Từ Adebayor, Van Persie rồi Frank Lampard và câu chuyện ăn mừng bàn thắng vào lưới đội bóng cũ của họ, người ta mới hiểu thêm được nhiều thứ về đối nhân xử thế ở đời…
Ngày 12 tháng Chín năm 2009, Emmanuel Adebayor ghi bàn vào lưới đội bóng cũ Arsenal khi khoác trên mình màu áo xanh của Manchester City. Không ngần ngại, chân sút ngỗ ngược người Togo “phi” một mạch quãng đường cả trăm mét với nét mặt hằn học đến mức hận thù đến chỗ ngồi của các CĐV Arsenal mà ăn mừng thoả thuê, mà trả lại hết những gì anh đã phải nhận trong những năm tháng không đẹp tại Emirates. Vẻ mặt đầy thích chí, thoả mãn đến mức tàn độc của Adebayor chưa bao giờ phai nhạt trong kí ức của các CĐV Pháo thủ có mặt trên sân City of Manchester lúc ấy.
Ngày 10 tháng Mười Một năm 2013, Robin Van Persie ghi bàn duy nhất kết liễu đội bóng cũ Arsenal trên sân Old Trafford. Không ngần ngại, Van Persie ăn mừng bàn thắng bằng cách giơ cao 2 cánh tay của mình lên trời, ánh mắt hân hoan thấy rõ. Anh nắm chặt nắm đấm tay trong những cái ôm của những người đồng đội Quỷ Đỏ. Sau khi “hoàn thành” phần ăn mừng cùng các đồng đội, chân sút người Hà Lan giơ nắm đấm đắc thắng ấy về phía các CĐV Pháo thủ.
Hình ảnh ăn mừng trong niềm vui bùng nổ của Van Persie sau khi ghi bàn vào lưới Arsenal |
Ngày 21 tháng Chín năm 2014, Frank Lampard vào sân Etihad ở phút thứ 77 như một chiêu bài cuối cùng của Manuel Pellegrini trong bối cảnh Manchester City đang bị Chelsea dẫn trước 1-0 trong thế thiếu người. Pellegrini có lẽ chẳng hi vọng gì lắm vào việc Lampard sẽ nổ súng, mà chỉ muốn các đồng đội cũ của Lampard sẽ có cảm giác gờn gợn gì đó mà chùn chân trong những pha tranh chấp ở khu vực giữa sân. Thế nhưng, Lampard còn làm nhiều được hơn thế: anh nổ súng chỉ 6 phút sau khi được tung vào sân. Bàn thắng ấy mang về 1 điểm cho Man City nhưng cũng cắt đứt mạch thắng của Chelsea. Sau khi ghi bàn, vẻ mặt Lampard chợt thảng thốt. Anh không thể ăn mừng nổi với bàn thắng mình ghi được vào lưới đội bóng ghi dấu thời kì đỉnh cao của mình, và khi ở trong những vòng vây của các đồng đội, Lampard phải bám chặt cả 2 tay vào áo của Milner vì không thể kiềm được cảm xúc. Sau khi rời khỏi vòng tay ấy, người ta thấy vẻ mặt chực khóc đầy tội nghiệp của Lampard. Đã có lúc anh phải lau nước mắt. Cuối trận, số 18 ở lại rất lâu trên thảm cỏ Etihad để chào các cổ động viên cả 2 đội một cách đầy xúc động.
Chúng ta thường hay đánh giá là các cầu thủ có “trung thành” hay không; qua việc họ có ăn mừng khi ghi bàn thắng vào lưới đội bóng cũ hay không. Có một đánh giá cực kì thiên vị rằng nếu một cầu thủ không ăn mừng thì tức là anh ta trung thành. Nếu soi vào trường hợp của Adebayor và Van Persie, người ta sẽ thấy rõ ràng rằng hành động của họ chỉ như là một cách trả lại những gì đã phải nhận ở đội bóng cũ, tức là văn hoá cổ vũ của các CĐV mới quyết định đến hành động của cầu thủ trên sân. Với trường hợp của Adebayor, anh đã phải nhận nhiều điều tiếng trong thời gian chơi cho Pháo thủ, chưa bao giờ là lựa chọn hàng đầu, mà thậm chí đôi khi còn nhận phải những hành vi phân biệt chủng tộc. Với Van Persie, mùa đầu tiên ghi bàn vào lưới Arsenal anh đâu có ăn mừng; nhưng ngay sau khi các CĐV của Pháo thủ tiến hành đốt áo cựu thủ quân của họ và đưa ảnh lên các mạng xã hội, RVP chẳng ngại ngần gì mà tuyên bố: Old Trafford là nhà của tôi, và tôi sẽ ghi bàn vào lưới Arsenal.
Còn với Lampard, anh gắn bó với Chelsea từ khi còn là một tài năng trẻ được đánh giá cao về mặt thái độ hơn là tài năng. Trong quãng thời gian thi đấu cho đội chủ sân Stamford Bridge, L8 luôn luôn được yêu quý bởi các CĐV. Về sau này, khi anh buộc phải ra đi sau 13 năm cống hiến cho Chelsea, thì việc đẩy Lampard đi là quyết định của ông chủ Roman Abramovich chứ cả các cổ động viên, các đồng đội vẫn một mực muốn giữ anh lại nhưng không thể xoay chuyển được ý đồ của Abra, người đã rất “kết” Cesc Fabregas ở thời điểm bấy giờ. Ngay cả khi Lampard ghi bàn kết liễu đội bóng cũ, các CĐV Chelsea vẫn hát vang tên anh trên các khán đài Etihad như thể để chúc mừng đứa con xa xứ. Trong suốt 90 phút tại Etihad, điệp khúc của chính các CĐV Chelsea vang vọng trên các khán đài “Frankie luôn là người chiến thắng, Frankie luôn nằm trong trái tim Chelsea”.
Lampard không tỏ ra vui vẻ gì sau khi ghi bàn vào lưới Chelsea |
Với một lực lượng CĐV như thế, làm gì có cầu thủ nào cầm nổi cảm xúc khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ. Khi được yêu quý, người ta sẽ thấy an toàn, được che chở, bao bọc. Còn khi bị quay lưng, việc các cầu thủ ghi bàn vào lưới đội bóng cũ như thể một lời khẳng định giá trị, một pha trả thủ hoàn toàn hả hê, hay một cách để họ vượt qua chính mình, quên đi quãng thời gian đáng quên của quá khứ.
Theo cách ấy, có vẻ như đội bóng luôn chú trọng “cây nhà lá vườn” như Arsenal lại có lực lượng cổ động viên bản xứ thiếu cách ứng xử và dễ dàng quay lưng với các cầu thủ hơn là lực lượng CĐV của Chelsea, đội bóng vốn nổi tiếng với chính sách lấy tiền mua thành công và quốc tế hoá đội hình. Cứ thế này, rồi sẽ có nhiều thêm những Fabregas, người đã tuyên bố không bao giờ chơi cho đội bóng nào khác ngoài Arsenal nhưng về sau này vẫn về Chelsea để thi đấu.
Thành Nguyễn