Vụ việc Diego Costa tại Chelsea trái ngược với những gì đã xảy ra ở West Ham dù cùng xảy ra tình trạng ngôi sao số 1 “dở chứng”. Việc bác bỏ yêu sách từ chân sút có biệt danh “Quái thú” của HLV Antonio Conte đã gửi đi một thông điệp to lớn.
Chelsea và West Ham đã trải qua hơn 2 tuần đầy ngột ngạt trong phòng thay đồ. Hai ngôi sao sáng giá Diego Costa và Dimitri Payet của họ đã trở thành trung tâm của sự chú ý bởi yêu cầu được chuyển nhượng mà họ đưa ra. Nhưng cách mà các CLB chủ quản của họ nói chung và các HLV trưởng nói riêng xử lý vụ việc thì hoàn toàn khác nhau.
Tại West Ham, Payet nhanh chóng từ người hùng trở thành tội đồ sau khi thông tin anh muốn ra đi trong tháng 1 này được chính HLV Slaven Bilic cung cấp cho báo giới. Theo những gì mà chiến lược gia này phát biểu thì ông cảm thấy vô cùng thất vọng và giận dữ với cách hành xử của người học trò. Ngay sau đó, Payet đã bị loại hoàn toàn khỏi kế hoạch của West Ham từ tập luyện cho tới thi đấu.
Payet đã bị West Ham loại khỏi kế hoạch vì đòi ra đi |
Trong khi đó, đồng nghiệp của Bilic là Antonio Conte lại chọn cho mình một cách làm khác. Trong tất cả những lần trả lời truyền thông, ông chưa một lần tung hê về chuyện Costa đòi ra đi. Điều khiến tiền đạo gốc Brazil phải tập riêng và bị loại khỏi đội hình Chelsea chuẩn bị cho cuộc đấu với Leicester theo lời của nhà cầm quân 47 tuổi là do một chấn thương lưng.
Rõ ràng ở đây đã có một sự bảo vệ của Conte dành cho học trò bởi theo những gì mà báo giới Anh thu thập được thì chấn thương chỉ là cái cớ mà Costa đưa ra để không tiếp tục thi đấu cho Chelsea. Conte biết điều này (có đội ngũ y tế xác nhận) và vô cùng giận dữ đến mức quát vào mặt chân sút 28 tuổi rằng: “Cút sang Trung Quốc ngay”. Nhưng bất chấp sự thật ấy, thuyền trưởng Chelsea vẫn không công khai chỉ trích Costa trước truyền thông vì nhiều lý do.
Chelsea và Conte đã chọn cách hành xử khác với Costa |
Đầu tiên, Conte quan niệm đội bóng là một gia đình và tất cả các thành viên cần luôn luôn đứng về một phía. Conte là người Ý và ở quê hương ông, tình cảm gia đình luôn là thứ quý giá nhất. Ngoài ra, ông cũng không muốn nội bộ rối tung, tình hình trở nên căng thẳng khiến cơ hội vô địch Premier League của Chelsea đang sáng sủa lại tan biến vì những vụ việc không nên xảy ra.
Không phải tới vụ Costa người ta mới biết Conte trọng tình cảm. Từ đầu mùa với việc mời những cầu thủ bị chấn thương như Kurt Zouma tham gia cùng toàn đội trong chuyến du đấu trước mùa giải hay dịp Giáng sinh mua quà cho toàn bộ nhân viên tại Chelsea dù chỉ là những động thái nhỏ nhưng cũng giúp ông tạo sự gắn kết trong CLB của mình. Và anh không cho phép một cá nhân dù có quyền lực lớn bậc nhất phòng thay đồ được phép phá vỡ bầu không khí đoàn kết.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa HLV người Italia dung túng cho học trò |
Conte không chỉ trích trực diện Costa trước báo giới song không đồng nghĩa ông 100% dung túng cho cầu thủ này. Chia sẻ trên Sky Sports, Conte nói nguyên văn: “Tôi luôn nói về việc được giáo dục và tôn trọng. Tôi luôn làm thế với mọi người và yêu cầu phải nhận được thái độ đúng như thế. Nếu ai đó không có thái độ tốt khi tập luyện cũng như các hành vi không tốt, trong một số trường hợp khác nhau, tôi thậm chí có thể giết chết anh ta. Nếu một huấn luyện viên cứ làm ngơ và không muốn làm gì khi những dấu hiệu không tốt từ các cầu thủ, nghĩa là anh ta đã mất quyền kiểm soát trong phòng thay đồ rồi.”
Khác với West Ham dùng “đòn roi” với Payet và bóng gió về chuyện bán anh nếu nhận được đề nghị hợp lý, Chelsea của Conte nghĩ khác. Họ đóng lại cánh cửa Exit của sân Stamford Bridge bất chấp nhận được lời mời chào vô cùng hấp dẫn từ Tianjin Quanjian. Như đại gia Trung Quốc tiết lộ thì họ đã bước đầu đạt được thỏa thuận cá nhân với Costa song Chelsea lại dứt khoát không đồng ý nhả người bất chấp nguy cơ Costa không còn muốn cống hiến.
Lợi ích cho tập thể Chelsea được đặt lên hàng đầu |
Không như Arsenal hơn một thập kỷ qua rơi vào cảnh khốn đốn vì cái gọi là “quyền lực ngôi sao” và mới nhất là West Ham, Chelsea và Conte quyết định chọn cách đối đầu có kiểm soát. Ngoài việc giữ Costa ở lại với CLB, họ cũng muốn anh tiếp tục ra sân và chơi tốt như một sự minh chứng cho sức mạnh tập thể sẽ chiến thắng quyền lực của một cá nhân. Conte là một trong số ít những HLV ở châu Âu hội tụ đủ cả thiết diện vô tư lẫn có nghĩa có tình.
Sẽ tốt hơn cho một CLB khi họ cảm thấy không bị lợi dụng. Trong bóng đá hiện tại, các cầu thủ hiểu rằng họ có “hạn sử dụng” lâu hơn các HLV và cho mình quyền được suy tính cho bản thân. Chelsea và người hâm mộ của họ cần một cầu thủ có thể cung cấp cho họ 20 bàn thắng mỗi mùa. Không dễ để kiếm một người như vậy song cũng không có nghĩa rằng tình trạng một cá nhân chi phối tập thể nên xảy ra.
Nếu Conte mở đường cho Costa ra đi như West Ham và Bilic đã làm với Payet, họ có thể cầm về một nắm tiền song đổi lại là sự bất ổn trong nội bộ khi bất cứ ngôi sao nào khác cũng có thể nhìn vào đó là làm theo những gì họ muốn. Sẽ còn vô số những Payet khác xuất hiện. Đã từng là cầu thủ, Conte hiểu rõ sự cám dỗ của đồng tiền từ các đại gia và không thể tránh khỏi những lúc suy nghĩ lệch lạc. Một sự bốc đồng tương tự tới từ những người có trách nhiệm sẽ chỉ khiến lợi ích của tập thể bị ảnh hưởng mà thôi.
Costa ở lại Chelsea: Cuối cùng bóng đá đã chiến thắng
Tưởng chừng Costa chỉ chờ ngày sang Trung Quốc nhưng cuối cùng điều “phi thường” đã xảy ra. “Gã du côn” lớn lên từ khu ổ chuột Lagarto đã từ chối núi tiền để ở...
Tưởng chừng Costa chỉ chờ ngày sang Trung Quốc nhưng cuối cùng điều “phi thường” đã xảy ra. “Gã du côn” lớn lên từ khu ổ chuột Lagarto đã từ chối núi tiền để ở...
Mạnh Hùng (Theo Thể thao Việt Nam)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan: