sẩy hay Kevin De Bruyne chuyền sai (dù hiếm khi xảy ra) thì sẽ lộ ra khoảng trống mênh mông ở phía sau vì Bỉ không bố trí tiền vệ đánh chặn và hàng thủ chỉ có ba người. Nếu gặp đối phương nhanh nhẹn, khéo léo thì sẽ rất nguy hiểm.
Người Nhật hẳn nhiên đã đọc thấy điều này và họ cho Bỉ “hai cái tát như trời giáng” ở vòng 1/8. Nhưng Roberto Martinez không phải tay vừa, ông thay một lúc hai cầu thủ Fellaini và Nacer Chadli cao to vào sân, đồng thời đưa Kevin De Bruyne và Hazard ra hai cánh, liên tục câu bóng bổng vào vòng cấm khiến các cầu thủ nhỏ con của Nhật Bản không thể chống đỡ nổi, xuống sức nhanh chóng và bị gỡ hòa 2-2 từ các pha bóng bổng.
Ngay cả phút bù giờ, Roberto Martinez vẫn yêu cầu các cầu thủ tấn công quyết liệt, cố gắng dứt điểm trong 90 phút vì nếu kéo dài thêm hai hiệp phụ sẽ bất lợi trong cuộc đấu với Brazil ở Tứ kết, chưa kể đội còn có thể thua ở loạt luân lưu, và cuối cùng ông lại đúng, với bàn thắng của cầu thủ vào sân thay người Chadli ở những giây phút bù giờ cuối cùng.
Phải chăng những phút cuối trận đấu với Nhật Bản là gợi ý cho Martinez sử dụng sơ đồ 3-2-2-3 cho trận đấu với Brazil, một đội bóng có các cầu thủ nhanh nhẹn, khéo léo nhưng thể hình không vượt trội?
Đúng thế, nhưng thật kỳ dị là khác với những phút cuối trận đấu với Nhật Bản, Martinez bố trí trung phong cắm Lukaku… đá dạt biên, lùi sâu tranh chấp, trong khi Hazard cắm sâu làm chim mồi, kiếm những quả phạt trực tiếp còn Kevin De Bruyne lại di chuyển rộng. Một lần nữa Martinez lại đúng.
Trong một ngày Brazil thiếu vắng tiền vệ đánh chặn Casemiro và người thay thế cho anh, Fernandinho ngồi dự bị quá lâu chưa kịp thích nghi đã chơi khá tệ, thậm chí còn đánh đầu phản lưới nhà, bộ ba tấn công Hazard, De Bruyne và Lukaku đã phá nát thế trận phòng thủ của đối phương, dẫn trước hai bàn và có thế trận tốt, cộng thêm tài năng của thủ môn Thibaut Courtois, Bỉ đã loại được ứng viên số một của giải đấu.
Trận Bán kết sẽ là một “bài toán khó” cho Bỉ bởi Pháp là đội bóng rất đồng đều, Mbape và Grizeman rất nhanh nhẹn, khéo léo trong khi Pogba, Giroud cao to, chơi đầu tốt, ngoài ra Pháp còn có Kante - tiền vệ đánh chặn hay nhất giải đấu tính đến thời điểm này sẽ hạn chế sức tấn công của Hazard, De Bruyne.
Liệu Roberto Martinez sẽ sử dụng đội hình “kì dị” nào, với các vị trí thi đấu hoán đổi khác thường ra sao để giành chiến thắng? Chắc chỉ có ông mới biết!
Hãy tin vào Roberto Martinez với chiến thuật biến hóa và đội hình có đủ khả năng thích nghi với mọi chiến thuật sẽ “giải mã” được Pháp - ứng viên số một tại thời điểm này, thậm chí giành chức vô địch với một sơ đồ chiến thuật “dị thường” nữa trong trận chung kết.
Bài dự thi Ấn tượng World Cup
Tác giả: Lê Ngọc Thành Vinh
Có thể bạn quan tâm
- Bài dự thi "Ấn tượng World Cup 2018": Đường vinh quang không trải hoa hồng
- Bài dự thi World Cup 2018: Tam Sư - Những kẻ lạc đường đến World Cup
- Bài dự thi "Ấn tượng World Cup 2018": World Cup đang tăng độ “nóng”
- Bài dự thi "Ấn tượng World Cup 2018": Tôi nhớ Anh - Edinson Cavani
- Bài dự thi WC 2018: Bóng đá - môn thể thao của tình đoàn kết