Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Góc nhìn về kỳ chuyển nhượng hè lịch sử của Man Utd: Hoảng loạn và ngớ ngẩn

Thứ Ba 02/09/2014 19:06(GMT+7)

 Đó là quan điểm được nêu ra trong một bài viết được đăng tải trên tờ Daily Mail của Martin Samuel, một tay viết kỳ cựu. Xin được gửi đến quý độc giả phần nội dung chính của bài viết này như một góc nhìn khác về chiến dịch mua sắm đình đám của Man Utd mùa hè này:

Ngày 14/5/2012, một ngày sau khi Man United để mất chức vô địch Premier League vào tay đại kình địch láng giềng Man City, Sir Alex Ferguson đã lên tiếng chia sẻ về triết lý phát triển của Man Utd như một cách khôn khéo "dè bỉu" đối thủ: "Chúng tôi sẽ luôn duy trì chiến lược đầu tư vào các cầu thủ trẻ bởi đây là điểm mạnh, là truyền thống tốt đẹp của đội bóng trong nhiều năm trời. Man Utd không như các đội khác khi đem về những cầu thủ đã thực sự thành danh và có bề dày kinh nghiệm đáng kể. Chúng tôi biết Man City kiểu gì cũng chỉ mãi vung vãi tiền một cách ngu ngốc trên TTCN, chi trả những khoản lương lố bịch và nhiều chuyện khác. Tất nhiên họ có quyền làm như thế còn Man Utd sẽ bảo vệ đến cùng triết lý của mình. Đó là chúng tôi chỉ đưa về những cầu thủ thật sự phù hợp, dựa trên nhu cầu thực tế. Những người đó sẽ phải phục vụ lâu dài cho đội bóng chứ không phải chỉ ngắn hạn và phải có khả năng tạo ra phong cách, cá tính cho CLB cũng như sự phấn khích cho các CĐV. Chúng tôi luôn tự hào về những gì đã làm được và sẽ tiếp tục đi trên con đường này".

HLV Van Gaal tỏ ra rất hào hứng bên học trò mới
HLV Van Gaal điên cuồng mua sắm mùa hè này

Đáng buồn thay, Sir Alex đã giải nghệ và những truyền thống tốt đẹp mà ông đã cố gắng duy trì cũng như truyền lại cho đời sau đang dần bị mai một. Man Utd bây giờ đã mang hình ảnh của một Man City từng bị Fergie dè bỉu: trả những khoản phí chuyển nhượng ngu ngốc, những khoản lương lố bịch, mang về những cầu thủ có thể định hình ra diện mạo đặc trưng của đội bóng (chẳng hạn Juan Mata) song chỉ sau chưa đầy một năm, cầu thủ đó lại có nguy cơ bị mất vị trí. Chiến lược chiêu mộ những gương mặt trẻ hoặc chưa thành danh hiện cũng không còn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của đội bóng. Thay vào đó, Man United chú trọng vào những cầu thủ đã ít nhiều khẳng định được mình và kể cả giá cả vượt xa giá trị thực thì họ vẫn dám chơi. Trong quá khứ, chẳng bao giờ có chuyện Man Utd bỏ ra đến hơn 30 triệu bảng để mang về một cầu thủ chưa đến 20 tuổi như Luke Shaw, biến anh chàng này thành sao tuổi teen đắt giá nhất thế giới. Tuy nhiên, không giống Man City, Man United không đầu tư mạnh tay vì tham vọng bá chủ to lớn mà đơn giản, họ buộc phải làm như thế để ngăn lại đà suy thoái không phanh và vùng vẫy thoát khỏi cơn hoảng loạn của nỗi sợ thất bại.

Quyết định đem về Radamel Falcao theo thoả thuận cho mượn khá tốn kém chính là minh chứng cho nhận xét đó và hoàn toàn đi ngược lại tôn chỉ mà Sir Alex hằng theo đuổi kể cả trong thời kỳ đen tối nhất ở đội bóng cũng như muốn Man Utd duy trì mãi như một bản sắc của CLB. Mặc cho Adnan Januzaj không mang quốc tịch Anh, nhưng vẫn có thể khiến Sir Alex cực kỳ tự hào về con đường phát triển bền vững đã vạch ra cho đội bóng. Đó là Man Utd sẽ phải luôn được xây dựng từ gốc, dựa trên nội lực sẵn có chứ không nên quá phụ thuộc vào bên ngoài. Song vị trí của Januzaj ở Man United phiên bản sắp tới là đâu? Làm sao anh có thể cạnh tranh nổi một vị trí trên hàng công với những gương mặt đình đám như Falcao, Juan Mata, Wayne Rooney, Robin van Persie và Angel di Maria?

Không quá khi cho rằng Man Utd đã trải qua kỳ chuyển nhượng hè rất thiếu logic và phi lý. Trừ khi Van Persie lại dính chấn thương dài ngày, bằng không Man United chẳng cần phải bổ sung thêm một tiền đạo đẳng cấp nữa nhưng rốt cuộc họ vẫn bấm bụng chi không ít tiền để mang về Falcao. Thêm vào đó, Man Utd còn chấp nhận việc bị Falcao "dồn ép". Với lý do phải chịu thiệt thòi khi đồng ý gia nhập đội bóng không được tham dự Champions League mùa này tức là đánh mất cơ hội được thi thố ở giải đấu cấp CLB danh giá nhất hành tinh, Falcao đã đòi được hưởng mức lương lên tới gần 18 triệu bảng cho một năm thi đấu, một con số quá kinh khủng.

Tất nhiên những cầu thủ tầm cỡ như Falcao hay Di Maria kiểu gì cũng làm chất lượng Man Utd được nâng cấp đáng kể, nhưng họ rất dễ gây ra những bất ổn nơi nội bộ đội bóng khi vài ngôi sao bị mất vị trí. Mata sẽ đá ở đâu nếu Falcao và Van Persie chơi tiền đạo với Rooney chơi ngay phía sau như một hộ công? Và liệu sự có mặt của Di Maria trong hàng tiền vệ 3 người có phải là quyết định sáng suốt?

Van Gaal luôn khăng khăng bảo vệ đến cùng đấu pháp 3-5-2. Nhưng với những cái tên mới, thì khả năng Rooney và Mata phải lùi xuống chơi như một tiền vệ trung tâm là cực lớn? HLV người Hà Lan có thể là một thiên tài chiến thuật, nhưng không phải là thầy phù thủy mà hoá phép giúp họ dễ dàng thành công ở vai trò mới. Man Utd vốn dĩ đã thừa cầu thủ giỏi ở nhiều vị trí và sự có mặt của các tân binh khiến mọi thứ càng trở nên hỗn loạn chứ chưa chắc đã tạo ra được sự khởi sắc về tổng thể. Van Gaal đang tự mắc kẹt vào một đống lộn xộn khó có đường ra. Sẽ không thể có đủ chỗ cho tất cả những cầu thủ tấn công đắt giá, xuất sắc cả cũ lẫn mới nên Van Gaal buộc lòng phải làm một ai đó phải thất vọng và như thế, những mầm mống nổi loạn nơi phòng thay đồ sẽ có nguy cơ xuất hiện, tác động lớn lên bầu không khí chung, khiến Man Utd thậm chí còn tụt dốc thêm thảm hơn. Thêm vào đó, Man Utd còn phải gánh những khoản chi phí phụ thêm khổng lồ, chưa kể đến chuyện thu hồi vốn từ khoản phí chuyển nhượng đã mất đi.

Blind chính thức trở thành người của MU
Dù đã thừa nhân sự đá cánh trái, Man Utd vẫn mang về thêm Daley Blind

Ferguson đã sai khi nói Man City chỉ biết chi tiền một cách mù quáng. Thực ra, đội bóng áo xanh đã rất khôn ngoạn khi rất tích cực mua sắm, bỏ hàng đống tiền củng cố lực lượng vào những năm trước, lúc đạo luật công bằng tài chính của UEFA chưa có hiệu lực. Giờ nhìn lại, họ đã làm quá đúng và thông minh. 8 cầu thủ (Joe Hart, Vincent Kompany, Pablo Zabaleta, Yaya Toure, David Silva, Samir Nasri, Edin Dzeko và Sergio Aguero) đã có mặt trong lễ mừng danh hiệu vô địch Premier League ở mùa giải 2011-2012, cũng xuất hiện trong trận cuối cùng của đội bóng mùa trước gặp West Ham khi họ chính thức đoạt lấy ngôi vương. Aleksandar Kolarov chỉ là một cầu thủ dự bị vào năm 2012 nhưng lại trở thành chính thức vào năm 2014. Trong khi Joleon Lescott và Gael Clichy thường xuyên ra sân ở năm 2012, nhưng lại chỉ còn là dự bị vào năm 2014. Để sở hữu đội hình dồi dào, có chiều sâu như vậy, Man City đã phải trả cái giá khá đắt, nhưng rất xứng đáng. Sự đúng đắn trên TTCN đã được khẳng định qua thời gian.

Thực ra, Man United khó khăn hơn rất nhiều trong việc tuyển mộ cầu thủ so với Man City. Họ có nhiệm vụ lôi kéo sao trong bối cảnh mất đi "củ cà rốt" Champions League nên độ hấp dẫn giảm đi ít nhiều. Do đó, cái giá phải trả còn đắt hơn rất nhiều mà hiệu quả chưa chắc đã cao bằng.  Về cơ bản, Man Utd vẫn sở hữu tiềm lực tài chính vững mạnh, uy tín và truyền thống lâu đời song việc chỉ xếp thứ 7 mùa trước và không được tham dự các cúp châu Âu đã khiến nền móng của đội có phần lung lay. Những người đến với đội bóng vào lúc này sẽ phần nhiều bị hấp dẫn bởi mức thu nhập chứ không còn đơn thuần chỉ là niềm sung sướng khi được khoác áo một đại gia hùng mạnh. Thế là, Man Utd dần biến thành một Man City như cách đây vài năm khi phải sẵn sàng phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng, đáp ứng mọi yêu cầu về khoản tiền bạc cũng như không ngại vượt khung lương bổng để mong có được sự bổ sung như ý. 

Song thật khó hiểu khi Man United gần như không đề ra được tầm nhìn dài hạn trong việc chuyển nhương. Họ mua sắm rất thiếu tính toán và gần như nhắm mắt nhắm mũi mang về bất cứ ai đồng ý chuyển đến Man Utd. Chẳng hạn họ mang về Luke Shaw, Daley Blind và Marcos Rojo, những người cùng chung sở trường hậu vệ trái và tiền vệ trái, trong khi lại đang rất cần một trung vệ đẳng cấp. Di Maria trên thực tế là một tiền vệ cánh, trong khi nhu cầu thực sự là một tiền vệ trung tâm. Falcao là một tiền đạo, trong khi họ đã sở hữu trong đội hình 2 chân sút đẳng cấp thế giới là Van Persie và Rooney. Những khoản phí chuyển nhượng ngớ ngẩn, những mức lương lố bịch, và đổi lại là một hình "thừa thì vẫn thừa mà thiếu thì vẫn thiếu". Đó đang là bức tranh hiện tại của "Quỷ đỏ".

Thiên Bình

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X