- Mkhitaryan tiết lộ lý do tới M.U
- Mkhitaryan phấn khích với màn trình diễn của M.U
- Màn trình diễn của Mkhitaryan ở trận MU 4-1 West Ham
(Bongda24h) - Chia sẻ trên SkySport, Henrikh Mkhitaryan chia sẻ về cuộc hành trình chan đầy cảm xúc từ một đứa trẻ gầy nhỏ tại Armenia đến một cầu thủ được chơi bóng tại Old Trafford.
Một trong những kỷ niệm đầu đời của tôi là việc cầu xin cha - Hamlet - cho đi cùng và tập luyện bóng đá tại câu lạc bộ của ông ấy lúc bấy giờ tại Pháp. Khi ấy hình như tôi mới 5 tuổi. Tại thập niên 80 trước cả khi tôi ra đời, cha tôi đã thi đấu tại Top League của Liên Xô. Dù nhỏ con nhưng ông ấy lại là một tiền đạo rất nhanh. Tạp chí Quân đội Liên Xô vinh danh ông với giải thưởng "Knight of Attack" vào năm 1984.
Bước ngoặt trong sự nghiệp của Mkhitaryan là quãng thời gian thi đấu ở Dortmund. |
Tới năm 1989 khi tôi mới ra đời chưa lâu, ông ấy tới Pháp do một số xung đột tại Armenia. Cha tôi thi đấu 5 năm trong màu áo Valence tại giải hạng hai Pháp. Tôi thường khóc khi ông ấy ra khỏi nhà tới trung tâm đào tạo. Cứ mỗi sang tôi lại nói: "Ba, cho con đi cùng. Xin ba đấy, cho con đi cùng".
Ở tuổi đó, tôi không thực sự quan tâm đến bóng đá mà chỉ muốn ra ngoài chơi với cha. Nhưng ông ấy không muốn phân tâm trong tập luyện khi cứ phải trông chừng tôi, thế là ông ấy nghĩ ra một cách thật thông minh để đánh lừa tôi. Một buổi sáng, tôi nói: "Ba, cho con đi tập với".
Ông nói: "Không, Henrihk à. Hôm nay ba không đi tập, ba đi siêu thị. Ba về sớm thôi". Ông ấy ra ngoài để đi tập và tôi cứ chờ... và chờ. Vài giờ sau, cha tôi trở lại. Chẳng có túi hàng nào cả. Tôi biết mình bị lừa và bắt đầu khóc.
"Ba lừa con! Ba không đi siêu thị! Ba đi tập bóng".
Thời gian ở cạnh cha rất ý nghĩa nhưng rất ngắn. Khi lên sáu, gia đình tôi trở lại Armenia, một đứa trẻ như tôi thì chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cha dừng chơi bóng rồi ở nhà cả ngày. Cha có một khối u não mà tôi thì chẳng biết. Mọi thứ xảy ra quá nhanh. Một năm sau, ông ấy ra đi mãi mãi. Khi đó tôi còn quá nhỏ để hiểu ý nghĩa thực sự của việc đó.
Khi thấy mẹ và chị khóc, tôi hỏi họ "Ba đâu rồi?" Chẳng ai trả lời. Sau này tôi còn nhớ mẹ tôi giải thích, "Henrikh, ba sẽ không về với chúng ta nữa". Tôi nghĩ, không bao giờ? Không bao giờ là một khái niệm thời gian rất dài với một đứa bé mới lên bảy.
Một năm sau khi cha ra đi, tôi bắt đầu tập bóng đá. Cha là thần tượng, người dẫn lối khi tôi luôn thầm nhủ rằng phải chạy như ông, phải sút như ông. Đến năm 10 tuổi, bóng đá là tất cả với tôi. Tập luyện, đọc, xem băng hình và cả chơi bóng trên PlayStation. Tôi tập trung toàn bộ cho bóng đá. Tôi đặc biệt thích các cầu thủ sáng tạo, những người truyền cảm hứng. Trở thành mẫu cầu thủ giống với Zidane hay Kaka.
Đó là quãng thời gian khó khăn khi mẹ đóng cả hai vai trò trong gia đình, thay thế cho cả sự ra đi của cha. Đó là việc không hề dễ dàng. Mẹ phải giúp tôi đứng dậy và thỉnh thoảng cần có sự cứng rắn của cha. Có lần tôi trở về nhà sau một ngày dài đào tạo rồi hét toáng lên: "Ahhh. Mọi thứ quá khó. Con muốn bỏ bóng đá".
Mkhitaryan đã có trận đấu xuất sắc với hai pha kiến tạo |
Mẹ nói: "Con không được từ bỏ. Con phải tiếp tục, mọi thứ sẽ tốt hơn vào ngày mai".
Sau sự ra đi của cha, mẹ tôi tìm một công việc để nuôi sống gia đình. Bà bắt đầu làm việc tại Liên đoàn Bóng đá Armenia. Mọi thứ trở nên thật sự hài hước khi tôi bắt đầu thi đấu cho tuyển trẻ Armenia. Nếu tôi tỏ thái độ khi thi đấu trên sân, sau trận đấu mẹ sẽ tìm tôi rồi mắng: "Henrihk! Con đang làm cái gì thế. Con phải cư xử đúng hoặc mẹ sẽ gặp rắc rối trong công việc".
"Nhưng mẹ, họ đá con trước mà! Họ..." - Tôi đáp lại nhưng mẹ chỉ cảnh cáo: Không, không! Con phải luôn tỏ ra lịch sự".
Sự ra đi của cha khiến mẹ và chị cố gắng giúp đỡ tôi nhiều hơn. Họ đưa tôi sang Brazil khi 13 tuổi để tập luyện tại Sau Paulo trong bốn tháng. Đó là một trong những khoảng thời gian thú vị nhất trong cuộc đời, bởi lẽ tôi chỉ là một đứa nhóc rụt rè đến từ Armenia và không nói được tiếng Bồ Đào Nha. Nhưng tôi chẳng quan tâm khi cảm thấy mình đang sống tại thiên đường của bóng đá.
Tôi luôn mơ trở thành Kaka và Brazil là quê nhà của thứ bóng đá nghệ thuật mà người dân bản địa vẫn gọi là "ginga". Đó là quãng thời gian rất quan trọng với tôi bởi nó định hình phong cách thi đấu sau này. Khi trở lại Armenia sau 4 tháng, dù vẫn còn gầy và yếu nhưng tôi lại có kỹ thuật rất tốt. Nhiều lúc tôi tự coi mình là Ronaldinho của Armenia.
Tròn 20 tuổi, tôi tới Metalurh Donetsk tại Ukraine. Hai năm sau, tôi tới Shakhtar Donetsk. Nhiều người nói rằng tôi chẳng thể thành công bởi ở câu lạc bộ khi đó sở hữu đến 12 cầu thủ Brazil trong đội hình. Tôi chẳng buồn đáp lại mà chỉ tự cười với bản thân. Trong tâm trí, tôi luôn nghĩ mình một nửa là người Brazil.
Tất nhiên, tôi có những người đồng đội tuyệt vời và ba năm tại Shakhtar thật khó quên. Tôi lập kỷ lục về số bàn thắng ghi được tại Ukrainian Premier League năm 2013, đó là câu trả lời cho những người đánh giá rằng một chàng trai Armenia như tôi chẳng thể thành công tại đây.
Số phận luôn có những sự sắp xếp thật lạ kỳ. Sau mùa giải đó, tôi nhận được lời đề nghị từ Dortmund. Thật trùng hợp, cuộc xung đột tại Donetsk nổ ra sau đó không lâu và sân Shakhtar đóng cửa. Thế là tôi đến Đức. Rào cản không chỉ là một ngôn ngữ mới mà còn là sự khác biệt văn hóa cũng như bầu không khí rất khác so với những gì tôi từng trải qua.
Đó là quãng thời gian rất khó khăn. Mùa giải đầu tiên khá ổn nhưng đến mùa thứ hai lại là thảm họa, không chỉ với tôi mà còn cả câu lạc bộ. Chúng tôi thua rất nhiều và tôi có lúc nghĩ rằng thần may mắn đang ngoảnh mặt đi. Không ghi bàn, không kiến tạo, tôi cực kỳ thất vọng. Ngay từ khi gia nhập với một khoản tiền lớn, tôi đặt áp lực rất lớn lên bản thân.
Huấn luyện viên mới, Thomas Tuchel tới Dormund và thay đổi mọi thứ. Sau mùa giải đó, tôi không nghĩ mình sẽ trở thành ngôi sao. Nhưng Tuchel đã làm được điều đó khi giúp tôi lấy lại niềm vui. Khi bạn buồn, may mắn chẳng thể đến. Đó là điều tôi học được ở Brazil. Khi bạn vui vẻ, mọi thứ sẽ thuận lợi.
Đến mùa hè sau đó, người đại diện gọi cho tôi và báo về sự quan tâm từ Manchester United. Tôi thực sự ngạc nhiên rồi hỏi lại: "Thật à? Không phải là tin đồn chứ?" Khi giấc mơ trở thành sự thật, cảm nhận đầu tiên của bạn là nó... không phải là thật.
Vài ngày sau, Man Utd chính thức xác nhận khi Ed Woodward gọi cho tôi. Khi đó, tôi phải lựa chọn. Ở Dortmund tôi đang có một vị trí rất vững chắc nhưng sự dụ hoặc từ Man Utd quá lớn, tôi không muốn ngồi đó như một ông già rồi sau này phải nuối tiếc. Tôi quyết định ra đi.
Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc đặt lên người chiếc áo đỏ của Manchester United trước buổi tập đầu tiên với câu lạc bộ. Trong những ngày đầu tiên, tôi dính chấn thương và không có nhiều cơ hội thi đấu. Nhưng tôi không từ bỏ khi tiếp tục tập luyện chăm chỉ hàng ngày với niềm tin có thể giúp câu lạc bộ đi đến thành công.
Khi bước trên thảm cỏ Old Trafford, đó không chỉ là sân bóng, đó là sân khấu. Tôi sẽ rất tự hào nếu cha thấy tôi hiện diện trên sân khấu này. Nếu cha còn sống, có lẽ tôi sẽ trở thành một luật sư hoặc bác sĩ. Nhưng giờ tôi tiếp nối cha trở thành một cầu thủ.
Dù có phong cách thi đấu khác nhau nhưng mọi người ở Armenia thường nói rằng những bước chạy của tôi mang dáng dấp của cha. Họ nói: "Henrikh, ánh mắt của cậu rất giống, dáng chạy của cậu rất giống. Cậu khiến tôi nhớ đến Hamlet mỗi khi xuất hiện trên sân".
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan: